Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang phán như đinh đóng cột rằng năm 1980: “Đặng Thái Sơn được Giải thưởng Chopin, người Nga cũng đảo lộn suy nghĩ, vì dân mò cua bắt ốc làm sao đánh được Piano đến cái mức mà người châu Âu phải thán phục. Tức là anh ấy trở thành vô địch Giải Chopin với những nghệ sĩ đến từ các nước rất có truyền thống, rất giỏi đánh Piano. Cũng xin thưa rằng cho đến nay Đặng Thái Sơn vẫn là nghệ sĩ được Giải Chopin duy nhất của châu Á, Nhật chưa có, Trung Quốc chưa có, Hàn Quốc cũng chưa có”. Bởi ông hoàn toàn không biết sau Đặng Thái Sơn, tại Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin đã có hai nghệ sĩ người châu Á được trao giải Nhất, đó là: Li Yundi người Trung Quốc - giải Nhất năm 2000, và Seong-Jin Cho - người Hàn Quốc - giải Nhất năm 2015



PHÁN BỪA KIỂU GIÁO SƯ TIẾN SĨ

NGUYỄN HÒA

Đầu tháng 11.2018, thấy VTV1 quảng bá chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề “Những khoảnh khắc tạc vào năm tháng”, tôi rất háo hức. Chẳng gì thì với tôi văn học Nga, âm nhạc Nga, điện ảnh Nga,… như đã “ăn vào máu”. Thế nên khi chương trình phát trực tiếp trên TV, tôi chăm chú ngồi xem. Xem được một lát thấy chán, đúng lúc đó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang xuất hiện, tôi nán thêm tý chút xem ông nói gì. Đến đoạn ông phán như đinh đóng cột rằng năm 1980: “Đặng Thái Sơn được Giải thưởng Chopin, người Nga cũng đảo lộn suy nghĩ, vì dân mò cua bắt ốc làm sao đánh được Piano đến cái mức mà người châu Âu phải thán phục. Tức là anh ấy trở thành vô địch Giải Chopin với những nghệ sĩ đến từ các nước rất có truyền thống, rất giỏi đánh Piano. Cũng xin thưa rằng cho đến nay Đặng Thái Sơn vẫn là nghệ sĩ được Giải Chopin duy nhất của châu Á, Nhật chưa có, Trung Quốc chưa có, Hàn Quốc cũng chưa có” thì tôi chán hẳn, chuyển sang Youtube tìm phim xem còn hơn! Tôi chán vì trước người xem trên cả nước, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang đã xưng xưng phán bừa. Bởi ông hoàn toàn không biết sau Đặng Thái Sơn, tại Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin đã có hai nghệ sĩ người châu Á được trao giải Nhất, đó là: Li Yundi người Trung Quốc - giải Nhất năm 2000, và Seong-Jin Cho - người Hàn Quốc - giải Nhất năm 2015!

                                 


Ông Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang khiến tôi nhớ tới ông Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, người lâu nay thường được coi là chuyên gia nghiên cứu văn hóa hàng đầu ở Việt Nam. Chẳng là mấy năm trước, trong một bài phỏng vấn, với câu hỏi của phóng viên:
- Gần đây dư luận đang xôn xao về vụ việc “người rừng” trở về. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư nhận định như thế nào về trường hợp này?
Ông trả lời như sau:
- Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe.
Câu trả lời của ông làm tôi kinh ngạc! Chẳng lẽ Giáo sư Tiến sĩ Khoa học chuyên gia nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm lại không biết Tarzan là nhận vật hư cấu của điện ảnh, Robinson Crusoe là nhân vật hư cấu của văn chương? Hay, một kẻ không chức danh, không học vị, cũng không phải là chuyên gia như tôi với tất cả sự dốt nát, ấu trĩ của mình chỉ biết không thể đánh đồng nhân vật hư cấu trong nghệ thuật với con người thực trong cuộc sống thực, nên không có khả năng thấu cảm được điều chỉ có tầm cỡ Giáo sư Tiến sĩ Khoa học mới phát hiện được rằng Tarzan, Robinson Crusoe là “trường hợp kinh điển” trong lịch sử nhân loại?!

(Ghi chú:
1. Đoạn Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang nói mà tôi dẫn lại bắt đầu từ 48 phút 50 giây đến 49 phút 24 giây trong videoclip ở link dưới đây:
2. Link một số địa chỉ còn lưu trả lời phỏng vấn của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm về “người rừng”: