Suy ngẫm về sự phản giáo dục trong truyện thiếu nhi của NGUYỄN NHẬT ÁNH
Trong lời giới thiệu cuốn sách “Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện thiếu nhi của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”, nhà văn Vũ Hạnh bày...
http://www.lethieunhon.vn/2018/12/suy-ngam-ve-su-phan-giao-duc-trong.html
Không hẹn mà gặp…
VŨ HẠNH
Cách đây không lâu, khoảng chừng gần nửa năm,
khi vào một hiệu sách lớn, tôi gặp một người bạn mới, ông Phùng Thanh Vân. Qua
trao đổi, tôi được biết ông là một nhà giáo, một nhà văn, nay đã cận kề cái tuổi
80 và dẫu với vóc dáng cường tráng, ông vẫn đi lại với một cái gậy. Vốn người
Hà Nam, ông vào Thanh Hóa định cư nhiều năm và sau giải phóng, ông đã ghé lại
Ninh Thuận, trước khi vào thành phố Hồ Chí Minh. Ông nói: “Tôi đi tìm mua các
sách dành cho thiếu nhi vì đã từ lâu, tôi rất quan tâm đến món ăn tinh thần này
của lớp trẻ.”
Tôi thật vui
vì thấy những điều ông nói cũng là điều tôi trăn trở lâu nay. Một sự gặp mặt
thú vị dẫu không hẹn hò. Ông Vân nói tiếp: “Lâu nay, tôi nghe nói nhiều về Nhà
văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông ấy có nhiều tác phẩm ấn hành nhiều lần với số lượng lớn;
đã được nhiều giải thưởng văn học, kể cả Giải thưởng Văn học của ASEAN. Tôi muốn
được đọc và suy ngẫm về những tác phẩm ấy.”
Khi biết tôi cũng đã từng dạy học và viết văn,
ông Vân nói: “Mời bác cùng tôi làm công việc này. Bởi sách của Nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh quá nhiều, chắc chắn tôi không sao đọc hết.” Tôi đáp: “Rất cảm ơn ông
đã mời tôi cùng hợp tác vì đây là một việc làm vừa quý vừa hiếm. Quý vì thẩm định
giá trị của loại sách này không chỉ góp phần trách nhiệm vì lớp trẻ mà đó còn
là vì tương lai của dân tộc. Hiếm thì ông hiểu rõ quá rồi vì rất ít người chịu
khó làm công việc này.”
Vì quá vui và cũng vì trách nhiệm của một Nhà
văn, tôi đã nhận lời.
Nhưng lực bất tòng tâm, ở vào cái tuổi 93, tôi
không còn đủ sức để mà đọc sách và cũng không còn đủ sáng suốt để mà phân tích
nữa rồi. Rất may, sau đó một thời gian, khi đến nhà tôi chơi, ông Vân đã thông
cảm để tôi được nghỉ. Rồi ông mỉm cười và nói:
- Vậy bao giờ
bản thảo của tôi xong, nhờ bác giới thiệu sách nhé!
Tôi đáp:
- Được ông
quan tâm, tôi xin nhận lời.
Lúc bấy giờ tôi nói câu trả lời trên với sự
suy nghĩ về một đối tác xã giao, nhưng thật không ngờ chỉ hơn bốn tháng sau,
ông Vân đã trao cho tôi tập bản thảo của quyển sách này. Ông nói:
- Tôi chỉ chọn
đọc và suy ngẫm về chức năng giáo dục ở những tác phẩm tiêu biểu của Nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh: đó là sách được tái bản nhiều lần; sách được giải thưởng văn học
hoặc được chuyển thể thành phim.
Tôi đã nhận lời thì phải thực hiện. Đọc tập bản
thảo của ông Vân, tôi có hai ngạc nhiên lớn. Một là: Tôi thật không ngờ tác phẩm
của Nguyễn Nhật Ánh lại có quá nhiều sự quái gở như thế và hai là: Với một thời
gian không dài, ông Phùng Thanh Vân đã bỏ công sức đọc đi đọc lại hơn hai nghìn
trang sách của Nguyễn Nhật Ánh để trích dẫn, phân tích rất là cụ thể với nhiều
tham khảo từ các báo đài.
Sau đó, ông cho tôi biết là đã tạm dừng những
việc đang làm dở lại để mỗi ngày ông đọc và viết về truyện thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh, thường là trên 12 tiếng; nhiều đêm chỉ ngủ 4 hoặc 5 giờ. Vợ con ông
đã can ngăn, khuyên nên nghỉ sướng hơn, không nên bỏ nhiều công sức vào cái việc…
vác tù và hàng tổng. Nhưng ông nghĩ rằng trách nhiệm của nhà văn, của nhà giáo
là phải cố gắng hết mình để làm mọi việc có lợi cho dân, cho nước.
Ông Vân kể: Mỗi lần thấy vợ tỏ ý can ngăn, ông
lại đọc to:
“… Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,
mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…” (Hoan hô
chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu) để trấn an vợ.
Và lẽ dĩ nhiên, giá trị của một tác phẩm là do
người đọc quyết định.