Tại 19-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo “Nhìn lại thành quả xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Theo tường thuật của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân, ông Lê Doãn Hợp, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin cho rằng, kết quả xã hội hoá văn học nghệ thuật là: Sách vô bổ: 70%; Phim Việt Nam: không muốn xem; phim thương mại tràn lan... Vậy, một chủ trương tốt đẹp đã đổ sông đổ biển mọi công sức rồi ư?



XÃ HỘI HOÁ VĂN HỌC NGHỆ THUÂT NHƯ THẾ NÀO?

NGUYỄN VĂN DÂN


Từ điển tiếng Việt định nghĩa xã hội hoá là “làm cho trở thành của chung của xã hội”. Một số từ điển Anh - Việt, Việt - Anh thì dịch xã hội hoá là “socialization”. Tuy nhiên, thế giới lại coi socialization là một khái niệm của ngành xã hội học. Và người ta định nghĩa socialization là quá trình thích nghi xã hội của cá nhân, là mối tương tác giữa cá nhân với xã hội trong quá trình phát triển đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân để cho cá nhân trở thành một sinh vật xã hội. Thế nhưng ở Việt Nam ngày nay, nói đến xã hội hoá thì hầu như người ta đều hiểu là quá trình tham gia của các tầng lớp xã hội vào một hoạt động vật chất và tinh thần nào đó của xã hội. Đặc biệt là trong văn hoá, nói đến xã hội hoá văn hoá là nói đến sự mở rộng tham gia của các tầng lớp xã hội đối với các hoạt động văn hoá mà trước đây vốn là do nhà nước quản lý.
Tại sao lại có sự khác biệt trong cách hiểu như vậy? Tôi cho rằng đó là vì ở các nước tư bản chủ nghĩa, mọi hoạt động vật chất và tinh thần hầu hết đều do tư nhân đảm nhiệm, có nghĩa là đã có các thành phần xã hội tham gia rồi. Nên ở họ không có vấn đề “cho phép và mời gọi sự tham gia của xã hội" nữa. Có nghĩa là ở họ không còn có vấn đề phải xã hội hoá các hoạt động vật chất và tinh thần. Như vậy, đối với họ, xã hội hoá chỉ còn là một lĩnh vực riêng của ngành xã hội học theo nghĩa mà tôi đã nói ở trên.
Còn ở Việt Nam, trước đây, hầu hết các hoạt động đều do nhà nước quản lý. Ngày nay, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta bắt đầu cởi mở cho phép các thành phần xã hội tham gia quản lý. Vì thế cách hiểu về xã hội hoá của nước ta mang tính đặc thù, và thực chất nó có nghĩa là "tư nhân hoá", nhưng là tư nhân hoá không triệt để, là tư nhân dưới sự quản lý của nhà nước, chứ không phải như từ điển tiếng Việt giải thích là “làm cho trở thành của chung của xã hội”. Và trong lĩnh vực văn nghệ, các hoạt động xã hội hoá của nước ta đang diễn ra theo chiều hướng tư nhân hoá như vậy. Kinh tế thị trường là một hiện tượng mới. Vì thế, hai vấn đề nảy sinh từ quá trình xã hội hoá này là: cá nhân tham gia xã hội hoá văn nghệ như thế nào; và nhà nước quản lý xã hội hoá văn nghệ ra sao?
Có thể nói, từ khi có Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, quá trình xã hội hoá văn nghệ vừa qua ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu để khẳng định thị trường văn nghệ là bước đi phù hợp với thời đại. Các hoạt động văn nghệ đã dần dần tự điều tiết theo thị trường. Nhà nước đã giảm được một khoản chi tiêu cho lĩnh vực này. Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, hoạt động xã hội hoá diễn ra sôi động nhất, từ cấp địa phương đến cấp đơn vị. Hàng trăm đơn vị đã tự chủ tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng và phục vụ những dịp lễ hội hoặc các cuộc từ thiện. Trong lĩnh vực bảo tàng và thư viện cũng đã xuất hiện nhiều bảo tàng và thư viện tư nhân. Nhờ xã hội hoá, các hoạt động biểu diễn và trưng bày văn nghệ đã phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của công chúng rộng rãi.
Xã hội hoá điện ảnh cũng là một lĩnh vực mới mẻ và đáng chú ý. Đã có một số hãng phim tư nhân thành công trong lĩnh vực phim truyện. Việc xã hội hoá điện ảnh còn mở rộng ra cả nước ngoài. Nhiều hãng tư nhân nước ngoài đã tham gia sản xuất phim Việt Nam. Nhiều rạp chiếu phim tư nhân đã ra đời.
Hoạt động xuất bản là hoạt động quan trọng nhất liên quan đến sự tồn tại của văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực này, việc xã hội hoá đã diễn ra dưới hình thức liên kết giữa cơ quan xuất bản của nhà nước với tư nhân chứ chưa có tư nhân hoá xuất bản. Đây là lĩnh vực mà nhà nước cho là chưa phù hợp để tư nhân hoá, vì thế cũng có thể nói là nó chưa được “xã hội hoá” triệt để. Sự thực, việc liên kết xuất bản hiện nay cho thấy hoạt động xuất bản trên thực tế đã được tư nhân hoá dưới sự quản lý của nhà nước thông qua hệ thống các nhà xuất bản.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi: cá nhân tham gia xã hội hoá văn nghệ như thế nào chính là việc cho tư nhân hoá một số lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ văn nghệ. Nhưng còn câu hỏi nhà nước quản lý xã hội hoá văn nghệ ra sao thì quả là còn có nhiều vấn đề.
Trong lĩnh vực xã hội hoá văn hoá nói chung, có người đã nói đến giải pháp phát triển xã hội hoá văn hoá là tập trung vào chính sách thuế và đầu tư. Tuy nhiên theo tôi, cái quan trọng hơn là việc quản lý như thế nào để cho văn nghệ có được những sản phẩm chất lượng cao. Đây là điều thuộc về quan điểm và phương pháp quản lý.
Như tôi đã nói, thực chất xã hội hoá ở nước ta chính là một hình thức tư nhân hoá. Nhưng trong lĩnh vực xuất bản, việc tư nhân hoá lại diễn ra nửa vời. Việc này vẫn gây tốn kém cho nhà nước mà việc kiểm soát chất lượng vẫn không làm được một cách hiệu quả. Theo tôi, cần xã hội hoá đầy đủ lĩnh vực này, tức là cổ phần hoá hoàn toàn các nhà xuất bản, còn nhà nước sẽ có một cấp quản lý trực tiếp đối với các nhà xuất bản này. Việc quản lý sẽ tập trung vào chất lượng sản phẩm xuất bản là chính, và đặc biệt là nhà nước sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản sách văn nghệ kinh điển, là mảng sách khó tiêu thụ đại chúng.
Ở lĩnh vực điện ảnh và biểu diễn nghệ thuật cũng vậy, khi nhà nước đã cho tư nhân hoá một số hoạt động, thì nhà nước vẫn cần kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng tràn lan phim thương mại rẻ tiền, phim nhái kịch bản của nước ngoài, phim kéo dài lê thê để cõng quảng cáo,... hay những hoạt động biểu diễn nghệ thuật thiếu văn hoá ở một số tụ điểm văn hoá... Trong lĩnh vực điện ảnh, hình như nhà nước mới chỉ quan tâm kiểm soát tư tưởng của phim (xem phim có phản động không, có nói xấu nhà nước không), chứ chưa quan tâm kiểm soát chất lượng nghệ thuật của phim.
Đó là một số ý kiến gợi ý cho việc quản lý xã hội hoá văn nghệ mà thực chất là quá trình tư nhân hoá trong một lĩnh vực tinh thần phức tạp và trong chủ trương thị trường hoá mới mẻ hiện nay.