Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, thông điệp cốt yếu mà ông muốn gửi đến khán giả sau khi xem phim “Cao hơn bầu trời” ít nhiều sẽ thay đổi quan niệm về chiến tranh, đặc biệt là cách nghĩ về phim chiến tranh nói riêng, phim Việt nói chung. Xuyên suốt 50 tập phim là tình người đậm đà vượt lên bom đạn. Truyện phim đầy bi tráng nhưng chân thực, xúc động, tuy mất mát đau thương ghê gớm song không hề bi lụy. Cuộc sống chiến trận đan xen với cuộc sống đời thường. Hào hùng và cảm động, cao cả mà gần gũi, tác giả chuyển tải sâu xa tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, nhà văn đã dụng công chọn lựa ngôn ngữ nhân vật phù hợp với tính cách, lứa tuổi, vùng miền…


KHÚC TRÁNG CA VỀ  “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

NGUYỄN LAN CHI

“Cao hơn bầu trời” là bộ phim truyện truyền hình 50 tập do Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc biên kịch, Hãng phim Giải phóng sản xuất, phát trọn vẹn trên 2 kênh VTV9 và SCTV6 “truyền hình thế hệ mới”.

Như là một cơ duyên
Đương ấp ủ một bộ tiểu thuyết dài hơi về không quân, thì giữa năm 2011, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bất ngờ nhận được cú phôn mời đến Giám đốc Hãng phim Giải phóng (nay là Công ty cổ phần Giải phóng film) gặp Giám đốc Thái Hòa. Sau hơn một giờ đồng hồ đàm đạo, biết nhà văn có 30 năm gắn bó với Không quân, hiểu cặn kẽ nhiều ngóc ngách và thuộc nhiều số phận con người, vị GĐ hãng sốt sắng đề nghị nhà văn viết luôn kịch bản phim nhiều tập đi, tiểu thuyết hẵng gác lại đã. Sau khi đề cương được chấp nhận, Hãng phim mời ký Hợp đồng, nhà văn mới mầy mò tìm sách “học nghề”. Và thế là 50 tập kịch bản phim “Cao hơn bầu trời” với 2.500 trang đã ra đời như thế.
Phim được chính thức bấm máy vào sáng 7-11-2012 tại sân bay Kép, Bắc Giang. Đây là nơi mà khung cảnh hầu như vẫn còn nguyên dáng vẻ thời chiến tranh, từ đường băng cất hạ cánh, đến núi đồi, hầm chỉ huy sở… Tại thời điểm ấy, toàn bộ lực lượng Không quân của ta chỉ còn Trung đoàn không quân 927 là đơn vị duy nhất đang sử dụng máy bay MiG 21. Mà đánh B52 thì chỉ có MiG 21 chứ không thể loại máy bay nào khác. Bộ phim tái hiện thời khắc quân và dân miền Bắc, với nòng cốt là bộ đội PK - KQ đập tan cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy cuối tháng 12-1972. Tuy nhiên, để vít cổ được “Pháo đài bay B52” xuống đất thì chưa có quân đội nước nào làm được, vậy nên quá trình tìm tòi, nghiên cứu và chuẩn bị phương án tác chiến của Quân chủng PK-KQ là rất công phu, tỉ mỉ và khoa học.
Phản ánh đề tài lịch sử, nhưng đây là bộ phim truyện về thân phận con người đi qua cuộc chiến tranh. Nhà văn cho biết, ông không chép lại cuộc sống mà tái tạo nó theo lăng kính thẩm mĩ của mình. Trong số hơn 140 nhân vật của phim, ngoại trừ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, là người thật việc thật, còn lại, từ các cán bộ Quân chủng, Binh chủng cho đến các phi công chiến đấu, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ cao xạ và trắc thủ radar, đặc biệt là hàng chục nhân vật nữ… đều được ông nhào nặn từ nhiều số phận khác nhau. Không một nhân vật nào trong phim có nguyên mẫu cả. Vậy nên việc có diễn viên cao hứng tiết lộ với báo chí vai mình đóng là nguyên mẫu này, hay nguyên mẫu kia chỉ là sự ngộ nhận mà thôi! Cùng với việc chú tâm xây dựng hình tượng những người con của miền Nam đánh giặc trên bầu trời miền Bắc, bộ phim còn là tình yêu không thể đong đếm và lòng biết ơn của nhà văn đối với đất và người Hà Nội linh thiêng. Đó là những bà mẹ, những nữ tự vệ nhà máy dệt, và những người con của Hà Nội, từ người bình dân đến các trí thức, tất thảy đều một lòng sống chết vì Thủ đô với đầy đủ hình hài, tính cách và khí phách riêng của họ! Một gia đình người Hà Nội với sự lịch lãm, hào hoa mà dung dị vô cùng. Đó là cụ Tứ, mẹ trung tá Trần Thạnh (Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ), cô giáo Hòa Bình (con dâu, vợ Trần Thạnh) cùng hai cậu con trai, Kiều Liên (con gái) cán bộ kỹ thuật kiêm tự vệ Nhà máy dệt Hà Nội... Xuyên suốt 50 tập phim có nhiều mối tình sâu lắng và cảm động, giữa các phi công tiêm kích với những người đẹp: Vũ Sáng - Kiều Liên, Trịnh Nhung - Huệ (nuôi quân) - cô giáo Vân (hy sinh vì bom Mỹ),  Hà Vĩnh - Huyền…; sĩ quan tên lửa Văn Dương - Hương… Lại có cả chuyện tình của phi công MiG21 với cô gái Nga (Lê Trọng - Nina)… Ấy là chưa kể đến những mối tình đơn phương của nhà báo Nguyệt Hà - Vũ Sáng, của PTS Ninh - Kiều Liên. Nhà văn cho biết, ông không hề dụng ý tạo ra các chuyện tình “tay ba”, nhưng sự va đập của cuộc sống chiến đấu đã nhen nhóm và làm nẩy nở các mối tình hết sức tự nhiên. Và ông tuân thủ theo logic ấy. Nhớ nhung, xa cách, dỗi hờn, hiểu lầm, rồi được giải tỏa, sáng trong… Vâng, giữa bom rơi, đạn nổ, làm sao con người sống được nếu không có tình yêu?  


                                       
Một cảnh quay "Cao hơn bầu trời"


Những thông điệp trực diện
Từ tập 1 đến tập 48, là câu chuyện về quá trình chuẩn bị, xây dựng phương án tác chiến và đánh thắng cuộc tập kích chiến lược Linerbacker II của Mỹ. Trong số 34 chiếc B52 bị bắn hạ, không quân ta 2 lần lập công, còn lại 31 chiếc do bộ đội tên lửa sử dụng SAM2 bắn rơi, 1 chiếc do pháo cao xạ 100...
Vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến 12 ngày đêm, hay tin Kiều Liên cùng 4 nữ tự vệ Nhà máy dệt chiến đấu và anh dũng hy sinh, từ nơi trực chiến ở Thanh Hóa, phi công Vũ Sáng xin được trở ra Hà Nội viếng người yêu. Tại đây, Vũ Sáng tình cờ gặp PTS Ninh, nghe lời giãi bày tâm sự của “tình địch”, anh càng hiểu hơn về tấm lòng trung trinh cao đẹp của Kiều Liên, càng yêu quý và xót xa bởi nỗi mất mát quá lớn. Và, anh thề trước mộ phần Kiều Liên là sẽ chiến đấu và trả thù cho cô.
Trở lại sân bay dã chiến ở Thanh Hóa, Vũ Sáng nhận lệnh xuất kích vào đêm 28-12-1972. Sau khi tiếp cận mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa đối không K13, vẫn không diệt được mục tiêu, anh không thoát ly mà lao cả chiếc MiG21 làm “quả tên lửa thứ 3”, diệt bằng được chiếc B52 và hóa thành mây trắng giữa trời đêm. Sau chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, người Mỹ buộc phải ký kết Hiệp  định Paris.
Tiếp nối (2 năm sau) là hai tập 49 và 50, khép lại cuộc chiến tranh dằng dặc 30 năm. Bắt đầu từ sự kiện nhân vật Đặng Trung, phi công ta cài vào hàng ngũ địch, ném bom dinh Độc Lập và bay ra vùng giải phóng Phước Long, đến việc Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh yêu cầu KQ tham gia chiến dịch. Phi đội Quyết Thắng được thành lập, anh em phi công (Trịnh Nhung, Thiều Quang) từ miền Bắc vào Đà Nẵng cùng với Đặng Trung và một số phi công “lưu dung” bay chuyển loại máy bay chiến lợi phẩm A37. Từ sân bay Phù Cát, cả phi đội cơ động vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Từ đây, lúc chiều muộn, phi đội cất cánh bất ngờ đánh vào khu chứa máy bay địch ở Tân Sơn Nhất.
Sau niềm vui của non sông liền một dải (30-4-1975), những người con của miền Nam chiến đấu trên đất Bắc, đưa vợ con trở về quê Nam. Cuộc gặp gỡ trùng phùng cảm động. Và cuối phim, người đi, kẻ ở, họ gặp nhau ở nghĩa trang liệt sĩ dâng hương tưởng nhớ những bạn bè đã hy sinh và bao người thân quen ngã xuống… Tình cảm Bắc Nam thắm thiết, hòa quyện!
Tên phim được tác giả “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh. Hay tin vợ có thai, những ngày trực chiến, phi công Hà Vĩnh đều đặn viết cho đứa con tương lai: … Con ơi, ngày mai bố sẽ xuất kích. Phía trước là bầu trời, nhưng “Cao hơn bầu trời” là Tổ quốc Việt Nam!... Nhà văn bảo ông muốn chuyển tải một thông điệp rằng chúng ta thắng đối phương không chỉ bằng sức mạnh thông thường mà bằng cả tình yêu, trong đó có tình yêu quê hương, xứ sở của những người lính, rộng ra là cả dân tộc. Một dân tộc thà chết chứ nhất định không chịu sống quỳ!
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, thông điệp cốt yếu mà ông muốn gửi đến khán giả sau khi xem phim ít nhiều sẽ thay đổi quan niệm về chiến tranh, đặc biệt là cách nghĩ về phim chiến tranh nói riêng, phim Việt nói chung. Xuyên suốt 50 tập phim là tình người đậm đà vượt lên bom đạn. Truyện phim đầy bi tráng nhưng chân thực, xúc động, tuy mất mát đau thương ghê gớm song không hề bi lụy. Cuộc sống chiến trận đan xen với cuộc sống đời thường. Hào hùng và cảm động, cao cả mà gần gũi, tác giả chuyển tải sâu xa tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, nhà văn đã dụng công chọn lựa ngôn ngữ nhân vật phù hợp với tính cách, lứa tuổi, vùng miền… Nhờ vậy, hầu hết các nhân vật trong phim đều có cốt vững, hồn tươi, có hình hài và diện mạo không lẫn, chiếm được cảm tình của khán giả!
“Thân phận của tình yêu”
Thông thường, khi kịch bản hoàn thành, được nghiệm thu thì hãng phim mới tổ chức sản xuất. Với phim “CAO HƠN BẦU TRỜI” thì không theo thông lệ ấy, tác giả viết xong tập nào, thì hãng Giải phóng film tổ chức quay tập ấy. Đầu tháng 2-2013, khi mới xong phân nửa kịch bản, nhà văn bị TNGT gãy xương bánh chè đầu gối trái, phải nhập viện mổ. Ngày 21-3-2013, VTV News đưa tin: “Bộ VH, TT và DL vừa có quyết định đưa bộ phim truyện truyền hình nhiều tập CAO HƠN BẦU TRỜI, tác giả Đại tá Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, vào sản xuất… Bộ phim có nguồn kinh phí do Nhà nước đặt hàng chiếm hơn 70%, nguồn xã hội hóa chiếm 30%. Dự kiến, bộ phim sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài truyền hình VN từ tháng 8-2013 đến tháng 10-2013”. Bị đặt vào thế “cưỡi lưng hổ”, nên mặc dù chân còn bó que, chống nạng, Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vẫn cắn răng viết cho xong 25 tập còn lại. Cực không thể tả, nhưng có lẽ hồn cốt phim đã nhập vào người, nên tác giả cứ liều ngồi “cày” đến nỗi đầu gối bị cong gập, phải đi tập vật lý trị liệu, kéo mãi mới duỗi ra được. Âu cũng là cái giá phải trả cho sự đam mê.
Khi những thước phim cuối cùng vừa quay xong thì máy bay MiG21 của Trung đoàn 927 cũng xếp xó vì quá cũ, bây giờ thì có tiền tấn cũng chả làm nổi phim ấy nữa. Nhà máy dệt Nam Định cũng đập đi, để xây mới. Trong quá trình làm phim, có nhiều thay đổi về nhân sự. Nghệ sĩ Văn Hiệp (vai bảo vệ nhà máy) xong mấy tập đầu thì mất vì bạo bệnh. Một số vai diễn được thay người mới. Dàn diễn viên gạo cội như: Văn Báu, Bình Xuyên, Hoàng Thế Bình, Phạm Tiến Lộc, Nguyễn Thiên Bảo, Nguyễn Hoàng Tùng, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Đồng Văn Bình, Trịnh Mai Nguyên… để lại những dấu ấn khó quên. Đặc biệt, các nữ diễn viên: Đoàn Trang Nhung, Nguyễn Thị Sâm, Đặng Thùy Linh, Nguyễn Mai Chi, Nguyễn Thị Kim Dung, Lê Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Hương… đã nhập vai rất dung dị, tạo nên hồn cốt của phim. Có những vai diễn xuất thần như Cao Thị Huyền (vợ phi công Hà Vĩnh), khiến người xem trào nước mắt. Ngay cả những diễn viên đóng vai phụ cũng chiếm được nhiều cảm tình (Nguyễn Thị Kim Xuân, Nguyễn Thị Cúc, Trần Hạnh, Lê Hồng Giang...).
Đúng 5 năm tròn, chiều 7-11-2017, tập đầu tiên của phim “CAO HƠN BẦU TRỜI” lên sóng VTV9 lúc 14 giờ từ thứ 2 đến thứ 6. Liền đó, hội nghị APEC khai mạc, để “né” sự “nhậy cảm”, nhà đài buộc phải tạm ngưng. Đến 14 giờ ngày 24-11-2017, VTV9 phát lại từ tập 1. Và ngày 21-12-2017, kênh SCTV6 cũng phát sóng bộ phim này. Tiến tới kỷ niệm 46 năm chiến thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” từ giữa tháng 11-2018, bộ phim tiếp tục lên sóng trên kênh “Quốc phòng Việt Nam” (QPVN) và kênh VTV cab2 “Phim Việt”.  

Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc bảo đúng là bộ phim đầy “thân phận”… nhưng ông mãn nguyện. Vì với bộ phim trường thiên đầy tâm huyết này, ông coi như mình đã trả được món nợ ân tình với đất và người Hà Nội, với không quân, nơi ông lớn lên từ binh nhì!