Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thổ lộ cảm hứng để có tác phẩm “Tuổi 20 yêu dấu”: Cuốn truyện viết về một thanh niên nghiện ma túy. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện đưa một con người thoát ra khỏi ma túy là đơn giản, không đơn giản chút nào hết. Như con tôi phải mất 15 năm để thoát ra. Cùng thế hệ với nó gần như chết sạch rồi; nó là thế hệ heroin đầu tiên vào Việt Nam. Và trong câu chuyện ấy, có những thứ tôi biết 10 mà chỉ viết một.





Chia sẻ với Zing.vn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết:

"Khi viết văn, bất cứ nhân vật nào cũng thách thức, chứ không phải nhân vật ở tuổi 20. Tác phẩm này do hoàn cảnh của gia đình tôi, bản thân tôi, con trai tôi, nó có những cái vướng rất lớn. Nếu viết không khéo thì sẽ cãi lộn cả nhà. Nếu không khéo, tôi sẽ “hy sinh” trước. Tôi là cột trụ, chỗ dựa cho các thành viên trong gia đình. Và không có cách nào khác, thước đo quan trọng nhất của vũ trụ là chân - thiện - mỹ, trong đó chân là quan trọng nhất. Chân là độ thẳng thắn, đối mặt các vấn đề trong cuộc sống, cái hay, dở, đúng sai, và tìm ra cách ứng xử. Chân là cái khó nhất. Anh không biết giả thì anh không biết thế nào là chân. Tìm ra cách ứng xử trong tình huống ấy là điều quan trọng. Nhưng nó vẫn chưa quan trọng bằng tình cảm người viết. Tôi viết cuốn sách này với tình cảm tôi dành cho con trai tôi - người đã dính vào ma túy, bạn bè con trai dính vào ma túy.

Tôi là nhà văn, có chút danh tiếng, mà có danh tiếng khổ lắm. Nếu không cẩn thận, sẽ bị những mũi nhọn chĩa vào. Nhiều khi nó là lưỡi lê, báng súng. Viết văn là nghề rất khó. Nó đòi hỏi ta phải tu thân để giải quyết vấn đề của mình, gia đình mình, xã hội. Trước tiên mình tu thân mình, thì tự nhiên nó có ảnh hưởng tới những thành viên khác trong gia đình, xã hội".


Nguồn: Zing.vn