Nhân vật trung tâm của bức ảnh là một bé gái. Tại sao cô bé lại khóc tức tưởi đến thế? Vì rằng, với bé, chú chó kia là bạn bầu vô cùng gần gũi. Và "người bạn" ấy rõ ràng đã bị ai đó (trong những người thân của bé) "giết trộm". Làm sao bé có thể hình dung nổi, chỉ sau một đêm trở dậy, "người bạn" vốn dĩ đáng yêu, thông minh và "hiếu động" nhường kia bỗng chốc thành như một củ nghệ khổng lồ bị tróc vỏ vậy. Gương mặt đẫm nước mắt cộng với động tác cô bé đặt tay lên lưng "bạn" (khi ấy đã hoàn toàn bất động, chuẩn bị trở thành "mồi nhậu") khiến ai trông thấy cũng nghẹn lòng.




MỘT BỨC ẢNH THAY CHO NHIỀU LỜI NÓI

PHẠM KHẢI

Nhìn bức ảnh "Cô bé khóc nức nở bên chú chó bị giết thịt", nhiều người đã khóc theo cô bé. Làm sao có thể cầm lòng trước cảnh một đứa trẻ chỉ mới 5, 6 tuổi, tóc tai xùm xòa, vừa khóc nức nở vừa đặt tay lên lưng một "người bạn bốn chân" đã bị thui vàng, được đặt nằm úp bụng trên một cái mẹt, cằm gối lên mấy con dao thái thịt. Trên đầu, cổ và mình con chó có nhiều vết rạch. Cả bốn bàn chân bị chặt cụt. Có bạn xem ảnh đã xa xót thốt lên (qua đoạn comment): "Trời ơi, sao miếng ăn thôi mà cả người cả chó phải khổ thế này". Một bạn khác thì "phiên dịch" thay cho tiếng khóc nức nở của cô bé: "Chó ơi, sao mày ra thế này cơ chứ". Không chỉ lột tả sự nhẫn tâm cao độ của các "đấng", "bậc" nào đó đối với một loài vật nuôi thân thiết trong nhà, bức ảnh còn cho thấy tình yêu thương chan chứa của một em nhỏ dành cho thú cưng - điều mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt tôn trọng để không có cách hành xử gây tổn thương tâm hồn con trẻ.
Ngay khi xuất hiện, bức ảnh đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Từ Việt Nam, bức ảnh nhanh chóng được "nhân rộng" ra với bạn bè quốc tế. Một tổ chức bảo vệ động vật ở Pháp thậm chí còn thính nhạy đến độ ra thông báo muốn liên lạc với người chụp bức ảnh để bàn về "vấn đề bản quyền". Họ muốn dùng bức hình rất đỗi ám ảnh này vào chiến dịch kêu gọi mọi người dừng ăn thịt chó. Thì ra, chủ nhân của bức ảnh chính là người chú của cô bé. Theo "người chú" này chia sẻ (trên facebook của Vi Thảo Nguyên, một bạn trẻ rất tích cực hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ động vật ở Việt Nam, từng cứu hàng nghìn trường hợp chó mèo bị bỏ rơi) thì chú chó được gia đình nuôi đã lâu. Nó đặc biệt "quấn" cô bé. Buổi sáng hôm ấy (thứ bảy), khi cô bé ngủ dậy bước ra sân thì thấy chú chó đã bị giết. Cô bé ôm chó khóc nức nở. Người chú sau đó đã phải mua bánh để dỗ cô bé. Cũng theo người chú, đến giờ cô bé vẫn nhớ chú chó và gia đình đã phải mua lại cho cô bé một chú chó khác.
Tôi không có cơ hội như bạn Thảo Nguyên - được trao đổi trực tiếp với tác giả bức ảnh - song qua câu chuyện, tôi có cảm nhận dường như với gia đình cháu bé, việc làm thịt chó nuôi là việc... bình thường (trên facebook của mình, bạn Thảo Nguyên nhận xét gia đình cô bé có lẽ thường giết chó nhà để thịt).  Theo tôi, rất có thể khi thấy cô bé ngủ dậy bước ra sân, một thành viên trong gia đình đã nảy ý đùa trêu: "Xem con chó của cháu đây này" (con chó khi ấy đã bị thui rồi). Chứ bình thường, một cháu bé khi nhìn con chó bị thui đến biến dạng vậy, rất khó để có thể liên hệ ngay đó là con chó thường ngày vẫn quấn quít nô đùa với mình. Việc chụp ảnh cháu bé khóc nức nở bên xác "bạn" cũng có thể xuất phát từ việc thoạt đầu, họ thấy hành động của cháu bé là "ngộ nghĩnh". 
Nên nhớ, không ít bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ, coi là chuyện đùa việc con trẻ bộc lộ tình cảm như vậy. Việc mua bánh để dỗ dành cháu bé, cũng như mua con chó khác để "đền" vào con chó bị giết, theo tôi nghĩ cũng xuất phát từ việc xem nhẹ sinh mạng con chó, xem nhẹ tình cảm gắn kết thiêng liêng giữa cháu nhỏ với nó, coi đó như thể món đồ chơi, lỡ "mất rồi" thì mua thứ khác "thay vào". Điều đáng buồn, đây cũng là tâm lý của không ít người.
Thật ra, để "minh họa" cho cách hành xử tàn độc của con người đối với loài chó, có những bức ảnh máu me rùng rợn, "đặc tả" hơn nhiều. Nhưng để tìm một bức ảnh "lời ít ý nhiều", giàu sức biểu cảm… thì đây chính là bức ảnh thành công hơn cả. Bức ảnh đã tác động rất mạnh vào lòng thương cảm của con người đối với loài vật (dù khi chụp, "tác giả" chưa hẳn có chủ ý như vậy).
Theo tôi, bức ảnh gây xúc động đến ám ảnh nhờ mấy yếu tố: 
Thứ nhất: Nhân vật trung tâm của bức ảnh là một bé gái. Tại sao cô bé lại khóc tức tưởi đến thế? Vì rằng, với bé, chú chó kia là bạn bầu vô cùng gần gũi. Và "người bạn" ấy rõ ràng đã bị ai đó (trong những người thân của bé) "giết trộm". Làm sao bé có thể hình dung nổi, chỉ sau một đêm trở dậy, "người bạn" vốn dĩ đáng yêu, thông minh và "hiếu động" nhường kia bỗng chốc thành như một củ nghệ khổng lồ bị tróc vỏ vậy. Gương mặt đẫm nước mắt cộng với động tác cô bé đặt tay lên lưng "bạn" (khi ấy đã hoàn toàn bất động, chuẩn bị trở thành "mồi nhậu") khiến ai trông thấy cũng nghẹn lòng. Bàn tay nhỏ bé, yếu ớt của bé gái tương phản với những con dao sắc lạnh bên dưới, như khẳng định một thực tế phũ phàng: Thế giới mong ước của trẻ thơ dù nhỏ bé, trong trẻo nhường nào cũng vẫn còn rất "kênh" với những điều "người lớn" đang "nhắm tới".
Thứ hai: Con chó trong bức ảnh không bị treo móc hàm  như ở các gian hàng thịt chó mà ta thường thấy. Nó cũng không phải nằm ngoác miệng trên khay thịt, nhe hàm răng trắng nhởn thể hiện sự đau đớn nhưng dễ khiến nhiều người kinh hãi. Con chó trong bức ảnh, cả gương mặt lẫn tư thế  nằm úp bụng đều thể hiện sự lành hiền, cam chịu, như muốn khẽ khàng nhắn nhủ với cô bạn nhỏ: "Tớ tiếc là bố mẹ bạn không cho tớ được chơi với bạn nữa". 
Và cuối cùng, như người đời vẫn nói, chó là người bạn trung thành, thân thiết của các gia đình. Việc cướp đi "người bạn" của một cụ già, một cô cậu thanh niên vốn dĩ đã là điều rất không nên, huống hồ ở đây, ra tay sát hại một con vật đang là "bạn của trẻ em", "bạn" của một cô bé mới lên 5, lên 6 thì sự thể càng thương cảm gấp bội! 
Người Pháp hoàn toàn có lý khi chọn bức ảnh nhằm đẩy mạnh chiến dịch kêu gọi mọi người dừng ăn thịt chó. Một bức ảnh thay cho nhiều lời nói.



Nguồn: Văn Nghệ Công An