Dễ xúc động, giàu cảm xúc, mau nước mắt thì không phải chỉ riêng Nguyên Hồng. Nhưng Nguyên Hồng có sự xúc động, cảm xúc và những giọt nước mắt mà người làm văn chương có thể suy ngẫm, chắt lọc ra những điều bổ ích. Trước hết, đó là cảm xúc mãnh liệt về lịch sử, về số phận đất nước, về dân tộc. Có được bao nhiêu người đã khóc như Nguyên Hồng sau ngày 17-2-1979, tưới nước mắt vào câu thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”




3 LẦN NGUYÊN HỒNG KHÓC

CHU GIANG

Có ba lần Nguyên Hồng khóc rất ấn tượng. 
Trong Hồi ký Tô Hoài kể hồi tạp chí Văn do Nguyên Hồng phụ trách bị phê phán, ông buộc bó bản thảo vào xe đạp, đi đến đâu, gặp ai có thể chia sẻ được là ông giở bó bản thảo ra rồi khóc. Chỉ khóc mà không nói ra được. 
Chính Nguyên Hồng cũng nói lại, khi nhân vật Gái Đen chết, ông khóc mãi. Đó là hai lần Nguyên Hồng khóc mà tôi biết được qua trang sách.
Lần thứ ba tôi được chứng kiến. Vào một buổi chiều sau ngày 17-2-1979, hết giờ làm việc, tôi xuống nhà ăn của Hội Liên hiệp, gọi đầy đủ là Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật, ở trong khuôn viên Nhà xuất bản Văn học, 49 Trần Hưng Đạo. Trước 1979, NXB Văn học còn trực thuộc Hội Nhà văn, nằm trong Hội Liên hiệp. Khi tôi bước vào phòng ăn thì thấy nhà văn Nguyên Hồng đang ngồi ở một bàn ăn cạnh cửa sổ. Trên bàn chỉ có cốc rượu trắng. Khuôn mặt ông đầm đìa nước mắt. Thấy vậy tôi không dám chào hỏi ông mà ngồi vào bàn khác, đối diện với bàn của ông. Tôi lặng lẽ quan sát ông, rất băn khoăn không hiểu chuyện gì. Bỗng ông dằn tay xuống bàn, nói như hét lên: 
- Chúng nó sẽ bị đánh cho tan tành! Chúng lại dám xâm phạm vào bờ cõi nước Nam. Chúng sẽ bị đánh cho tan tành…
Rồi ông nhìn vào tôi, nói tiếp: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư… Ý trong nguyên văn mạnh lắm, dịch không hết được, nhưng chúng nó nhất định sẽ bị đánh cho tan tành…
Lòng căm phẫn đã trào dâng trong ông, biểu hiện ra ở cảm xúc mạnh mẽ đến như vậy.
Ấn tượng từ buổi chiều hôm đó cho đến hôm nay vẫn tái hiện trong tôi mạnh mẽ, dữ dội, mỗi khi nhớ đến Nguyên Hồng, hay có dịp nào đó gợi nhớ đến Nguyên Hồng, như buổi kỉ niệm hôm nay.
Tôi được biết, qua đọc hay nghe kể về ông, Nguyên Hồng là người dễ xúc động và mau nước mắt. Nhưng chứng kiến tận mắt, đối với tôi, là buổi chiều hôm đó. 
Thời gian đó cả nước hướng về biên giới, những thông tin về các Liệt sĩ Lê Đình Chinh, Bùi Nguyên Khiết và bao nhiêu gương hi sinh khác đã chuyển đến cuộc sống của mọi người dân ở hậu phương một năng lượng rất dễ cảm nhận. Nhà xuất bản Văn học chuẩn bị tinh thần sơ tán vào phía Nam nếu quân bành trướng tràn tới. Anh chị em trẻ đăng kí vào đội tình nguyện lên biên giới. Tôi nhớ nhà văn Lê Khánh dù đã về hưu, làm hợp đồng ở Ban văn xuôi, ông lại bị đau dạ dày, nhưng vẫn xung vào lớp đầu tiên lên biên giới viết bài phản ánh tình hình. Khi ông trở về, sau một tháng, ông dẫn cả chiến hữu Lừu A Phừ, anh nuôi của một đơn vị cắm chốt, được phong Anh hùng, về Thủ đô báo cáo… Nhân dịp đó đến kể chuyện chiến đấu cho cán bộ nhân viên NXB Văn học. 
Trở lại với nhà văn Nguyên Hồng. Dễ xúc động, giàu cảm xúc, mau nước mắt thì không phải chỉ riêng ông. Nhưng Nguyên Hồng có sự xúc động, cảm xúc và những giọt nước mắt mà người làm văn chương có thể suy ngẫm, chắt lọc ra những điều bổ ích. Trước hết, đó là cảm xúc mãnh liệt về lịch sử, về số phận đất nước, về dân tộc. Có được bao nhiêu người đã khóc như Nguyên Hồng sau ngày 17-2-1979, tưới nước mắt vào câu thơ bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai, mà Chiếu dời đô chúng tôi xem là lần thứ nhất. Thế hệ chúng tôi đã thuộc lòng bài Nam quốc sơn hà, vẫn thường ngâm nga mà không có được cảm xúc như Nguyên Hồng. 
Trong nhiều lí do, chắc chắn chúng tôi suy nghĩ còn nông cạn, vốn sống còn ít ỏi… Chắc chắn một người như Nguyên Hồng, từng phải sống đau khổ dưới ách thực dân xâm lược, từng bị tù đày, và đứng vào hàng ngũ cách mạng từ thời kì bí mật, từng được hưởng niềm vui khi trở về Thủ đô giải phóng tháng 10-1955 mới thấm thía sự quí giá của độc lập tự do, tự hào, tin tưởng vào ý chí của dân tộc mà bài Nam quốc sơn hà là tiêu biểu. Trong các nhà văn thế hệ Nguyên Hồng có lẽ chỉ duy nhất Nguyên Hồng là ở cảnh ngộ đó. Tô Hoài xuất thân dân nghèo thành thị nhưng còn được học ít nhiều và cũng kiếm sống được bằng làm công ở các cửa hàng. Vũ Trọng Phụng cũng còn là nhân viên đánh máy của hãng Gođa (Bách hóa Tràng Tiền sau này). Nhiều người đã nói Nguyên Hồng là Gorki của Việt Nam. 
Khi nhân vật Gái Đen chết, Nguyên Hồng đã khóc rất nhiều, cái chết mà chính ông hư cấu nên, ông là tác giả. Trường hợp này chắc chắn các nhà lí luận tiểu thuyết hay thi pháp tiểu thuyết sẽ phân tích dưới góc độ hàn lâm và đó là lĩnh vực của các nhà lí luận nghệ thuật tiểu thuyết. 
Chúng tôi nghĩ cuộc đời Nguyên Hồng và cuộc sống trong tác phẩm của ông đang tái diễn trong ngày hôm nay.



Nguồn: Văn Nghệ TPHCM