Tham nhũng đã được xác định là quốc nạn, cản trả sự tiến bộ của dân tộc. Ngoài những biện pháp mạnh về truyền thông và pháp lý, hành trình chống tham nhũng cũng có sự tham gia tích cực của các loại hình nghệ thuật. Văn học, điện ảnh, sân khấu đều vào cuộc khá hào hứng. Tuy nhiên, thành công ở đề tài này vẫn còn khá khiêm tốn. Thật sự, ngoài tài năng thì tác phẩm chống tham nhũng còn đòi hỏi sự can trường và dũng cảm của chính tác giả. Đề tài tham nhũng là cánh cửa rộng, nhưng ít người dám xung phong…



NGHỆ SĨ NÀO DÁM XUNG PHONG CHỐNG THAM NHŨNG?

TUY HÒA

Chỉ qua 4 tháng phát động, cuộc thi vẽ biếm họa chủ đề “Phòng chống tham nhũng” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, đã nhận được 518 tác phẩm từ khắp nơi trên cả nước gửi về tham dự. 158 tác phẩm đã được chọn để giới thiệu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gây hứng thú đặc biệt cho công chúng. Dù không có tác phẩm được trao giải nhất, nhưng 3 giải nhì thuộc về tác giả Trần Hải Nam với tác phẩm “Sự thật phũ phàng”, tác giả Hà Xuân Nồng với tác phẩm “Tìm trách nhiệm” và tác giả Lê Đức Hùng với tác phẩm “Dân chơi 4.0” ít nhiều chứng minh giới họa sĩ chuyên vẽ trào phúng cũng có cảm hứng đặc biệt về những biểu hiện tham nhũng trong xã hội.

                                            

Họa sĩ Vi Kiến Thành với tư cách Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng. Cuộc vận động sáng tác và tổ chức triển lãm tranh biếm họa về đề tài tham nhũng chính là để hưởng ứng tinh thần đó. Triển lãm cũng mong muốn góp một tiếng nói phê phán cái sai, nhằm mục đích hướng thiện và nhân văn của những người làm nghệ thuật vào công cuộc phòng, chống tham nhũng”. Còn họa sĩ Lý Trực Dũng cả đời tâm huyết với thể loại biếm họa, chia sẻ: “Tranh biếm họa về tham nhũng chỉ xuất hiện hơn chục năm nay, khi mà tham nhũng trở thành một câu chuyện nóng trong đời sống xã hội. Trước đây, các họa sĩ có vẽ biếm họa là vẽ về các lĩnh vực khác, kiểu như chuyện cửa quyền, hống hách... Chúng ta đều biết chống tham nhũng là việc khó khăn như thế nào, cho lên triển lãm tranh biếm họa về chủ đề này cũng không dễ. Song từ cuộc triển lãm này cũng cho thấy, khi có chủ trương và nhiều người ủng hộ thì chắc chắn là sẽ có nhiều tranh chống tham nhũng hay…”.

Tham nhũng đã được xác định là quốc nạn, cản trả sự tiến bộ của dân tộc. Ngoài những biện pháp mạnh về truyền thông và pháp lý, hành trình chống tham nhũng cũng có sự tham gia tích cực của các loại hình nghệ thuật. Văn học, điện ảnh, sân khấu đều vào cuộc khá hào hứng. Tuy nhiên, thành công ở đề tài này vẫn còn khá khiêm tốn. Thật sự, ngoài tài năng thì tác phẩm chống tham nhũng còn đòi hỏi sự can trường và dũng cảm của chính tác giả. Đề tài tham nhũng là cánh cửa rộng, nhưng ít người dám xung phong. Vì vậy, làng nghệ thuật ở nước ta chưa có những đòn tấn công trực diện vào tệ nạn tham nhũng mạnh mẽ và quyết liệt như Trung Quốc với các tác phẩm “Bí thư tỉnh ủy”, “Đoàn xe cơ quan” hoặc “Tiểu nhân đắc chí”.

                                                    



Sự thành công của đợt vận động sáng tác biếm họa về đề tài phòng chống tham nhũng, thực sự tạo nên tín hiệu mới cho đời sống tinh thần của người Việt Nam. Biếm hoạ không chỉ có giá trị tố cáo tiêu cực, mà còn tạo ra tiếng cười có khả năng hóa giải những mâu thuẫn và những trớ trêu của cuộc sống. Từ gợi ý của biếm họa, những lĩnh vực nghệ thuật khác cũng cần có những đợt vận động sáng tác qui mô xoay quanh trận tuyến tiêu diệt tham nhũng!