Lúc đầu truyện chưởng Kim Dung đến với VN với tư cách một thứ hàng chợ, mì ăn liền. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dịch làm vội, có những chỗ khó thì bỏ không dịch. Trong khi đó từ thời điểm bùng nổ Kim Dung lần thứ nhất tới nay, khoảng cách đã được trên 30 năm gần 40 năm, chính tác giả cũng đã có dịp sửa chữa lại tác phẩm của mình. Thế là việc dịch lại được đặt ra như một nhu cầu tự nhiên. Và đây cũng là một dấu hiệu chứng tỏ sự tiếp nhận Kim Dung hôm nay là hết sức nghiêm túc, tuy rằng đến nay vẫn chưa xuất hiện một dịch giả nào được coi là dịch hay dịch đúng Kim Dung hơn cả.



TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN TRƯỚC 1975:
 Sài Gòn (thủ phủ của miền Nam Việt Nam trước ngày Việt Nam thống nhất) là một thành phố có đông Hoa Kiều. Giữa Sài Gòn với Hồng Kông lúc đó đã có sự thông thương rộng rãi bao gồm đủ loại hàng hoá cả vật chất lẫn tinh thần: Sự xuất hiện ồ ạt các loại sách chưởng với các tác giả như Cổ Long, Ngoạ Long Sinh, Nghê Khuông, Nhược Minh, Nam Kim Thạch, Điền Ca, Độc Cô Hồng ở Hồng Kông vốn lây lan rất nhanh khắp các thành phố Hoa Kiều ở Đông Nam Á thì đến Sài Gòn cũng được đón nhận một cách hào hứng (Chẳng hạn trên 10 bộ sách chưởng của Cổ Long đã được xuất bản).
  Chính trong hoàn cảnh ấy mà nhiều tác phẩm của Kim Dung vừa được in trên các tờ Minh báo mấy năm 1964 1965 liền được giới thiệu ngay với bạn đọc Việt Nam. Sau khi in theo kiểu feuilleton trên báo (báo chí in ở Hồng Kông có khi ra buổi sớm thì buổi trưa đã có mặt ở Sài Gòn) chúng lại được in thành sách bày bán rộng rãi và trở thành mặt hàng phổ biến để mang ra cho thuê (nhờ thế mà có thể đến với các tầng lớp bạn đọc nghèo sống trong các hang cùng ngõ hẻm).
     Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, cho đến trước 1975, trong khi các tác giả khác chỉ được dịch khoảng năm sáu bộ thì số sách đứng tên Kim Dung đã có tới 33 bộ, và được in đi in lại nhiều lần hơn, có đông bạn đọc hơn. Trong số này có một số là hàng giả, chỉ về sau mới kiểm tra được. Chúng tôi ghi lại con số 33 bộ chỉ cốt để ghi nhận sự nổi tiếng của Kim Dung. Một trong những dấu hiệu dễ thấy chứng tỏ một tác giả được đọc nhiều là trên thị trường có những cuốn sách nhại, phỏng theo tác giả đó. Kim Dung là một thương hiệu có giá ngay từ lúc ấy.
     TỪ 1975 TỚI 1998: Sau khi Việt Nam được thống nhất trong khoảng hơn hai chục năm việc xuất bản sách chưởng Kim Dung tạm thời đứt đoạn, chẳng những thế nhà văn này còn bị phê phán coi như một ngòi bút chỉ biết khai thác nhu cầu hưởng thụ thấp kém, thậm chí được gọi là “phục vụ cho mục đích kiếm tiền trên cơ sở khai thác những tâm lý bệnh hoạn”. Cần chú ý là trong giai đoạn này từ Kafka, Freud tới Sartre, Camus.... đều bị lên án không được phép phổ biến, cho nên trường hợp của Kim Dung nói ở đây cũng không có gì là lạ.
   BƯỚC NGOẶT TỪ 2-1998 
   Tuy vậy, có một thực tế là cho tới đầu những năm 90, trong xã hội, sách chưởng vẫn được một số bạn đọc tìm đọc. Họ truyền tay nhau những bản in cũ nhiều khi đã rách. 
   Thời gian này có một vài sự kiện đáng nói tới: đó là năm 1978, Đài Loan rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung, và nhất là từ 1985, tiểu thuyết Kim Dung bắt đầu được đọc trên phạm vi cả nước Trung quốc. 
   Những cách nhìn nhận Kim Dung của các nhà văn nhà nghiên cứu Trung quốc ở Bắc Kinh Thượng Hải (chẳng hạn quan niệm của giáo sư đại học Bắc Kinh Nghiêm Gia Viêm) càng làm cho người ta phải nghĩ lại về Kim Dung.
   Sau một vài bài viết nhắc nhở tới truyện chưởng của Kim Dung in trên một số tạp chí có tính cách phổ thông  như tờ Kiến Thức Ngày Nay khoảng giữa những năm 90, tới đầu 1998, một sự kiện đặc biệt xảy ra: tạp chí Văn học nước ngoài, một cơ quan báo chí thuộc Hội nhà văn Việt Nam, ra một số đặc biệt về Kim Dung, trong đó bao gồm hai nội dung chính  một là  thiên truyện “Tuyết sơn phi hồ” (qua bản dịch của ba dịch giả trong số này  có một giáo sư  chuyên về văn học cổ Việt Nam và văn học Trung quốc là Phạm Tú Châu) và hai là một  số bài viết của một số nhà nghiên cứu phê bình khẳng định giá trị chân chính của truyện chưởng Kim Dung. Từ đó trở đi, cánh cửa đối với Kim Dung được mở trở lại và hàng loạt bộ chưởng của Kim Dung được bày bán rộng rãi.
   

   MẤY NHẬN XÉT SƠ BỘ VỀ SỰ “TÁI XUẤT GIANG HỒ” CỦA KIM DUNG Ở VIỆT NAM 
a) Tác phẩm Kim Dung in lại được sự đón nhận của nhiều loại độc giả. Có cả lớp bạn đọc già lẫn đám thanh niên mới lớn. Lớp già ở các thành thị miền Nam cũ đọc lại như một mảng hồi ức đời mình. Lớp trẻ bấy lâu được nghe nói tới nhiều, nay mới có sách để đọc. Sau 1975 người Việt sang định cư ở nước ngoài đông đảo hơn bao giờ hết, trong số này cũng có nhiều người đọc lại Kim Dung, do đó một số bản dịch in ở VN đã được đưa sang bán ở Mỹ, Pháp…v..v...
b) Như trên đã nói lúc đầu chưởng Kim Dung đến với VN với tư cách một thứ hàng chợ, mì ăn liền. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dịch làm vội, có những chỗ khó thì bỏ không dịch. Trong khi đó từ thời điểm bùng nổ Kim Dung lần thứ nhất tới nay, khoảng cách đã được trên 30 năm gần 40 năm, chính tác giả cũng đã có dịp sửa chữa lại tác phẩm của mình. Thế là việc dịch lại được đặt ra như một nhu cầu tự nhiên. Và đây cũng là một dấu hiệu chứng tỏ sự tiếp nhận Kim Dung hôm nay là hết sức nghiêm túc, tuy rằng đến nay vẫn chưa xuất hiện một dịch giả nào được coi là dịch hay dịch đúng Kim Dung hơn cả. 
c) Ngay từ trước 1975, lẻ tẻ đã thấy xuất hiện một số bài báo một số cuốn sách biên khảo viết riêng về Kim Dung mà đáng kể nhất là hai cuốn “Vô Kỵ giữa chúng ta” của Đỗ Long Vân và “Những băn khoăn của Kim Dung” của Nguyễn Mộng Giác. Ngày nay số lượng sách viết về Kim Dung khá nhiều, theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì không có một nhà văn nước ngoài nào vào Việt Nam (kể cả những đại tác gia như Tolstoi, Balzac, Lỗ Tấn, Tagor v. v..) lại trở thành đầu đề cho người ta bàn cãi và có nhiều cuốn sách nói tới đến như vậy. 
       Về nguồn sách, có cuốn do các tác giả VN viết có cuốn dịch các tài liệu của Trung Hoa lục địa, Đài Loan, Hồng Công. 
       Về nội dung, có thể chia làm mấy loại: 1/ Trước tiên là những cuốn có tính cách bổ trợ tài liệu giúp cho bạn đọc làm quen tiểu sử và quá trình sáng tác của tác giả hoặc thông báo quá trình tiếp nhận Kim Dung ở các nước khác. 2/ Thứ nữa là những cuốn phát biểu cảm tưởng trong khi thưởng thức và giúp người khác thưởng thức Kim Dung. Đây là một truyền thống có từ trước 1975 (trường hợp cuốn “Vô kỵ giữa chúng ta”) và nay lại được tiếp tục (một tên sách in năm 1999 mang tên “Kim Dung trong đời tôi”). 3/ Lại có những cuốn tuy chưa lý giải sâu sắc nhưng phần nào đã đặt ra được những vấn đề lớn như “Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Kim Dung” (2001) 
                                               VƯƠNG TRÍ NHÀN



Mời xem tiếp kỳ 2: Truyện chưởng Kim Dung tác động như thế nào đến xã hội?