Quản lý đất đai ở đô thị, làm sao tránh khỏi sai phạm?
Sau khi nhiều quan chức bị bắt và bị đề nghị kỷ luật, thực trạng bê bối về quản lý đất đai tại TPHCM đã được phơi bày với những trớ trêu ...
http://www.lethieunhon.vn/2018/12/sau-khi-nhieuquan-chuc-bi-bat-va-bi-e.html
Sau khi nhiều
quan chức bị bắt và bị đề nghị kỷ luật, thực trạng bê bối về quản lý đất đai tại
TPHCM đã được phơi bày với những trớ trêu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu
công nghệ cao quận 9, khu dân cư Phước Kiểng – Nhà Bè và nhiều khu đất vàng ở
khu vực trung tâm. Chính ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TPHCM phải cay
đắng thừa nhận 6 “công thức” sai phạm: Thứ nhất, giao đất dự án không qua đấu
thầu. Thứ hai, chỉ định giao đất với giá rẻ. Thứ ba, giao dự án xác định tổng mức
đầu tư không chính xác. Thứ tư, cổ phần hóa với giá bán không phù hợp. Thứ năm,
vật tư cho công trình không đúng chất lượng đăng ký. Thứ sáu, đề án chưa duyệt
đã giao đất sai quy định. Dù diễn giải theo ngôn ngữ hành chính có nhiều khác
biệt, nhưng 6 “công thức” trên đều bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực để ban
phát tài sản công một cách tùy tiện!
QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI Ở
ĐÔ THỊ LÀM SAO TRÁNH KHỎI SAI PHẠM?
LÊ THIẾU NHƠN
Chỉ sau một tuần
lễ ban hành quyết định số 5671/ QĐ-UBND về việc thu hồi khu đất rộng gần 5000
m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn, UBND TPHCM lại ra quyết định khác để… thu hồi quyết
định trên. Đại diện của UBND TPHCM giải thích rằng, khu đất 8-12 Lê Duẩn là vật
chứng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất
thoát, lãng phí” đang được điều tra, nên chưa thể thu hồi để cơ quan công an kê
biên tài sản. Đây có thể nói là một ví dụ cho thấy chính quyền đô thị lớn nhất
phương Nam đang rất lúng túng trong vấn đề giải quyết những sai phạm quản lý đất
đai kéo dài hàng chục năm qua.
Sau khi nhiều
quan chức bị bắt và bị đề nghị kỷ luật, thực trạng bê bối về quản lý đất đai tại
TPHCM đã được phơi bày với những trớ trêu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu
công nghệ cao quận 9, khu dân cư Phước Kiểng – Nhà Bè và nhiều khu đất vàng ở
khu vực trung tâm. Chính ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TPHCM phải cay
đắng thừa nhận 6 “công thức” sai phạm: Thứ nhất, giao đất dự án không qua đấu
thầu. Thứ hai, chỉ định giao đất với giá rẻ. Thứ ba, giao dự án xác định tổng mức
đầu tư không chính xác. Thứ tư, cổ phần hóa với giá bán không phù hợp. Thứ năm,
vật tư cho công trình không đúng chất lượng đăng ký. Thứ sáu, đề án chưa duyệt
đã giao đất sai quy định. Dù diễn giải theo ngôn ngữ hành chính có nhiều khác
biệt, nhưng 6 “công thức” trên đều bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực để ban
phát tài sản công một cách tùy tiện!
Với đặc thù một
đô thị loại đặc biệt, đất đai ở TPHCM rất đa dạng, bao gồm đất của quân đội, đất
của doanh nghiệp Nhà nước, đất của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, đất của
tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội… Cho nên, mỗi loại đất đai đều mang yếu tố
riêng khi lập dự án mới, cần phải có sự suy xét cẩn trọng. Chỉ cần hơi chủ quan
hoặc ít trong sáng, một quyết định giao đất thiếu cân nhắc sẽ dẫn đến nhiều hậu
quả khôn lường. Những cán bộ lãnh đạo TPHCM như Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu
Tín, Đào Anh Kiệt… vướng vòng lao lý đã bị khởi tố trong suốt 3 tháng qua đều
trực tiếp liên quan đến đất đai, là bài học nhãn tiền chua xót.
Đã nhận diện được
6 “công thức” sai phạm như ông Nguyễn Thiện Nhân tổng kết, thì làm sao để chấn
chỉnh công tác quản lý đất đai? Trước hết, phải nhanh chóng rà soát những quy định
chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ trong các văn bản pháp luật mà quan chức có thể lợi
dụng để phê duyệt dự án theo chiều hướng có lợi cho doanh nghiệp quen biết. Tiếp
theo, phải công khai những dự án đất đai đang có kế hoạch chuyển đổi công năng,
để những đơn vị liên quan có thể kiểm tra và giám sát. Bởi lẽ, khoảng cách giữa
hành vi sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ và động cơ câu kết móc ngoặc
tham nhũng, bao giờ cũng rất mong manh. Đừng để sai phạm rồi thu hồi, thì tài sản
Nhà nước đã hao hụt mà niềm tin nhân dân cũng tổn thương!