Tại phố sách 19-12, Phúc Minh Books - đơn vị phát hành series tiểu thuyết “Thám tử Kỳ Phát” - bộ tiểu thuyết trinh thám lừng danh của nhà văn Phạm Cao Củng đã tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách với chủ đề “Đánh thức trinh thám Việt”. Tham dự giao lưu có khá đông sinh viên, các bạn trẻ, bạn đọc yêu thích sách văn học, đam mê truyện trinh thám; một số chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam... Tuy nhiên, vẫn là câu hỏi muôn thuở được đặt ra là: Văn học trinh thám Việt Nam đang có động lực hồi sinh hay vẫn tiếp tục chìm khuất lẻ loi trong dòng chảy văn học nói chung?



Văn học trinh thám Việt Nam: Hồi sinh hay chìm khuất?

NGUYỆT HÀ

Sự trở lại của “Sherlock Holmes Việt Nam”
Buổi giao lưu “Đánh thức trinh thám Việt” có các khách mời: PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS. Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 
Buổi giao lưu đã tập trung vào các chủ đề như: Phạm Cao Củng và thời kỳ vàng son của Trinh thám Việt; thám tử Kỳ Phát - một hiện tượng “trinh thám” của thế kỷ XX cùng những kỳ vọng làm sống dậy dòng văn học trinh thám Việt vốn có nhiều năm tháng bị ngắt quãng, chìm khuất.
Sau một thời gian ngắt quãng, chàng thám tử Kỳ Phát từng “hùng bá” một thời trên văn đàn trinh thám Việt thuở những năm 30 - 40 thế kỷ trước đã trở lại với bạn đọc thông qua bản liên kết ấn hành giữa Nhà xuất bản Công an nhân dân và Công ty sách Phúc Minh với diện mạo của bản trình bày đẹp hơn, ấn tượng hơn với bạn đọc. 
Nhận định về dòng văn học trinh thám Việt Nam, giới phê bình - nghiên cứu đều có chung nhận định rằng, người đã góp phần đưa trinh thám Việt trở nên phổ biến rộng rãi đến với bạn đọc hơn từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ trước, không ai khác chính là nhà văn Phạm Cao Củng. 
Với những tiểu thuyết trinh thám suy luận, trinh thám mạo hiểm mang đậm nét Việt Nam, cùng với sức viết nhiều nội lực khó ai sánh kịp, ông được mệnh danh là “vua trinh thám Việt Nam”, thậm chí còn được mệnh danh là “Sherlock Holmes Việt Nam”. 
Những tác phẩm của Phạm Cao Củng dù vay mượn nhiều yếu tố Phương Tây nhưng việc tác giả “thổi hồn Việt” vào trong đó đã khiến cho các tác phẩm của ông trở nên gần gũi hơn, dễ được tiếp nhận hơn, giúp nó không chỉ là văn chương giải trí đơn thuần mà còn xác lập chỗ đứng cho văn học trinh thám Việt. Hình tượng nhân vật thám tử Kỳ Phát đã trở thành một trong những nhân vật thám tử Việt Nam tiêu biểu nhất. 
Series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn: “Đám cưới Kỳ Phát”; “Nhà sư thọt”; “Chiếc tất nhuộm bùn”; “Vết tay trên trần”; “Kỳ Phát giết người”, mặc dù học tập và ảnh hưởng khá nhiều từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức... 
Vì thế, hành trình phá án của nhân vật này hấp dẫn và chinh phục độc giả bởi sự thông minh, nhạy bén, chất nghĩa khí và tài năng. Đó chính là lý do mà nhân vật Kỳ Phát vẫn vang danh đến tận bây giờ, được các bạn đọc mê trinh thám thế hệ trước nhắc nhớ. 
Đúng như trong cuốn hồi ký của mình, nhà văn Phạm Cao Củng từng chia sẻ: “Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn dĩ bình dị, ngay trong xã hội thực ít ai thấy xảy ra những vụ trộm hay những vụ án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật... Chính vì thế mà tôi luôn chỉ ao ước viết được những cuốn truyện trinh thám mà việc rất có thể được xảy ra trong xã hội Việt Nam mà vai chính cần phải có được những tính cách thật Việt Nam hoàn toàn...”
Kỳ vọng nào cho sự hồi sinh?
Nhắc tới tiểu thuyết trinh thám, xưa nay trinh thám Việt vẫn luôn bị đánh giá là “yếu thế”, mờ nhạt hơn các dòng văn học khác cũng bởi lý do như nhà văn Phạm Cao Củng chia sẻ. Mặc dù xuất hiện cùng thời với Tự lực Văn đoàn, ngoài Phạm Cao Củng là tên tuổi tiêu biểu nhất với các bút danh: Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao… 
Tuy nhiên, mảng văn học trinh thám ngay từ thời đó chưa được đánh giá cao, công chúng ít và không được giới phê bình để mắt đến. Có thể kể đến các tác phẩm trinh thám tiếp theo của dòng văn học này sau tên tuổi Phạm Cao Củng như: “Gói thuốc lá”, “Vàng máu”, “Đòn hẹn” của Thế Lữ, sau này là “Sóng lừng” của Triệu Xuân hay “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần... 
Một số tác phẩm nổi danh (thường được gọi là tiểu thuyết tình báo) sau này, như “X30 phá lưới” của Đặng Thanh, “Ván bài lật ngửa” của Nguyễn Trường Thiên Lý, "Ông cố vấn" của Hữu Mai, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” của Đặng Trần Thiết... tiểu thuyết trinh thám Việt sau đó gần như “phai dấu” và có khoảng thời gian như... mất hút khỏi văn đàn. Hầu như không có tác phẩm mới xuất hiện mà chỉ có sự tái bản lại những cuốn sách từng “một thời vang bóng”.
Chừng mươi năm trở lại đây, tiểu thuyết trinh thám có sự manh nha trở lại với sự đánh dấu của “Trại hoa đỏ”, sau đó là “Câu lạc bộ số 7” của nhà văn Di Li. Nữ nhà văn cho biết, chị yêu thích văn học trinh thám từ khi còn 5 tuổi cho đến bây giờ. Với lợi thế biết ngoại ngữ, Di Li đã có cơ hội đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám và niềm đam mê này đã thôi thúc Di Li cầm bút dấn thân vào thể loại này. 
Với Di Li, “Câu lạc bộ số 7” là tác phẩm quan trọng bởi chị dành rất nhiều thời gian và tâm huyết (được bắt đầu viết từ năm 2009 cho đến tận 2015 mới hoàn thành). Với 2 tiểu thuyết trinh thám ăn khách, được in và tái bản nhiều lần, có nhiều ý kiến cho rằng nhà văn Di Li chính là người đặt dấu mốc cho sự “hồi sinh” thể loại văn học trinh thám và chị cũng thật khôn ngoan khi lựa chọn đường đi vào lãnh địa đang gần như bị... hoang phế. 
Bên cạnh đó, cũng có một số tên tuổi khác nổi lên như Nguyễn Xuân Thủy với các tiểu thuyết trinh thám - hình sự “Sát thủ online” (tác phẩm đạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký của Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã được chuyển thể thành phim), “Có tiếng người trong gió” viết về tội ác buôn bán nội tạng trẻ em... 
Mới đây, tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học - Hà Nội) đã diễn ra buổi giao lưu, tọa đàm, trưng bày sách trinh thám chính trị nhân dịp ra mắt cuốn biên khảo “Răng sư tử” của tác giả Yên Ba. Cuốn biên khảo được tác giả công phu thực hiện suốt 3 năm đề cập  tới cuộc đọ sức thầm lặng không tiếng súng giữa những cơ quan đặc biệt của các cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô cả trước, trong và sau Chiến tranh Lạnh - cuộc chiến kéo dài suốt sáu thập kỉ của thế kỉ XX. Cuốn sách cũng được kỳ vọng là sách trinh thám mang màu sắc chính trị đem lại một không khí mới cho dòng sách trinh thám vốn đang trống trải, thưa vắng hiện nay. 
Cách đây gần 2 năm, sự ra mắt của cuốn truyện trinh thám mang tên “Biệt đội AHHV” phần 1 (viết tắt của “Biệt đội Anh hùng Hảo Việt”) với tên gọi “Vụ án bí ẩn” của cậu bé mắc bệnh xương thủy tinh Lê Anh Xuân (sinh năm 2002) đã gây được sự chú ý và xúc động của độc giả. 
Các tập tiếp có ra mắt được hay không còn còn phụ thuộc vào sức khỏe của tác giả, nhưng việc một cậu bé bị mắc bệnh hiểm nghèo (do di chứng của chất độc da cam) nuôi ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng quả là điều đáng khâm phục và cần thêm những động lực thắp lửa niềm đam mê này với không chỉ Lê Anh Xuân mà còn với những bạn trẻ có chung niềm đam mê khác nữa.
Văn học trinh thám Việt Nam đang có sự khởi động lại, nhưng vẫn còn quá chậm chạp, mờ nhạt và ít tín hiệu vui. Nếu chỉ dừng lại ở những tên tuổi và những tác phẩm vừa được nhắc tên ở trên, thì có lẽ không có cách nào tạo nên một diện mạo của dòng văn học dành cho những người ưa khám phá, mạo hiểm và có sở thích phiêu lưu. Và như thế, cơ hội cho những nỗ lực để hồi sinh dòng văn học này dường như vẫn rất... mong manh.


Nguồn: Văn Nghệ Công An