Quy trình thuận: nhà báo, nhà phê bình sân khấu điện ảnh viết về kịch, về phim, về diễn xuất… Còn các tác giả, diễn viên của kịch, của phim thì lặng ngắt, không muốn hay không thích, hay không “khờ” mà  bày tỏ chính kiến hoặc bắt đầu những cuộc “phản pháo” của mình… Nghĩ điều này không hoàn toàn tự nhiên và… cũng không lành mạnh! Điều quen thuộc này rồi có lúc bị phá vỡ…




TÔ HOÀNG RONG RUỔI “ĐƯỜNG XA GÁNH NẶNG”

NGÔ PHẠM HẠNH THÚY
(Nữ diễn viên Sân khấu & Điện ảnh)

Rất khó khăn tôi mới đọc được hết các bài trong quyển sách mà ngay tựa đề đã thấy sự truân chuyên, lắm nỗi… Có nhiều bài để đọc xong độc giả-người làm nghề, gần như phải gắng gượng, và phải cần khoảng lặng có khi đến cả tuần mới có thể đọc tiếp. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã lỡ dấn vài bước mon men vào lĩnh vực điện ảnh –truyền hình,và nhiều lần bạo gan còn tự cho mình là người trong nghề, vì thế khi đọc những bài Tô Hoàng viết, nhất là về những thứ liên quan đến diễn viên, không phải chỉ tôi mà chắc hẳn bất cứ người nào hoạt động trong những lĩnh vực mà các bài phê bình của ông đề cập tới, hẳn đều phải chịu cảm giác nhột nhạt, thậm chí là đau đớn như tôi. Vì ông như một thầy lang lành nghề, bắt mạch mà không cần con bệnh phải khai, nhìn sơ qua là biết con bệnh của mình bị bệnh gì, thời gian ủ bệnh và phát bệnh đã bao lâu, cần phương thuốc gì có thể chữa khỏi. Đôi khi ông lại như một nhà phẫu thuật khéo léo, lưỡi dao phê bình của ông lách rất ngọt qua những gân mô xương cơ…để điểm vào ung nhọt của con bệnh điện ảnh truyền hình Việt. Nào là “Không có nhân vật: vấn nạn của điện ảnh Việt Nam hôm nay” đến sự trăn trở đến lả người trước thực trạng chất lượng phim “giờ “vàng” liệu có Vàng thật?”. Rồi việc diễn viên bây giờ chẳng còn dành tâm sức cho diễn xuất. Công nghệ truyền hình đang đào tạo ra những thợ diễn, diễn viên cùng lượt diễn quá nhiều vai, nên vai nào cũng như đúc từ một khuôn; thời gian đâu để trăn trở đào sâu? Thời gian đâu mà nhập vai, hòa cảm??... Ông thẳng thắn mạnh tay điểm vào những chỗ yếu của con bệnh với giọng văn thẳng thừng pha chút chua xót và trăn trở. Bởi có ông thầy lang nào không mong cho con bệnh mình khỏi bệnh? Nhưng rồi có khi nói hoài nói mãi chẳng xong ông không ngại ngần tuyên bố: Nên dẹp Cánh Diều Vàng, bỏ kiểm duyệt để phim nào dở thì chết, điện ảnh Việt Nam nên chết để cho thứ khác tử tế hơn được sinh ra... Thấy xót xa quá, có ai đẻ con ra mà mong con chết bao giờ, có ai ăn bát cơm chính tay mình hai sôi, ba lửa mà mong hắt tuột bát ăn đi? Chỉ có quá yêu quá thương người ta mới như vậy thôi! Đã vài lần được nghe ông phát biểu trong hội thảo. Cũng cái chua xót đó, đau đớn đó của một người muốn dốc mình cho điện ảnh ngày càng lớn mạnh mà sức yếu thế cô bất lực lại chua chat, muốn tuẫn tiết cùng lí tưởng của mình...Ông truyền cái đau đó cho người nghe bằng sự hăng say, nhiệt tình, rút lòng rút ruột ra mà nói...Nhưng nói rồi lại thôi. Điện ảnh Việt Nam vẫn thế!! Đường xa gánh nặng...ai thấu?

Nói về điện ảnh thì vậy thôi, chứ nói về con người làm phim, làm truyền hình thì ông rất bao dung. Ông rộng lòng khi nói về những người cùng thời, ngưỡng mộ một cách chân tình, không thấy thói ghen tỵ như nhiều người vẫn mắc-thậm chí có cả vài người trà dư tửu hậu đồn rằng ông không thích anh A, chị B… nhưng trong những bài viết của ông, bức chân dung ông họa họ thật đẹp, thật lung linh nhưng không tô vẽ rậm màu, chỉ là ông nhìn thấy những mảng, những góc quá đẹp từ họ. Ông bao dung yêu thương cả những diễn viên, đạo diễn trẻ mà nghề chưa kịp ghi tên, khán giả chưa kịp biết mặt. Ông nhìn ra họ ngay khi vẻ long lanh vẫn còn đang ẩn khuất, dùng ngòi bút khơi chút ánh sáng vừa kịp lóe lên trong một giải thưởng nào đó họ vừa nhận được, rồi lại có nguy cơ lịm tắt vì thiếu sự quen biết, thiếu chút cơ hội...Và ông đặt trọn hi vọng, niềm tin vào tài năng thực sự, dù non nớt nhưng sẽ tỏa sáng mai sau. Có những bài viết ông viết cách đây 5,7 năm, những chồi non đó lúc hãy còn yếu ớt, vừa mới nảy mầm, nhưng hiện tại giật mình nhìn lại mới thấy sự dự đoán và lọc lựa của ông là tinh tường, vì những tên đó giờ đã vụt bật thành sao: Ninh Dương Lan Ngọc, Kiều Trinh, Hồng Ánh...

Dĩ nhiên với bạn bè mình, ông còn yêu thương hơn thế, dường như ngòi bút của ông chẳng quên ai, chẳng chê ai. Mà với ai ông cũng thương yêu trân trọng. Bạn bè trong cảm nhận của ông sao mà giỏi, mà tài, mà quan trọng hơn, sự dốc tâm vì nghề, tận tụy vì những đứa con-tác phẩm mới đáng trân trọng làm sao???...

Đường xa gánh nặng....May mà Tô Hoàng nặng niềm vui- nên đặt những câu chuyện, chân dung về bạn bè thân hữu ra sau cùng- đọc thấy nhẹ lòng hơn và tin vào những con người hết mình vì điện ảnh truyền hình hơn. Để còn chút hi vọng không phải “nghĩ nỗi đoạn trường mà kinh.....”