Toàn bộ bài thơ “Vận
nước” có bốn câu được cấu trúc bởi hai cặp Nhân - Quả, theo quan niệm phổ biến
của Phật giáo. Nó là khẳng định, nhưng nó cũng là giả định. Một vấn đề chính sự
lớn lao như thế, bề bộn như thế, vẫn có thể là rất nhẹ nhàng, nếu như thuận
theo lẽ trời (tự nhiên), thuận theo lòng người (tự nhiên). Thiền sư muốn
nhắc nhở người cầm quyền tối thượng, đang ngồi trên ngai vàng kia, nếu như có đức
lớn, thực hiện được vô vi, trước hết là ở nơi điện các (hiểu rộng ra tức tầng lớp
lãnh đạo cao cấp) thì đất nước sẽ thái bình, vững mạnh… Những người cầm quyền,
chèo lái con thuyền đất nước (nơi điện các) mà bất chính, vô đạo, thì không chỉ
có loạn ở nơi điện các, mà còn là khiến trăm họ phải chịu cảnh lầm than, tạo cơ
hội cho kẻ thù ngoại bang dòm ngó!
Về bài thơ
"Vận nước" của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận
BÀI THƠ “QUỐC TỘ”
NÓI GÌ?
VŨ BÌNH LỤC
Chúng ta đều biết,
thơ của các Thiền sư thường rất kiệm lời. Tuy nhiên, lời ít nhưng tình ý phải
nhiều, tối thiểu ngôn từ, tối đa cảm xúc, ý ở ngoài lời, đó mới chính là tiêu
chí, là chỗ vi diệu của thơ. Các thi nhân đời trước thường phải phấn đấu,
phải lao tâm khổ tứ rất nhiều trong lao động nghệ thuật mới mong đạt đến cái
đích của thơ hay. Mà cái hay tột đỉnh của thơ, bao giờ và cuối cùng cũng phải
nhắm tới sự giản dị và chân thành. Do vậy, những thi phẩm đặc sắc còn lại mãi với
thời gian đều rất giản dị, mà đọc mãi không chán, nghĩ mãi chưa hết!
Ở nước ta, thơ
Thiền thịnh hành ở thời Lý - Trần. Đến nay, phần nhiều đã thất lạc, do binh lửa
liên miên, lại cũng vì bọn xâm lược phương Bắc dã tâm tàn phá nền văn hoá của
ta, nên chúng liên tục tìm mọi cách huỷ diệt. Một số bài thơ Thiền còn sót lại
đến ngày nay, dẫu là ít ỏi, nhưng cũng thật đáng quý vô cùng! Xin nói đôi điều
về bài thơ "QUỐC TỘ" (Vận nước) của Thiền sư Pháp Thuận (915-990).
Phiên âm:
ĐÁP QUỐC VƯƠNG
QUỐC TỘ CHI VẤN
Quốc tộ như đằng
lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch
nghĩa:
TRẢ LỜI NHÀ VUA
HỎI VỀ VẬN NƯỚC
Vận nước như dây
mây leo quấn quýt
Ở cõi trời Nam (mở ra) cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện
(Thì) khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
Bản dịch thơ của
Đoàn Thăng:
Vận nước như mây
quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện các,
Chốn chốn dứt đao binh.
Bản dịch của Vũ
Bình Lục:
Vận nước như quấn
dây mây,
Cõi trời Nam, đất nước này bình yên.
Vô vi điện các uy nghiêm,
Đao binh dứt hết, mọi miền an vui.
Đầu đề do các soạn
giả sách "Thơ văn Lý - Trần" đặt là "TRẢ LỜI NHÀ VUA HỎI VỀ NGÔI
NƯỚC".
Một bài thơ ngũ
ngôn tứ tuyệt, đúng với nghĩa là bốn câu tuyệt diệu, dịch ra tiếng ta bây giờ
cũng không lấy gì làm hiểm hóc, khó khăn cho lắm. Dịch giả Đoàn Thăng có lẽ
cũng không mấy khó nhọc để dịch thành công bài thơ này. Nhưng tôi thực lòng
cũng muốn đổi chữ “trên” của bản dịch thơ về với đúng nghĩa của nó, nghĩa là phải
dùng chữ “nơi” (Vô vi nơi điện các) thì mới tỏ được thâm ý nhấn mạnh vai trò chủ
thể của tác giả.
Không được quên
rằng đây là bài thơ mà Thiền sư Pháp Thuận viết để giả nhời vua Lê Đại Hành (Lê
Hoàn), khi nhà vua hỏi Thiền sư về việc nước. Thời Lý, các Thiền sư thường có
vai trò rất lớn trong việc cố vấn chính sự cho các vị vua. Đơn giản vì các
Thiền sư thường học rộng biết nhiều, kiến văn thâm hậu, đương nhiên bao giờ họ
cũng là chỗ dựa tinh thần cho các vị vua, nhất là những ông vua xuất thân võ tướng,
chỉ giỏi việc binh, còn việc trị nước thì ít người tài. Ấy là chưa nói sau đó lại
còn có vị Thiền sư như Vạn Hạnh, tính toán việc đời như thần, sắp đặt cả giang
sơn cho triều Lý con cháu ông một cách hoàn hảo, phải nói thêm là hoàn hảo đến
mức tuyệt vời!
Hai câu đầu của
bài "Quốc tộ" tác giả viết: “Vận nước như đằng lạc / Nam thiên lý
thái bình” (Vận nước như dây mây quấn / Trời Nam mở ra muôn dặm thái bình). Chữ
Quốc tộ có thể hiểu là Vận nước, cũng có thể hiểu là "việc nước", vận
may của quốc gia, hoặc chỉ chính cái ngai vàng nhà vua đang ngự… Nhưng đây
là câu hỏi của Lê Hoàn về việc nước, về vận mệnh của triều đại, đồng nghĩa với
vận mệnh quốc gia, nên Thiền sư Pháp Thuận mới giả nhời rằng, khẳng định rằng
“Vận nước như dây mây quấn quýt” lấy nhau, hết sức bền chặt.
Quấn quýt, nhưng
không phải là rối rắm, mà vẫn mạch lạc rường mối, trong ngoài hanh thông, chặt
chẽ và vững bền. Có như thế và được như thế, thì ở cõi trời Nam này sẽ mở ra
muôn dặm thái bình, bách tính mừng rỡ ca vui hoà hợp. Đó cũng là cái nhân và
cái quả biểu hiện bằng giá trị sự linh diệu linh ứng của trời đất vậy!
Hai câu cuối:
“Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh” (Ở nơi cung điện mà vô vi / thì tất cả
mọi nơi đều dứt hết chuyện đao binh)… Vô vi là một thuật ngữ trong Đạo đức kinh
của Lão Tử, là một triết thuyết của Đạo Lão. Vô vi không có nghĩa là không làm
gì cả, mà có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không làm trái với tự nhiên. Đạo
cũng chính là bản nguyên của vũ trụ. Nhưng với Nho giáo của Khổng Tử thì
vô vi được hiểu như là hệ quả của một nền chính trị tốt đẹp và ngược lại, một nền
chính trị tốt đẹp phải đạt tới vô vi! Khổng Tử viết trong Luận Ngữ: “Vô vi nhi
trị giả, kỳ Thuấn dã dư?” (vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Thuấn
và Nghiêu là hai vị vua hiền. Ở thời Nghiêu và Thuấn, thiên hạ an lạc, ra
đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không phải đóng cửa, người người ấm no,
vua nhàn nhã ngồi mà cai trị, chả phải khó nhọc gì. Chu Hi còn chú giải thêm cho
rõ ý Khổng Tử: “Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh, nên cảm
hoá được nhân dân, không phải làm gì hơn”… Xem thế thì đủ biết Thiền sư họ
Đỗ dùng chữ Vô vi ở đây với đầy đủ các nghĩa của chữ này. Nghĩa là ở chính cái
ngai vàng mà nhà vua đang ngự, ở chính nơi điện các này của nhà vua mà thực hiện
được vô vi, mà đạt được đến vô vi, thì hiển nhiên “xứ xứ dứt binh đao” thiên hạ
sẽ thái bình, đất nước sẽ vững bền như dây mây quấn quýt.
Toàn bộ bài thơ
bốn câu được cấu trúc bởi hai cặp Nhân - Quả, theo quan niệm phổ biến của Phật
giáo. Nó là khẳng định, nhưng nó cũng là giả định. Một vấn đề chính sự lớn lao
như thế, bề bộn như thế, vẫn có thể là rất nhẹ nhàng, nếu như thuận theo lẽ trời
(tự nhiên), thuận theo lòng người (tự nhiên). Thiền sư muốn nhắc nhở người
cầm quyền tối thượng, đang ngồi trên ngai vàng kia, nếu như có đức lớn, thực hiện
được vô vi, trước hết là ở nơi điện các (hiểu rộng ra tức tầng lớp lãnh đạo cao
cấp) thì đất nước sẽ thái bình, vững mạnh. Ngày Nghiêu tháng Thuấn, điều ấy chẳng
phải gắng sức khổ công, cũng tự nhiên phải đến, như một quy luật tất yếu của
muôn đời vậy!
Thế nhưng, lời
nhắc khéo, lời khuyến cáo chân thành của vị Thiền sư đáng kính có kết quả thế
nào sau đó? Chỉ biết rằng sau khi Lê Hoàn mất, các con ông chính là những kẻ ăn
tàn phá hại, giết nhau tranh quyền đoạt lợi, chỉ nghĩ đến các thú vui của lũ
nghiệt súc, đắm chìm trong váy lĩnh quần hồng, nên mới có cảnh nồi da nấu thịt,
huynh đệ tương tàn, xảy ra chính nơi điện các mà vị tiên đế Lê Hoàn từng nghe vị
Thiền sư khả kính “thỉnh giảng”.
Bài thơ chỉ vẻn
vẹn có hai mươi chữ, mà chứa chất nhiều tư tưởng lớn ở tầm vĩ mô, lại được diễn
đạt bằng một hình thức hết sức giản dị. Tiếc thay, triều Tiền Lê không thực hiện
được mong ước của Thiền sư, không thực hiện được vô vi ở nơi điện các, nên chỉ
tồn tại được một thời gian ngắn ngủi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn!
Người xưa nói chẳng
có sai. Những người cầm quyền, chèo lái con thuyền đất nước (nơi điện các) mà bất
chính, vô đạo, thì không chỉ có loạn ở nơi điện các, mà còn là khiến trăm họ phải
chịu cảnh lầm than, tạo cơ hội cho kẻ thù ngoại bang dòm ngó! Tình ý của bài
thơ sâu sắc lắm thay!
Nguồn: Văn Nghệ Công An