Giáo sư Phong Lê, lúc ấy đang là Viện trưởng Viện Văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học (nghĩa là những vị trí cao trong giới văn chương). Anh đã đọc một bài phát biểu đề dẫn (nghĩa là một “văn kiện” quan trọng trong một sinh hoạt khoa học quan trọng của giới văn chương); trong đó có câu này: “Suốt gần 40 năm qua, nền thơ ca chính thống của ta không có lấy một bài buồn!”. Bài đề dẫn này, ngay sau đó đã đăng trên Tạp chí Văn học (số 3, tháng 5 và 6 năm 1992). Trong câu trên của Giáo sư Phong Lê, người ta thấy rõ dụng ý phàn nàn, chê trách trong văn học Việt Nam hiện đại (ai?) đã để xảy ra tình trạng nghèo nàn, đơn điệu - ít nhất là của thơ. Một câu nói tưởng bình thường mà có ý nghĩa đặc biệt: đánh giá cả một nền văn học!



MỘT NHẬN ĐỊNH SAI VỀ THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

HỒNG DIỆU

Quả thật, đã có một thời, trong đời sống văn học của chúng ta, thấy xuất hiện tình trạng mà nhiều người gọi là “phủ nhận thành tựu” từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Tôi đã có lần nói về một nhận định sai trong “trào lưu” ấy. Bấy giờ là năm 1992, có cuộc hội thảo diễn ra vào ngày 27-3, kỷ niệm mười năm ngày mất của nhà phê bình Hoài Thanh và 50 năm ra đời quyển “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” do Viện Văn học Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Khoa văn các trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội I tổ chức.
Giáo sư Phong Lê, lúc ấy đang là Viện trưởng Viện Văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học (nghĩa là những vị trí cao trong giới văn chương). Anh đã đọc một bài phát biểu đề dẫn (nghĩa là một “văn kiện” quan trọng trong một sinh hoạt khoa học quan trọng của giới văn chương); trong đó có câu này: “Suốt gần 40 năm qua, nền thơ ca chính thống của ta không có lấy một bài buồn!”. Bài đề dẫn này, ngay sau đó đã đăng trên Tạp chí Văn học (số 3, tháng 5 và 6 năm 1992). Trong câu trên của Giáo sư Phong Lê, người ta thấy rõ dụng ý phàn nàn, chê trách trong văn học Việt Nam hiện đại (ai?) đã để xảy ra tình trạng nghèo nàn, đơn điệu - ít nhất là của thơ. Một câu nói tưởng bình thường mà có ý nghĩa đặc biệt: đánh giá cả một nền văn học!
Tôi là người được mời dự cuộc hội thảo ấy, sau đó có một bài phê bình thẳng thắn bác bỏ nhận định này, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 12-1992), về sau có đưa vào các quyển sách khác của mình; trong đó, tôi đã dẫn bài thơ “Hai nửa vầng trăng” rất hay và rất buồn của nhà thơ Hoàng Hữu, lại nói thêm: “Tôi còn nhớ nhiều bài thơ tương tự, nhưng thấy chưa cần phải dẫn thêm” và có... vặn tác giả bài đề dẫn: “gần 40 năm qua” là tính từ bao giờ đến bao giờ? Từ 1954 đến 1992 là 38 năm, hay từ 1945 đến năm Hoài Thanh mất (1982) là 37 năm? Tôi khẳng định: dù tính từ năm nào đến năm nào, thì “gần 40 năm qua” cũng nằm trọn trong khoảng thời gian từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Tôi cũng “đề nghị” giáo sư Phong Lê chứng minh nhận định trên kia của anh".

Nhân đây, phải cảm ơn nhà thơ và nhà phê bình thơ Phạm Khải, sau đó đã nhiệt tình... biểu dương “phát hiện” này của tôi, không phải một lần mà nhiều lần trên sách báo. Còn Giáo sư Phong Lê? Không thấy anh tranh luận lại, cả trên sách báo, cả những lần gặp tôi. Mãi về sau này, tình cờ tôi mới biết được ý kiến của anh về chuyện này. Trong quyển “Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam, 1932-1941”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1995, tôi thấy có in lại bài đề dẫn nói trên của Giáo sư Phong Lê. Đoạn văn mà tôi đề cập ở trên, đã được tác giả... điều chỉnh, như sau: “Suốt hơn 30 năm qua, tính từ sau năm 1945, nền thơ ca chính thống của ta hiếm có lấy một bài buồn - cái buồn riêng của cá nhân”. Việc điều chỉnh được làm ở ba chỗ: “gần 40 năm qua” sửa thành “hơn 30 năm qua”; ghi rõ hơn “tính từ sau năm 1945”; “không có lấy một bài buồn” đổi thành “hiếm có lấy một bài buồn - cái buồn riêng của cá nhân”.
Việc điều chỉnh dù có cho thấy thiện chí của nhà nghiên cứu, nhưng về cơ bản, không có thay đổi gì quan trọng so với tinh thần của đoạn văn chưa sửa. Từ “không có” đến “hiếm có” là một bước chuyển, vẫn không sửa được chỗ không đúng với sự thực. Tôi sẽ chứng minh không “hiếm có” chút nào những bài thơ buồn mang “cái buồn riêng của cá nhân”.

Hãy đọc một bài như bài “Không nói” dưới đây của nhà văn (và nhà thơ) Nguyễn Đình Thi. Bài này đăng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ số 6 (tháng 10-11 năm 1948) ngay trong chiến khu Việt Bắc, ngay trong lúc quân dân ta đang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Về sau này, tác giả có mấy lần chỉnh lý vài ba câu chữ, nhưng tinh thần của bài thơ, cái buồn của bài thơ thì không thay đổi. Bản này lấy từ quyển “Nguyễn Đình Thi - Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh”:
Không nói
Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa
Yên lặng đứng trước nhau
Em em nhìn đi đâu
Em sao em không nói
Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói
Ngày nào lần gặp sau
Ngập ngừng không dám hỏi
Chuyến này chắc lại lâu
Chiều mờ gió hút
Nào đồng chí - bắt tay
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
           1948

Lại đọc bài này của nhà thơ Nguyễn Bính mà cái buồn của tình yêu nằm trong cái buồn của đất nước đang bị chia cắt làm hai miền. Bản này lấy trong “Nguyễn Bính toàn tập”:
Đêm sao sáng
Đêm hiện dần lên những chấm sao.
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...
Sao đặc trời cao, sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em
                                           2-1957

Lại đọc một bài của nhà thơ Tế Hanh, cũng gần với hoàn cảnh và tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Bính trong “Đêm sao sáng”. Bản này lấy trong “Tuyển tập Tế Hanh”:
Em ở đâu
Sầm Sơn có những cặp bên nhau
Mắt trong mắt, tay trong tay âu yếm
Sao ta vẫn một mình với biển
Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Trời màu xanh nước cũng xanh màu
Sợi gió đến se cùng sợi liễu
Sao ta vẫn một mình lẻ thiếu
Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Những ngày qua ta khắc tận lòng sâu
Sao em chỉ ghi hờ trên cát bãi?
Nay Sầm Sơn một mình ta trở lại
Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Ta không phải người đi kiếm khổ đau
Nhưng đau khổ vẫn là sự thật
Như đất nước lòng ta chưa thống nhất
Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Dẫu lòng ta có hóa con tàu
Lòng em chẳng bao giờ thành bến
Nên ta vẫn bơ vơ trời biển
Em ở đâu rồi, em ở đâu?
                                                1957

Lại một bài khác của nhà thơ Tế Hanh.
Bản này cũng lấy trong “Tuyển tập Tế Hanh”:
Con đường
Con đường hai chúng ta đi
Em không trở lại, anh thì cũng không
Cuối đường chỉ có hàng thông
Đầu nghiêng theo gió, ngóng trong người về.
                                                1962

Còn Xuân Diệu? Nhà thơ này có nhiều bài thơ buồn. Hai bài dưới đây đều lấy trong “Toàn tập Xuân Diệu”:
Hỏi
Một năm thêm mấy tháng rồi,
Thu đi, đông lại, bồi hồi sắp xuân
Gặp em, em gặp mấy lần
Tưởng quen mà lạ, tưởng gần mà xa.
Ai làm cách trở đôi ta,
Vì anh vụng ngượng, hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên,
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
Hằng ngày em nói bao lời
Với cha, với mẹ, với người chung quanh,
Với đường phố, với cây xanh;
Sao em chưa nói với anh một lời?
Tương tư ăn phải miếng mồi
Đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương.
Phải duyên, phải lứa thì thương,
Để chi đêm thẳm ngày trường, hỡi em!
                                                7-1957

Cái dằm
Em đi, có biết cho tình
Lòng anh vò xé tan tành vì em
Mới về xa khuất mắt đen,
Nỗi đau lòng đã tràn lên tấm lòng
Cái dằm xuyên giữa đôi ta
Còn hơn đau đớn thịt da mấy lần.
Vết thương trong cõi tinh thần
Đã đau một lúc, lại dần dần đau.
Em là nhân của hồn anh
Trong nhân ai nỡ để cành gai đâm
                                                25-12-1961

Hay đọc thêm một bài nữa, của nhà thơ Quang Dũng. Bài này lấy từ tập “Mây đầu ô” của ông:
Chiều núi mưa rào
Kỳ Sơn mây kéo nặng
Hoa trẩu rụng đầy đường
Sấm đầu mùa đã động
Sao động lòng tha hương?
Đồi sắn ướt sũng lá
Gà ướt cánh nép hiên
Chim xào xạc trốn biệt
Mưa dăng màn triền miên
Nằm đợi ven sông Đà
Thuyền mờ trong sóng vỗ
Mưa bao giờ cho yên
Một chặng đường mưa gió
                                                31-3-1972

Lại nhắc lại một câu ở bài viết trước kia: Tôi còn nhớ nhiều bài thơ tương tự, nhưng thấy chưa cần phải dẫn thêm (Chúng không những không “hiếm” mà nhiều đến mức có thể làm cả một quyển sách!). Không biết chỉ cần đọc những bài thơ trên, giáo sư Phong Lê nghĩ sao? Tôi thì tôi cho chúng vừa mang “cái buồn riêng của cá nhân” vừa nói được cái buồn chung của con người, mà cái vế sau này mới là cái đích cuối cùng của thơ.

Nguồn: Văn Nghệ Công An