Nhân 100 ngày Nhạc sĩ Tô Hải qua đời, nhà văn – đại tá Nguyễn
Minh Ngọc kể câu chuyện liên quan đến một sáng tác nổi tiếng: “54 năm đã trôi
qua, nhưng bài hát “Sẵn sàng! Bắn!” vẫn vẹn nguyên hào khí Việt Nam cũng như sức
sống bất diệt của nó. Dẫu đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, song lúc
sinh thời, nhạc sĩ Tô Hải vẫn khiêm nhường tự nhận rằng, kẻ viết ra nó chả qua
chỉ làm công việc sắp xếp ý lời từ trận địa pháo lại một cách nghệ thuật mà
thôi. Ông trân trọng bầy tỏ lòng biết ơn những đồng đội cũ của mình và xin giao
lại “Sẵn sàng! Bắn!” cho các chiến sĩ cao xạ của thế kỷ XXI, để bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam!”
NHẠC SĨ TÔ HẢI VÀ BÀI HÁT VIẾT TRÊN VỎ BAO THUỐC LÁ
NGUYỄN MINH NGỌC
Cách nay vừa tròn 15 năm, chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm bộ đội
cao xạ bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, nhạc sĩ Ngọc Khuê, Chủ nhiệm Nhà văn
hóa Quân chủng PK - KQ đề nghị tôi làm một cuộc phỏng vấn ghi hình đối với nhạc
sĩ Tô Hải. Bấy giờ, gia đình nhạc sĩ đương cư ngụ ở phường Vĩnh Hải, phía tây bắc
thành phố Nha Trang. Nhận lời, tôi cùng mấy anh em tuyên huấn tìm đến ngôi nhà nhỏ
của nhạc sĩ nép dưới chân núi, trong mảnh vườn đơn sơ, xanh bóng lá. Thật bất
ngờ, tôi được gặp các nhạc sĩ tài danh như Hoàng Vân, Văn Dung… cũng đương có mặt
tại đây. Từng là một người lính Vệ quốc đoàn, nên khi nghe tôi trình bày ý định,
nhạc sĩ Tô Hải vui vẻ chấp thuận. Không bỏ lỡ thời cơ, tôi liền cho khai triển máy
quay và cuộc trò chuyện diễn ra thật thú vị.
Quả thật, được nghe nhiều và từng say mê cất lên những ca
khúc của nhạc sĩ Tô Hải, nhưng lần đầu được diện kiến ông, tôi không giấu nổi
xúc động. Giữa phòng khách, tấm bằng Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (2001)
được đặt nơi trang trọng, và trong số tác phẩm được lưu danh có bài “Sẵn sàng!
Bắn”.
Ngay sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, tàu Maddox bị Hải quân ta
đánh đuổi, đế quốc Mỹ chính thức dùng không quân đánh phá ra miền Bắc Việt Nam,
mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn và hết sức tàn bạo. Bằng một giọng
chậm rãi, từ tốn, nhạc sĩ Tô Hải kể. Vào đầu tháng 8-1964, nhiều đoàn văn nghệ
sĩ của ta tỏa về các địa phương để sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân
dân. Ông cùng một số nam nữ ca sĩ của Đoàn ca múa Trung ương được cử ra Quảng
Ninh. Đoàn do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách. Bấy giờ khắp miền Bắc, nơi nào cũng hừng
hực ý chí quyết đánh quân xâm lược, chẳng khác nào không khí của những ngày mở
màn chiến dịch Điện Biên Phủ 10 năm trước. Đoàn ca múa đến tận trận địa pháo
hát cho bộ đội ta nghe, họ không hề e ngại bom Mỹ sẽ ập xuống đầu bất cứ lúc
nào. Trong những giờ phút ấy, nhạc sĩ Tô Hải nảy ra ý định viết một ca khúc cho
chiến sĩ vì đã khá lâu gần như không có bài nào mới để khơi lại phong trào hát
tập thể trong quân đội. Nhưng viết thế nào để chiến sĩ chấp nhận đây là tiếng
nói của chính mình, đúng hơn là hơi thở và nhịp đập của con tim họ… thì quả
không phải dễ! Cái tâm của người viết đã có sẵn, về kỹ thuật… thì dư sức, sau
những năm tháng dùi mài, rèn giũa. Vậy nhưng nhạc sĩ vẫn thấy mình cứ bí rị.
Ông bèn lang thang qua thăm trận địa pháo cao xạ để ngắm nhìn gương mặt rám nắng
của các pháo thủ, để trực tiếp nghe các khẩu lệnh chiến đấu. Khẩu đội trưởng Thành
giải thích là bắn máy bay phản lực hôm nay khác xa thời kỳ Điện Biên Phủ năm
xưa, nghĩa là không thể hạ nó bằng cách bắn vuốt đuôi, hoặc bắn ngang. Chỉ có một
cách khi máy bay Mỹ bổ nhào là “Nhìn thẳng vào nó. Bắn! Ngẩng cao đầu, không
khiếp sợ! Dứt khoát là sẽ bắn trúng và hạ được nó!”. Nhạc sĩ Tô Hải hỏi thêm, cùng
với yếu tố “không sợ chết” đó, việc bắn máy bay hôm nay cũng phải có gì khác thời
Điện Biên chứ? Thành vừa giải thích cho nhạc sĩ vừa động viên tinh thần các
pháo thủ. Nhạc sĩ Tô Hải không giấu nổi ngạc nhiên trước giọng nói của người
trai xứ Nghệ, nó chân chất mộc mạc, không quá hùng hồn, thậm chí đôi khi còn
sai cả tính từ, trạng từ… nhưng quả là có sức thuyết phục ghê gớm. Từ suy nghĩ
về ý chí, về tình cảm và tư thế quyết ngẩng cao đầu của các pháo thủ, tiếp nối
truyền thống Điện Biên Phủ, sự hợp đồng tác chiến với bộ đội Hải quân và tự vệ
mỏ, với các trận địa bạn… lập tức trong đầu nhạc sĩ thành hình một bài hát nói
về ta, về tôi, về Thành và đồng đội.
Bài hát mở đầu một cách tự nhiên như cuộc sống thường nhật của
bộ đội cao xạ. “Ngẩng đầu hiên ngang Ta ngắm thẳng vào bọn giặc Mỹ đó!”. Và từ
khẩu lệnh chiến đấu, nhạc sĩ nhắc lại những ngày xưa cha ông ta đã luôn ngẩng
cao đầu không cam chịu làm nô lệ, cho tới những ngày. Ta ngẩng đầu ở Điện Biên
Phủ và đi tới với tư thế của người chiến thắng, để hôm nay, các chiến sĩ hiên
ngang đánh trả không lực Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới. Các ý “Hợp đồng thật
hay”, “giành giật từng giây” của khẩu đội trưởng Thành nói với nhạc sĩ, vang
lên như những lời “tuyên ngôn” về tình cảm và ý chí. Quân đội ta đánh thắng kẻ
thù hung bạo không chỉ bằng tinh thần gang thép mà cả sự trưởng thành về kỹ thuật,
chiến thuật. Tuy nhiên, trước quá nhiều tư liệu và bộn bề ý tứ, nhạc sĩ Tô Hải
vẫn cứ loay hoay. Bất ngờ, sáng 5-8-1964, có báo động số 3. Không khí nóng lên
từng giờ. Nhạc sĩ Tô Hải cũng căng thẳng không kém, ông kiên nhẫn chờ đợi giây
phút lóe sáng của tia lửa cảm xúc dường như đã chín muồi. Và rồi, tia lửa đó đã
được phát sáng cùng với ngàn vạn tia lửa của trận đầu đánh thắng giòn giã, quân
dân Quảng Ninh bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên, viên phi công Alvarez.
Trong cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” (5-8-1964), đế quốc Mỹ cho
64 lượt chiếc máy bay xuất phát từ 2 tàu sân bay Constellation và Ticonderoga (Hạm
đội 7) đánh phá ác liệt từ cảng Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An), Lạch
Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh)… Các đơn vị hải quân, phòng không và
lực lượng vũ trang địa phương của ta đã xuất sắc bắn hạ 8 máy bay Mỹ.
Ngay đêm đó, Đoàn ca múa Trung ương đã kịp lên trận địa pháo
hát động viên các chiến sĩ. Trên quãng đường còn đẫm ướt nước biển do tàu hải
quân ta vừa di chuyển vừa bắn trả máy bay Mỹ, làm tung sóng lên bờ, nhạc sĩ Tô
Hải vừa đi vừa nhẩm hai câu đầu của “Sẵn sàng! Bắn!”. Tự coi mình đứng ở vị trí
của người khẩu đội trưởng, nhạc sĩ nói lên những điều mà Thành đã tâm sự với
ông từ chiều hôm trước, kèm theo một giai điệu mà tất cả chỉ có 5 âm: Pha - Son
- La - Đô - Rê (pha cung) nằm trên một trục
tiết tấu mạnh mẽ, tự hào, được phát triển theo cách mô phỏng đi lên, cao trào
và khép lại ở “Bắn!” (subico). Lúc này, phía sau trận địa trời đã tối hẳn, chỉ một
chiếc đèn bão được treo lên để văn công biểu diễn. Hàng trăm con người lặng im chờ
đợi cuộc đọ sức tiếp theo. Nhạc sĩ Tô Hải mời nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra một chỗ để hát
cho Đoàn trưởng nghe phác thảo của bài “Sẵn sàng! Bắn!”, xin ý kiến. Nghe xong,
nhạc sĩ Đỗ Nhuận rất phấn khởi: Hát ngay, phải hát bài này cho chiến sĩ nghe, rồi
dạy liền cho bộ đội hát!”. Được lời như cởi tấm lòng, song nhạc sĩ Tô Hải phát hoảng
vì đã lâu ông không biểu diễn và nhất là lại biểu diễn một bài chưa… kịp viết
ra giấy! Nhưng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nhiệt tình giới thiệu với đông đảo khán giả
đương vỗ tay rào rào trong bóng đêm.
Không còn cách nào khác, nhạc sĩ Tô Hải liền ghé sát cây đèn
bão, xé bao thuốc lá Điện Biên kê đầu gối, ghi vội bằng nhạc số: 1212/445/1212/660…
kèm theo ý và lời của khẩu đội trưởng Thành lên mặt trái vỏ bao thuốc lá. Nhạc
sĩ mạnh dạn bước ra trình bầy “Sẵn sàng! Bắn!” và được bộ đội hoan nghênh nhiệt
liệt.
Ngay đêm đó và những ngày tiếp sau, “Sẵn sàng! Bắn!” được
lan truyền đi khắp các đơn vị và có mặt trên nhiều mặt trận, trên sân khấu cả
trong và ngoài nước. Bài hát gắn liền với tên tuổi của gần như nhiều ca sĩ tên
tuổi lúc bấy giờ, dưới đủ mọi hình thức: đơn ca, tốp ca, hợp xướng, nhạc không
lời (quân nhạc). Một lần nữa, nguyên lý muôn thưở của nghệ thuật lại được chứng
minh sống động, rằng một khi có Chân có Thiện thì tác phẩm dù chỉ mang tính phục
vụ kịp thời cũng sẽ được công chúng đón nhận và coi nó như là “của chính mình”.
54 năm đã trôi qua, nhưng bài hát “Sẵn sàng! Bắn!” vẫn vẹn
nguyên hào khí Việt Nam cũng như sức sống bất diệt của nó. Dẫu đã nhận được nhiều
giải thưởng danh giá, song lúc sinh thời, nhạc sĩ Tô Hải vẫn khiêm nhường tự nhận
rằng, kẻ viết ra nó chả qua chỉ làm công việc sắp xếp ý lời từ trận địa pháo lại
một cách nghệ thuật mà thôi. Ông trân trọng bầy tỏ lòng biết ơn những đồng đội
cũ của mình và xin giao lại “Sẵn sàng! Bắn!” cho các chiến sĩ cao xạ của thế kỷ
XXI, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam!