Thời gian gần đây con đường Nguyễn Văn Chiêm nầy được lên báo, phương tiện truyền thông không phải vì thành tích dành được lề đường cho nhân dân mà là vì một khu đất vàng liên quan đến một cựu quan anh của thành phố với một công ty có tên rất là bông hoa nhỏ “Hoa Tháng Năm” trong vụ lùm xùm đất vàng 8-12 Lê Duẩn. Chuyện ăn uống từ dự án đất vàng thì để nhà nước tính còn ăn uống lề đường, sau lưng khu đất vàng cần thì bàn tới con đường Nguyễn Văn Chiêm một chút nghe chơi.


CHIÊM CÓ Ê HAY KHÔNG CÓ Ê?

LÊ VĂN NGHĨA

Con đường nhỏ dài chưa đầy 100 mét nhưng thuộc loại là một con đường lớn- mà các đại gia ở Sài gòn hay tụ tập. Ấy là con đường mang tên Nguyễn Văn Chiêm, bên tay mặt (từ hướng Phạm Ngọc Thạch đi vào) là Diamond Plaza, bên tay trái là sân quần vợt của Nhà Văn Hóa TN. Đi lên phía trên một chút là nhà hàng T.N- nơi ăn sáng, ăn trưa bàn công việc của rất nhiều đại gia. Nhiều lần tôi đã gặp trùm xã hội đen N.C ngồi ăn sáng cùng đệ tử. Thi thoảng tôi cũng gặp cả giới chính trị gia hay kinh doanh như T.L.N của Kim Đô ngồi gần hết buổi sáng hoặc ăn trưa.
Rồi một thời gian sau, để tiện phục vụ ăn uống lề đường cho người dân , UBNDTP chọn con đường nầy để mở khu buôn bán thức ăn đường phố vào tháng 8 năm 2017. “Cạnh tranh” với nhà hàng T.N là khu bán hàng ăn sáng lề đường, giá rẻ dành cho người lao động. Bởi vậy, khu lề đường Nguyễn Văn Chiêm ăm sáng, ăn trưa, ăn tối tấp nập người dân buôn bán, hay dân công sở chung quanh khu vực nầy. Con đường nhỏ như vung, bây giờ không còn chỉ dành riêng cho xe hơi láng xì cóng, đát tiền của các thiếu gia, đại gia nữa vì bây giờ dân “thiếu thịt” cũng được chen vai thích cánh cùng chốn lề đường.
Thời gian gần đây con đường Nguyễn Văn Chiêm nầy được lên báo, phương tiện truyền thông không phải vì thành tích dành được lề đường cho nhân dân mà là vì một khu đất vàng liên quan đến một cựu quan anh của thành phố với một công ty có tên rất là bông hoa nhỏ “Hoa Tháng Năm” trong vụ lùm xùm đất vàng 8-12 Lê Duẩn. Chuyện ăn uống từ dự án đất vàng thì để nhà nước tính còn ăn uống lề đường, sau lưng khu đất vàng cần thì bàn tới con đường Nguyễn Văn Chiêm một chút nghe chơi.
 Nhiều sử gia lề đường cắc cớ hỏi Mr. Nguyễn Văn Chiêm nầy là ai? Nhân vật lịch sử kháng chiến chống Mỹ-Chống Pháp hay chống giặc Minh? Là danh nhân văn hóa thuộc lãnh vực văn chương, giáo dục thời kỳ nào? Ngay cả quyển Đường Phố TPHCM (NXB VHTT năm 2001) cũng chẳng đái hoài đề cập.
Có lẽ đây là con đường duy nhất của Việt Nam mang tên một nhà thể thao ?Tìm trong tư liệu đây đó thì được biết con đường nầy mang tên một nhà vô địch quần vợt đầu tiên của VN tên là Nguyễn Văn Chim (1899-1952) . Tôi được biết tên ông Chim và cùng một tay vợt khác nữa là Giao (Huỳnh Văn Giao) từ quyển Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng khi nhà văn nầy nói về ước mơ của Xuân Tóc Đỏ là trở thành Chim và Giao trong môn “ban quần”. Đó là trong tiểu thuyết còn trong báo Phụ Nữ Tân Văn 1/8/1929: “ Hai tay đánh banh vợt đại tài của ta là Chim giao bữa trước còn tức khí với nhau người nầy hon người kia, cho nên ngày thứ bảy 20 /6 mới rồi, hai bên thử tài nhau những 5 set. Bữa đó Chim đã thắng giao vậy đủ chứng rõ rằng trong nghề múa vợt, Giao chưa hơn thầy học của mình. Chim nổi danh đến nổi tên đã được dùng để quảng cáo bán vợt trên báo Écho Annamite ngày 9 tháng 9 1927 “Các vợt của Lamquang và Chim được làm theo những dữ kiện từ vợt của hai nhà đại vô địch Nam Kỳ của chúng ta. Lâm Quang Vinh và Chim đã thắng vẻ vang trên khắp Nam Kỳ. Bởi những đặc trưng mới, đã thu hút sự chú ý của các nhà chơi thể thao quần vợt mong muốn cải thiện lúc mình chơi quần vợt đánh với vận tốc thật nhanh. Quí vị hãy chơi với hai cây vợt này của Lam quang và Chim! Tên tuổi của họ là đủ quảng cáo cây vợt rồi. Đây là những cây vợt đánh hơn hết tất cả.
Tháng 8 năm 29 Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao được mời tranh giải quần vợt Malya tại Singapor.  Sự kiện nầy được dân ái mộ thể thao nam kỳ ủng hộ. Ba kép hát của gánh Trần Đắt đã trình diễn ngày 30/6/29 ở nhà hát gây quỹ cho hai nhà thể thao Chim và Giao đi dự giải quần vợt Malaya. ( L’art Au Service du Sport. Théâtre et tennis –A soirée de “Cailuong” du 30 juin conrant, au profit de l’équipe indochinoise du championnat de Malaisie) (theo Nguyễn Đức Hiệp)
Rồi cũng trên tờ báo nầy ngày 22.8.1929 đã cho biết vài dòng “Chim và Giao qua Mã Lai đánh banh vợt, giựt được chức quân quần đánh đôi, đã trở về nước hôm 10/8.” Trước đó, ở trong nước cặp Chim –Giao đã hạ các tay vợt vô địch người Pháp nổi danh như Cochet, Tilden…
Vẫn theo tài liệu của ông Nguyễn Đức Hiệp thì "Năm 1931, với danh tiếng vô địch quần vợt Đông Dương, Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao được mời qua Pháp và Anh tham dự hai giải Grand Slam lớn nhất mà tất cả các tay quần vợt trên thế giới đều mơ ước được tham dự: giải quần vợt mở rộng Pháp (French Open) và giải Wimbledon ở Anh. Đây là lần đầu tiên có hai người Việt Nam tham dự các giải Grand Slam.
Nguyễn Văn Chim đánh với Jean Borotra, tay vợt nổi tiếng của Pháp, một trong “4 chàng ngự lâm pháo thủ” (4 mousquetaires) thời đó, vô địch 15 lần hai giải Grand Slam (9 lần vô địch giải quần vợt mở rộng Pháp và 6 lần vô địch giải Wimbledon). Với một đối thủ như vậy Chim tuy thua 4-6, 3-6, 3-6 nhưng đã gây ấn tượng trong giới quần vợt thế giới”

Khi mất, ông Nguyễn Văn Chim đã được dựng tượng và chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Vào tháng 10/1955, tên ông đã được chính quyền VNCH dùng để thay tên cho đường Mac Pourpe (trước đó là đường Square) thời Pháp thuộc. Nhưng có điều là không biết tại sao từ Nguyễn Văn Chim đã biến thành Nguyễn Văn Chiêm? Hay là những người đặt tên đường ngày xưa nghĩ rằng tên đường là Chim thì …ngại các chị em mắc cỡ khi hẹn hò với người yêu ở con đường nầy-đành cho ê vào. Khi phát âm thì Chim hay Chiêm gì cũng na ná như nhau mà. Chỉ khác nhau khi viết là có dư thêm chữ ê mà thôi!