Hiểu được thực tế và nắm bắt được bài toán lợi nhuận từ phần đất dôi dư nằm ngoài bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong ngày 7-11 cam kết: “Tôi không ngại, bà con nói gì tôi thấy đúng tôi cũng báo cáo và đề xuất luôn. Các bác yên tâm là tài liệu đưa đến tôi bằng đường nào cũng được xử lý… Tôi xin cam kết quy hoạch được duyệt phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tổ chức, cá nhân nào làm sai là không chấp nhận được… Cũng xin nói Đảng không dung túng cho những hành vi tham nhũng ảnh hưởng tới người dân đâu" và ngày 14-11 tiếp tục cam kết: “Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình là phải giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích chính đáng của người dân. Tổ chức cá nhân nào sai phạm cũng phải xử lý một cách nghiêm khắc”.




Sau cuộc tiếp xúc ngày 18-10 để “xin lỗi tận đáy lòng”, Chủ tịch UBND TPHCM – Nguyễn Thành Phong lại có hai cuộc tiếp xúc ngày 7-11 và ngày 14-11 với người dân Quận 2- TPHCM để trao đổi về những vướng mắc tồn đọng suốt quá trình triển khai khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án đã kéo dài hơn 20 năm, diện mạo thì đã thấy, nhưng thực trạng vẫn ngổn ngang. Bên cạnh những cao ốc và những biện thự xuất hiện trên những vùng đất sình lầy và lau sậy ngày xưa, là sự sụt lở và hoang mang của những người dân từng gắn bó với những địa danh cầu Cá Trê, rạch Bần Cụt, đền Giác Ngư… thời Thủ Thiêm còn là khu vực nghèo nằm hắt hiu bên kia sông Sài Gòn. Đánh thức Thủ Thiêm thực sự cần thiết, nhưng sự tắc trách và sự tham lam của những người có quyền và có tiền đã làm phát sinh bao nhiêu bi kịch cho những mảnh đời vô tội.

Chủ tịch UBND TPHCM – Nguyễn Thành Phong không xa lạ với Thủ Thiêm. Bởi lẽ, ông Nguyễn Thành Phong từng có 3 năm làm Bí thư Quận 2 trước khi luân chuyển về cố hương để đảm nhiệm chức vụ Bí thư tỉnh ủy Bến Tre. Chủ tịch UBND – TPHCM cũng không xa lạ với những chiêu trò làm ăn phát tài phát lộc từ kinh doanh địa ốc có sự cấu kết mờ ám giữa quan chức và thương gia. Bởi lẽ, ông Nguyễn Thành Phong từng là sinh viên rồi làm giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM. Hiểu được thực tế và nắm bắt được bài toán lợi nhuận từ phần đất dôi dư nằm ngoài bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong ngày 7-11 cam kết: “Tôi không ngại, bà con nói gì tôi thấy đúng tôi cũng báo cáo và đề xuất luôn. Các bác yên tâm là tài liệu đưa đến tôi bằng đường nào cũng được xử lý… Tôi xin cam kết quy hoạch được duyệt phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tổ chức, cá nhân nào làm sai là không chấp nhận được… Cũng xin nói Đảng không dung túng cho những hành vi tham nhũng ảnh hưởng tới người dân đâu" và ngày 14-11 tiếp tục cam kết: “Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình là phải giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích chính đáng của người dân. Tổ chức cá nhân nào sai phạm cũng phải xử lý một cách nghiêm khắc”.

Công bố quy hoạch, thực hiện đền bù và tiến hành giải tỏa là quy trình ai cũng nhìn thấy đối với một dự án đô thị mới. Thế nhưng, khi có những bàn tay nhơ bẩn nhúng vào, thì nhiều thứ rối ren lên, nháo nhào lên và dẫn đến khiếu kiện triền miên. Miếng đất cắm dùi bỗng dưng biến thành món lợi kếch sù cho kẻ ăn trên ngồi tróc, thì những người dân lam lũ bị đẩy vào chân tường đắng cay. Để có sự thay hình đổi dạng của Thủ Thiêm hôm nay, khoảng 15 ngàn hộ dân đã phải di dời. Phần lớn họ tự nguyện ra đi để ủng hộ một chủ trương đúng đắn cải tạo không gian đô thị, Thế nhưng, có hơn 2000 hộ dân bị tác động tiêu cực bởi những hành vi bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ. Việc xem xét cũng chỉ tính đến số hộ bị ảnh hưởng do chính sách bất cập. Vì vậy, để thực hiện sự cam kết của Chủ tịch UBND TPHCM, trước hết cần nhanh chóng giải quyết những oan uổng bẽ bàng của hơn 2000 hộ dân này./.

                                             LTN