Mặc dầu võ lâm mà Kim Dung mô tả gồm nhiều môn phái và mọi nhân vật của ông luôn luôn bị ám ảnh bởi sự phân biệt chính tà song họ (nhất là các nhân vật chính) thường trải qua rất nhiều môn phái khác nhau để rồi thấy rằng chẳng có môn phái nào thực sự đáng theo cả. Trường hợp Hoàng Dược Sư trong “Xạ điêu anh hùng truyện” khá tiêu biểu. Ông ta chấp nhận người ta gọi mình là Đông Tà bởi nghĩ rằng “Cứ nhận là tà sau này được chính là hay. Chứ tự coi là chính mà sau tà thì mới đáng xấu hổ”. Trong hành động ông ta có một quan niệm thực dụng “Trộm cũng được, cướp giật cũng chẳng sao miễn đừng sát hại nhân mạng hoặc tham lam là được. Cướp giật một miếng để cứu sống sinh mạng con người không phải là hành động tàn bạo”.



NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI XÃ HỘI 
    Sau khi phác hoạ tình hình dịch và nghiên cứu Kim Dung, chúng tôi muốn thử trả lời câu hỏi: tại sao có tình hình đó? Kim Dung đã đáp ứng được nhu cầu nào của bạn đọc và của xã hội VN nói chung?
    Giả sử ai đó bắt tay làm một cuộc phỏng vấn sơ bộ nhiều bạn đọc và cả các nhà văn với câu hỏi lý do khiến họ tìm đọc Kim Dung thì câu trả lời đại khái vẫn chỉ là: Vì tò mò. Vì cần giải trí. Đây là một lý do chính đáng. Từ sau 1985, với việc nhà nước triển khai phương hướng đổi mới (có phần nào tương tự như cải cách mở cửa ở Trung quốc) trong đời sống tinh thần bắt đầu thấy việc bùng nổ các loại phim kinh dị, sách bestseller dịch từ các nước Anh Mỹ. Riêng tính từ ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa thì người ta phải kể tới đủ loại phim truyền hình mang tính cách dã sử hoặc các tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao. Việc phổ biến Kim Dung diễn ra đồng thời với các hoạt động đó.
    Thế nhưng đó chỉ là lý do bề ngoài. Thử làm một sự so sánh: Trước khi Kim Dung xuất hiện đã có một loại kiếm hiệp viết phỏng theo dã sử, đó là các bộ “Giao Trì hiệp nữ”, “Bồng lai hiệp khách” mà tác giả là Lý Ngọc Hưng, một Hoa Kiều từng sống ở Hà Nội. Nhưng sách của tác giả này mãi mãi bị xem là sách hạng ba hạng tư, người ta không coi truyện kiếm hiệp là văn chương (và đấy là một sự đánh giá chính xác, chẳng có gì cần phải tính lại). Còn truyện chưởng của Kim Dung từ chỗ bị coi thường coi như loại sách đọc để mua vui chuyển dần tới chỗ được coi trọng được bàn luận một cách nghiêm chỉnh. Theo ý chúng tôi, đằng sau hiện tượng tạm gọi là bùng nổ ở đây, còn những nguyên nhân sâu xa hơn.
      Trước tiên phải ghi nhận trong tác phẩm của Kim Dung thấm nhuần một một quan niệm về thế giới và nhân sinh độc đáo sâu sắc và điều quan trọng nhất, đó là một quan niệm gần gũi với kiểu tư duy của con người hiện đại. 
      Chúng tôi không có ý định trình bày lại nội dung của triết lý đó, tuy nhiên một số khía cạnh chính có thể tạm thời ghi nhận như sau:   
- Thế giới mà chúng ta sống không phải trong thế ổn định tĩnh tại theo nghĩa cổ điển mà thường xuyên hiện ra như một cái gì xao động bất thường. Tính bất định mà các nhà vật lý lượng tử đầu thế kỷ XX phát hiện khi nghiên cứu thế giới vi mô cũng là đặc tính của tồn tại nói chung. 
- Đó là một thế giới nhiều trọng tâm, đa cực, đa dạng và đầy tính chất nghịch lý, đầy những hiện tượng tạm gọi là kỳ quái, kỳ dị, không bình thường.   
- Các quy luật chi phối sự vận động của thế giới cũng đã thay đổi.  Thay cho một thứ tất định luận cứng nhắc là những quy luật xác xuất thống kê. Một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều kết quả và có khi hàng loạt nguyên nhân khác nhau cùng dẫn đến kết quả giống nhau.
- Trong thế giới đó phải trái chính tà không rạch ròi phân minh mà lẫn lộn rất khó phân biệt. Con người vật vã đi tìm chân lý và lúc mà họ tới đích cũng là lúc họ nhận ra rằng còn lâu họ mới nắm được chân lý thực sự.
..... 
      Không phải ngay từ đầu những tư tưởng này đã được nhận thức đầy đủ. Tại sao từ 1985 về trước, khi phê phán Kim Dung, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng truyện chưởng mang nhiều yếu tố tư tưởng không thích hợp? Lý do thật đơn giản: lúc đó, xã hội chưa có nhu cầu đổi mới, nên những yếu tố tiềm ẩn trong Kim Dung không được phát hiện hoặc chỉ phát hiện để mà phê phán. Ngược lại tình hình từ sau 1985 có nhiều đổi khác. Quá trình đổi mới ấy không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà trong chừng mực nhất định còn trên lĩnh vực tư duy. Từ một tư duy có phần cổ điển, cứng nhắc, phản ánh một quan niệm tĩnh tại về thế giới, con người Việt Nam xã hội Việt Nam chuyển dần sang một tư duy mềm mại hơn năng động hơn để   thích ứng hơn với thế giới. Có thể là trên phương diện lý tính, người ta chưa thật hiểu mình, chưa biết gọi ra chính xác những thay đổi đã đến trong kiểu tư duy của mình. Nhưng bằng trực giác, bằng vô thức, người ta đã cảm thấy như thế, bởi vậy người ta dễ dàng nhận ra kiểu tư duy mới ẩn chứa trong các tác phẩm văn chương, thậm chí người ta muốn tìm thấy ở những tác phẩm văn chương đó một sự hỗ trợ. Kim Dung là một trong những tác giả như thế. 
     Lấy một ví dụ: mặc dầu võ lâm mà Kim Dung mô tả gồm nhiều môn phái và mọi nhân vật của ông luôn luôn bị ám ảnh bởi sự phân biệt chính tà song họ (nhất là các nhân vật chính) thường trải qua rất nhiều môn phái khác nhau để rồi thấy rằng chẳng có môn phái nào thực sự đáng theo cả. Trường hợp Hoàng Dược Sư trong “Xạ điêu anh hùng truyện” khá tiêu biểu. Ông ta chấp nhận người ta gọi mình là Đông Tà bởi nghĩ rằng “Cứ nhận là tà sau này được chính là hay. Chứ tự coi là chính mà sau tà thì mới đáng xấu hổ”. Trong hành động ông ta có một quan niệm thực dụng “Trộm cũng được, cướp giật cũng chẳng sao miễn đừng sát hại nhân mạng hoặc tham lam là được. Cướp giật một miếng để cứu sống sinh mạng con người không phải là hành động tàn bạo”. Những nhân vật như Hoàng Dược Sư ở đây rõ ràng là có chất hiện đại trong suy nghĩ, do đó có sức hấp dẫn riêng với bạn đọc bình thường ở Việt Nam hôm nay. Các nhân vật ấy đã nói hộ họ những điều mà họ lờ mờ cảm thấy. Đã gợi trúng những điều họ nghĩ. Đã hiện thực hoá cái mô hình mà họ muốn noi theo. Đọc Kim Dung chính là một cách để bạn đọc tự tin hơn. Nói cho to tát ra, tức là những tác phẩm tưởng như chỉ để giải trí kia đã góp phần giải phóng tư tưởng cho họ. 
    Cố nhiên quá trình chuyển biến tư tưởng ở bạn đọc Việt Nam hôm nay vốn phức tạp, và bị tác động bởi nhiều nhân tố chủ quan cũng như khách quan. Song so với những tác phẩm lớn của triết học và văn học phương Tây hiện đại, thì truyện chưởng của Kim Dung lại có phần gần gũi, sự tiếp nhận không đặt ra những yêu cầu quá cao, mới đầu đọc chỉ thấy vui vui, và chỉ dần dần cái mà chúng tôi gọi là tư duy mới nói trên mới thấm dần vào tâm tư suy nghĩ, bởi vậy bạn đọc thông thường cũng hiểu, họ dễ tìm tới nó và trong nhiều trường hợp không cưỡng nổi nó. 
                                                        VƯƠNG TRÍ NHÀN


Mời xem tiếp kỳ 3: Nhận thức mới về văn học