Sau một tháng bước vào năm học mới, vấn đề sách giáo khoa
vẫn nóng bỏng trên các diễn đàn xã hội. Bên cạnh câu chuyện về bộ sách theo
công nghệ giáo dục, thì câu chuyện độc quyền sách giáo khoa trong quá trình
biên soạn, in ấn và phát hành cũng khiến dư luận băn khoăn. Nhà thơ - Phó Giáo
sư Đặng Hấn, chuyên gia hàng đầu bộ môn Xác Xuất Thống Kê ở bậc đại học, bằng
kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, đã có những nhận định và kiến
nghị cho ngành giáo dục!
@ Thưa Phó Giáo sư Đặng Hấn! Những thông tin về sách giáo
khoa đang gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Ông có quan tâm chứ?
Đặng Hấn: Tuy đã nghỉ
hưu mấy năm nay, nhưng tôi vẫn luôn thao thức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nền tảng của việc dạy và học là sách giáo khoa, mà lại để tình trạng sách giáo
khoa rơi vào hoàn cảnh rắc rối như hiện nay thì thật đáng ái ngại…
@ Ông là tác giả của nhiều bộ sách được giảng dạy ở bậc đại
học. Giáo trình của ông có khác biệt gì so với sách giáo khoa bậc phổ thông?
Đặng Hấn: Giáo trình
ở đại học thì được tự chủ hơn. Tôi biên soạn giáo trình để dạy ở ĐH Kinh tế
TPHCM nhưng hầu hết các bộ sách của tôi đều được sử dụng ở nhiều trường đại học
khác. Điều ấy nói lên rằng, ngay ở bậc đại học có tính riêng biệt rất cao theo
tiêu chí mỗi trường, thì giá trị của sách giáo khoa vẫn do chất lượng quyết định.
Tôi xin nhấn mạnh, sách giáo khoa là công cụ giáo dục, không ai được phép dùng
bất kỳ tiểu xảo khuất tất nào với sách giáo khoa. Ví dụ, cố tình để lại vài lỗi
nhỏ, để có cơ hội in lại sách giáo khoa thì rất kém văn hoá!
@ Thế mà, ngành giáo dục lại khuyến khích học sinh cấp 1
viết thẳng vào sách giáo khoa để… khỏi tái sử dụng cho niên khoá sau, đồng thời
kích hoạt thị trường in ấn và phát hành sách giáo khoa…
Đặng Hấn: Đó là một
điều phi lý, cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Học sinh có tập vở để làm gì, mà
phải viết vào sách? Mỗi năm tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho sách giáo khoa, học
xong rồi vứt đi thì quá lãng phí. Sách giáo khoa không phải bản tin thời sự,
sách giáo khoa ít nhất có biên độ tồn tại trong vòng 10 năm. Thứ nhất là bảo đảm
ổn định về mặt kiến thức. Thứ hai là những học sinh nối tiếp nhau có thể dùng lại
để giảm gánh nặng kinh tế. Tôi dám chắc, người đứng đầu ngành giáo dục không
bao giờ dám nói Việt Nam đã là một quốc gia giàu có, để thoả sức tiêu hoang. Vì
vậy, không thể chủ trương cho học sinh viết thẳng vào sách. Hơn nữa, mỗi giáo
viên cũng nên ý thức rằng, học sinh viết thẳng vào sách là một thái độ tuỳ tiện
và kém thẩm mỹ. Chính ngành giáo dục luôn luôn kêu gọi phong trào “vở sạch, chữ
đẹp” mà lại cổ vũ hành vi bôi bẩn sách giáo khoa!
@ Hiện nay, ở nhiều
địa phương, đang áp dụng cả hai bộ sách giáo khoa cho học sinh. Một bộ sách
giáo khoa phổ thông và một bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục. Khi học bộ sách
nọ, khi học bộ sách kia thì loạn chuẩn chăng?
Đặng Hấn: Chống độc
quyền sách giáo khoa là việc nên làm, nhưng cho áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa
là sai lầm. Học sinh không phải môi trường thí nghiệm, và trường học cũng không
phải nơi những nhà làm sách đắn đo đơn giá để cạnh tranh. Nếu thấy bộ sách công
nghệ giáo dục có giá trị cao hơn, thì ngưng lưu hành bộ sách giáo khoa phổ
thông. Ngược lại, đã tin tưởng vào bộ sách giáo khoa phổ thông, thì chỉ cho bán
sách giáo khoa công nghệ giáo dục ở quầy sách tham khảo. Rõ ràng, ở đây có dấu
hiệu lợi ích nhóm.
@ Dường như không
công khai thừa nhận, nhưng người ta đang xem giáo dục là một ngành công nghiệp
không khói, và sách giáo khoa là một cỗ máy in tiền siêu tốc…
Đặng Hấn: Tư duy
kinh tế đang làm hại giáo dục. Một bộ sách giáo khoa đối với gia đình có điều
kiện ở đô thị chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đối với gia đình ở vùng sâu vùng xa là cả
một bài toán tài chính. Mua một bộ sách giáo khoa cho đứa con lớn mà đứa con nhỏ
không thể học lại thì hao tốn bao nhiêu thóc lúa. Cái hầu bao còm cõi của người
nghèo còn gánh thêm bộ sách công nghệ giáo dục thì khả năng chịu đựng sẽ bị bào
mòn.
@ Vậy mà, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn kêu lỗ thường xuyên…
Đặng Hấn: Vấn đề cốt
lõi của sách giáo khoa là liên quan đến thi cử. Ở bậc đại học, mỗi trường có
biên độ sử dụng sách giáo khoa riêng vì họ tự chịu trách nhiệm về đề thi và chấm
thi. Còn bậc phổ thông, nếu còn thi chung một đề toàn quốc sau 12 năm học, thì một
bản sách giáo khoa duy nhất được quyền tồn tại. Giải quyết rắc rối sách giáo
khoa, hoàn toàn không khó, nếu thực tâm muốn làm.
@ Theo ông, nên bắt đầu như thế nào?
Đặng Hấn: Bây giờ
chuyện nhà in và giấy in có còn bức bách như xưa đâu. Công nghệ thông tin cũng
đã kết nối toàn cầu. Nhà xuất bản Giáo Dục giữ độc quyền in ấn và phát hành
sách giáo khoa, thì giá thành sẽ rất cao và bất hợp lý. Bởi lẽ, chi phí kho
bãi, chi phí vận chuyển đến các địa phương đều được tính vào giá thành. Bộ Giáo
dục –Đào tạo nên lập hội đồng chuyên môn để thẩm định bộ sách giáo khoa đáng
tin cậy nhất, sau đó giao bản quyền cho các Sở Giáo dục – Đào tạo. Tỉnh nào khó
khăn, nhiều đồng bào nghèo thì tỉnh ấy sẽ có chính sách trợ giá riêng cho sách
giáo khoa. Hơn nữa, ở địa phương sẽ nắm chính xác số lượng học sinh có nhu cầu
từng loại sách, tránh được tình trạng khan hiếm hoặc tồn kho.
PV ( thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét