Một bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận: Không khí làm thơ vang rền Facebook. Bất kể ai cũng có thể trở thành “nhà thơ mạng”. Khi yêu, khi thổn thức, khi thưởng thức cái đẹp, khi bất bình… đều có thể làm thơ… Dù biết cũng chẳng hy vọng gì ở cái chốn lao xao, nơi vàng thau lẫn lộn (mà thau nhiều hơn vàng) nhưng một khi người ta còn ngụy biện là làm thơ cho vui, còn tự tôn quá mức về tài thơ của mình, không quen nghe những góp ý thẳng thật thì lúc đó, nói như Tiến sĩ Hà Thanh Vân “thơ dở cứ đập vào mắt chúng sinh mà thôi”.



Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ!

HỒ SƠN

Hết hồn là cảm giác sau khi gõ cụm từ “CLB thơ” tại thanh tìm kiếm của Facebook. Bởi vì không mất nhiều thời gian, ngay lập tức xuất hiện cả ngàn kết quả, từ CLB thơ Việt, thơ quê hương, thơ vùng miền, thơ sông núi… cho đến hàng loạt thơ tỉnh thành, quận huyện, phường xã, thôn xóm, thậm chí một xã thôi cũng có hẳn vài CLB.
Không khí làm thơ vang rền Facebook. Bất kể ai cũng có thể trở thành “nhà thơ mạng”. Khi yêu, khi thổn thức, khi thưởng thức cái đẹp, khi bất bình… đều có thể làm thơ. Chẳng ai cấm vì là quyền tự do cá nhân. Buồn buồn, các “nhà thơ mạng” tự liên kết nhau, hội họp ngoài đời thực, rồi thành lập ra vô số các CLB thơ trên Facebook. Có những CLB lập cho vui, để những người yêu thơ và làm thơ được dịp khoe thơ, giao lưu thơ và nói chuyện về thơ. Những cũng có không ít những CLB được lập lên để khoe mẽ, ca tụng nhau…
Trong số đó, rầm rộ nhất có lẽ là CLB thơ F.V.N, với lời hiệu triệu: “Hiện nay, sức ta đã mạnh, người ta đã đông, nhiều bạn thơ FB đã xin tham gia và gần 20 CLB thơ FB, trang thơ FB xin gia nhập mái nhà chung. Để phù hợp với tình hình phát triển của CLB và phù hợp với đặc thù thơ ca trên mạng, chúng ta phải xây dựng CLB vững mạnh đáp ứng phong trào thơ ca FB, của lực lượng sáng tác là các bạn thơ FB”.
Trong bài thơ của một hội viên được sáng tác vào ngày 26-11, ngay khi cơn bão số 9 ảnh hưởng đến TPHCM đăng trên trang này, có lẽ do tức cảnh… sinh thơ, nên những câu thơ cũng đầy tính hiện thực, ngô nghê và cũng… sai chính tả. Đây là một khổ trong bài (nguyên văn): “Bão số chín mây đen vần vũ/ Nước dâng tràn mây phủ gió giông/ Thành phố nước chảy thành dòng/ Lộ xe tắt nghẽn giao thông khổ đời”. Nếu có thời gian, chịu khó ngồi đọc thêm trong CLB thơ kiểu này, có thể nhặt được hàng tá những bài thơ như vậy. Đơn cử là một khổ trong bài thơ đăng ngày 5-12 mới đây của một tài khoản tên là V.C: “Anh đưa em về bên nớ/ Nơi tình vươn tới nảy mầm/ Nơi anh và em thấu thẩm/ Nơi mình… đẹp như bài thơ”. Đọc xong, không hiểu thơ gì cứ trôi tuồn tuột, như thể làm cho xong để đăng lên cho người người xúm nhau vào thả tim vậy!
Trong một lần tình cờ phát hiện ra CLB thơ F.V.N, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân cảm thán trên trang cá nhân của mình: “Lạy trời, Việt Nam có thể chưa thành cường quốc về mọi mặt, nhưng nhất định đã là một cường quốc thơ. Và là người làm thơ thì chẳng bao giờ có lỗi vì làm thơ cũng là một thú vui, lỗi là ở chỗ những bài thơ dở cứ đập vào mắt chúng sinh mà thôi”.
Dù biết cũng chẳng hy vọng gì ở cái chốn lao xao, nơi vàng thau lẫn lộn (mà thau nhiều hơn vàng) nhưng một khi người ta còn ngụy biện là làm thơ cho vui, còn tự tôn quá mức về tài thơ của mình, không quen nghe những góp ý thẳng thật thì lúc đó, nói như Tiến sĩ Hà Thanh Vân “thơ dở cứ đập vào mắt chúng sinh mà thôi”. Và hậu quả nữa là, thơ vốn đã mất giá lại càng khiến người ngoài nhìn vào và lắc đầu ngao ngán, ví von theo kiểu: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ”.



Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng