Vào những ngày này, 50 năm trước, bộ phim “ Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới người Hà Lan- Joris Ivens được công chiếu tại New York. Theo dư luận của báo chí thế giới lúc bấy giờ, như một trái bom với đương lượng thuốc nổ cực mạnh đã làm rung chuyển nước Mỹ, một đối thủ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh đang diễn ra…Cũng vào lúc ấy, Joris Ivens tròn 70 tuổi…



NHÀ LÀM PHIM HÀ LAN GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM

TÔ HOÀNG
  
Nhân hai ngày kỷ niệm này, từ 22 đến 24 tháng 11 năm 2018, tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam và Viện Joris Ivens châu Âu đã tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Joris Iven và cuộc chiến tranh Việt Nam- Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn ”. Tham dự cuộc hội thảo có đông đảo giới làm phim Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Joris Ivens – “ những Ivens học “ có uy tín đến từ các nước.. .May mắn sao, tại cuộc Hội thảo, vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh là hai thành viên đã trợ giúp đạo diễn Joris Ivens và vợ ông- bà Marceline Loridans, phụ trách âm thanh, thực hiện bộ phim “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” là Nghệ sỹ Nguyễn Thị Xuân Phượng năm nay đã sắp bước qua tuổi 90 và Nghệ sỹ nhân dân- Đạo diễn Bùi Đình Hạc 84 tuổi.

Tham luận của hai chứng nhân cao niên này đã gây ấn tượng mạnh tại Hội thảo. Hai người kể lại, vào năm 1967 nhiều bom lắm đạn, thực ra ở Việt Nam chưa mấy ai biết tới tên tuổi và những bộ phim tài liệu của Joris Ivens. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Joris Ivens sang Việt Nam, giới thiệu với giới truyền thông nước ta, bằng những bộ phim tài liệu của mình Joris Ivens đã luôn luôn cổ súy các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc diễn ra giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới I và II. Cũng chính Bác Hồ đã mời cả 4 đơn vị làm phim lớn nhất trên miền Bắc vào thời điểm ấy là Hãng Phim Truyện Việt nam, Hãng phim Phóng sự-Tài liệu Trung ương, Xưởng Phim Quân Đội, Cơ sở làm phim của Bộ Giao thông Vận tải giao trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ cho ông, bà Joris Ivens thực hiện bộ phim dài tập về cuộc chiến đấu ở Vùng Tuyến Lửa Vĩnh Linh. Bà Phượng, ông Hạc còn nhớ rõ lới căn dặn cũng chứng tỏ tầm nhìn xa của Bác: Khi bộ phim này được chiếu trên màn ảnh thế giới nó sẽ có sức mạnh như một đòn tấn công của cả một đạo quân. 

                                          
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Joris Ivens sang Việt Nam


Vượt qua tuyến lửa Khu IV cũ, Joris Ivens, bà Marceline Loridans và đoàn làm phim đã bám trụ mảnh đất lửa Vĩnh Linh suốt 2 tháng ròng rã. Ngủ trong hầm kèo trong những cơn rung lắc của bom pháo địch, ăn lương khô của bộ đội, bà Marceline Loridans đã bị thương ngay trên đường vào, ông Joris Ivens nhiều lần bị pháo đuổi, bị bom vùi. Phương pháp ghi hình của nhà làm phim này-theo bà Phương, ông Hạc cho biết-diễn tả theo lối nói nôm na của chúng ta là “ quay chộp”. Tức là không dựng cảnh, không diễn mà người làm phim phải trực tiếp có mặt tại nơi chiến sự xẩy ra; gặp gỡ, ghi hình ghi tiếng của những người đang đương đầu với bom đạn của đối phương. Cách tạo hình ấy gây nên tính chân thực, tạo ra sự tin cậy và xúc động.Nhưng cũng chính yêu cầu này đòi hỏi người làm phim phải sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm và cái chết, như bất cứ người lính, người dân nào trong cuộc. Chỉ với một lương tâm vì lẽ phải, vì sự trung thực và tấm lòng tha thiết yêu Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong một cuộc chiến tranh chính nghĩa có tiếng vang toàn cầu, hai ông bà Joris Ivens và Marceline Loridans mới hành động một cách quả cảm, anh hùng dành cho mỗi mét phim như vậy.
Trong các bản tham luận các “nhà Ivens học”  đến từ Canada, Hà Lan, Australia, Mỹ, Indinesia, Trung Quốc, Nhật Bản… đã giúp cho giới làm phim và người yêu phim Việt Nam hiểu thêm tầm lớn lao của sự nghiệp và những giá trị mang quy mô toàn cầu trong những tác phẩm  của Joris Ivens. Người đạo diễn Hà Lan này đã từng cộng tác với các nhà làm tài liệu phim Xô Viết từ những năm 1920; đã quay những mét phim về công cuộc giải phóng đất nước của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã có phim về cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia thoát khỏi ách thống trị của thực dân Hà Lan… Tính chiến đấu và phong cách trữ tình luôn luôn thắm đượm trong từng bộ phim của ông.
Nhưng các “nhà Ivens học” cũng giành phần lớn bản tham luận của mình ca ngợi bản trường ca “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” và các bộ phim khác về Việt nam của Joris Ivens.Các bạn cung cấp thêm cho giới truyền thông và các nhà làm phim nước ta biết, bộ phim “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” đã gây nên những đợt sóng dư luận xã hội gúp người dân Mỹ và các nước phương Tây thấy rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ra sao; góp phần rất lớn tạo ra sự ủng hộ, đồng tình của người Mỹ và bè bạn trên thế giới với công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước mà nhân dân ta tiên hành.

                                             
Joris Ivens (người tóc bạc) đang thực hiện một cảnh quay ở Vĩnh Linh. Đứng bên phải ông là bà Marceline Loridans, vợ ông. Người đội mũ cối là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng.


Tiếp nối chương trình của cuộc Hội thảo, các đại biểu quốc tế được Viện phim Việt Nam tổ chức đưa vào thăm Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, những xã thôn nơi hai ông bà Joris Ivens và Marceline Loridans đã tới ghi hình; gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng đã từng là “nhân vật” của phim.

Đặc biệt, trong cuộc Hội Thảo tại Hà Nội lần này, Viện Joris Ivens thế giới còn thu thập được hai tài liệu mới minh chứng cho tấm lòng của nhà đạo diễn Hà Lan này giành cho Việt Nam. Đó là những thước phim mà các tác giả của bộ phim “Bác Hồ ở Pháp” kể lại, họ có được những mét phim ghi cảnh Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Đôc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên kỳ đài gỗ tại Quảng trường Ba Đình, cảnh người dân Thủ đô sung sướng hò reo vào những giây phút đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời ra sao..Những thước phim vô cùng quý giá đó là do chính Jorid Ivens tìm ra và mua lại của một người Pháp để tặng nhân dân ta.

Viện Joris Ivens thế giới còn có thêm tư liệu hai chiếc máy quay phim xách  tay hiện đại đầu tiên mà Đài Truyền Hình Việt nam có được ngày mới khởi nghiệp là do Joris Ivens tặng lại sau một chuyến làm phim ở Việt Nam.