Nếu như ta ngược
trở lại thời trước - thời cổ đại, cận đại - cũng thấy chẳng những chỉ có “người
nay” mà còn không ít “người xưa” cũng có nhiều câu thơ “phảng phất cách nói của
người xưa” nữa. Chỉ có điều, với không ít trường hợp, khó khẳng định được
rằng người nào đã có thơ “phảng phất cách nói” của người nào. Các nhà thơ Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương...
có những câu thơ mà đọc chúng, ta nhớ ngay đến những câu tục ngữ, ca dao.
THƠ PHẢNG PHẤT
CÁCH NÓI CỦA NGƯỜI XƯA
HỒNG DIỆU
Quyển sách cuối
cùng trong đời văn nhà phê bình Hoài Thanh (1909 - 1992) là “Chuyện thơ...”,
Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978. Chỉ với ba dấu chấm trong cái tên quyển sách
mà đã có khối chuyện kể cũng thú vị, tôi từng có dịp nói đến, xin không nhắc lại
ở đây. “Chuyện thơ...” in ra không lâu, tôi có một bài phê bình dài, in trên Tạp
chí Văn học (của Viện Văn học Việt Nam) số 3, năm 1979. Trong bài của
mình, khi bàn về vấn đề “Học xưa để làm mới trong thơ” mà Hoài Thanh đề cập, có
đoạn tôi đã viết: “Thơ mà Hoài Thanh trích để bình, thường là những thí dụ tiêu
biểu chứng minh cho nhận xét của ông. Hiếm hoi lắm, mới có những câu cho thấy,
nếu đọc nhiều, thuộc nhiều hơn nữa, chắc ông còn dẫn được những thí dụ đắt hơn
nữa. Chẳng hạn, khi ông trích mấy câu này của Thanh Hải:
Ôi mơ ước bốn
nghìn năm
Dẫu ước mơ rất đẹp
Mẹ hỡi chắt chiu đâu biết có ngày nay
Ta đánh quân thù trên cả chín tầng mây
Như Đại Thánh đằng vân diệt bầy quỷ dữ.
Và cho là “rõ
ràng... cách nói ấy phảng phất cách nói của người xưa” thì thật ra, có những
câu “phảng phất cách nói của người xưa” hơn những câu ấy nhiều, có những câu học
tập được cách nói của người xưa một cách sinh động hơn nhiều”.
Trong thư gửi
cho tôi, sau khi đọc bài phê bình, ngoài những chỗ viết về những chuyện khác,
Hoài Thanh có viết về đoạn văn trên đây của tôi như sau: “Tôi rất muốn anh mách
cho một ít câu thơ phảng phất cách nói của người xưa hơn đoạn thơ Thanh Hải mà
tôi đã trích. Trí nhớ của tôi bây giờ kém lắm nên không nhớ ra”.
Tôi cho rằng, đoạn
thơ Thanh Hải mà Hoài Thanh trích chỉ là những câu mượn một ít từ ngữ của “người
xưa” để “nói về” một chuyện của ngày nay, chứ không phải phảng phất “cách nói”
của người xưa. Nhưng vì trước một bậc cao niên, tôi không tiện viết thẳng ra
như thế (viết như trên đã là “quá” rồi). “Phảng phất cách nói của người xưa”
hay là mượn cách nói của người xưa, học tập cách nói của người xưa, theo tôi,
phải là những trường hợp khác, không giống đoạn thơ Thanh Hải.
Chẳng hạn, ca
dao nói:
Đêm nằm nghĩ lại
mà coi
Lấy chồng đánh bạc như voi
phá nhà
Nhà thơ Thanh Tịnh thì viết:
Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên
(trong bài “Dân no thì lính cũng no”)
Chẳng hạn, ca
dao nói:
Mình về có nhớ
ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
hay:
Thuyền về có nhớ
bến chăng
nhà thơ Tố Hữu
thì viết:
Mình về mình có
nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không...
(trong bài “Việt Bắc”)
Lại nữa, khi nhà
thơ Xuân Diệu viết:
Cha mẹ nói oan,
quan nói hiếp
Mực mài nước mắt gửi người thương
(trong bài “Lệ”).
Chắc hẳn nhà thơ
đã nhớ đến những câu tục ngữ:
Cha mẹ nói oan
Quan nói hiếp
Chồng có nghiệp nói thừa
Khi nhà thơ Xuân
Diệu viết:
“Anh nhớ thương
ai đôi mắt lim dim”
Anh nhớ thương ai, anh nhớ thương em
(trong bài “Anh nhớ thương ai”)
chắc chắn nhà
thơ nhớ đến những câu ca dao:
Nhớ ai con mắt
lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Khi nhà thơ Xuân
Diệu viết bài thơ “Biển” tuyệt hay (28 câu), mở đầu bằng những câu thơ này:
Anh không xứng
là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...
Bờ đẹp đẽ cát
vàng
Thoai thoải hàng thông đứng...
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...
chắc hẳn là ở
đây đã “phảng phất cách nói của người xưa” - những người đã sáng tạo ra hát dặm
Nghệ Tĩnh (chính nhà thơ sau này cho biết, trong bài thơ, ông đã “dùng nhiều vần
thơ theo lối hát dặm Nghệ Tĩnh”). Đặc biệt là nhà thơ Nguyễn Bính. Rất nhiều
cách nói của nhà thơ này “phảng phất cách nói của người xưa”.
Khi Nguyễn Bính
viết:
Vai mang khăn
gói sang sông
Tội trời thì chịu, theo chồng cứ theo
(trong bài “bức
thư nhà”)
tôi chắc nhà thơ
đã nghĩ đến mấy câu ca dao này:
Mẹ cha bú mớm
nâng niu
Tội trời đành chịu, không yêu bằng chồng
Khi Nguyễn Bính
viết:
Một vai gánh lấy
giang san...
Còn vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
(trong bài “Lỡ
bước sang ngang”)
tôi chắc nhà thơ
nghĩ đến mấy câu ca dao này:
Có con phải khổ
vì con
Có chồng phải gánh giang san nhà chồng
Khi Nguyễn Bính
viết:
Võng anh đi trước
võng nàng...
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
(trong bài “Giấc
mơ anh lái đò”)
tôi chắc nhà thơ
nhớ đến mấy câu ca dao này:
Ước gì anh chiếm
bảng vàng
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau
Khi Nguyễn Bính
viết:
Người xinh tính
nết cũng xinh
Việc nhà đã thạo, lại tinh việc đồng
(trong truyện
thơ “Trông bóng cờ bảy”)
tôi chắc nhà thơ
nghĩ đến mấy câu ca dao này:
Người xinh cái nết
cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn
Khi Nguyễn Bính
viết:
Năm xưa, đêm ấy,
giường này...
(trong bài “Lỡ
bước sang ngang”)
rất có thể nhà
thơ nhớ đến một câu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
Tình duyên ấy, hợp
tan này.
Khi Nguyễn Bính
viết:
Vì chồng, tôi phải
dầu hao bấc gầy
(trong bài “Thời
trước”)
rất có thể nhà
thơ nhớ đến mấy câu ca dao
Xin chàng đọc
sách, ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu
Bất giác, lại nhớ
thơ Trần Đăng Khoa thời nhỏ. Bài thơ rất lý thú “Đám ma bác giun” viết lúc Khoa
mới chín tuổi (thật kỳ lạ!) không dài, tiện đây đọc lại cho vui:
Bác giun đào đất
suốt ngày,
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà.
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến đất
bạc đầu
Khóc than kiến cánh khoác màu áo tang
Kiến lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến kim chống gậy, kiến càng nặng vai
Đám ma đưa đến
là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà.
Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần
Tôi đoán chắc,
viết bài thơ này, Khoa đã học tập một cách sáng tạo những câu ca dao dưới đây,
làm cho “Đám ma bác giun” có được “phảng phất cách nói của người xưa”:
Con cò chết rũ
trên cây
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích mặc quần vác mõ đi rao...
*
Trở lên là chuyện
thơ “người nay” có “phảng phất cách nói của người xưa” theo cách nói của Hoài
Thanh. Nếu như ta ngược trở lại thời trước - thời cổ đại, cận đại - cũng thấy
chẳng những chỉ có “người nay” mà còn không ít “người xưa” cũng có nhiều câu
thơ “phảng phất cách nói của người xưa” nữa.
Chỉ có điều, với
không ít trường hợp, khó khẳng định được rằng người nào đã có thơ “phảng phất
cách nói” của người nào. Các nhà thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... có những câu thơ mà đọc chúng, ta
nhớ ngay đến những câu tục ngữ, ca dao.
Một mặt, rất có
thể các nhà thơ ấy được ảnh hưởng từ tục ngữ, ca dao; mặt khác, rất có thể những
câu thơ của các nhà thơ ấy đã được dân gian sử dụng như những câu tục ngữ, ca
dao của những tác giả dân gian khác mà ta không biết tên.
Chẳng hạn, ca
dao có câu:
Còn duyên như tượng
tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa
thì nhà thơ Nguyễn
Trãi có câu:
La ỷ (lượt là) dập
dìu, hàng chợ họp
Cửa nhà bịn rịn, tổ ong tàn
Ca dao có câu:
Thật vàng chẳng
phải thau đâu
Đừng đem thử lửa cho đau lòng vàng
thì Nguyễn Trãi
có câu:
Ngọc lành, nào
có tơ vết
Vàng thật âu chi (ngại chi) lửa thiêu
Tục ngữ có câu:
Gần mực thì đen,
gần đèn thì sáng
thì Nguyễn Trãi
có câu:
Đen gần mực, đỏ
gần son
Lại nữa, ca dao
có câu:
Ai đi muôn dặm
non sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy
thì Nguyễn Du có
câu:
Sầu đong càng lắc
càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Lại như Nguyễn
Du có câu:
Rằng hay thì thật
là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
thì Tú Xương có
câu:
Rằng hay thì thật
là hay
Không hay sao lại đỗ ngay tú tài?...
Kể ra nữa thì
còn nhiều, nhiều lắm. Trong thư trả lời nhà phê bình Hoài Thanh (bấy giờ nhà
ông ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Hồ Chí Minh) tôi vẫn thẳng thắn nói rõ
quan điểm của mình, và trích dẫn một phần những thí dụ nêu trên. Không thấy ông
trả lời lại. Hay thư tôi bị thất lạc, không đến được tay nhà phê bình?
Nguồn: Văn Nghệ
Công An