Trên đời này, không ai kiếm tiền ra để cất đi, hay để ngắm mà phải sử dụng nó đáp ứng cho những nhu cầu cá nhân. Thói xa hoa, hưởng thụ bắt đầu nảy sinh trong tâm trí của những cán bộ, công chức có quyền, lại lắm tiền và bắt đầu có sự ganh đua. Nhiều người đã không cần phải giấu giếm khi tậu những ngôi biệt thự hàng chục tỷ đồng. Người khác có xe đưa xe đón, họ cũng phải có, mà lại phải là những chiếc xe thật hào nhoáng, đắt tiền để chứng tỏ "đẳng cấp"…


BỆNH ÁN TỔNG HỢP CỦA CĂN BỆNH SUY THOÁI

CÙ TẤT DŨNG

Thời gian gần đây, gần như tuần nào báo chí cũng như các phương tiện thông tin, truyền thông đều đăng tải các bài viết liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên tiêu cực, tham nhũng, vi phạm các quy định về đạo đức, lối sống. Trong số những người bị kỷ luật có cả Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương và cả các sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang... Tìm hiểu kỹ hơn một chút về quá trình học tập, phấn đấu thì chúng ta đều thấy, đa phần các cán bộ, công chức, đảng viên này đều xuất thân từ thành phần cơ bản của xã hội, được gia đình và Nhà nước nuôi dạy để trở thành những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan… Họ đã có một thời tuổi trẻ với đầy ước mơ, hoài bão, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, miễn là được cống hiến tài năng và sức lực của mình cho sự nghiệp pháp triển của quê hương, đất nước, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp của Đảng và cách mạng. Nhưng có một số người sau khi thăng quan tiến chức, điều kiện làm việc tốt hơn, chất lượng cuộc sống nâng cao hơn thì tâm tính cũng theo đó mà đổi khác, không biết từ lúc nào đã trở thành "cái bóng" của tiền tài, danh vọng.
Lúc đầu họ chỉ dám nhận sự quan tâm của cấp dưới bằng những món quà "nho nhỏ" khi được tạo điều kiện cất nhắc lên một vị trí nào đó, rồi tiến tới họ nhận những món quà cảm ơn hơi "lơn lớn" của các doanh nghiệp sau khi đã cậy nhờ họ giúp đỡ. Cứ thế, hết lần này đến lần khác nhận quà, nhận hối lộ mà không bị tố cáo, bị phát hiện đã khiến các cán bộ, công chức có quyền, có chức không còn ngại và dần dần là không còn biết ngại, biết sợ nữa. Ai đến "cống nạp" cũng nhận hết, càng nhiều càng tốt. Nhận nhiều rồi đã luyện cho họ một "tinh thần thép", mặt không biến sắc, tim không loạn nhịp khi nhận hối lộ cả chục tỷ, trăm tỷ đồng. Lòng tham của họ lúc đầu chỉ như "gan con chuột nhắt", nhưng lâu ngày đã trở thành "gan con hùm" và họ trở thành "quan tham" từ lúc nào bản thân cũng không hay biết.
Trên đời này, không ai kiếm tiền ra để cất đi, hay để ngắm mà phải sử dụng nó đáp ứng cho những nhu cầu cá nhân. Thói xa hoa, hưởng thụ bắt đầu nảy sinh trong tâm trí của những cán bộ, công chức có quyền, lại lắm tiền và bắt đầu có sự ganh đua. Nhiều người đã không cần phải giấu giếm khi tậu những ngôi biệt thự hàng chục tỷ đồng. Người khác có xe đưa xe đón, họ cũng phải có, mà lại phải là những chiếc xe thật hào nhoáng, đắt tiền để chứng tỏ "đẳng cấp" và đồng tiền bất chính ấy còn được dùng vào mục đích "tạo phúc" cho con, cháu bằng việc đầu tư vào xây dựng từ đường dòng tộc, duy tu lăng mộ cha ông với cấp độ "khủng", rót tiền vào các khu tâm linh hoành tráng và đưa con cái ra nước ngoài du học.
Để thể hiện mình là tay chơi, thời thượng, đã có người không ngại ngần khi bỏ tiền nuôi một vài "hồng nhan tri kỷ". Sự ganh đua này gây ra một "bệnh" rất nguy hiểm, đó là họ càng ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, tìm cách tham ô, không bỏ lỡ thời cơ nào để ăn hối lộ, để có tiền phục vụ cho những thú vui, ham muốn cá nhân.
Đã làm quan, ai cũng ít nhiều có cống hiến, có công lao với đất nước, với nhân dân, đã từng có lúc lao tâm khổ tứ vì sự phát triển của địa phương, của ngành, của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng đã xây dựng, bồi dưỡng, nâng đỡ cho nhiều lớp cán bộ trẻ, nên họ tự cho mình xứng đáng được hưởng những gì mà mồ hôi nước mắt đã bỏ ra. Do vậy, rất nhiều cán bộ, công chức cho rằng họ đã cực khổ mấy chục năm rồi bây giờ đến lúc phải được "báo đáp", vì thế phải nhân lúc mình tại vị, nhận "báo đáp" nhiều một chút, nhận "sự quan tâm" nhiều một chút. Như thế mới là công bằng, mới không phí hoài "công sức", chứ về hưu rồi thì sẽ chẳng còn gì hết.
Có quyền, có tiền rồi họ lại muốn khoác lên mình tấm áo choàng "thành tích" để lấp liếm, che đậy những hành vi đen tối, xấu xa; dùng thành tích để đánh lạc hướng sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nguy hiểm hơn, một số đã dùng tiền để mua các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Thậm chí họ còn tính đến việc lấy "thành tích" ấy làm vật lưu truyền công danh của bản thân về sau cho hậu thế.
Có nhiều quan tham khi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân, khi đứng trước vành móng ngựa, chịu cảnh tù đày rồi, họ mới bắt đầu ân hận, xấu hổ, day dứt: Giá như, dục vọng của họ biết dừng lại trước cái xấu, cái ác thì cái giá phải trả không đớn đau như thế này. Song đã quá muộn, họ đã nhận được hình phạt thích đáng cho lỗi lầm của bản thân.
Bài viết này cũng là "bệnh án tổng hợp" đối với những người đã và đang bước vào vùng đen của căn bệnh suy thoái. Hy vọng rằng, đây cũng đồng thời là một "liều vacxin phòng bệnh" cho các cán bộ, công chức, đảng viên trẻ để có đủ sức chống lại những cám dỗ của quyền lực và vật chất, tiếp tục vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân đã chọn.

Nguồn: Văn Nghệ Công An