Biền biệt 9 năm 7 tháng, từ một vùng rừng núi heo hút nào đó, Tuân Nguyễn mới trở về Hà Hội. Đó là cuối năm 1973. Tan tầm buổi chiều, tôi dắt xe đạp ra cổng cơ quan, nghe tiếng gọi từ bên kia đường vọng sang: “Đài ơi”. Tôi nhận ra Tuân ngay. Tôi không dám vồ vập với Tuân vì nhiều người trong cơ quan biết Tuân, kể ra như thế cũng hèn, nhưng biết làm sao được khi thế sự nhiễu nhương. Tôi đèo Tuân ra một quán cơm đầu ghế (bây giờ gọi là cơm bụi) để vừa ăn, vừa trò chuyện. Dù biết Tuân không uống rượu, tôi vẫn gọi hai chén “cuốc lùi” đầy nhóc. Tuân cho tôi biết, đã được tha 4 ngày, cách đây 2 ngày về đến Hà Nội, xuống ga Hàng Cỏ ngồi ngơ ngác một lúc ở phố Sinh Từ, nói chuyện với mấy em gái điếm. Chỉ một lúc sau các em đều nhận ra mình là thằng tù vừa được thả, họ tinh quái thật, cũng nhờ sự từng trải của họ mà mình được ăn bún chả, uống nước trà đặc không mất tiền.



Chuyện làng văn nghệ: Tù Không Án Bằng Một Cuộc Kháng Chiến Chống Pháp

XUÂN ĐÀI

Thống nhất đất nước ít lâu, tôi và Tuân Nguyễn vào Sài Gòn làm việc. Sau hơn 9 năm lao lý và gần 3 năm thất nghiệp làm những công việc không tên ở Hà Nội: dọn vệ sinh nhà ga, đánh vec-ni, dạy tiếng Pháp cho các em sinh viên con nhà nghèo. Chuyện dạy tiếng Pháp không suôn sẻ là do cơ chế lúc bấy giờ, tôi sẽ kể sau.
Ở Sài Gòn, may mắn Tuân Nguyễn gặp được học sinh cũ của mình thời anh dạy cấp 3 ở Đông Triều vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Sau hơn 15 năm các em học sinh miền Nam, bây giờ đã lớn tuổi, nhiều em đang giữ những chức vụ chủ chốt ở các ngành trong thành phố. Gặp lại thầy, biết những thăng trầm thầy đã trải qua, các em đều thương cảm. Chính nhờ các em mà Tuân được Sở Giáo dục Thành phố bổ nhiệm về dạy Văn ở một trường cấp 3 quận Bình Thạnh. Lúc đó tôi làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bộ phận ở Sài Gòn, hầu như chiều nào cũng ghé về Thanh Đa, nơi vợ chồng Tuân cư ngụ để trò chuyện. Tuân kể cho tôi nghe chuyện dạy học, nghề mà anh đã đứt đoạn từ lâu sau khi anh chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam công tác… Và từ nơi đây, Tuân Nguyễn vướng phải vòng lao lý. Chuyện dạy học kể ít, tôi chỉ nhớ Tuân rất khen học trò Sài Gòn ngoan, thật thà và rất nghe lời thầy. Không hiểu vì sao nhiều em biết khá rõ số phận bất hạnh của Tuân Nguyễn nên ba mẹ các em hay gửi quà biếu Tuân. Là người tự trọng, Tuân thường từ chối. Tuân nói với tôi nhiều lúc từ chối không được vì các em năn nỉ trong nước mắt… Chuyện tôi muốn nghe nhất là chuyện những ngày Tuân ở tù. Trong bút ký “Người bạn lính”, Phùng Quán đã viết rất hay, đưa được nhiều chi tiết Tuân đã kể. Tôi kể thêm nữa phỏng có ích gì, liệu có “vượt” được tiểu thuyết gia Phùng Quán không, chắc là không.

***
Tôi gặp Tuân Nguyễn ở nhà Phùng Quán, đúng hơn là nhà vợ Phùng Quán ở phố Hàng Cân - Hà Nội cuối năm 1960, Phùng Quán chỉ vào Tuân giới thiệu: Đây là Tuân Nguyễn, công tác bên Đài Phát thanh rồi lại chỉ vào tôi… Phùng Quán chưa kịp mở miệng, tôi vỗ vai Tuân: còn nhớ mình không? Tuân Nguyễn: quên thế nào được, cậu là thằng Xuân Đài, người Hà Tĩnh… Phùng Quán sửng sốt, thế ra các cậu quen nhau từ lâu à? Tôi cười: mình và Tuân cũng như mình với Quán: anh em bạn cũ lưu tồn, củ khoai chia bốn… Ba chúng tôi phá lên cười.
Vào một ngày cuối hạ đầu thập niên 50, thế kỷ XX, đơn vị của Tuân gồm những người lính bị thương, bệnh tật… gọi là đoàn 54 từ chiến trường Trị - Thiên - Huế kéo về đóng quân ở quê tôi, vùng quê đói nghèo nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Nhà tôi chật chội nên chỉ có hai anh sĩ quan ở. Tuân Nguyễn và một vài chiến sĩ nữa ở nhà dì ruột và chú tôi (quê tôi không gọi bằng dượng). Thời Pháp thuộc, chú tôi là một ông đốc học. Thời kháng chiến chống Pháp, quê tôi là vùng tự do, chú tôi chuyển sang dạy học một trường cấp 2, dạy Văn. Nhà tôi cách nhà chú hơn cây số, đều nằm dọc sông Ngàn Phố, lâu lâu, tôi ghé lên nhà chú chơi, thường là gặp Tuân Nguyễn ngồi trò chuyện với ông giáo phố huyện. Hai người nói tiếng Việt thì ít mà nói tiếng Pháp thì nhiều. Tôi dốt tiếng Pháp nhưng hiểu lỏm bỏm nhưng nghe những từ như Victor Hugo, Balzac, Dostoievsky… Tôi hiểu hai người đang nói về các nhà văn nổi tiếng thế giới. Những lúc đó tôi thường ngồi trò chuyện với dì tôi và những đứa em. Thường chỉ một lúc sau, chú tôi gọi tôi đến ngồi cùng bàn để nói chuyện với hai người. Tôi nhớ lần đầu tiên chú giới thiệu về Tuân Nguyễn rất ngắn gọn: anh Tuân người Huế, trước lúc đi bộ đội, ở trung đoàn 101, anh đã đậu tú tài đôi, rồi quay sang giới thiệu về tôi cũng rất ngắn gọn: đây là Xuân Đài, cháu gọi nhà tôi bằng dì ruột, mẹ chết sớm nên cuộc sống trần ai lắm, được cái chăm chỉ học hành và rất thích văn học. Anh Tuân và Đài nói chuyện với nhau, chắc là chia sẻ được những đam mê văn chương.

Sau đó, mỗi lần ghé nhà chú, Tuân Nguyễn thường trò chuyện với tôi về văn học Việt Nam hiện đại, thời đó văn học kháng chiến chưa có nhiều tác phẩm, quanh đi quẩn lại là những ký sự mặt trận như Trận Phố Ràng của Trần Đăng, những bút ký, nhật ký của Nam Cao, tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, trận Ưu Điềm và Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ. Cho đến hôm nay, đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ đôi mắt sáng sau cặp kính cận và cái miệng cười rất tươi của Tuân khi nói về hai truyện ngắn, một của Kim Lân, truyện Làng, một của Nam Cao, truyện Đôi mắt. Thời đó hai chuyện này in đâu trên Việt Bắc, tôi chưa được đọc. Tiểu thuyết hay, truyện ngắn hay, dù người kể có tài đến đâu cũng không lột tả hết các hay của truyện, nhất là hay trong văn, nhưng Tuân Nguyễn đã làm được điều ấy với tôi. Sau này ở Hà Nội tôi mới có dịp đọc hai truyện ngắn này. Tôi mới nhận ra trí nhớ của Tuân Nguyễn thật tuyệt vời. Kể lại truyện của tác giả khác, anh rất nhạy cảm khi nắm được cái thần của cốt truyện. Có lần tôi hỏi Tuân về tiểu thuyết của một tác giả Việt Nam đương đại khá nổi tiếng, Tuân cười: cốt truyện thì hay, chi tiết phong phú nhưng viết khô quá, không có văn, viết văn trước hết là phải có văn.
Trở lại chuyện Tuân Nguyễn đóng quân ở làng tôi. May mắn cho Tuân, nhà chú tôi rất nhiều sách, bên cạnh tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn, thơ của các nhà thơ mới, có rất nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Pháp của các tác giả nổi tiếng. Tôi biết anh mê cụ Dos từ thời đó. Trước mặt Tuân, tôi là một đứa nhà quê, lần đầu tiên được nghe anh giảng giải về số phận các nhân vật trong các tác phẩm cận đại, cổ điển của văn học Phương Tây.
Những người ở đơn vị an dưỡng, sau một thời gian khỏe mạnh đều trở về đơn vị chiến đấu, họ phần lớn là lính của Trung đoàn 95 và 101. Một hôm Tuân Nguyễn xuống nhà tìm tôi, anh cho biết sắp ra trận. Trước lúc lên đường, anh đọc cho tôi nghe bài thơ anh viết về làng tôi. Bài thơ là tình quân dân sâu đậm, cho đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ được hai câu: Hương Sơn ơi, thương quá, tôi đi. Không biết còn có ngày trở lại? Và cho đến khi nhắm mắt, Tuân vẫn không có dịp trở lại quê tôi. Những người già trong làng thường nhắc đến anh, thương mến, quý trọng… mỗi lần tôi về quê. Tuân ơi, bạn có biết điều này?
* * *
Biền biệt 9 năm 7 tháng, từ một vùng rừng núi heo hút nào đó, Tuân mới trở về Hà Hội.
Đó là cuối năm 1973. Tan tầm buổi chiều, tôi dắt xe đạp ra cổng cơ quan, nghe tiếng gọi từ bên kia đường vọng sang: “Đài ơi”. Tôi nhận ra Tuân ngay. Tôi không dám vồ vập với Tuân vì nhiều người trong cơ quan biết Tuân, kể ra như thế cũng hèn, nhưng biết làm sao được khi thế sự nhiễu nhương. Tôi đèo Tuân ra một quán cơm đầu ghế (bây giờ gọi là cơm bụi) để vừa ăn, vừa trò chuyện. Dù biết Tuân không uống rượu, tôi vẫn gọi hai chén “cuốc lùi” đầy nhóc. Tuân cho tôi biết, đã được tha 4 ngày, cách đây 2 ngày về đến Hà Nội, xuống ga Hàng Cỏ ngồi ngơ ngác một lúc ở phố Sinh Từ, nói chuyện với mấy em gái điếm. Chỉ một lúc sau các em đều nhận ra mình là thằng tù vừa được thả, họ tinh quái thật, cũng nhờ sự từng trải của họ mà mình được ăn bún chả, uống nước trà đặc không mất tiền. Một em còn mua cho mình gói thuốc lá, như cậu biết đấy mình không hút thuốc nên từ chối. Cô ấy vỗ vào đùi mình bảo: đã là thằng tù mà còn khách khí như con nhà lành, hay anh là dân thuốc lào? Cô ấy nói vọng vào với bà chủ quán: cho hai gói Tiên Lãng. Mình lắc đầu.
- “Không lá, không lào, thanh niên như anh bây giờ là của hiếm. Tối nay anh về đâu, có bà con ở Hà Nội không? Nghe giọng anh, em biết anh là người miền Trung. Hay tối nay anh về tá túc tạm với chúng em”. Cậu nhớ là chúng em nhé, chứ không phải em đâu. Tuân nhấn mạnh – chúng em có vòm dưới gầm cầu gần chợ Bắc Qua. Các cô ấy là người của đường phố, ngôn ngữ đường phố, bỡn cợt, đùa đùa thật thật, mình vẫn nhận ra cái thật của một tấm lòng.

- Hôm đó không về tá túc cùng các cô gái điếm, cậu về đâu?
- Tớ lếch thếch về nhà Tạ Vũ. Hai vợ chồng Tạ Vũ mừng lắm, vợ Tạ Vũ đi mua nửa con vịt quay, chắc là cô ấy phải đi vay tiền lối xóm, chứ liếc qua gia cảnh, mình biết Tạ Vũ vẫn nghèo như ngày xưa – đột nhiên Tuân Nguyễn hỏi tôi – Sao Hà Hội bây giờ lắm gái điếm vậy?
- Ngày cậu đi, Mỹ mới bắt đầu ném bom xuống Quảng Ninh, Thanh Hóa và Quảng Bình. Mỹ cũng chỉ là mới đánh thăm dò. Những năm sau thì chiến tranh phá hoại quyết liệt lắm, nhà máy, công trường, cầu cống, nhà cửa… tan hoang, kéo theo văn hóa xuống cấp. Chuyện đĩ điếm là điều nhức nhối của nhân dân, nhất là của trí thức. Nhưng mà thôi, việc đó bàn sau. Cậu đã lên Phùng Quán chưa? – Tớ còn ngại. Vì thương Phùng Quán, giữ gìn cho Phùng Quán nên mình chưa lên. Ngay cả với cậu nữa, tính đi tính lại, vì cậu đang làm phóng viên cho báo Đảng nên mình phải cân nhắc, không khéo mình lại là nguyên nhân cho nỗi bất hạnh kéo dài cho các cậu.
Tôi cười: Làm gì nghiêm trọng thế. Mọi người đối với Tuân vẫn như xưa, yêu thương và kính trọng một tài năng và một nhân cách đáng làm gương cho nhiều người. Cậu nên lên Quán ngay cho nó mừng, nó vẫn ở trên bà mẹ nuôi.

- Phùng Quán bây giờ làm gì?
Tôi cho Tuân Nguyễn biết Quán được về làm việc ở Bộ Văn hóa, một anh nhân viên nhì nhằng gì đó, Phùng Quán khoe, vừa được hưởng lương cán sự 1, năm mươi đồng lương chính. Phùng Quán vẫn viết văn chui và câu cá trộm như ngày xưa… “Y vẫn uống rượu chịu chứ?” ( lâu lắm tôi mới gặp lại chữ y mà Tuân thường dùng). Chân dung Phùng Quán vẫn không thoát ra 6 chữ “cá trộm, rượu chịu, văn chui”?
Chia tay tôi muốn biếu Tuân một ít tiền gọi là nhưng chưa tìm được cách đưa cho bạn vì tôi biết Tuân là người lịch sự chứ không quen cách sống bỗ bã như chúng tôi, ngày Phùng Quán sinh đứa con gái đầu lòng, mỗi tháng Tuân biếu Quán năm đồng đều bỏ tiền vào bì thư rồi mới dúi vào túi áo Phùng Quán nói rất nhanh và chuyển sang chuyện khác ngay, nên tôi giả vờ đi vào gian bếp quán ăn rút cái bì thư của cơ quan vẫn dùng để viết thư trả lời bạn đọc để vào đó mười lam đồng dúi vào túi áo trên của Tuân và nói dối: Đây là bài thơ tôi tặng cậu về đến nhà hẵng đọc. Lúc chia tay tôi hỏi Tuân về đâu. Tuân bảo: Bây giờ mình giống thằng Ga-vơ-rốt của cụ Hugo: ai hỏi ở đâu đến, trả lời: Ngoài đường. Ai hỏi bây giờ đi đâu, trả lời: Ra đường.
Tôi bùi ngùi nắm chặt tay Tuân, muốn khóc mà không còn nước mắt. Cay đắng ngập lòng.

***
Chúng tôi rất mừng là Tuân Nguyễn có chỗ tá túc ở ngõ Kiến Thiết, phố Khâm Thiên. Người cho Tuân ở nhờ với mình trong một chỗ che chắn tạm là anh Giang, công nhân, sống độc thân. Anh Giang chăm sóc Tuân Nguyễn chu đáo như chăm sóc một người bạn thân, như một người anh ruột, dù anh Giang quen Tuân là một sự tình cờ do nhà thơ Trần Hồng Thắng giới thiệu ở một quán cơm bình dân. Bạn bè Tuân, chạy xuôi chạy ngược kiếm việc cho Tuân làm. Họa sĩ Chu Hoành rủ Tuân đi làm nghề móc cống, việc mà Chu Hoạch vẫn làm. Bạn bè ái ngại cho sức khỏe của Tuân nên can ngăn. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ người bạn thời sinh viên với Tuân bố trí cho Tuân một chỗ dạy tiếng Pháp. Học viên có vài em là sinh viên của 3 trường đại học. Mới dạy được vài ngày, công an, cán bộ tiểu khu (đơn vị hành chính ngang với Phường bây giờ) đến dẹp với lý do Nhà nứơc không cho phép dạy tư nhất lại là dạy tiếng Pháp, tiếng của bọn… thực dân. Tuân Nguyễn lại lang thang lếch thếch sống nhờ vào lòng ưu ái của bạn bè. Số người này khá đông. Số phận dun dủi, hay là sự sắp đặt của trời phật, Tuân Nguyễn gặp Phương Thúy, cô giáo dạy nhạc, con nhà văn Hoài Chân (cụ Hoài Chân em ruột cụ Hoài Thanh) Phương Thúy và Tuân Nguyễn lấy nhau không có đám cưới chỉ có một bài thơ đường, thất ngôn bát cú, Tuân làm thật xúc động, ngậm ngùi. Ít lâu sau nhờ bố mẹ, anh chị em trong gia đình, chút ít vốn liếng Phương Thúy dành dụm được, với ít nhiều “viện trợ không hoàn lại” của bè bạn, Thúy Tuân sang được một gian phòng nhỏ ở trong ngõ cụt đường Trần Hưng Đạo (xin các bạn đọc bài của Phùng Quán viết về Tuân sẽ hiểu về gian phòng này).
Phùng Quán gặp tôi báo tin mừng Tuân đã được nhà thơ Lương Vĩnh kéo đi phụ việc đánh véc-ni với anh. Mấy hôm sau gặp lại Tuân, Tuân cho biết nghề này cũng nhẹ nhàng và cũng kiếm đủ ăn nhưng hơi độc hại vì suốt ngày tiếp xúc với sơn, xăng, dầu hỏa… Tuân cho biết dạo này anh bị ho. Nói rồi Tuân ôm ngực ho khụ khụ. Bạn bè muốn để Tuân đi khám bệnh, khổ nổi, Tuân không phải là cán bộ, có hộ khẩu nhân dân nhưng chưa xin được y bạ, chẳng biết khám ở đâu là đúng tuyến. Chúng tôi, quen biết nhiều bác sĩ, không may, chẳng có ai là chuyên khoa lao. Tôi dặn Tuân Nguyễn hai hôm nữa đến gặp tôi, tôi sẽ có cách để Tuân Nguyễn được chiếu phổi. Đúng hẹn, Tuân đến. Ngày hôm sau, tôi lên gặp y sĩ ở phòng y tế cơ quan, khai bị ho cả tuần nay. Tôi ho liên tục cho y sĩ nghe. Lâu lâu đi qua, đi lại trước phòng y tế húng hắng ho. Tôi là dân thuốc lào nên “diễn kịch” ho không có gì khó. Sáng hôm sau, tôi nói với bà y sĩ cho tôi giấy đi chiếu phổi. Bà hỏi rất kỹ về quá trình phát bệnh của tôi. Nhờ có đọc sách y nên tôi biết ho lao là ho khan vào buổi chiều, không có đờm, cứ thế tôi “ba hoa” với y sĩ… Tôi đến gặp Tuân Nguyễn đưa y bạ của tôi kèm theo giấy giới thiệu, cười cười bảo với Tuân: ngực của cậu, giấy tờ mang tên tớ, cứ vậy mà chiếu phổi. Suy nghĩ một lúc, Tuân ngập ngừng, gian dối thế này nguy hiểm lắm, nhất là hệ lụy cho cậu. Tôi nói cứng, cậu đừng ngại vì y bạ không có ảnh, tuổi cậu tuổi tớ lại xấp xỉ nhau, chúng ta lại nói giọng miền Trung cả, tốt nhất là cậu hết sức bình tĩnh khi người ta hỏi về bệnh tình. Cầu trời phù hộ cho chúng ta, không bị lộ. Nếu lộ, tội vạ đâu tớ chịu. Đi tù là cùng chứ gì. Cậu ngồi tù được, chẳng lẽ tớ đây lại không! Tuân Nguyễn có vẻ xuôi tai, tôi đưa anh ra phố Quan Thánh là trạm chiếu phổi của y tế khu Ba Đình (thời bấy giờ khu tương đương với quận). Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây, đọc sách và chờ Tuân, chữ nghĩa không vào đầu tôi. Nói cứng với Tuân, thực ra tôi cũng rất run, sự thể xảy ra thế nào khó lường trước được. Đây là lần đầu tiên vì sức khỏe của bạn mà tôi làm điều dối trá… Hơn một tiếng đồng hồ sau, Tuân cầm kết quả ra (thời đó bệnh nhân không được giao phim chiếu phổi, mà chỉ giao kết quả viết trên giấy) mừng quá vì tất cả đều có chữ ras (bình thường). Tuân lên tàu điện về nhà, tôi trở về cơ quan làm việc.
Tôi nhờ một nghệ sĩ ở đoàn kịch trung ương xin cho 2 tấm vé mời xem kịch của Liên Xô đến biếu bà y sĩ, thay lời cảm ơn và đưa y bạ cho bà coi. Bà vui vẻ nhận giấy mời xem kịch. Xem xong y bạ, bà phán một câu: tôi đã nói mà, anh ho vì hút thuốc quá nhiều, lộn xộn cả thuốc lá lẫn thuốc lào, chứ ho lao ho liếc gì đâu.

Tôi nhớ trước lúc chia tay Tuân, tôi cẩn thận dặn không được nói chuyện chiếu phổi hôm nay với bất cứ ai, kể cả Phương Thúy…
Bà y sĩ, nay là bác sĩ đã nghỉ hưu, bà Khanh. Xin bà tha lỗi cho tôi về điều gian dối bất đắc dĩ này, nếu như bà có dịp đọc những dòng này.
***
Vào một ngày đầu thu năm Giáp Thìn (1964), Tuân Nguyễn cho bạn bè biết bị ai đó mở ngăn kéo bàn viết, khóa rất kỹ, lấy mất quyển nhật ký và một khâu vàng. Khâu vàng là gia tài lớn nhất của Tuân. Tuân bảo nhật ký mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước. Phùng Quán an ủi Tuân là thằng lưu manh nào đó, mục đích là lấy chỉ vàng, tiện thể tò mò cầm quyển nhật ký về đọc chơi. Đọc xong nó quẳng vào sọt rác thế là hết chuyện…
Tuân Nguyễn ngồi tư lự trước lời an ủi của Phùng Quán. Chúng tôi đều biết, Phùng Quán nói vậy là để trấn an Tuân thôi, thực lòng chúng tôi còn nghĩ theo một hướng khác, bất lợi cho sinh mạng chính trị của Tuân, nhưng không ai nỡ nói ra… Đầu tháng 11 năm ấy, Tuân gửi cho tôi một lá thư qua đường bưu điện dặn tôi đừng đọc bài thơ “Khóc thầy” của Tuân mới làm, và dặn tôi đọc xong thư này thì đốt đi không nên lưu giữ làm gì. Tôi đã làm theo nguyện vọng của Tuân. Cho đến bây giờ đã hơn 40 năm, tôi còn nhớ vài đoạn trong bài thơ ấy:
Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất
Tiếng nói của lương tâm

Đau đớn này đau đớn nào hơn
Chân lý không muốn nằm dưới đất
Chúng tôi sống bây giờ
Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn
Mỗi trái tim đều có phần im lặng
Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ


Thầy bỗng nối như cánh buồm hi vọng
Như cầu vồng nối với chân trời xa
Tiếng của thầy là của người cộng sản
Chân lý rồi sẽ thắng mọi phong ba
Chúng tôi biết chưa phải là đã hết
Trên đau thương sẽ có triệu lời ca
Không thể có nhiều chim câu bị giết
Chân lý cuộc đời mãi mãi thuộc chúng ta
Chẳng khác gì thần Tăng Tan chuyện cũ
Nước rất gần mà cháy bỏng khô môi
Chúng tôi muốn sớm giã từ quá khứ
Nhưng tương lai thành mờ nhạt mất rồi.

Chúng con đi sau linh kiệu của thầy
Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa
Tôi lục lại trí nhớ già cỗi của mình chỉ nhớ được chừng đó, thực ra bài thơ này của Tuân Nguyễn còn mấy đoạn nữa.
Kẻ nào đã lấy cắp quyển nhật ký của Tuân, tên lưu manh chuyên nghiệp hay một kẻ nào đó vẫn nhận là bạn của Tuân? Không hiểu tại sao nhiều anh em hướng mũi dùi nghi vấn kẻ lấy cắp nhật ký là người đồng nghiệp, đồng hương với Tuân là Trần Nguyên Vấn. Tôi và Phùng Quán hiểu Vấn, anh là người có tư cách, thương Tuân thật lòng không bao giờ làm chuyện đó. Nhưng “hai cái mồm thơ không cãi lại cuộc đời”. Sau này chúng tôi nhiều lần hỏi Tuân việc mất nhật ký cậu có nghi cho ai không? Tuân liền gạt đi: việc đã lâu rồi, một mất mười ngờ, theo mình cho nó qua đi, nhiều đứa nói đến tai mình là nghi cho Vấn, mình không bao giờ tin Vấn làm chuyện đó, anh em bạn bè không hiểu Vấn bằng mình hiểu đâu. Tất cả những gì Vấn đã làm cho mình trong những ngày mình ở trong tù và sau khi ra tù đều xuất phát từ trái tim nhân ái…

Trần Nguyên Vấn rất đau khổ trước sự độc mồm của thiên hạ, thanh minh với ai, thanh minh để làm gì, ai tin. Dù vậy chúng tôi và cả Vấn nữa vẫn muốn biết sự thật. Người cho chúng tôi biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo (hai anh đều là đảng viên) cùng làm việc ở phòng văn nghệ Đài Phát thanh TNVN thời bấy giờ, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ phòng văn nghệ, sau đó phòng văn nghệ chuyển lên cho lãnh đạo… là Phan Trắc Hiệu.
Chúng tôi rất ngạc nhiên về sự thật trần trụi này. Nhưng cũng nghĩ, chắc lúc đó, Phan Trắc Hiệu đang sống rất bê bối, nhiều tai tiếng, chắc anh ta muốn lập công để tự cứu lấy mình, chứ cũng không lường hết hậu quả khốn khổ cho đời Tuân. Có người cho là cách nghĩ của chúng tôi về Hiệu quá nhân ái, không, chúng tôi là những người cầm bút trung thực, suy nghĩ trung thực… Hiệu có tự cứu được mình đâu, ít lâu sau anh vẫn bị “mời” ra khỏi Đảng vì cách sống tha hóa của mình.

Biết được việc này, lòng chúng tôi nhẹ đi, thư thái, vì giải tỏa được một “nghi án”. Và Trần Nguyên Vấn chắc cũng có tâm trạng như chúng tôi, đúng không anh?
Tuân Nguyễn đã qua đời hơn ba chục năm nhưng giọng nói nhỏ nhẹ của Tuân, nụ cười ưu ái với bạn bè và câu thơ anh làm sau khi ra tù “Cuộc đời vui quá không buồn được” luôn luôn ám ảnh tôi.
Trong giấc ngủ chập chờn, Tuân Nguyễn thỉnh thoảng về trò chuyện với tôi. Những lần như thế tôi cứ nghĩ, Tuân Nguyễn chưa bao giờ rời bỏ bạn bè.
Sáng nào tôi cũng thắp hương cho Tuân Nguyễn, Phùng Quán, Phùng Cung… những người bạn một thời lận đận. Cầu xin các anh phù hộ cho những người thân trong gia đình và bè bạn khỏe mạnh, ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn…
Cứ ngẫm nghĩ, Tuân Nguyễn đi tù không án 9 năm 7 tháng bằng một cuộc kháng chiến chín năm mà anh tham gia với tư cách là anh bộ đội cụ Hồ không chỉ chiến đấu trong nước mà anh còn là tình nguyện quân chiến đấu ở Lào, lòng tôi buồn man mác.
Tại sao những người yêu nước lại phải vào tù một cách vô lối?