Nhà văn Nga đoạt Giải Nobel Văn học-
Ivan Bunin từ trần tại Pháp vào ngày 8 tháng 12 năm 1953. Nhưng ông đã linh cảm
về cái chết của mình rất lâu trước đó. Cuộc sống đói khổ và túng thiếu của ông
trong những năm Thế chiến II càng như làm nặng thêm nhiều căn bệnh tiềm ẩn
trong con người nhà văn. Ông luôn luôn thương nhớ nước Nga và đọc tất cả những
gì viết về quê hương của các nhà văn khác, đồng thời cũng gay gắt lên tiếng phê
phán các đồng nghiệp của mình...
IVAN BUNIN VÀ NHỮNG DÒNG LƯU BÚT CUỐI
CÙNG
TÔ HOÀNG
GHI CHÉP TẢN MẠN..
1-
“Tôi bắt tay viết trang mới phần tiếp
trong ngày hôm nay để kể về một sự kiện tầm cỡ lớn. Sáng nay nước Đức tuyên chiến
với Nga và người Phần Lan, người Rumania cũng được “huy động” hơi “quá mức” vào cuộc chiến này. Sau
bữa ăn sáng ( súp nghèo không thịt, chỉ
có đỗ và rau ), mình tiếp tục nằm đọc bức thư của Flober ( nhà văn gửi từ Roma
cho mẹ vào ngày 8 tháng Tư năm 1851 ) bỗng nghe thấy tiếng thét của Zurov: “Nước
Đức tuyên chiến với Nga rồi!”. Mình nghĩ chắc Zurov đùa thôi nhưng vẫn kêu to
xuống phía dưới nhà cho Bakhr. Rồi mình chạy tới nhà ăn nghe radio. Tất cả bọn
mình bồi hồi khó tả (…)
Ngày
lặng lẽ, mờ mịt. Khắp thung lũng bao phủ một màn sương trắng nhẹ.
Đúng
là, vào lúc này chỉ có một việc đương nhiên: Được làm vua, thua làm giặc.
2-
Mùa hè hanh khô, những bông hoa trúc đào
rừng rực như lửa cháy. “Những ngày Do Thái”
cũng đã lan tới đây. Nghe nói, ở Paris bọn Đức đã gom dồn tới 4.000 người. Lùng
bắt vào ban đêm. Cứ 10 phút một cuộc sục sạo. Đàn ông, đàn bà bị bịt mắt điệu
đí, sau đó biến mất không tung tích. Trẻ con bị tách khỏi bố mẹ, không cần giấy
tờ, cứ thế đánh số lên lưng, không cần biết họ hàng, nơi ở, nơi học. Đám thanh
niên Do Thái tập trung riêng, sẽ xung vào lính.Người Nga, nghe nói cũng đã 700-
800 người bị gom. Người Do Thái (bị gom) không cho uống nước.
3-
Ngày thứ hai không còn được ăn sáng.
Trong thành phố quả là không kiếm nổi thứ gì đút miệng. Ăn trưa bằng thứ rau bắp
cải già nấu sôi với nước. Những con người đã hóa thú kia tiếp tục công việc của
bọn quỷ sứ- giết người, phá hủy tất cả! Và mọi việc như thế được bắt đầu từ ý
muốn của một người: Hủy diệt cuộc sống trên toàn bộ trái đất. Nói đúng hơn, những
ai còn mang trong mình ý chí của dân tộc, nòi giống mình sẽ hoàn toàn không tha
thứ!
Túng
thiếu, sự cô độc man rợ, tình trạng không lối thoát, đói, lạnh, bẩn thỉu-đấy là
những ngày cuối cùng trong cuộc đời mình. Và đó còn cả những gì đang ở phía trước
sao đây? Mình còn sống nổi bao ngày, bao tháng nhỉ? Và tính để làm gì? Nói đúng
ra, cái chết đến thật rồi! Jorz tới báo tin Cutaladze đã ung thư dạ dày. Thật
ghê sợ khi nghĩ tới cô ta. Bây giờ cô ta chỉ còn là một bộ xương, một mụ già
nom như con ngáo ộp.
Đang
tuần trăng. Những trận đánh diễn ra ở nước Nga.Sẽ ra sao nhỉ? Cái chính yếu,
đúng là chính yếu- số phận của cả thế giới này sẽ phụ thuộc vào những gì đang xẩy
ra.
4-
Mười năm trước, cũng vào buổi tối như thế
này, mình giống như một triệu phú. Dạ hội. những mệnh phụ phu nhân. Rượu đắt tiền.
Bây giờ bữa trưa chỉ có súp rau và 3 miếng
khoai tây rán. Nhưng sáng nay ăn điểm tâm ở chỗ Kliaghin cũng đã no kha khá rồi.
5-
Đọc tập I “Sông Đông êm đềm” của Solokhov. Tài năng
đấy nhưng chữ nghĩa thiếu vắng sự giản dị. Và rất thô trong việc mô tả thực tế.
Rất khó đọc vì sự gẫy vụn trong ngôn ngữ diễn tả với quá nhiều lời ăn tiếng nói
địa phương… Buổi
tối đọc xong quyển hai “Sông Đông êm đềm”. Dẫu sao, tác giả vẫn là kẻ lỗ mãng,tục
tằn. Và một lần nữa mình lại trải qua lòng căm thù với những người bonsevich.
Tối
hôm qua đọc “Những ngọn lửa đêm” của Fet, đọc ngắt quãng mấy lần! (Có lẽ lần
này là lần cuối trong đời). Nói chung là viết bởi một bàn tay vụng về. Lại có
nhiều điều mâu thuẫn nhau. Ví như mô tả tình yêu khi về già chẳng hạn. Một đề
tài tốt: viết về tất cả vẻ đẹp và nỗi đau của một tình yêu muộn mằn đến thế, về
cảm xúc và ý nghĩ trong vẻ êm dịu bề ngoài của một ông già, từa tựa như chính
Fet- với bộ râu bạc như cước, môi dày, mắt đã đọng múi, đôi tai lớn, thường mặc
bộ đồ màu xám (vào mùa hè )…
Tóm
lại là cảm xúc của những con người ẩn dật, khép kín.
Tin
chắc rằng Gogol không bao giờ đốt tác phẩm “Những linh hồn chết”. Không biết
ai căm ghét con người hơn ai, Gogol hay
Dostoievsky?
Đọc
lại tập I tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”. Ba phần tư sách là thứ tranh dân
gian, là một rạp xiếc hoàn chỉnh. Nhưng rất khéo léo, một thứ tầm thường rất có
nghề…Đọc tiếp tập 2 “Anh em nhà Karamazov”. Đặc biệt thông minh, khéo léo;
chương này, chương nọ không giống sự thật. Nói chung khá chán, không gợi cảm
xúc nào.
Hôm nay và cả hôm qua đọc những truyện
ngắn của Zosenko- một cây bút 37 tuổi. Tồi. Đơn điệu. Duy một điều xài được: ý tưởng về cuộc
sống đang diễn ra ở nơi đó rồi sẽ đến đâu. Và không phải vô cớ tác giả luôn
luôn viết bằng lời ăn tiếng nói hoang dã, khùng điên. Đó chính là lời ăn tiếng
nói các nhân vật nhiều không đếm xuể trong các truyện ngắn này, là của nước Nga
đã bắt đầu chuyển biến như thế.
Đọc lại toàn bộ của Puskin. Trong suốt
cuộc đời dài lâu của mình, tính từ khi cha mẹ sinh, mình không thể nào chấp nhận
nổi cái chết dại dột của ông ta.
15
năm trước, mình ăn bữa trưa tại nhà một nữ công tước ở Paris. Trong bữa ăn đó
có mặt Henri de Renier (một
nhà thơ Pháp). Ông ta vận một bộ đồ lễ tân rộng thùng thình, đã lỗi mốt, có hai
dải áo rất dài. Sau
bữa ăn, khi cùng nhau đứng hút thuốc, nhà thơ Pháp nói với tôi rằng ông ta là họ
hàng xa với Dantes và thêm: “que voulez –vous?” (Anh muốn gì?). Dantes đã giữ
được mạng sống của mình!”. Sao ông ta lại có thể nói với mình về người đã giết
Puskin nhỉ?
…VÀ VỀ CÁI CHẾT CỦA BẢN THÂN.
Mỗi
buổi sáng thức dậy với điều gì đó từa tựa như một nỗi buồn đắng chát, một sự kết
thúc tất cả (đối với mình). Điều gì đang đợi mình đây, hở Ông Trời?. Những ngày
tháng của mình đang lụi tắt. Nếu giả như thấy được 10 năm sắp tới nhỉ! Nhưng 10
năm ấy rồi sẽ ra sao? Bất lực mọi khía cạnh, cái chết có thể xẩy ra với những
người thân, sự cô đơn khủng khiếp…
Nếu
cái chết bất ngờ ập tới, ngoài ý muốn, hãy xếp lại gọn gàng những gì đã viết,
đã in trong những năm tháng khác nhau…Mà rồi lại nghĩ, làm như vậy nhắm mục
đích gì? Tốt
nhất là hãy quên hết sau khi trút hơi thở cuối cùng..
Những
ngón tay tọp quắt vì đói, hai bàn chân không buồn rửa, món súp nom đã muốn lộn
mửa… Đã
viết ra giấy hai chữ “Đốt tất!”. Đốt cả mình đi, khi mình đã nhắm mắt xuôi
tay.Không có gì đáng sợ hãi, đáng nuối tiếc cả; mọi điều chán vạn lần tốt hơn
khi để thi thể mục rữa trong mồ…
Người
ta muốn tôi yêu nước Nga mà thủ đô của nó sẽ là Leningrad, Nhijnhi-Gorki,
Tver-Kalinin? Những tên tuổi lạ. Vô bổ!
Từ đêm 27 sáng ngày 28 tháng Giêng năm
1953
Tuyệt
vời! Mọi điều về quá khứ, bạn đang nghĩ tới quá khứ và chỉ một điều trong quá
khứ thôi: về thứ hạnh phúc đã mất, đã tuột khỏi tay, đã không đánh giá hết; về
những việc làm không biện minh nổi của bản thân- những việc làm xuẩn ngốc thậm
chí không có lý trí; về sự thiển cận và ngu muội trong những lầm lạc phạm phải;
về rất nhiều điều đã được tha thứ hay không được tha thứ; và về những gì bây giờ
đã là như vậy. Vâng, mọi thứ ấy một ngôi mộ sẽ nuốt chửng hết !
Ngày 2 tháng 5 năm 1953
Đó,
dẫu sao mình vẫn ngạc nhiên đến sững sờ!
Chỉ ít giây phút nữa thôi mình sẽ không còn hiện diện trên cõi đời này.
Cả sự nghiệp, cả số phận sẽ là những gì mình không còn biết nữa! Mình chỉ còn
biết gắng sức để ngạc nhiên, để sợ hãi!
( Theo báo Nga)