Vì in tiểu thuyết "Hành quyết không pháp trường", đại tá – nhà văn Tôn Ái Nhân bị một vị thiếu tướng cho là cuốn sách có vấn đề phải tiêu hủy. Trong bữa tiệc liên hoan tổng kết trại sang tác viết văn về đề tài công an năm 2004 tại Hạ Long, trước hàng chục nhà văn và quan khách, vị tướng còn lớn tiếng phê phán cuốn tiểu thuyết “Hành quyết không pháp trường” và chỉ mặt nhà văn Tôn Ái Nhân, nói: “May là anh đã có quyết định về hưu, chứ không tôi sẽ lột sao kỷ luật anh!”. Ngay tại đó, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã lên tiếng ca ngợi cuốn “Hành quyết không pháp trường” và phản bác lại, nhưng ông tướng vẫn một mực đề nghị Cục xuất bản tiêu hủy. Thế là cuốn sách đi toi, và suýt nữa thì án kỷ luật lớn lại đến với anh lúc xế chiều...



TÔN ÁI NHÂN VÀ NỖI ÁM ẢNH HÀNH QUYẾT KHÔNG PHÁP TRƯỜNG

VƯƠNG TÂM

Tôi có dịp đi trại sáng tác với nhà văn Tôn Ái Nhân vài ba lần. Anh trực tính và hiền lành. Tôi nghĩ thế. Lại có người nói, anh tuổi Ngọ nên “thẳng ruột ngựa”, nhưng bản tính rất “Tôn Ái Nhân”; nghĩa là một nhà văn luôn thể hiện thái độ tôn trọng và yêu thương con người. Vậy mà anh dễ bị vướng vào những sự cố bất thường…

Những hệ lụy khó tránh
Đúng vậy, ngay khi nhỏ mới lớp 4, cậu học trò Đinh Khắc Khương (tên gốc của Tôn Ái Nhân - sinh năm Nhâm ngọ) thấy đội Văn nghệ xã tập trung khá đông để tập vở “Bàng Quí Phi” và diễn đi diễn lại nhiều lần, vì bận diễn nên xã miễn không phải đi đắp đê. Thấy vô lý, trò Khương bực mình viết luôn bài phê phán trên báo Cứu Quốc, mục Mấy nét sổ tay ký tên Tuấn Sĩ, trong đó có câu: “Nay Bàng Phi, mai lại Quí Phi/ Dân công trốn tránh chẳng đi đợt nào/ Văn nghệ ai cũng muốn vào, thì còn biết để người nào đắp đê?... Bị bêu xấu xã trên báo, ồn cả làng. Thế là cậu bị cán bộ xã lên án và trù dập. May mà năm đó thi hết cấp I, văn cậu đạt điểm mười, giải nhất khu Hồng Quảng phải rời quê xã Phả Lễ chuyển sang Quảng Yên học cấp II. Thế là yên chuyện...
Sau đó một thời gian bố mất, kinh tế quá khó khăn, trò Khương đã phải học lỏm nghề vẽ truyền thần để lấy tiền tự lo ăn học. Cứ thế, tằng tằng Đinh Khắc Khương lên lớp và thi đỗ cấp III, nhưng phải ra Hòn Gai học, rồi lên lớp10 lại phải chuyển trường sang Cẩm Phả.
Ở đây, Đinh Khắc Khương vẫn phải đến hiệu truyền thần vẽ thuê để lấy tiền sinh sống và ăn học tiếp. Rồi bỗng nhiên có một cán bộ trinh sát người cùng quê đến xem và nhờ vẽ ảnh mình. Bức vẽ rất đẹp, cán bộ trinh sát này liền đem khoe với mọi người, trong đó có Trưởng ty công an Quảng Ninh, Ông Trưởng ty thấy thế liền lấy luôn chiếc ảnh cũ của mẹ đã mờ nhờ vẽ lại. Không ngờ khi nhận bức vẽ ông thấy rất giống và đẹp. Ngay lập tức ông Trưởng ty nói với cán bộ trinh sát “Xem lại lý lịch gia đình và nguyện vọng cậu ta, nếu được thì tuyển vào ngành đi”. Thế là đầu năm 1965, Đinh Khắc Khương được vào ngành và đi học nghiệp vụ công an 18 tháng, rồi ra làm trinh sát. Thấy anh có năng khiếu viết báo, chụp ảnh công an tỉnh liền điều về phòng Chính trị với nhiệm vụ viết báo và chụp ảnh tuyên truyền cho cuộc chiến đấu của ngành. Từ đó, bút danh Tôn Ái Nhân bắt đầu xuất hiện qua những bài báo và truyện của ngành công an. Anh tâm nguyện với lý tưởng văn chương là chống cái ác, ngợi ca cái thiện và bảo vệ người lương thiện.
Năm 1973, Tôn Ái Nhân được cử đi học Trường bồi dưỡng Viết văn trẻ khóa 6, ở Quảng Bá (Hà Nội). Tốt nghiệp, anh được điều về Phòng sáng tác Bộ Công an để đi viết truyện các anh hùng. Được gần một năm thì Công an Quảng Ninh lại đòi anh về để đi viết bài và chụp ảnh phục vụ cho chiến đấu.
Thời kỳ này, Công an tỉnh có lịch là ngày thứ 7 lãnh đạo trực tiếp gặp dân để giải quyết các đơn khiếu nại của họ, nên Tôn Ái Nhân thường xin ngồi nghe và anh đã thấu hiểu nỗi day dứt, trái ngang của người dân mỏ. Anh đã cùng nhà văn Lý Biên Cương đưa một số vụ lên báo Quảng Ninh như vụ chị Hợi công nhân ở mỏ Hà Tu bị giám đốc mỏ trù dập. Kết quả bài báo đã gây dư luận lớn đem lại công bằng cho chị, làm anh phấn khởi càng hăng hái viết bài bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Cũng vì thế nên năm 1979, một sự cố bất ngờ xảy ra khi Tôn Ái Nhân viết bài bênh vực hai nữ công nhân ở công ty Xây lắp mỏ Hòn Gai bị lãnh đạo trù úm, hành hạ. Không hiểu sao khi bài và ảnh của anh đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam (khi ấy anh là cộng tác viên của báo) thì giám đốc đùng đùng nổi giận bắt anh nghỉ công tác, đình chỉ việc thực tập làm phó phòng để viết bản kiểm điểm vì tội viết báo vô ý thức tổ chức kỷ luật, không xin phép lãnh đạo và câu kết với báo trung ương đả kích, bôi xấu lãnh đạo địa phương. Cứ thế liên tục suốt mấy tháng trời, anh viết kiểm điểm và ngồi kiểm điểm, không được viết báo, không được đi Hà Nội, chỉ ở trong phòng tối rửa ảnh. Đồng thời, anh còn phải nhận kỷ luật khai trừ Đảng không được phong hàm, tăng lương. Cũng may, bài báo đã gây tiếng vang mạnh, giám đốc Xây lắp mỏ ra tòa, hai nữ công nhân không còn bị hành hạ trù dập nữa. Rồi với sự can thiệp của Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh và Hội phụ nữ Việt Nam cũng như sự bảo vệ khá tích cực của nữ nhà văn Thanh Hương tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam đã xin Bộ Công an điều Tôn Ái Nhân về Hà Nội. Và năm 1982 Tôn Ái Nhân đã được công văn của Bộ điều về làm biên tập viên tại Nhà Xuất bản Công an. Kết thúc những ngày sóng gió ở công an Quảng Ninh. Và ở đây án kỷ luật Đảng của anh cũng được giảm.
Ngỡ như cánh diều gặp gió, khi nhà văn Tôn Ái Nhân được rời mỏ than ở Quảng Ninh, về khai thác mỏ chữ ở Hà Nội. Vậy mà anh vẫn bị trắc trở, với hai lần bị làm kiểm điểm vào các năm, 1984 cũng vì bài báo phê phán sách vụ án in trên báo Văn nghệ và 2004 vì in sách bị một vị thiếu tướng cho là cuốn sách có vấn đề phaỉ tiêu hủy. Trong bữa tiệc liên hoan tổng kết trại sang tác viết văn về đề tài công an năm 2004 tại Hạ Long, trước hàng chục nhà văn và quan khách, vị tướng còn lớn tiếng phê phán cuốn tiểu thuyết “Hành quyết không pháp trường” và chỉ mặt nhà văn Tôn Ái Nhân, nói: “May là anh đã có quyết định về hưu, chứ không tôi sẽ lột sao kỷ luật anh!”. Ngay tại đó, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã lên tiếng ca ngợi cuốn “Hành quyết không pháp trường” và phản bác lại, nhưng ông tướng vẫn một mực đề nghị Cục xuất bản tiêu hủy. Thế là cuốn sách đi toi và suýt nữa thì án kỷ luật lớn lại đến với anh lúc xế chiều! Nhớ lại, Tôn Ái Nhân cũng tự nhận số anh không may mắn, mà luôn luôn như con tàu xuýt bị chìm nghỉm mấy lần, trên biển khơi. Anh ví mình lái con tàu bị ngược dòng, có lúc cố vượt qua sóng lừng, nhưng bị văng xuống biển. Có người ví anh là chàng kỵ sĩ vật lộn với cây giáo nhưng múa không khéo lại quệt vào chân mình. Sau nhiều lần bị kiểm điểm vì tai họa nghề nghiệp, anh trở nên trầm lắng và dồn sức viết trong hơn 5 năm trời, hoàn thành 1000 trang cuốn tiểu thuyết Ký ức gã ăn mày (NXB Văn Học - 2014). Đây cũng là cuốn sách được dư luận đánh giá cao với chất sử thi hào hùng của cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của dân tộc ta. Đó chính là kỷ lục của năm, một pho tiểu thuyết sử thi thật hoành tráng, mấy ai viết được dầy đến thế.

Lại thêm những kỷ lục
       Tuy số lượng tác phẩm của nhà văn Tôn Ái Nhân không nhiều, chỉ khoảng 10 cuốn tiểu thuyết và mấy tập truyện vừa, nhưng số trang viết của anh lại lớn. Ngoài kỷ lục của pho Ký ức gã ăn mày, anh còn ghi thêm những kỷ lục, với tiểu thuyết Trinh sát Hà Nội. Trước hết, đây là tác phẩm văn học đầu tiên viết về các chiến sĩ công an được giải thưởng văn học. Đó là giải thưởng Hồ Gươm, 5 năm (1981-1986). Hiện anh còn đang giữ kỷ lục, tác phẩm Trinh sát Hà Nội đoạt giải, được tái bản tới 7 lần. Chưa hết, riêng cuốn tiểu thuyết Oan trái của anh được in tới 40.000 cuốn, cũng là kỷ lục của một tác phẩm mà ít tác giả đạt được. Có một kỷ niệm vui đối với nhà văn Tôn Ái Nhân khi anh làm lễ thành hôn, năm 1982, thì toàn bộ nhân vật có thật ở ngoài đời được anh viết trong tiểu thuyết Trinh sát Hà Nội đều có mặt dự đám cưới. Thêm nữa, những nhân vật này còn được gặp gỡ và trò chuyện với đạo diễn điện ảnh Thanh Loan khi làm phim tài liệu dàn dựng kịch bản về các chiến sĩ trinh sát Hà Nội, qua tiểu thuyết của Tôn Ái Nhân.
Vậy mà cuốn tiểu thuyết “Trinh sát Hà Nội” vẫn có những hệ lụy cho dù thật sự kỳ lạ. Vì đây là cuốn sách viết về con người thật cùng với việc xẩy ra có thật, nên có những phiền toái dẫn đến, mà tác giả chẳng thể ngờ tới. Có gia đình thấy tên người thân trong cuốn sách bị mất tích, thế là họ đến gặp tác giả xác minh lại và đòi xin hưởng chế độ chính sách liệt sĩ. Quả là gây khó cho tác giả. Lại còn có người, chỉ là nhân vật phụ trong tiểu thuyết, nhưng khi ở ngoài đời đi đánh bạc bị công an bắt, đã xì cuốn “Trinh sát Hà Nội” và tờ giấy giới thiệu của nhà văn bỏ quên để xin tha tội. Thì ra đó là giấy giới thiệu của Bộ Công an cho nhà văn đến gặp người này lấy tài liệu, nhưng tác giả không nhớ giữ lại, nên đã bị lợi dụng. Thậm chí, có một nhân vật khác mắc tội dẫn gái mại dâm, khi bị bắt cũng giơ cuốn tiểu thuyết này ra, kể công mình đã giúp công an làm nhiệm vụ. Sau đó anh ta còn đòi tác giả đến can thiệp gỡ tội cho mình. Nhưng tác giả cũng bó tay. Cuối cùng anh ta vẫn bị bắt giam và đưa ra xét xử.
        Phải nói sức làm việc của nhà văn Tôn Ái Nhân thật nhẫn nại và bền bỉ với thời gian. Anh ấp ủ những dự định và bao giờ cũng đi đến cùng, cho dù khó khăn trắc trở. Kỷ lục, có những cuốn sách anh viết ròng rã, sửa đi sửa lại kéo dài tới 12 năm mới hoàn thành. Vậy mà vẫn bị thất bại, khi in ra thì không được phát hành, phải hủy. Và may không bị kỷ luật vì đã về hưu. Nhưng không nản, sau đó anh đã âm thầm chịu đựng và lại cầm bút viết, liền tù tì 1000 trang cho cuốn sau. Hầu hết, những cuốn tiểu thuyết của anh đều khai thác sâu sắc về thân phận con người và từ hơn 300 trang trở lên. Anh không vội vàng bởi luôn luôn tuân thủ theo tiêu chí của mình đề ra: “Hãy đặt trái tim lên lòng bàn tay mà viết”. Tôn Ái Nhân quan niệm, nhà văn không dũng cảm sẽ không viết được sự chân thật về chính, tà và cái số phận của con người! Nhưng nhà văn muốn dũng cảm, trước tiên phải sống thiện, phải có một cái tâm sáng, tấm lòng yêu thương con người thật sự và bất chấp sự thiệt thòi đối với mình.

Vẫn còn đó, tiểu thuyết mới 1000 trang…
       Tôi còn nhớ, mở đầu cuốn tiểu thuyết “Ký ức gã ăn mày”, nhà văn Tôn Ái Nhân đã viết tựa đề: “Chiến trường ai khóc chia phôi. Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua”. Đó là nỗi niềm rung động, trong tâm hồn nhà văn, đồng thời cũng là đối tượng mà anh luôn luôn hướng tới. Cuộc đời sóng gió, và tràn đầy lãng mạn của người chiến sĩ công an là hình tượng nghệ thuật, mà nhà văn Tôn Ái Nhân tập trung miêu tả. Anh coi đó là một kho vàng khai thác mãi không bao giờ cạn.

        Chính vì thế, anh đã bắt tay vào viết cuốn sách mới về chiến công của những người công an trong công cuộc cách mạng tháng Tám, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Đây là đề tài mà chưa ai đụng chạm tới. Anh sợ sự lãng quên với tâm thức: “Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua”. Cũng phải tới ngàn trang! Khi tôi hỏi anh gật đầu nói, hẳn phải đến thế, bởi kho tư liệu và những ghi chép của anh hàng chục năm nay khá đồ sộ. Một ấp ủ thật sự bất ngờ, nhưng anh đã viết hai năm nay được vài trăm trang, với cái tên tạm đặt: Đất thiêng giận dữ. Rất có thể con ngựa già này sẽ lại phải lầm lũi dăm năm nữa, trên con đường trường chinh bụi đỏ, bao nỗi truân chuyên để đi tới cái đích rỡ ràng đang phía trước.