Những ngày qua,
vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc lại khiến dư luận một lần nữa phải xôn xao bởi
những phát ngôn như: “Ai viết nhạc ra để ca sĩ lấy đi hát một đêm kiếm mấy chục
ngàn USD, 300 - 500 triệu đồng để làm giàu, mua xe hơi nhà lầu...” hay “Bầu
show tổ chức đêm nhạc bán cả chục triệu đồng/cặp vé”. Trong khi đó, tác giả âm
nhạc lên tiếng đòi mấy đồng tiền bản quyền thì bị phản đối. Câu chuyện này nếu
đặt vào thời điểm 5 - 7 năm trước thì chắc chắn sẽ khiến dư luận phải “lên đồng”,
các phương tiện truyền thông lập tức vào cuộc rầm rộ; song nay đã khác, bởi những
từ đanh thép như “kêu cứu” hay “tố cáo”… đã không còn mới trong câu chuyện tác
quyền âm nhạc.
BẢO VỆ TÁC QUYỀN,
ĐỪNG CHỈ KÊU SUÔNG
MAI AN
Đại diện của
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng, việc ban hành
các quyết định mới về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa
điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH-TT-DL, hay
việc ban hành Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu
tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước, trong đó quy định bãi bỏ thành phần
hồ sơ “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền
tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu
quyền tác giả” trong cấp giấy phép biểu diễn… đã khiến việc thu tác quyền đã
khó càng thêm khó. VCPMC cho biết thêm, chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà 78
chương trình biểu diễn vi phạm về quyền tác giả; trong đó có nhiều show lớn, sử
dụng âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Phú Quang hoặc show
của các ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên, Lan Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn, Anh
Thơ…
Vẫn biết
tiền bản quyền đối với các nhạc sĩ là mồ hôi, nước mắt và là đồng tiền chính
đáng đối với những tài năng nghệ thuật, song có còn hợp lý khi nhạc sĩ Đinh
Trung Cẩn, giám đốc VCPMC, băn khoăn “tới thời điểm này vẫn chờ đợi vào thái độ
tự nguyện và tinh thần trách nhiệm, đúng thời hạn của người sử dụng như thuở
ban đầu cách đây cả chục năm thì liệu còn phù hợp?”
Thêm nữa cũng cần
nhìn việc các nhạc sĩ bị vi phạm quyền tác giả là đang hiện hữu, nhưng tại sao
“người bị hại” lại không dùng quyền dân sự để khởi kiện ra tòa, đấu tranh bảo vệ
quyền của mình. Chúng ta vẫn rao giảng rằng xã hội muốn văn minh là phải thượng
tôn pháp luật, vậy khi mà luật họ không chịu tìm hiểu thì không thể chờ đợi ở
cái tâm và thái độ tự giác của người sử dụng tác phẩm âm nhạc mà cần phải ứng xử
với nhau bằng luật pháp. Biết rằng những người đi tiên phong luôn gặp nhiều khó
khăn thử thách, việc kiện ra tòa trong vi phạm tác quyền đòi hỏi đầu tư nhiều
thời gian, công sức và tiền bạc. Song thực tế, trên thế giới các vụ vi phạm bản
quyền nếu không thỏa thuận được đều giải quyết bằng cách đưa nhau ra pháp luật,
vậy còn chần chừ gì mà Việt Nam lại không theo? Tại thời điểm này, nếu như cứ
chọn giải pháp “kêu cứu” thay vì tự bảo vệ quyền lợi của mình thì chắc sẽ còn
phải kêu dài dài!
Nguồn: Sài Gòn
Giải Phóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét