Một họa sĩ - tiến sĩ nghệ thuật, từng giữ chức vụ quan trọng ở cấp thành phố, sau khi rời nhiệm sở đã phối hợp với một bảo tàng thực hiện triển lãm tranh của cá nhân ông. Trong chùm tranh ông gửi để xin phép theo quy định, có một bức tranh không qua được cửa kiểm duyệt. Đó là bức vẽ cảnh trăng trên rừng Trường Sơn với những vệt màu mô tả hình ảnh phụ nữ đang khỏa thân tắm suối. Ý kiến của vị nắm quyền kiểm duyệt về bức tranh này là “Trường Sơn là một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc chúng ta mà lại vẽ có cảnh tắm suối khỏa thân, mất tôn nghiêm. Mặt khác, đã xem trộm người ta tắm mà còn vẽ ra là không đàng hoàng. Không đồng ý cho triển lãm bức tranh này”.



Kiểm duyệt văn hóa nghệ thuật có hạn chế sáng tạo?

NGUYỄN THẾ THANH

Để trả lời câu hỏi ở tựa bài viết này thiết nghĩ cần tới một cuộc trao đổi nghiêm túc và có thể sẽ kéo dài. Bởi lẽ hiện nay vẫn tồn tại hai khuynh hướng khá rõ rệt: một, để đảm bảo tự do sáng tạo thì không cần tới kiểm duyệt, cứ để tác phẩm xuất hiện, sai đúng thế nào thì cơ quan quản lý của nhà nước vẫn còn thời gian để “phạt”, “thu hồi”. Hai, nên/cần có kiểm duyệt để đảm bảo cái sai, cái xấu không thể lan truyền và gây tác hại.
Nhưng nhìn nhận về cái sai, cái đúng; cái hay, cái dở của văn hóa nghệ thuật thì vẫn còn có khoảng cách không nhỏ giữa người giữ vai trò kiểm duyệt với đối tượng kiểm duyệt và thậm chí với chính những người trong đội ngũ kiểm duyệt! Vậy mới nói, đi tìm câu trả lời tạm đúng giữa hai khuynh hướng ấy là một việc khó khăn, khó lòng nhanh chóng và thấu đáo trong bối cảnh chính trị hiện tại ở Việt Nam.
Đứng trước sự khó khăn còn lâu dài, tôi chọn cách dễ hơn và cũng chả chắc đã được xem là tạm thấu đáo để bàn một chút về kiểm duyệt văn hóa.
Trước hết, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận là nguyên tắc kiểm duyệt văn hóa, cho đến nay, không phải chỉ được thực hiện ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và, cũng đã có những quốc gia từng thực hiện rồi lại bỏ kiểm duyệt văn hóa, Hàn Quốc là một trong số đó. Ngay ở Việt Nam, trước năm 1954 vấn đề kiểm duyệt vẫn diễn ra ở các chiều kích khác nhau.
Thuở đó, các vùng dưới quyền kiểm soát Pháp như các thành phố Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều có nhà xuất bản âm nhạc. Các ấn phẩm được in với hai chữ “k.d.” (kiểm duyệt) với con số và ngày chứng minh rằng bài ca này được cấp phép lưu hành. Một điều đương nhiên thuở đó nữa là nhạc cách mạng không được xuất bản ở vùng Pháp kiểm soát và ở vùng kháng chiến thì nhạc của nhạc sĩ vùng Pháp không được lưu hành (tất nhiên, ở cả hai vùng ấy, người ta vẫn hát thầm những bài hát mà họ thích dù bị cấm). Từ thời đó Việt Nam đã có hai thế giới âm nhạc hoàn toàn riêng biệt.
Trở lại chủ đề chính của bài viết này, có ba câu chuyện theo tôi cần quan tâm khi chấp nhận nguyên tắc kiểm duyệt văn hóa trong hiện tại.
Thứ nhất, về cấp hành chính của việc kiểm duyệt. Tôi nghĩ hợp lý nhất là sản phẩm văn hóa xuất hiện ở địa phương nào thì do cơ quan kiểm duyệt văn hóa ở địa phương đó chịu trách nhiệm. Ví dụ: một sản phẩm băng dĩa ca nhạc hoặc chương trình biểu diễn ca nhạc - sân khấu - trình diễn thời trang - triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, cần xuất hiện ở TPHCM, dù đến từ Việt Nam hay từ quốc gia khác, thì chỉ cần sở văn hóa và thể thao của thành phố này kiểm duyệt và cấp phép. Sau giấy phép mang tính kiểm duyệt đó, theo đúng các quy định dành cho đối tượng trong nước và nước ngoài, không được có bất cứ yêu cầu nào khác của cấp nào khác can thiệp vào. Nếu sau đó có phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ vi phạm cơ quan kiểm duyệt sẽ bị xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật (đối với cán bộ, công chức) hoặc trách nhiệm hình sự.
Đối với sản phẩm văn hóa đã được kiểm duyệt để lưu hành, ngoài việc phải có giá trị trên toàn Việt Nam, còn cần quy định rõ cấp kiểm duyệt nào cấp phép thì chỉ cấp ấy mới có quyền và trách nhiệm thu hồi hoặc hủy bỏ giấy phép đã cấp. Cần phải quan tâm đến vấn đề này vì trong một thời gian rất dài đã tồn tại ở Việt Nam một quy định mang tính “vô hiệu hóa quyền của cơ quan kiểm duyệt”, đó là: sau khi nhận được giấy phép lưu hành do sở văn hóa địa phương cấp, đơn vị được cấp phép vẫn phải gửi sản phẩm lên cơ quan quản lý văn hóa cấp trên (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - VH-TT&DL) để kiểm duyệt một lần nữa và dán tem! Quy định này chỉ được bãi bỏ tại Nghị định 79/2012. Mặt khác, đến nay vẫn tồn tại một quy định vừa bất hợp lý vừa bất hợp tình theo tôi cần phải sửa đổi, đó là: thay vì Bộ VH-TT&DL giữ quyền kiểm duyệt và cấp phép cho các chương trình của người Việt Nam ở nước ngoài thì nên giao việc đó cho sở VH-TT&DL các tỉnh, thành như đối với các sản phẩm văn hóa đến từ nước ngoài mà các cơ quan này gần đây đã được giao.
Thứ hai, khi đã chấp nhận thực hiện các quy định ở câu chuyện thứ nhất về thẩm quyền của cấp kiểm duyệt thì câu chuyện trình độ của đội ngũ kiểm duyệt là vô cùng quan trọng. Người có trách nhiệm kiểm duyệt cần phải đủ tinh tường và cả tinh tế để cái xấu không bị lọt qua lưới kiểm duyệt nhưng cái đẹp cũng không bị chính cái lưới ấy khai tử.
Có thể ví von người làm quản lý nhà nước về văn hóa, người có chức trách kiểm duyệt văn hóa vừa phải như cảnh sát lại vừa phải như bà đỡ. Cảnh sát là để “thổi còi” đúng lúc, đúng chỗ những gì không được phép làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Còn bà đỡ là để biết nâng niu giá trị sáng tạo nghệ thuật vừa mới ra đời, biết làm gì để biết nó đáng sống và giúp nó tiếp tục sống khỏe mạnh. Thiếu cả hai kỹ năng trên đây, khó có thể làm người kiểm duyệt mà sự phát triển xã hội lành mạnh, tiến bộ cần tới.
Có một câu chuyện có thật trăm phần trăm từng xảy ra ở TPHCM cách nay chưa tới 10 năm mà vì lý do tôn trọng tôi muốn được giấu tên thật của những người trong cuộc. Một họa sĩ - tiến sĩ nghệ thuật, từng giữ chức vụ quan trọng ở cấp thành phố, sau khi rời nhiệm sở đã phối hợp với một bảo tàng thực hiện triển lãm tranh của cá nhân ông. Trong chùm tranh ông gửi để xin phép theo quy định, có một bức tranh không qua được cửa kiểm duyệt. Đó là bức vẽ cảnh trăng trên rừng Trường Sơn với những vệt màu mô tả hình ảnh phụ nữ đang khỏa thân tắm suối. Ý kiến của vị nắm quyền kiểm duyệt về bức tranh này là “Trường Sơn là một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc chúng ta mà lại vẽ có cảnh tắm suối khỏa thân, mất tôn nghiêm. Mặt khác, đã xem trộm người ta tắm mà còn vẽ ra là không đàng hoàng. Không đồng ý cho triển lãm bức tranh này”. Vì ý kiến kiểm duyệt như vậy mà sau đó triển lãm đã diễn ra nhưng thiếu bức tranh có thể nói là đẹp này! Đối tượng kiểm duyệt là họa sĩ, là người phụ trách bảo tàng mỹ thuật khi ấy cho đến nay vẫn không nguôi thái độ bất phục, bất kính với vị kiểm duyệt quá kém về trình độ nhận thức nghệ thuật ấy.
Người trong nghề, đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên, từng nói: “Điện ảnh Hàn Quốc chấp nhận bỏ kiểm duyệt vào năm 1996 vì muốn có nghệ thuật. Nghệ thuật cần phải được tự do. Tự do đúng với khái niệm và nội hàm của từ này. Tự do với nghệ thuật như là không khí để thở vậy. Không có tự do sáng tác thì nghệ thuật sẽ chết. Đừng trách nghệ sĩ Việt Nam không dám đi đến cùng một vấn đề nào đó”. Tâm sự của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về tự do trong nghệ thuật quả là rất đáng được chia sẻ khi liên hệ với trường hợp người kiểm duyệt đã “giết chết” bức tranh vẽ trăng Trường Sơn của vị họa sĩ khả kính mà tôi vừa kể trên đây. Tâm sự ấy một lần nữa gián tiếp nói rằng, trao quyền kiểm duyệt văn hóa nghệ thuật không đáng sợ bằng việc trao quyền ấy cho ai!
Ở Việt Nam sau năm 1954 và sau năm 1975, vấn đề quá chậm cấp phép cho các bài hát trước năm 1954 và trước 1975 ở miền Nam có lẽ một phần lớn là do chưa chuẩn bị được đội ngũ kiểm duyệt đúng chuẩn tinh tường và tinh tế.
Ngày 15-10-1989, Cục Âm nhạc và Múa mới bắt đầu cấp phép cho các bài hát trước 1975 được phổ biến. Trong đợt đầu tiên này có các tác phẩm xưa của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Chuẩn...
Phải đợi hai năm nữa, ngày 10-8-1991, thì mới có một số tác phẩm thời Việt Nam Cộng hòa của các tác giả Thanh Sơn, Y Vân, Trần Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Hoàng Trọng, Minh Kỳ... được cấp phép phổ biến.
Và mãi đến 16-1-2003, một số bài ca của nhạc sĩ Việt ở hải ngoại được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Một số tác giả phải đợi lâu hơn - nhạc Phạm Duy mới bắt đầu được cấp phép hồi năm 2005, nhạc Lam Phương năm 2007 và nhạc Hoàng Thi Thơ năm 2008.
Câu chuyện thứ ba và cũng là câu chuyện kết thúc bài viết cạn cợt này. Đó là, một khi tiến bộ kỹ thuật đã trao cho người dùng các tiện ích Internet để tự công bố tác phẩm báo chí, ca nhạc, phim và thời trang của mình mà không cần phải qua một cửa kiểm duyệt nào, thì lẽ nào công tác kiểm duyệt văn hóa nghệ thuật cứ mãi đứng yên? Ít nhất cũng đừng để có khoảng cách quá “bất công” trong quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong và ngoài các tiện ích Internet như YouTube, Facebook. Rất khó thuyết phục rằng trình diễn khỏa thân và hát nhạc kích động hận thù dân tộc trên Internet thì được vì đó là một khoảng công cộng “ảo”, khác với chốn công cộng ngoài đời! Và, cũng nên nghĩ đến một lúc nào đó thì bỏ được việc kiểm duyệt văn hóa, như Hàn Quốc vào năm 1996. Từ bấy đến nay, phim Hàn Quốc cũng có “chăn gối nóng bỏng” và đánh đấm kinh hoàng như một số phim có qua kiểm duyệt sản xuất tại Việt Nam đâu! 



Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn