Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật mới được xuất bản chia thành hai tập, gồm sáu tiểu thuyết lịch sử hay nhất của ông, gồm “Ngược đường trường thi”, “Thiếp chàng đôi ngả”, “Rắn báo oán”, “Bà chúa chè”, “Loạn kiêu binh”, “Chúa Trịnh Khải”. Nhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng: "Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử theo phong cách của nhà điện ảnh Pháp Sacha Guitry, chủ yếu là sự thật lịch sử thêm thắt ít nhiều dã sử để hấp dẫn người đọc".



Nghệ thuật tiểu thuyết độc đáo
Khám phá nghệ thuật viết tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật thấy ông tư duy khoa học lịch sử, kết hợp giữa nghiên cứu và tưởng tượng. Ông dựng hình các nhân vật qua những sự kiện quan trọng của lịch sử, nhưng không vì thế khiến nhân vật trở thành xơ cứng mà ông luôn bồi đắp những nói năng, đi đứng linh hoạt, để nhân vật có đời sống riêng, vừa gần gũi với lịch sử vừa giàu nét tạo hình trong văn chương.
Có thể kể đến nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong tiểu thuyết Bà chúa chè. Thị Huệ được miêu tả đầy cá tính với vẻ ngoài xinh đẹp, tư chất thông minh. Dẫu vì hoàn cảnh nghèo khó phải đi hái chè thuê nhưng nàng luôn muốn lật ngược lại tình thế, khao khát thay đổi số phận. 
Bằng sự thông minh, khôn khéo và thủ đoạn của mình, nàng đã từng bước đứng đầu hậu cung trong phủ chúa Trịnh, được chúa nhất mực sủng ái. Để rồi sau đó, khi Chúa qua đời, bị tước đoạt, bị giá họa, nàng tự vẫn trước bàn thờ Chúa. Nỗi bi thương của số phận Thị Huệ được khắc họa sâu đậm trong tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, khiến độc giả vừa căm ghét lại vừa thương cảm.
Trong những tiểu thuyết của mình, ông cũng sử dụng rất nhiều những đối thoại. Thông qua các trường đoạn đối thoại để làm bật lên tâm tư cá tính nhân vật. Điểm này lại rất gần với kịch nói.
Lịch sử của Nguyễn Triều Luật cũng rất nhiều những điển cố, điển tích, và thơ văn xưa. Ví như trong tiểu thuyết Thiếp chàng đôi ngả, ông đã sử dụng câu đồng dao xưa tạo tứ cho câu chuyện bi thương về đôi vợ chồng thời nhà Hồ trong tiểu thuyết:
“Chàng về hồ thiếp cũng về hồ
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây”
Cũng bởi vì chiến tranh, vì lý tưởng khác nhau khiến chàng thiếp phân ly, rồi khiến cả gia đình tuyệt diệt. Điều bi thương ấy, âu cũng không chỉ riêng nhà chàng Đông Du và nàng Văn Trúc phải gánh chịu. Còn biết bao gia đình tang thương, ở nước Việt ta, giữa những đợt loạn ly của lịch sử. Nguyễn Triệu Luật viết sử mà gợi nên biển hồ những trăn trở, để người nay ngoái vọng quá khứ.

                              


Đau đáu nỗi niềm những câu chuyện lịch sử thời Lê - Trịnh
Những sáng tác của Nguyễn Triệu Luật, chủ yếu tập trung vào lịch sử thời Lê - Trịnh, với những nhân vật hiện ra rất sinh động: Đặng Thị Huệ, Chúa Trịnh Khải, Trịnh Sâm, Trịnh Vương, Quận Huy,  những bà vợ Chúa, các cung tần, mỹ nữ, đám kiêu binh… Chính cái thế giới con người ấy đã làm sống lại  thời vua Lê - Chúa Trịnh rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Triệu Căn, con trai Nguyễn Triệu Luật cũng đã chia sẻ: “Người đọc gần như mang cảm giác rằng hầu như toàn bộ bối cảnh các cuốn tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật đều gắn bó xa gần với thời đại Lê -Trịnh. Ngay cả với những bối cảnh xa (như trong Rắn báo oán) thì cũng có chút gì đó dấu ấn của bi kịch được thấu cảm từ thời đại Lê -Trịnh”.
“Ngược đường trường thi” là câu chuyện về dòng họ Lý - Nguyễn với con đường lều chõng, võng lọng hiển hách từ Bến Cỏ, rồi lại tàn lụi cũng nơi Bến Cỏ, trong đó có nhân vật Nguyễn Tư Giản được khắc họa sắc nét. Nguyễn Tư Giản (1820-1890) - cháu nội của Nguyễn Án, là người đa tài đa năng, đỗ hoàng giáp năm 21 tuổi, từng làm quan hơn 40 năm dưới triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Tư Giản từng làm đến chức Thượng thư Bộ Lại, ông còn là nhà thơ nổi tiếng để lại nhiều tác phẩm giá trị, riêng bộ Thạch Nông toàn tập của ông đã dày 2.508 trang. Trong 2 năm đi sứ nhà Thanh (1868-1869), Nguyễn Tư Giản đã có 3 tác phẩm với hàng trăm bài thơ tặng và đối đáp với danh sĩ Trung Hoa và các sứ thần Triều Tiên. Cháu nội của Nguyễn Tư Giản chính là nhà văn chuyên viết lịch sử, tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật, là đời thứ 31 nhà Lý.
Hay trong “Loạn kiêu binh”, Nguyễn Triệu Luật đã tái hiện được không khí loạn lạc, lầm than của dân chúng, khi vua chúa sa đọa, để mặc đám kiêu binh trở thành côn đồ, cướp bóc, hãm hiếp dân lành. Ở Loạn kiêu binh, ông đã khiến những nhân vật quần chúng trở nên sắc nét, giữa biến phế Cán, lập Khải của nhà Trịnh.
Đọc tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Tuân phải khen rằng “Ông Nguyễn Triệu Luật đã “có công phục sinh những cái gì đã chết gần ba trăm năm nay”. Lan Khai cũng là một cây bút về tiểu thuyết lịch sử thời ấy thán phục: "Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật tức là xem những bức ảnh. Người mất rồi, cảnh khác rồi, nhưng hình ảnh vẫn là những người và cảnh đã có thực. Bên trong Nguyễn Triệu Luật là một nhà khảo cổ học. Cái “ngòi bút có linh hồn” của Nguyễn Triệu Luật rất đáng giúp cho người dạy, người học lịch sử hôm nay đang chán với môn sử nước nhà".
Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) là nhà giáo, nhà văn, nhà báo. Nguyễn Triệu Luật từng học tại Trường nam Sư phạm Hà Nội, đến khi tốt nghiệp đã dạy học tại một số trường công ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng. Vì cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái năm 1930 thất bại, ông cùng nhà văn Nhượng Tống và Trúc Khê bị thực dân Pháp cầm tù. Sau khi được tha, ông bị buộc thôi nghề dạy học, nên ông chuyển sang làm báo, và viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ như: Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Ích hữu, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ Bảy… Trong những năm 1937 - 1939, ông được mời vào giảng dạy tại trường tư thục Lê Vân ở Vinh. Chính thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm nhất.
Những tác phẩm của ông lần lượt được xuất bản như: Bà chúa Chè (Nhà xuất bản Tân Dân - Hà Nội, 1938); Loạn kiêu binh (Nhà xuất bản Tân Dân - Hà Nội, 1939); Ngược đường Trường thi (Phổ thông bán nguyệt san số 46, 1939); Chúa Trịnh Khải; (Nhà xuất bản Tân Dân - Hà Nội, 1940); Rắn báo oán (1941); Thiếp chàng đôi ngả (in chung với Rắn báo oán, 1941)….
Ông qua đời khi mới 43 tuổi, đang trong giai đoạn bút lực dồi dào. Thời kỳ ấy, các sáng tác của ông rất được yêu thích nhưng trong suốt một khoảng thời gian dài, vì nhiều lý do, chúng dần bị lãng quên.

                           THỦY NGUYỆT - Zing