Sau gần 4 tháng phát động, triển lãm tranh biếm họa phản biện xã hội với chủ đề Phòng, chống tham nhũng do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL, vừa khai mạc tại Hà Nội. Hơn 500 tác phẩm dự thi, 150 tác phẩm xuất sắc được chọn tham gia trưng bày, triển lãm đã đưa tới cho người xem một góc nhìn phản biện về tham nhũng qua lăng kính hài hước mà sâu sắc, chua cay của các họa sĩ.



Cười ra nước mắt với biếm họa chống tham nhũng

MAI AN

Không ngại đụng chạm 
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi, chia sẻ: “Tổ chức triển lãm về một chủ đề gai góc, đụng chạm như thế này ban đầu cũng hơi... lấn cấn. Vì từ trước đến nay, các cuộc triển lãm tranh biếm họa toàn quốc thường gặp rất nhiều khó khăn. Song với hơn 500 tác phẩm gửi về tham dự ngay trong lần đầu tiên phát động, cho thấy các họa sĩ đã dần bỏ qua được những rào cản vô hình trong sáng tác”.
Họa sĩ Lý Trực Dũng, một cây cọ xuất sắc trong làng tranh biếm họa, cũng bộc bạch: “Tranh biếm họa về tham nhũng chỉ xuất hiện hơn chục năm nay, khi mà tham nhũng trở thành một câu chuyện nóng trong đời sống xã hội. Trước đây, các họa sĩ có vẽ biếm họa là vẽ về các lĩnh vực khác, kiểu như chuyện cửa quyền, hống hách... Chúng ta đều biết chống tham nhũng là việc khó khăn như thế nào, cho lên triển lãm tranh biếm họa về chủ đề này cũng không dễ. Song từ cuộc triển lãm này cũng cho thấy, khi có chủ trương và nhiều người ủng hộ thì chắc chắn là sẽ có nhiều tranh chống tham nhũng hay…”.
Trên cả nước, số họa sĩ vẽ biếm họa thường xuyên, có tên tuổi, được chú ý chỉ khoảng hơn chục người (trong đó có những người đã mất). Song lần này, tranh biếm họa - “người lính” xung kích trong ngành mỹ thuật - đã có một cuộc ra mắt ấn tượng. Các tác phẩm gửi đến tham dự triển lãm đều đã phát huy rất tốt thế mạnh của ngôn ngữ đồ họa, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự mà không ngại đụng chạm. Trong dòng chảy thời sự đó, nhiều tác phẩm mang tính báo chí cao, thẳng thắn đề cập các vấn đề nóng bỏng để đưa vào tranh như: quan to bổ nhiệm người nhà, làm giàu bằng chổi đót, đánh bạc online... 
Lối mở cho tranh biếm họa
Một điều dễ nhận thấy, dù tranh biếm họa là hình thức nghệ thuật mang tính báo chí cao, nhưng một thời gian dài, báo chí trong nước ít dành “đất” cho mảng tranh này. Vì thế, việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động triển lãm tranh biếm họa về chủ đề phòng chống tham nhũng hay Giải Biếm họa Cúp Rồng Tre trở lại sau 4 năm vắng bóng, được ví như những nỗ lực khơi thông, mở lối… cho dòng tranh giàu sức chiến đấu này.
Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, trước đây từng có những tranh biếm họa đăng báo, ông được nhận khoản thù lao lớn bằng 4 lần lương của mình. Song giờ thì nhuận bút chỉ còn vài trăm ngàn, cao lên hay thấp xuống chút tùy từng báo. Mất đi phương tiện đăng tải tác phẩm, tranh biếm họa không đến được với công chúng và người sáng tác cũng không còn được nuôi dưỡng tốt về cả tinh thần lẫn vật chất, đã khiến số lượng cây cọ biếm họa ngày càng ít đi. 
Họa sĩ Lý Trực Dũng bày tỏ hy vọng các cuộc trưng bày tranh biếm họa được diễn ra thường xuyên hàng năm hơn, để biếm họa thực sự trở thành một vũ khí sắc bén, một tiếng nói phản biện sâu sắc. Báo chí nên dành nhiều đất cho tranh biếm họa, nhất là những bức có tính chiến đấu cao. Các nhà quản lý cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn về biếm họa. Ngoài ra về phần mình, các họa sĩ biếm họa hãy sáng tạo tác phẩm bằng trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân. Hãy xem tác phẩm của mình là một sự đóng góp cần thiết trong việc loại trừ cái xấu, thay đổi tích cực đời sống xã hội, làm sạch xã hội. Khi có sự cộng hưởng mạnh mẽ của công chúng, các cơ quan truyền thông, các nhà lãnh đạo... sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho tranh biếm họa phát triển. Khi đó, số lượng tác phẩm sẽ nhiều lên, số lượng họa sĩ tham gia vẽ thể loại này cũng nhiều lên.
Đồng quan điểm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, thế giới vẽ biếm có từ hàng thế kỷ, nhiều họa sĩ biếm xuất sắc với những tác phẩm đỉnh cao. Tranh biếm ở ta mới xuất hiện vài chục năm lại đây, thời kháng chiếnmới chỉ có tranh đả kích. “Đây có thể xem là bước khởi đầu cho lộ trình mới…”, ông phân tích.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng