Nếu Đức Phật sống lại, hỏi Ngài có muốn hình ảnh mình được hóa thân vào Viên đá Mặt Trăng trị giá hơn 600 000 USD ( hơn 13 tỷ đồng Việt Nam), chắc chắn Ngài sẽ nói... Không! Quý vậy hay quý nữa, Đức Phật cũng chẳng muốn thành tượng hàng chục tỷ, trong khi chúng sinh của Ngài còn cơ hàn nheo nhóc. "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa"; "Cứu một mạng người bằng xây ba tòa tháp"... Đức Phật lúc trẻ đã từ bỏ cuộc sống cung đình giàu sang quý phú đi tìm đạo và hành đạo, Ngài không mong sau này sẽ được đúc tượng vàng đặt trong chùa to nhất châu Á, càng không nghĩ sau này người đời sẽ tạc tượng mình từ Viên đá Mặt Trăng hơn nửa triệu USD. Ngài chỉ muốn chúng sinh phú quý cũng như bần hàn được hạnh phúc an lành.



VIÊN ĐÁ CÓ GIÁ 600 NGHÌN USD ĐƯỢC TẠC TƯỢNG ĐỨC PHẬT ĐỂ PHÔ DIỄN ĐIỀU GÌ?

SƯƠNG NGUYỆT MINH


Vậy là, viên đá nặng 5,5kg được tìm thấy ở một vùng hẻo lánh xa xôi trên sa mạc Sahara thuộc miền Mauritaia ở Tây Phi đã có chủ mới. Một doanh nghiệp Việt Nam đã sở hữu viên đá này ở cuộc đấu giá tại Boston (Mỹ) do nhà đấu giá RR Auction tổ chức, sau khi phải trả hơn 600 ngàn USD. Thường là cái gì nhiều là rẻ bèo, cái gì hiếm là quý. Những người ban đầu tìm thấy viên đá này đã đặt tên nó là The Moon Puzzle” (Câu đố Mặt Trăng). Truyền thông quen gọi là Viên đá Mặt Trăng, nó được cho là rơi từ vũ trụ xuống trái đất hàng vạn năm trước. Viên đá Mặt Trăng sẽ được đem về chùa Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) lưu giữ.
***
Sẽ chẳng có gì đáng phải bàn thêm, để rồi nhị kỳ xuân thu người ta cũng chỉ nhắc lại rằng ở nơi này, nơi kia có một viên sa thạch quý, nếu không có chuyện The Moon Puzzle sẽ được đem ra tạc thành tượng Đức Phật. “Chúng tôi, những người xây dựng chùa rất phấn khích khi mang viên đá Mặt Trăng này về chùa Tam Chúc", đại diện doanh nghiệp xây dựng chùa nêu”. Những năm gần đây, có một phong trào từ thiện xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, chùa chiền dấy lên mọi nơi. Các doanh nghiệp thường đi tiên phong bởi họ có tiền, có tâm và có cả những tính toán khác cho công việc kinh doanh. Sự việc một doanh nghiệp mang về chùa Tam Chúc Viên đá Mặt Trăng không giống bất cứ các cuộc cho tặng, hay từ thiện nào đã từng diễn ra. Khác bởi nó là viên đá quý hiếm hoi, từ một nơi xa xôi vạn dặm mang về, và chẳng biết nó là vật quý tặng hay chủ nhân đặt nó trong quần thể chùa với ý định gì. Hồ sơ viên đá li kì, và tính chất sự kiện kích thích tính tò của người đời cộng với trị giá The Moon Puzzle quá lớn khiến dư luận quan tâm lại càng quan tâm hơn.
***
Phải công bằng mà nói: Chủ nhân có quyền làm bất cứ điều gì với vật sở hữu. Cho tặng, trưng bầy, lưu giữ hay bán... đều có thể, nếu không vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp xây dựng chùa có thể mua khối đá to lớn gấp trăm ngàn lần và đặt ở đó đúng quy hoạch lại càng tôn vinh khu xây dựng. Song câu chuyện lại là tạc tượng Đức Phật: “Thượng toạ Thích Minh Quang, trợ lý của thượng toạ Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thông tin trên báo Thanh niên, sau khi tiếp nhận khối thiên thạch "Mảnh ghép Mặt Trăng" mua từ Mỹ, chùa sẽ mời các nhà điêu khắc nổi tiếng tạc tượng Phật. Tượng Phật thiên thạch sẽ được bày tại tháp Ngọc trên núi thuộc quần thể chùa Tam Chúc”. Các nguồn tin còn nêu rõ lời Thượng tọa Thích Minh Quang: "Ngôi chùa này đang được doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư để xây dựng thành một ngôi chùa quy mô đứng trong nhóm các chùa lớn nhất toàn quốc. Một trong những điểm nhấn của chùa Tam Chúc chính là tượng Phật bằng thiên thạch. Lần đầu tiên tại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới sẽ xuất hiện tượng Phật làm bằng thiên thạch mặt trăng".
***
Vậy là, không còn chỉ là xây dựng với xây dựng nữa mà là câu chuyện văn hóa – văn hóa tâm linh. Người ta sẽ đặt ra các câu hỏi: Tạc tượng Đức Phật từ Viên đá Mặt Trăng để làm gì? Sao cứ phải tạc tượng Phật từ viên thiên thạch quý hiếm đắt tiền như thế? Viên thiên thạch ấy sẽ mang lại điều gì cho chùa Tam Chúc?... Trong tương lai gần, tôi hình dung đến cảnh ồn ào náo nhiệt, chen chúc nhau đến chùa Tam Chúc một phần vì Phật thì ít, mà đến vì tượng tạc từ The Moon Puzzle thì nhiều. Chắc chắn ai cũng đến gần, đông đúc, thậm chí chen vai thích cánh, để được chạm tay vào tượng quý. Lâu ngày, tượng mòn nhẵn và đổ mồ hôi đá vì mồ hôi người. Vậy thì, nhà doanh nghiệp và nhóm người nào đó đã đạt được mục đích. Tạo điểm nhấn. Gây ấn tượng. Đánh vào trí tò mò. Thu hút đám đông... Còn việc sau đó là thu tiền, hay chỉ đơn thuần từ viên sa thạch vũ trụ tôn vinh tôn giáo thì hạ hồi phân giải. Trong cái nhìn kinh doanh và lợi nhuận, doanh nghiệp không sai, biết tính toán rất chuyên nghiệp, thậm chí tinh quái. Cũng có nghĩa thành công ngay từ trong ý tưởng. Song coi chừng “được mùa tiền bạc, mất mùa tâm linh”?
***
Có một câu trả lời không mấy thuyết phục: “Đại diện chùa Tam Chúc cho biết, do đây là nơi tập trung rất nhiều Phật tử, sinh viên và học sinh trong nước, nước ngoài nên đơn vị xây dựng chùa đã tham gia đấu giá viên đá Mặt Trăng để đưa về nhằm giảng dạy cho các cháu học sinh, sinh viên đến chùa tu tập yêu khoa học, yêu thiên nhiên, yêu thiên văn học, để cầu mong thế giới hoà bình”. Biến chùa chiền thành trường học theo cách này thì chẳng biết vui hay buồn. Nơi tĩnh lặng, an lành của chùa đã không còn nguyên vẹn tính chất nữa. Rồi sau này, người ta đến chùa là đến với Phật, tìm sự an lành, hạnh phúc, hay đến để thỏa chí tò mò? Mọi hình tướng phô trương sẽ ngày càng rời xa chánh pháp. Coi chừng, vô tình hay hữu ý gieo hạt mầm u mê, ngu muội và đầu chúng sinh!
***
Phật Giáo Nguyên thủy chủ trương hạnh phúc con người có hay không là ở thì hiện tại. Hạnh phúc hay khổ đau đều do con người tạo dựng, Đức Phật không giúp gì được, trừ chính con người đó. Muốn được hạnh phúc thì phải tu tâm làm điều tốt lành. Nghiệp nặng thì chìm. Nghiệp nhẹ thì nổi. Không thể giúp vết dầu loang trên mặt biển chìm xuống đáy, cũng như không thể làm cho viên đá dưới đáy biển nổi lên mặt nước. Chẳng ai giúp ai lên trời hay xuống địa ngục, mà phải là chính con người đó tự quyết định số phận mình. Đức Thế Tôn khi hoằng pháp giáo hóa chúng sinh không phải vì Ngài muốn có nhiều tín đồ lũ lượt đi theo và tôn sùng ngài. Cái đích mà Ngài hướng đến là giác ngộ mọi người, giải thoát khổ đau, để sống an lành, hạnh phúc.
Trong Tạp A Hàm, Đức Phật dạy: “Làm chùa, đúc chuông, hay làm việc xã hội… tất cả những công đức đó chỉ bằng một phần mười sáu của công đức thực tập lòng Từ. Cũng như nhìn lên trời chúng ta thấy trăng và sao, và nếu ánh sáng của tất cả các ngôi sao họp lại không bằng ánh sáng của mặt trăng, thì tất cả các công đức khác góp lại cũng không bằng ánh sáng của từ quán”. Siêng năng tu tập tâm từ sẽ hạnh phúc và làm được nhiều điều ích lợi. Bởi toàn bộ Giáo Pháp của Phật đều nói đến Từ Bi và sức mạnh của Từ Bi. Con người xưa nay thường có những quan niệm sai lầm cho rằng xây chùa, tô tượng, đúc chuông là để tích đức lớn nhất cho bản thân. Nhưng, công đức các công việc đó chỉ bằng một phần nhỏ bé, không đáng kể, chỉ bằng 1/16 công đức từ tâm thôi. Đức Phật nói, chứ không phải người người đâu nhé. Một kẻ tham nhũng, cướp cạn tiền kho bạc đụn, rồi đem một phần nhỏ xây chùa, đúc tượng, thì Phật cũng phù hộ, cũng được hưởng an lành hạnh phúc ư? Đức Phật không đền bù theo cách đó. Một khi đã quán niệm được như thế mới gọi là giác ngộ. Khi đã giác ngộ sẽ không làm điều gì không xuất phát từ Tâm Từ.
***
Đức Phật lúc trẻ đã từ bỏ cuộc sống cung đình giàu sang quý phú đi tìm đạo và hành đạo, Ngài không mong sau này sẽ được đúc tượng vàng đặt trong chùa to, càng không nghĩ sau này người đời sẽ tạc tượng mình từ Viên đá Mặt Trăng. 49 năm hoằng pháp, Ngài sống giản dị, bình dị không vinh quang phú quý. Vinh quang và hạnh phúc của Ngài không phải cái ngai quyền lực mà hạnh phúc của chúng sinh được giác ngộ khỏi u mê lầm lạc. Bắt Đức Phật hóa thân vào tượng vàng, tượng ngọc, tượng đồng đen, tượng thiên thạch khổng lồ hay quý quý hiếm... là ý chí và tình cảm của người đời sau. Bao nhiêu kỉ lục về tượng Phật ồn ào cũng chỉ đáng mua vui một vài trống canh cho đám đông hiếu kỳ. Tượng Phật to nhất Đông Nam Á. Chùa to nhất châu Á. Và bây giờ là... tượng quý hiếm từ thiên thạch đắt nhất hành tinh. Có ai vào những chùa to, tượng Phật to, tượng Phật làm từ thiên thạch quý để tìm sự an lành, hạnh phúc?
***
Đức Phật nhiều khi bị lạm dụng, bị sử dụng sai mục đích vì động cơ cá nhân. Đá, vàng, ngọc...hay cát sỏi, xi măng, hoặc tranh tre nứa lá... cũng chỉ là chất liệu thô ban đầu để người nghệ sĩ thổi hồn vào tác phẩm. Vàng, đá quý mà không có giá trị nghệ thuật, tô, xấu thì cũng vô giá trị, mà còn phản cảm. Xưa nay, những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới chưa bao giờ ra đời được từ vàng, hay ruby, hồng ngọc... Giá trị tượng là ở nghệ thuật và lịch sử, chứ giá trị từ chất liệu cũng chỉ mang ý nghĩa tiêu dùng và càng ồn ào phô trương sự lãng phí.