Nhà thơ Thanh Thảo đọc tập thơ “Bóng làng” của nhà thơ Trần Chấn Uy: “Có thể Trần Chấn Uy may mắn vì quê nhà anh vẫn còn nghèo, và nó cách xa trung tâm quá đến nỗi người ta không bỏ cướp đất làm sân golf. Bây giờ, người ta không để mắt tới là hạnh phúc. Ngược lại, là thảm họa. Là một đứa con của quê nhà, làm sao tôi lại chỉ mong cho quê nhà mình cứ nghèo mãi? Nhưng nếu giàu theo kiểu “Địa ốc đứng lên, quê hương tan rã”, thì thà nghèo còn hơn. Vì giàu theo kiểu đó, thì ai giàu chứ người dân tại quê nhà thì mất luôn cả quê, và như bà con Thủ Thiêm, họ phải lưu vong ngay trên quê nhà mình…”




GIẬT MÌNH, NGHE TIẾNG THƠ MÀI KHUYẾT ĐÊM

THANH THẢO


Độ lại một câu thơ của Trần Chấn Uy (Giật mình, nghe tiếng cuốc mài khuyết đêm) tôi những muốn kêu lên khi đọc bản thảo tập thơ “Bóng làng”: Giật mình, nghe tiếng Thơ mài khuyết đêm.
Thơ về quê nhà, lại là quê nghèo, bao giờ cũng buồn. Nhưng thường thì thơ gắn với buồn nhiều hơn vui. Nhiều khi không buồn cũng buồn buồn. Khi người ta quá tuổi trưởng thành, khi người ta cảm thấy đời mình đã xế bóng, cảm giác buồn buồn này càng rõ. Quê nhà, lúc này là ký ức, với tất cả những hình ảnh vừa thân thuộc đến nao lòng vừa xa lạ đến khắc khoải. Thơ đi giữa hai trạng thái cảm xúc ấy. Bấy giờ, chỉ hiện lên mơ hồ trong ta hình ảnh 
Gửi người áo gió khăn mưa
Nẻo xa bạc tóc vẫn chưa tìm về
Tôi “ngất ngây con gà tây” với hình ảnh lãng đãng “áo gió khăn mưa” như có như không này. Với miền Trung, áo gió khăn mưa là một hình ảnh hoàn toàn có thực tự ngày xưa, và nó găm vào bộ nhớ của một nhà thơ nặng lòng với quê nhà như Trần Chấn Uy. Cái anh nhà thơ đô con, to lớn vạm vỡ sử dụng thành thạo súng AK này bỗng trở thành trẻ thơ, bỗng yếu đuối một cách lạ kỳ mỗi khi viết thơ về quê nhà mình. Ai cũng có một quê nhà, và rất nhiều người từng lang bạt, có khi tới hết cuộc đời. Nhưng quê nhà vẫn đó, nguyên vẹn trong ký ức họ, như một thực thể tinh thần, một hình ảnh tâm linh, và một nỗi nhớ khắc khoải dâng lên vào một lúc trống vắng nào đó. Người Trung Quốc gọi quê nhà là cố hương, nó có vẻ chìm sâu vào ký ức hơn hai tiếng “quê nhà” của người Việt mình. Có lẽ vì đất mình không quá rộng, người dân mình hồi xưa cũng ít khi đi quá xa. Tôi đã từng phát hiện qua thơ của nhà thơ Quang Dũng, khi ông làm thơ ngay tại quê nhà của mình ở Phùng (Sơn Tây), thì cuối bài thơ, ông lại than lên là mình nhớ quê nhà, và tự hỏi “quê nhà ta ở đâu?”. Phát hiện của tôi khá đơn giản: Quang Dũng, bằng ký ức vô thức lưu truyền qua nhiều thế hệ, đang nhớ một quê nhà xa lắc của mình đâu đó tận miền Trung. Đó là quê nhà của người Chàm cổ. Vâng, Quang Dũng là một nhà thơ gốc Chàm, tổ tiên của ông đã bị buộc định cư ở vùng trấn Sơn Tây, sau những cuộc chiến tranh triền miên giữa người Việt với người Chàm.
Trần Chấn Uy nhẹ nhàng hơn: quê gốc anh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ngày chiến tranh, tôi đã hành quân vào Nam qua quê anh, ghé trạm giao liên Đức Lạc, Đức Thọ. Từ chuyến đi thuyền ngược sông Lam, sông La. Đó là một vùng bán sơn địa, có rất nhiều vườn mít vườn chè, nhiều tiếng chim hót, nó yên tĩnh ngay cả trong chiến tranh. Một vùng quê như thế, quên làm sao được!
Những hình ảnh quê nhà trong tập thơ “Bóng làng” là những hình ảnh quen thuộc, được làm mới bởi liên tưởng, được nhấn nhá bởi âm nhạc từng câu thơ, được thả rơi như những chiếc lá bên bờ sông vắng, được hút thẳng vào tâm cảm như cây xanh hút nắng hút mưa. Rất nhiều cây xanh trong tập thơ này, và đó là lẽ đương nhiên. Không cây xanh, quê nhà còn đâu nữa. Thử nghĩ xem, một lúc nào đó, sau nhiều năm ta về thăm lại quê nhà, thì bày ra trước mắt ta ngạo nghễ một... sân golf! Lúc ấy, thật chết còn sướng hơn.
Có thể Trần Chấn Uy may mắn vì quê nhà anh vẫn còn nghèo, và nó cách xa trung tâm quá đến nỗi người ta không bỏ cướp đất làm sân golf. Bây giờ, người ta không để mắt tới là hạnh phúc. Ngược lại, là thảm họa. Là một đứa con của quê nhà, làm sao tôi lại chỉ mong cho quê nhà mình cứ nghèo mãi? Nhưng nếu giàu theo kiểu “Địa ốc đứng lên, quê hương tan rã”, thì thà nghèo còn hơn. Vì giàu theo kiểu đó, thì ai giàu chứ người dân tại quê nhà thì mất luôn cả quê, và như bà con Thủ Thiêm, họ phải lưu vong ngay trên quê nhà mình.

Thơ Trần Chấn Uy bắt đầu từ những thi ảnh bên ngoài, nhưng càng vào sâu, những hình ảnh ấy càng lặn vào tâm thức, vào vô thức, như cái cách mà quê nhà cư trú trong tâm hồn ta. Thơ Trần Chấn Uy hay, tôi nói hay theo nghĩa anh biết làm mới những thi ảnh cũ, biết để thơ tuôn trào một cách tự nhiên, không hề gò ép. Nhưng bên trong những bài thơ viết về cố hương ấy, vẫn âm thầm những thông điệp. Thì chúng ta làm thơ mà chi, nếu không nói được những điều muốn nói?

Cũng đã lâu rồi tôi mới được đọc một tập thơ hay bình dị, không cố làm ra hay, nhưng lại níu người đọc với những thi ảnh những câu chữ khó thay thế khi viết về quê nhà. Dĩ nhiên, thơ có bao nhiêu cách thể hiện, và cách nào cũng tốt miễn thơ ấy hay. Với người làm thơ, viết được một câu thơ hay về những gì mình yêu quí, mình gắn bó thì đủ sức lay động chính mình. Rồi, hy vọng, nó sẽ tìm được sự đồng cảm với những người đọc khác.

Dưới “Bóng làng” ấy, còn thấp thoáng bóng ông bà, cha mẹ ta, còn thấp thoáng bóng người nông dân gánh rạ buổi chiều như gánh cả hoàng hôn, còn những dấu chân lấm bùn, mùi thơm ngô nướng, màu sắc ngây thơ của những loài hoa dại...