Ngay bài hát đầu
tay “Ai lên xứ hoa đào”, tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được biết đến rộng
rãi. Hơn nửa thế kỷ qua, “Ai lên xứ hoa đào” vẫn là bài hát hay nhất về Đà Lạt
mà công chúng say mê từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Ai lên xứ hoa đào đừng
quên bước lần theo đường hoa/ Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân
ai/ Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa/ Lâng lâng trong sương
khói rồi bàng hoàng theo khói sương/ Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng
bước trong lãng quên…”.
NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN BẼ BÀNG LÒNG TRẦN MƠ BƯỚM
HOA
TUY HÒA
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1930-1973)
hầu như ai cũng biết đến sáng tác nổi tiếng của ông là “Ai lên xứ hoa đào” viết
về Đà Lạt mộng mơ. Thế nhưng, trong gia tài âm nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên để
lại có không ít bài hát viết về chính chuyện tình khiến trái tim ông khôn nguôi
day dứt.
Nhạc sĩ Hoàng
Nguyên tên khai sinh là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn
Châu, tỉnh Nghệ An. Sau một thời gian học hành ở Huế, ông lên Đà Lạt dạy học từ
năm 1954. Tại thành phố sương mù, bằng vốn kiến thức được trau dồi những ngày
đi theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở Liên khu 4, anh giáo viên Cao Cự Phúc bắt đầu
viết nhạc với bút danh Hoàng Nguyên. Ngay bài hát đầu tay “Ai lên xứ hoa đào”,
tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được biết đến rộng rãi. Hơn nửa thế kỷ qua,
“Ai lên xứ hoa đào” vẫn là bài hát hay nhất về Đà Lạt mà công chúng say mê từ
thế hệ này sang thế hệ khác: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường
hoa/ Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai/ Đường trần nhìn hoa
bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa/ Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo
khói sương/ Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên…”.
Ngoài ca khúc
“Ai lên xứ hoa đào”, nhạc sĩ Hoàng Nguyên còn có một bài hát nữa viết về Đà Lạt
là “Bài thơ hoa đào” với giai điệu và lời ca đi vào lòng người: “Ngày nào dừng
chân phiêu lãng/ Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi/ Màu hoa in dáng trời/ Tình
hoa lưu luyến người/ Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi/ Ôi! Đà Lạt là thơ/ Bài
thơ mến yêu reo muôn đời/ Dệt bằng tiếng gió ngàn reo, qua đồi thông hay bên bờ
suối…”. Một trong những học trò của nhạc sĩ Hoàng Nguyên tại Đà Lạt sau này
cũng thành đồng nghiệp của ông là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ: “Ông ấy sống
rất lặng lẽ, hàng ngày chỉ đến trường học rồi về nhà cặm cụi bên cây đàn. Khi
tôi theo học nhạc, thì thầy cư ngụ ở khu vực Nhà thờ Con Gà. Thầy hiền lành và
chan hoà với mọi người. Thầy chơi được rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Dù mục đích
tôi chỉ học chơi nhạc cụ, nhưng thầy đã gợi ý cho tôi đi theo con đường sáng
tác ca khúc. Những bài hát đầu tay của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều phong cách
của thầy Hoàng Nguyên. Sau này, tôi có gặp lại thầy vài lần ở Sài Gòn, nhưng rất
tiếc không được cộng tác cùng thầy trong một chương trình ca nhạc hay trong một
đĩa thu âm nào!”.
Năm 1957, chính
quyền Đà Lạt mở cuộc thanh lọc công chức. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên từng có giai đoạn
tham gia kháng chiến, nên bị khám nhà. Mật vụ đã tìm thấy trong hộc tủ có bản
nhạc “Tiến quân ca” của Văn Cao, nên anh giáo viên Cao Cự Phúc lập tức phải chịu
án lưu đày ra Côn Đảo. Dù là thân phận người tù, nhưng tài hoa của nhạc sĩ
Hoàng Nguyên rất được mến mộ. Chỉ huy ngục Côn Đảo đã mời ông về tư dinh để dạy
nhạc và dạy văn cho con gái cưng 18 tuổi. Gia đình chỉ huy ngục Côn Đảo gốc gác
ở Huế, mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng có nhiều năm sống ở cố đô, nên thầy giáo và
cô học trò vốn sinh ra tại miền núi Ngự nhanh chóng có sự đồng cảm. Chuyện học
hành chưa biết tiến triển ra sao, nhưng sau khi thầy giáo viết bài hát “Tà áo
tím” nhiều tâm tư “Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn/ Người áo tím qua cầu/ Tà
áo tím phai màu/ Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao…” thì cô học trò có
mang.
Chỉ huy ngục Côn
Đảo lập tức tìm cách giải quyết hậu quả. Trước hết, vận động thả nhạc sĩ Hoàng
Nguyên về Sài Gòn, rồi lo liệu đám cưới. Thế nhưng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đợi
mãi vẫn không thấy người yêu xuất hiện. Thì ra, chỉ huy ngục Côn Đảo vẫn hoài
nghi lý lịch của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nên không dám chấp nhận chàng rể “ăn cơm
trước kẻng” mà đưa con gái mình về Huế sinh nở và sắp xếp một cuộc hôn nhân
khác. Bẽ bàng vì “lòng trần mơ bướm hoa”
tan thành mây khói, nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết ca khúc “Cho người tình lỡ”
rất lâm ly: “Khóc mà chi, yêu thương qua rồi/ Than mà chi, có ngăn được xót xa/
Tiếc mà chi, những phút bên người/ Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua…/ Anh
giờ đây như là chim/ Rã rời cánh biết bay phương trời nào. Em giờ đây như cành
hoa/ Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào…/ Nẻo đường cũ giăng đầy mưa/ Khuất mù lối
khiến nên tình đành lỡ/ Ta giờ đây như rừng thu/ Nắng liệm với chiếc lá vàng cuối
mùa…”.
Năm 1960, nhạc
sĩ Hoàng Nguyên tìm được tin tức cố nhân đang cư ngụ ở khu vực chợ Đông Ba nên
lặn lội ra Huế tìm gặp. Cuộc gặp gỡ thật đắng cay, vì người xưa đã là vợ của một
nhân vật có quyền chức. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết bài hát “Thuở ấy yêu nhau”
thay cho lời tạ từ: “Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ/ Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ/
Dòng nước Hương Giang trôi lặng lờ/ Chưa biết chi giận hờn/ Và chưa biết sầu mộng
mơ/ Để đến hôm nay tôi ngồi đây/ Lặng ngắm hoa xoan rơi rụng đầy…”. Ôm nỗi đau ấy
về lại Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Nguyên công bố hai ca khúc thất tình nữa là “Đừng
trách gì nhau” và “Em chờ anh trở lại”. Nếu như ca khúc “Đừng trách gì nhau”
phân bua sự mất mát: “Cuộc tình nào không thương đau, em ơi đừng trách chi nhau/
Trót vì mình vô duyên nên đôi nơi mang mối tình sầu/ Vì trời còn mưa, mưa rơi
không thôi, cuốn trôi tình người/ Oán trách nhau chi, bơ vơ nhiều rồi, xót xa
nhiều rồi…” thì ca khúc “Em chờ anh trở lại” chấp nhận sự trớ trêu: “Ngày anh
ra đi, đường nắng chưa phai mầu/ Dòng sông chia ly, lờ lững chưa hoen sầu/ Ngờ
đâu chân anh, lạc bước khi qua cầu/ Chiều nay bâng khuâng, chợt xót thương đời
nhau/ Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu/ Mà nay bên sông, liễu khuất bến
giang đầu…”.
Năm 1961, nhạc
sĩ Hoàng Nguyên vào học khoa Anh văn ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn và tiếp tục đi
dạy học. Vì những bài tình ca nổi tiếng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên kết thân với nhiều
nhân vật thành đạt trong xã hội Sài Gòn lúc ấy. Một trong những người có quan hệ
gắn bó với nhạc sĩ Hoàng Nguyên là nữ diễn viên Huỳnh Khanh đã đưa tác giả “Ai
lên xứ hoa đào” đến gặp chồng mình là tỉnh trưởng Phan Thiết – Phạm Ngọc Thìn.
Không chỉ mến mộ nhạc sĩ Hoàng Nguyên, ông Phạm Ngọc Thìn còn nhờ nhạc sĩ Hoàng
Nguyên làm… gia sư cho con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Kết quả, nữ sinh Phạm Thị
Ngọc Thuần không đậu đại học mà trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, và sinh
cho ông 3 người con!
Ngày 21-8-1973,
nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời tại Vũng Tàu. Xung quanh cái
chết bất ngờ ở tuổi 43 của nhạc sĩ Hoàng Nguyên có nhiều đồn đoán khác nhau.
Báo chí Sài Gòn lúc ấy đặt câu hỏi rằng, có phải nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã để lộ
thân phận “cộng sản nằm vùng” nên bị thủ tiêu! Suy luận ấy, không phải không có
lý. Bởi lẽ, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, một bài hát của nhạc sĩ Hoàng
Nguyên là “Đàn ơi, xa rồi” rất phổ biến ở những vùng tự do, có lời ca nhắc nhớ
những ngày ông tham gia cách mạng ở liên khu 4: “Quên đi những chiều nhìn mây
vương sau đèo/ Nắng vàng đùa thông reo bên bờ dòng suối lắng/ Cùng nhau vỗ súng
ca cho đời biên khu/ Xa rồi ơi đàn/ Đâu đêm trăng vàng cùng chung vui bên rừng/
Tiếng trầm hùng vang vang, bóng từng đoàn chiến sĩ, nguyền dâng sức sống cho
quê nhà…”. Nghi án về
số phận của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đến tận hôm nay vẫn chưa có lời giải đáp thoả
đáng, nhưng những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vẫn vang lên trong đời sống
âm nhạc “lâng lâng theo sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương”.
Tháng 8-2018 vừa
qua, nhân 45 năm nhạc sĩ Hoàng Nguyên rời khỏi nhân gian, Hội văn học nghệ thuật
Nghệ An đã tổ chức “Toạ đàm về nhạc sĩ Hoàng Nguyên” ngay tại quê nhà Diễn Châu
của ông. Rất nhiều tham luận của giới chuyên môn đã đánh giá rất cao những đóng
góp của nhạc sĩ Hoàng Nguyên cho nền âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
nhấn mạnh: “Trong thời kỳ âm nhạc miền Nam không chỉ nhạc vàng tình yêu, nhạc
xanh, nhạc sến mà còn nhạc trẻ, nhạc tây, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã đi từ dòng tiền
chiến lãng mạn đến tình yêu sang trọng, rồi nhập vào dòng tân nhạc hiện đại. Những
câu chuyện tình yêu trong âm nhạc của ông muốn vượt lên thực tại u ám, nhưng vẫn
phảng phất nỗi niềm tủi đau…”.