Tài sản bất minh, nếu chưa được xác định là tài sản tham nhũng, thì phải hiểu như thế nào? Tài sản bất minh nghĩa là tài sản mà chủ nhân của nó luôn có thái độ ngơ ngác khi được truy vấn chăng? Thật khôi hài, khi một cán bộ học cao hiểu rộng lại lơ ngơ về căn nhà trị giá thị trường hàng chục tỷ đồng mà mình đang cư ngụ nhưng không biết có nguồn gốc từ đâu! Cũng thật khôi hài, khi một lãnh đạo được giao điều hành những tập đoàn kinh tế quy mô lớn, lại mù mờ về khoản tài chính khổng lồ mà vợ mình đang sở hữu và những khoản chi phí đắt đỏ mà con mình đang du học nước ngoài. Cơn mưa vàng bạc bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, chỉ có trong truyện cổ tích dỗ dành những đứa trẻ ngây thơ mà thôi!



LÀM SAO XỬ LÝ TÀI SẢN BẤT MINH TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG?

TUY HÒA

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, hầu hết Đại biểu Quốc hội đang giữ trọng trách đều phải trả lời thắc mắc của người dân xung quanh Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được thông qua. Những trao đổi giữa Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Thị Kim Ngân với cử tri Cần Thơ, giữa Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Võ Văn Thưởng với cử tri Đồng Nai, hoặc Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân với cử tri TPHCM tương đối rõ ràng về quyết tâm bài trừ tệ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề xử lý tài sản bất minh vẫn tồn tại không ít băn khoăn.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã có những quy định nghiêm khắc hơn trước đây, cụ thể: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản mà kê khai không trung thực, nếu là đại biểu hội đồng nhân dân thì xóa tên khỏi danh sách bầu cử. Người dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm hay bổ nhiệm lại; cán bộ có triển vọng đưa vào danh sách quy hoạch thì không đưa vào”. Thế nhưng, tài sản không rõ nguồn gốc vẫn nằm ngoài Luận Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Tại diễn đàn Quốc hội, có 209/456 ý kiến đại biểu, (chiếm 43,09%) tán thành phương án khi phát hiện có tài sản tăng thêm không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ xem xét, giải quyết tại Tòa án, còn 156/456 ý kiến đại biểu (chiếm 32,16%) tán thành với phương án thu thuế 45%. Tài sản bất minh bị thu thuế 45%, thì 55% còn lại sẽ trở thành tài sản minh bạch chăng?
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Trần Công Phàn cho rằng, cả hai phương án được thảo luận tại Quốc hội đều khó thực hiện. Bởi lẽ, tài sản và thu nhập đánh thuế thì phải khẳng định đây là tài sản và thu nhập hợp pháp. Còn ở đây là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tài sản đó có thể là hợp pháp, cũng có thể là không. Nếu thu thuế xong chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có, thì lại chuyển sang xử lý hình sự, như vậy một hành vi lại bị xử lý 2 lần. Nếu đặt ra việc không chứng minh được về nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì không có cơ sở. Tương tự, cũng không có cơ sở nào tự nhiên thu thuế 45% với loại tài sản này. Còn Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội - Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Đây là dự án luật rất được quan tâm nên khi tiến hành xây dựng cũng rất thận trọng, kỹ lưỡng cả trong lấy ý kiến cũng như thiết kế các phương án rất cẩn thận. Qua quá trình lấy phiếu cho thấy ý kiến đại biểu Quốc hội rất phân tán nên chưa đủ căn cứ, cơ sơ quy định về tài sản bất minh. Trước mắt vẫn giữ quy định hiện hành, tài sản nào chứng minh được do tham nhũng hay phạm tội mà có, thì tài sản đó phải bị tịch thu, thu hồi. Đối với tài sản thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế thì chuyển cơ quan thuế xử lý. Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Về xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc thì không phải không xử lý, mà ta đang xử lý theo hướng qua quá trình kiểm soát tài sản thu nhập, nếu phát hiện vi phạm thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xử lý theo các phương án đặt ra trong điều kiện Việt Nam hiện nay là chưa phù hợp. Khi nào đáp ứng đủ điều kiện thì tiếp tục nghiên cứu xử lý để đạt sự đồng thuận cao hơn từ dư luận, của nhân dân và của đại biểu Quốc hội”
Trong khi đó, với tư cách trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đã khẳng định: “Công lý phải được thực thi đến cùng, tài sản chiếm đoạt từ hành vi tham nhũng phải được thu hồi trả lại cho nhân dân”. Đó là một lý lẽ phù hợp với xu hướng văn minh. Thế nhưng, làm sao phân biệt tài sản tham nhũng với tài sản bất minh? Nếu đối tượng đứng trước cáo buộc tham nhũng biện giải rằng, tài sản của họ không phải do tham nhũng, mà chỉ nằm ở dạng… không rõ nguồn gốc thì bài toán hóc búa ấy có đáp án ra sao? Ai cũng biết, tội phạm tham nhũng không dễ đối phó. Nói như ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì có ba yếu tố khiến tài sản tham nhũng rất khó xử lý: “Một là những đối tượng này có chức, có quyền. Hai là có quan hệ. Ba là có trình độ để tẩu tán”. Cho nên, quy định xử lý tài sản bất minh bị bỏ ra khỏi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, cũng là một trở ngại không nhỏ cho hành trình tấn công tội phạm tham nhũng.
Trong bối cảnh không ít quan chức có biểu hiện giàu nhanh khủng khiếp, thì tài sản bất minh có dễ xác định không? Chính quyền biết phát huy tai mắt của người dân, chắc chắn sẽ nhanh chóng phát hiện những khuất tất xung quanh các biệt phủ, biệt thự lớn nhỏ đang mọc lên khắp nơi. Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Trong phòng chống tham nhũng, nội bộ cơ quan ít phát hiện mà nguồn tin chính đến từ phản ánh của người dân, báo chí, tiếp xúc cử tri, đặc biệt là qua khiếu nại, tố cáo”. Tương tự, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Võ Văn Thưởng cũng khẳng định: Để làm tốt việc chống tiêu cực, tham nhũng không chỉ trung ương làm, mà thời gian tới các tỉnh thành rồi cấp huyện phải làm, và cần vai trò giám sát của nhân dân”. Để khuyến khích người dân cùng chung tay vào công cuộc chống tham nhũng, Chính phủ đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua - khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau: Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở. Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2018 là 1,39 triệu đồng. Rõ ràng, tiền thưởng cho người dân tham gia chống tham nhũng không nhỏ, nhưng cơ chế bảo vệ an toàn cho những cá nhân tích cự đối mặt với tội phạm tham nhũng thì vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo!
Tài sản bất minh, nếu chưa được xác định là tài sản tham nhũng, thì phải hiểu như thế nào? Tài sản bất minh nghĩa là tài sản mà chủ nhân của nó luôn có thái độ ngơ ngác khi được truy vấn chăng? Thật khôi hài, khi một cán bộ học cao hiểu rộng lại lơ ngơ về căn nhà trị giá thị trường hàng chục tỷ đồng mà mình đang cư ngụ nhưng không biết có nguồn gốc từ đâu! Cũng thật khôi hài, khi một lãnh đạo được giao điều hành những tập đoàn kinh tế quy mô lớn, lại mù mờ về khoản tài chính khổng lồ mà vợ mình đang sở hữu và những khoản chi phí đắt đỏ mà con mình đang du học nước ngoài. Cơn mưa vàng bạc bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, chỉ có trong truyện cổ tích dỗ dành những đứa trẻ ngây thơ mà thôi!

Tài sản bất minh không được khống chế một cách nghiêm khắc, thì hệ luỵ kéo theo là tài sản tham nhũng rất khó thu hồi. Thực tế đã chứng minh, nhiều vụ án tham nhũng không thể thu hồi tài sản tham nhũng, vì khối lượng tài sản bất minh đã không cánh mà bay trước khi pháp luật có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Trưởng Ban Nội chính trung ương - Phan Đình Trạc trong chuyến kiểm tra về công tác thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng tại TPHCM từ ngày 28-11 đến ngày 7-12, đã lưu ý: “Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, nhưng một trong những khâu yếu lâu nay nói nhiều vẫn là tỉ lệ thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng còn thấp. Tuy nhiên, mấy năm gần đây đã có tiến bộ hơn, riêng năm nay đặt ra yêu cầu cao hơn nữa về hiệu quả trong thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân”./.