Xung đột đau đớn nhất và nghiệt ngã nhất đối với một nhà thơ, ấy là khoảnh khắc nhận ra thi ca bất lực trước ước vọng bênh vực phẩm giá con người. Câu chữ sẽ trở thành vô nghĩa, nếu nhà thơ đứng ngoài run rủi nhân sinh. Trần Nhuận Minh nhìn quanh những “Thím Hai Vui”, “Dì Nga”, “Cháu Thủy”, “Mợ Hữu” lấm láp và bất hạnh, rồi bần thần “hàng mất giá cũng đua nhau lên giá/ đồng lương hưu như một nỗi vu vơ” trong nỗi ngổn ngang “lòng băn khoăn không dứt/ bỗng thèm một chén trà/ cuối trời tia nắng quái/ cháy kinh hoàng sau ta”.



TRẦN NHUẬN MINH VỚI NHỮNG CÂU THƠ MỎNG TỰA CÁNH CHUỒN

LÊ THIẾU NHƠN

Ở đời, có những người gặp không ít thuận lợi vì có quan hệ thân thích với người nổi tiếng, nhưng trường hợp Trần Nhuận Minh thì không hẳn như vậy. Trần Nhuận Minh hơi thiệt thòi khi có một người em được mệnh danh “thần đồng”. Chính vì thói quen giới thiệu “anh ruột của Trần Đăng Khoa” mà ít ai nhận diện đầy đủ Trần Nhuận Minh thực sự là một gương mặt trong thể không nhắc đến trong nền thơ Việt Nam hôm nay.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trần Nhuận Minh chọn Quảng Ninh làm đất lập nghiệp. Ông dạy học, viết lách rồi làm quản lý văn nghệ. Ông tự “trình bày” bản thân: “Bạn ơi, tôi có hai lá phổi/ Một ở làng Điền Trì, mùa thu nước nổi/ Một nửa là phố mỏ Hồng Gai quanh năm rừng rực nắng trời/ Giữa hai lá phổi lành, đây, trái tim tôi”. Trần Nhuận Minh lấy cột mốc đổi mới đất nước để chia hai sự nghiệp thơ mình. Giai đoạn đầu, từ năm 1960 đến năm 1985, ông gọi là “gửi lại dọc đường” với những bài thơ thật thà ghi nhận đời sống như “Làm thủy lợi ở Giáp Khẩu”, “Khúc hát riêng của những người đào đất” hoặc “Cô thợ hàn trên khung nhà cao tầng”. Thậm chí, sản lượng pháp lệnh 4 triệu tấn than sạch mà công nhân mỏ phải sản xuất năm 1975 cũng khiến ông cầm bút viết một bài thơ. Bây giờ đọc lại, độc giả có thể có những đánh giá khác nhau, nhưng đối với ông thì “câu thơ như ở thời trong trẻo, chưa từng khóc mướn vỗ tay thuê”.
Có lẽ, như một cơ duyên, sau bài thơ “Nhà thơ áp tải” viết tặng Thanh Tùng với tâm niệm “Hãy áp tải sự thật/ đến những bến cuối cùng” vào mùa thu năm 1986, thơ Trần Nhuận Minh biến chuyển sang một giai đoạn khác, gai góc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Nhiều bài thơ tình của Trần Nhuận Minh cũng lóng lánh “Cây cỏ vô tình nhuốm nỗi dở dang em/ Gió thổi suốt đêm trăng mười bảy tuổi/ Em ở đâu đây? Trời dịu dàng bối rối/ Thả vào hồn ta giọt sương cũ đầm đìa”, cũng lả lơi “Giao thừa đi như cô gái chưa chồng/ Đẹp nức nở những muộn mằn đắng chát/ Ta ở đâu giữa mùa xưa xanh ngát/ Má trăng mờ run rẩy dấu môi hôn” nhưng lại không có dấu ấn cá biệt, dễ lẫn trong hàng triệu vần điệu du dương đang làm nghẹt thở người yêu thơ nước ta. Trần Nhuận Minh chỉ chứng minh được giá trị nhà thơ khi trực tiếp nhúng bút vào dòng chảy thế sự. Nhiều bài thơ của Trần Nhuận Minh như những tiếng kêu thảng thốt, chối từ mọi mỹ từ đẩy đưa, mà tác giả khao khát “Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn/ Ngàn năm bay ngược bão/ Mang sấm sét của những vùng chưa qua/ Mang ánh trăng của những thời chưa tới”

Xung đột đau đớn nhất và nghiệt ngã nhất đối với một nhà thơ, ấy là khoảnh khắc nhận ra thi ca bất lực trước ước vọng bênh vực phẩm giá con người. Câu chữ sẽ trở thành vô nghĩa, nếu nhà thơ đứng ngoài run rủi nhân sinh. Trần Nhuận Minh nhìn quanh những “Thím Hai Vui”, “Dì Nga”, “Cháu Thủy”, “Mợ Hữu” lấm láp và bất hạnh, rồi bần thần “hàng mất giá cũng đua nhau lên giá/ đồng lương hưu như một nỗi vu vơ” trong nỗi ngổn ngang “lòng băn khoăn không dứt/ bỗng thèm một chén trà/ cuối trời tia nắng quái/ cháy kinh hoàng sau ta”. Và hình ảnh nhà thơ Trần Nhuận Minh bắt đầu rõ nét dần. Ông không còn chờ hứng khởi gió mây đến với bàn viết, mà ông tình nguyện mang thơ nhập vào đời sống. Ở “Bên đường”, ông nhìn thấy người thợ lò nghẹn ngào nền kinh tế bao cấp “Chẳng còn biết phải làm gì thêm nữa/ Anh giơ cao những tín phiếu dấu son/ Chợ vắng dần…Chỉ còn mình anh đứng/ Như biểu tượng một thời của cả nước non”. Chứng kiến một đứa trẻ bị đánh tàn nhẫn vì ăn cắp vặt, ông phải viết “Bài thơ không định viết” nặng trĩu âu lo: “Giành một miếng ăn mà bị xử đến mức này/ Với trẻ con, sao các người ác thế/ Không ai vô can khi một em bé/ Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì”

Đọc những bài thơ chất phác như những câu chuyện kể, sẽ có người băn khoăn về năng lực thẩm mỹ của Trần Nhuận Minh. Chẳng có gì ái ngại cả, Trần Nhuận Minh thừa ngôn ngữ để viết những câu rộn ràng như “Sông Lô đi qua đêm như một kẻ giết người/ Lặng lẽ bông lau rừng thả hồn vào mây trắng” nhưng ông hiểu sâu sắc rằng thi ca đang cần cho một điều thầm kín hơn mà cũng cao cả hơn: “Muốn khóc thì cứ khóc/ Thích cười thì được cười/ Vì điều đơn giản ấy/ Máu bây giờ vẫn rơi”. Vì vậy, Trần Nhuận Minh buông sự đời hối hả xuống trang giấy như một minh chứng thuyết phục nhất cho ý niệm, nhà thơ không có một nhiệm vụ nào khác là góp phần hóa giải nỗi đau của thời đại mình. Ông ngơ ngác “Nhớ một Đảng viên trong cải cách ruộng đất” bằng sớt chia nhói buốt:Những nông dân vừa được anh giải phóng/ Đã lôi anh đến cạnh thùng vôi/ Họ bắn anh/ Nhưng không bắn trúng/ Tay họ chỉ quen cầm cuốc thôi/ Nhát cuốc đầu tiên/ Mặt nhòe mắt tươi/ Phút hiểm nguy vẫn tin vào cách mạng/ Anh kêu lên/ Tiếng kêu đứt quãng: Các đồng chí ơi!”. Ông bùi ngùi “Canh khuya” trước một cô gái sa chân dưới đáy xã hội bằng nỗi cảm thông đắng đót: “Anh hãy ít ra là cầm lấy tay em/ Để em nhận tiền mà không hổ thẹn/ Trăng Hạ Long chẳng bao giờ có bến/ Rượu Hồng Gai uống mãi cũng không say”. Thế nhưng, nếu Trần Nhuận Minh đơn thuần ghi chép nhân tình thế thái thì bạn đọc chỉ thấy những bóng người liêu xiêu bước qua kiếp phận mong manh. Trần Nhuận Minh biết cách khái quát nỗi hắt hiu bật dậy một vùng thổn thức. Nhân chuyện “Cụ Chiến tiển cháu gái đi giúp việc gia đình ở nước ngoài”, ông đúc kết được bốn câu như xát muối vào sự dửng dưng của những người vô tâm trong cuộc chuyển biến nhọc nhằn hội nhập quốc tế: “Tập ăn thừa dưới bếp/ Tập khóc chẳng ai hay/  Bài học thời mất nước/  Ai ngờ dùng hôm nay”.

Chưa biết có ai đã từng khóc vì thơ Trần Nhuận Minh không, nhưng có thể hình dung được phương pháp ứng xử của ông trước những giọt nước mắt. Thay vì ngắm nghía và ngợi ca những giọt nước mắt của đồng loại, Trần Nhuận Minh ngồi bần thần để nghe những giọt nước mắt ấy rơi trên chính khuôn mặt mình. Nhờ sự đa đoan thi sĩ, Trần Nhuận Minh nhìn thấu mọi lát cắt bộn bề, một đằng “Người đàn bà ấy bán hàng rong để nuôi đứa con què/ Xin đừng phạt tiền, đừng tịch thu quang gánh/ Bạn có nghe thấy chăng? Tiếng nói của Ông Trời, thường thăm thẳm cất lên/ Ở giọt mồ hôi kẻ khốn cùng để làm ra miếng bánh”, còn một đằng “Trời cho nhan sắc hơn người/ Chị tôi cùng thủ trưởng tôi, cặp bồ/ Khi xoắn xuýt, lúc hững hờ/ Người nhàu váy ngắn, kẻ trơ thân gầy/ Chị tôi đi Nhật, đi Tây/ Muốn cái gì cũng được ngay cái gì/ Cơ quan cứ thế mà suy/ Trong thì chán nản, ngoài thì kêu ca. Dằn vặt vì thị phi, Trần Nhuận Minh không đay đả ai cũng không oán hận gì, chỉ giải bày giữa thưa vắng tri âm: “Những bông hoa lộng lẫy nhất trần gian/ Đều tự tử âm thầm trong đêm vắng/ Cứ có nước là cá tự sinh ra/ Ao hồ rộn vang tiếng quẫy đạp sinh đẻ/ Buồn và vui, mặt đất vẫn vô tình/ Tôi không hiểu vì sao…”

Trần Nhuận Minh đồng hành cùng đất nước đổi mới bằng những tập thơ ngổn ngang thế sự mà độc giả có thể nhớ tên như “Nhà thơ và hoa cỏ”, “Bản xô nát hoang dã”, “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh” hay “Miền dân gian mây trắng”. Cuộc sống hiện đại đang thờ ơ hơn với mất mát và thua thiệt của từng con người nhỏ bé, Trần Nhuận Minh thở dài quạnh quẽ nhận ra: “Khi hai bờ xa nối được với nhau bằng một cây cầu/ Thì hồn vía con sông hoàn toàn đổi khác/ Tiếng giận hờn bên này, sự lạnh lùng bên kia, đều lẫn sang nhau/ Con sông mất giới tính/ Chảy miên man về phía cuối chân trời” nhưng ông vẫn thành tâm “Ta giáng sinh vào tâm hồn của cây/ Cho màu thu hiu hiu buồn trong lá/ Ta giáng sinh vào trí tuệ của đất/ Để đêm xuân râm ran tiếng côn trùng”. Cứ thế, Trần Nhuận Minh lững thững khuân vác trái tim nhà thơ kĩu kịt bước lênh đênh đi tìm vẻ đẹp lương tri đang có nguy cơ bị lãng quên: “Mọi đặc quyền đều xúc phạm nhân dân/ Và bất công như quả bóng lăn tròn/ Từ chân người này sang chân người khác/ Im lặng là vàng ư? Im lặng là tội ác”. Trần Nhuận Minh tự nhủ nhà thơ không có quyền ngoảnh đầu quay lưng trước bất an “Luôn lo xa, họa vẫn cứ đến gần/ Kẻ hiểm ác thường có khuôn mặt đẹp/ Ngọn lưỡi ngọt như dao thì sợ hơn dao/ Trí khôn bây giờ nằm trong các hầu bao”.

Nhịp sống hối hả đang tước đoạt những điều kiện cần thiết để chúng ta nghiêm túc trân trọng những nhà thơ vẫn nỗ lực gióng chuông cảnh tỉnh tâm thức bối rối của kinh tế thị trường. Trần Nhuận Minh không cô độc với hành trang khắc khoải, bởi những câu thơ sốt ruột của ông đang nâng tầm vóc lương thiện cho thi ca lên khỏi sự hờ hững của độc giả hiện đại: “Nơi này có người bị đẩy lên dàn lửa/ Chỗ kia có người bị xô xuống vực sâu/ Ở đâu cũng có người bị lăng nhục…/ Vị Anh hùng ơi! Thế gian chẳng bình yên/ Dù mỗi sớm tiếng chim trời vẫn hót…/ Sức mạnh của kẻ hèn, ý chí của bóng đêm/ Vẫn mai phục dưới những chùm quả chín/ Kẻ ác đôi khi làm việc thiện/ Đánh thuốc độc cả tiếng cười/ Đóng dấu thật vào những hồ sơ giả/ Và bước lên trong ánh hào quang”./.