Dường như mỗi bước chân trên hành trình tìm lại chính mình của nhà thơ trẻ Lê Quang Trạng là những ấn tượng và cảm xúc mới lạ, để bật thành câu chữ, và anh đã “áp tai vào đất” để lắng lọc tâm hồn mình “Người ngã xuống đất/ như áp tai nghe lời thì thầm thân mật/ chỉ đất nói người nghe/ ngàn năm khô giọng/ khát một lời vị khách chẳng biết tên”. Những câu thơ về triết lý nhân sinh “thân cát bụi lại trở về cát bụi” được viết ra thật giản dị, đọc xong bài thơ, mới nghiệm ra rằng ở mỗi lứa tuổi con người có những cảm nhận riêng về quy luật cuộc đời, dù bạn có trải qua những năm tháng hạnh phúc hay khổ đau, thì cuối cùng bạn vẫn trở về nơi bạn đã sinh ra “người ngã xuống đất/ nghe đất thì thầm lời của người xưa/ chỉ nẻo cho người tìm về trò cút bắt”.

 
Áp tai vào đất, lắng lọc tâm hồn

HOÀNG THỊ THU THỦY

Tôi gặp em vào ngày hè nắng chói chang ở Huế, em đi trong đoàn Hội nhà văn An Giang, nhân dịp tổ chức trại sáng tác tại Đà Nẵng năm 2018; em trẻ nhất, em đang là sinh viên Ngữ Văn năm thứ tư Đại học An Giang, bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi ngỡ ngàng, em viết từ bao giờ vậy, sao đã là Hội viên Hội nhà văn của Tỉnh, và khi cầm tập thơ em gửi tặng, tôi còn biết thêm em đã nhận được nhiều giải thưởng về thơ và văn xuôi, hóa ra em giỏi cả về thơ lẫn văn xuôi. Áp tai vào đất với 40 bài thơ cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng về cái mới lạ trong sáng tác của em.
“Tôi gửi một lá thư/ không đề tên người gửi/ tên người nhận là tôi” (Thư cho mình). Lâu lắm tôi không viết thư gửi bằng bì thư và con tem bưu điện, nên khi đọc những dòng thơ này, tôi chợt bồi hồi xao xuyến, nhớ cái thời đi bưu điện gửi thư, nắn nót viết tên người gửi, người nhận, rồi dán con tem lên và chờ bức thư đến tay người nhận. Nay thi nhân tự gửi thư cho mình, mà không đề tên người gửi. Rồi, dọc đường mới nhận ra có thể mình đã quên: tên mình, con tem, nỗi buồn màu gì… và cũng thật bất ngờ “ba ngày sau thư đến/ đó là một lá thư mới/ của một người lạ gửi/ họ không đề tên người gửi/ bóc thư ra/ thấy con chữ nảy mầm/ màu của nỗi buồn hóa phù sa gốc rạ” và “dấu chấm cuối dòng địa chỉ là một cánh đồng”. Thật mới, thật lạ và cũng thật bất ngờ. Sao ta cứ đi tìm cảm xúc về một ai đó, một nơi nào đó, mà không tìm lại chính mình như nhà thơ Lê Quang Trạng. Có thể trong giây phút lơ đãng anh đã quên “tên mình, con tem, nỗi buồn màu gì”, nhưng khi nhận lại bức thư của chính mình thì cảm xúc tươi mới, hy vọng lại chứa chan trên trang giấy trắng, vì “cuối dòng địa chỉ là một cánh đồng”, cánh đồng đó cho anh cày xới nhọc nhằn trên từng con chữ, để lại cho đời những áng văn chương. Phải chăng đó cũng là cách lý giải cái cô đơn của con người. Nhà thơ viết bằng cảm xúc, nhà viết truyện viết bằng nhân vật. Thế kỷ XX, nhà văn Nam Cao thật xuất sắc khi lý giải cái cô đơn của con người qua các truyện ngắn. Nhà thơ Lê Quang Trạng cũng đang lý giải cái cô đơn từ chính mình để giải bày về nó, qua các bài thơ: Con sáo gọi đò, Con sẻ mồ côi, Phòng trọ… “Mỗi lần qua đò về quê ngoại/ tôi chợt thân quen với con sáo nói tiếng người/ đò ơi/ đò ơi/ con sáo gọi đò cho ai?” (Con sáo gọi đò). Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ thứ nhất gợi thật nhiều trăn trở, để rồi kết thúc bài thơ là một sự thương cảm bởi “con sáo già đã chết/ tội nghiệp con sáo cả đời/ nó đâu gọi đò cho nó sang sông”. Từ cảm nhận về những quan sát của nhà thơ về cái bình thường, giản dị hàng ngày, cảm xúc thơ đã gợi thật nhiều suy ngẫm. Hình tượng “con sẻ mồ côi” bị sa bẫy chỉ vì chúng ngây thơ “níu một chút hơi người”, tìm một chút thanh bình “có con sẻ đứng trên sừng trâu chờ” đã trở thành nỗi nhức nhối, nếu con người chỉ vì mưu sinh, vì vô tình mà tận diệt cả sự bình yên của những sinh linh bé nhỏ. Cái tôi thi nhân nhiều khi nhận ra nỗi cô đơn ngay chính nơi mình đang trú ngụ: “Sáng mở tung cánh cửa/ hứng hơi thở của trời/ ban công này nhìn sang ban công kia/ trùng trùng xa những cây cầu không điểm đậu” (Phòng trọ). Đã là phòng trọ thì san sát nhau, chạm mặt nhau, vậy mà “trùng trùng xa cách”, bởi ta hay bởi người bên cạnh, bởi mưu sinh, hay cuộc sống có quá nhiều lo ngại “quanh quẩn thấy mình trong tấm kính/ những tính toan đời thường lên men/ suy nghĩ thêm nhiều ẩn dụ/ cà phê sao đắng môi”. Còn đâu những tiếng gọi nhau uống bát nước chè xanh, còn đâu hình ảnh “tắt lửa tối đèn có nhau”, đó cũng là cách cảm nhận về sự đổi thay của con người nông nghiệp Việt Nam trong quá trình đô thị hóa. 
            Dường như mỗi bước chân trên hành trình tìm lại chính mình của nhà thơ trẻ là những ấn tượng và cảm xúc mới lạ, để bật thành câu chữ, và anh đã “áp tai vào đất” để lắng lọc tâm hồn mình “Người ngã xuống đất/ như áp tai nghe lời thì thầm thân mật/ chỉ đất nói người nghe/ ngàn năm khô giọng/ khát một lời vị khách chẳng biết tên”. Những câu thơ về triết lý nhân sinh “thân cát bụi lại trở về cát bụi” được viết ra thật giản dị, đọc xong bài thơ, mới nghiệm ra rằng ở mỗi lứa tuổi con người có những cảm nhận riêng về quy luật cuộc đời, dù bạn có trải qua những năm tháng hạnh phúc hay khổ đau, thì cuối cùng bạn vẫn trở về nơi bạn đã sinh ra “người ngã xuống đất/ nghe đất thì thầm lời của người xưa/ chỉ nẻo cho người tìm về trò cút bắt”. Áp tai vào đất để ngửi mùi rơm rạ, để “nhớ suốt đời mùi khói đồng thơm”, bởi “khói ở trong lòng, hóa nỗi nhớ trắng cơn mơ” (Khói đồng thơm). Nơi đó “những con đò xa bến cũ nôn nao/ nước của dòng sông đong đầy ký ức/ người ra đi, người trở về ray rứt/ có một miền thương nhớ để mà yêu” (Sông). Gắn bó với vàm sông, với ruộng lúa, bờ kinh, thơ của Lê quang Trạng viết bằng cảm xúc được bật ra từ lồng ngực, từ tình yêu miền kênh rạch đất Nam bộ đến cháy lòng. Cũng vì vậy, đọc thơ anh, trong ta có thêm nhiều cảm xúc về một vùng đất mà con người tuy giản dị, chân chất; nhưng cởi mở, bao dung và phóng khoáng “Lá thư gửi nhầm địa chỉ… lá thư được mình gửi lại/ kèm thêm vài chữ xuống dòng… một tuần sau địa chỉ quen/ lá thư hồi âm đúng chủ/ mới hay lòng mình đã ngủ/ có còn là chính mình không?/ có còn là chính mình không?” (Lá thư nhầm địa chỉ). Phép điệp ngữ cuối bài thơ đã tạo âm vang trong lòng độc giả, nếu con người thờ ơ, vô tâm, lá thư gửi nhầm địa chỉ sẽ bị vứt vào sọt rác, và người mong bức thư đó sẽ chờ đợi đến bao giờ. Câu chuyện được kể bằng thơ đã nhắc nhở với chúng ta niềm hạnh phúc khi biết cảm thông và chia sẻ.  
            Có cảm giác như nhà thơ băn khoăn về muôn lẽ nhân sinh qua các bài thơ: Lối đi trong bệnh viện, Viết ở 115, Hóa kiếp, Phía cuối nghĩa trang, Mộ cỏ, Lời nguyện trong lễ cải táng… Hiểu lẽ sinh tử, ở mỗi bài thơ, nhà thơ sử dụng tứ thơ nhằm chuyển tải quan niệm của mình chuyện sống chết, lòng biết ơn và sự kính cẩn trước những người đã nằm dưới mộ. Nếu ở Phía cuối nghĩa trang thể hiện một thái độ sống, một cách tưởng niệm và cũng là cách suy nghĩ về quy luật: “ở phía cuối nghĩa trang là con đường dẫn tới những chân trời/ tôi đứng sau lưng hàng mộ/ phía những dấu chân cỏ đang mùa tắm sương”; thì ở bài thơ Mộ cỏ là cách nhận thức, lòng tri ân về những người lính đã hi sinh cho Tổ Quốc: “cha lặng nhìn về phía cỏ mùa xa/ còn biết bao ngôi mộ không tên nằm đó/ đồng đội cha và những ngôi mộ gió/ nằm dưới lớp đất kia cho cỏ mọc xanh trời… con đã biết cái giá cho một buổi bình minh/ con sẽ cùng cha mỗi năm về dọn cỏ/ khói nhang bay đi tìm chủ nhân mộ gió/ để mùa xuân về thêm dịu những nỗi đau…”. Thế hệ trẻ nhận thức về lòng biết ơn và trách nhiệm với cuộc sống là điều đáng trân trọng. Có lẽ vì thế mà khi tôi gặp em, tôi nhận ra trong em có cái nhìn thật trong sáng, thẳng thắn, chứa chan hy vọng.   
            Cũng có lúc nhà thơ chú trọng cái hình thức nhằm chuyển tải nội dung, qua lối sắp chữ, một hình thức thơ đã được nhiều nhà thơ sử dụng từ những năm trước của thế kỷ trước, đây cũng là cách cảm nhận cái mới của nhà thơ sinh viên. Chú trọng kĩ thuật vắt dòng, lặp lại và cả hình thức sắp chữ tạo thành một khuôn hình cũng là cách nhà thơ đang tìm cách làm mới mình. Xu hướng này không mới, trước đây đã có nhiều nhà thơ chỉ vì quá chú trọng khuôn hình và kĩ thuật, nên nhiều khi mất cả nội dung cần thể hiện. Rất may, nhà thơ Lê Quang Trạng đã sử dụng kĩ thuật sắp xếp hình thức phù hợp với nội dung, diễn tả được cái cảm giác lo sợ khi nghe tiếng cú kêu: “Cú mèo thả tiếng vòng cung/ điềm báo hiện ra trong mắt/ một cánh lông bay ngang đầu/ dấu hỏi thả dây theo bắt”.
“những chiều lá chuối non lay
            hơi cú dày hơn hơi người
            con sâu mọc từ trong ống tay
            vầng trăng bay đầy lặng ngắt
            đèn chớp tắt
            chớp tắt
            chớp
            tắt
            …
            trong đêm mơ con cú nói được tiếng người
            cú       
            người
            cú
            người
            đâu là cú
            đâu là người…”
                        (Trong tiếng kêu đêm ấy)
            Đi là cảm nhận, là viết, may mắn với nhà thơ là khi tài năng của anh bộc lộ từ rất sớm, nên anh đã đặt được dấu chân mình lên nhiều vùng đất, và mỗi nơi anh đi qua đều để lại những tứ thơ mới từ cảm nhận, khám phá và cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn. Bài thơ Ký họa Huế của anh là phác thảo, là cảm nhận trong hành trình đến và đi: “đứng nơi này nhìn xa xa sương khói mù khơi/ Huế mộng mơ chìm trong đáy mắt/ dòng sông nhẹ bước chân trôi vào lòng lữ khách/ vẫy tay về, nhớ mãi: Huế thương”. Mong là nhà thơ sẽ có nhiều bài thơ, nhiều tứ thơ dạt dào xúc cảm, trên hành trình sáng tạo không mệt mỏi để thi nhân và độc giả cùng tìm đến sự lắng lọc tâm hồn mình khi “Áp tai vào đất”.

Nguồn: Văn Nghệ