Đối với thế hệ tuổi 50 trở lên cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” gợi nhớ một thời mà mỗi người đều sống như thế. Còn nhiều lắm những câu thành ngữ, ca dao, những “dị bản” khác nhau về từ ngữ nhưng cùng nội dung phản ánh mọi mặt đời sống thời bao cấp... Đây là dòng văn học dân gian phản ánh hiện thực xã hội qua cái nhìn, góc nhìn tinh tế, hài hước mà không kém phần sâu sắc, thậm chí châm biếm và đả phá mạnh mẽ... Hiện thực cuộc sống trong cuốn sách như “dòng lịch sử bình dân” bổ sung cho “chính sử” phản ánh cuộc chiến tranh và những sự kiện chính trị.



LAN MAN VỀ MỘT THỜI CHƯA XA

NGUYỄN THỊ HẬU

“Thương nhớ thời bao cấp” là một cuốn sách tranh tập hợp, tuyển chọn những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu nói có vần, khúc đồng dao... quen thuộc và phổ biến trong thời kỳ bao cấp. Hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa bằng những nét vẽ trau chuốt và chi tiết nhưng cũng mang tính khái quát, đã tái hiện lại một cách sống động đời sống xã hội thiếu thốn nghèo khổ nhưng đầy sự hài hước tự trào... của một thời kỳ dài khó khăn chồng chất khó khăn, khốn khó vây quanh khốn khó.
Nhiều người mới đọc tựa sách đã kêu lên “thời bao cấp mà nhớ làm gì?”, “ai thương bao cấp chứ tôi thì không bao giờ!”... Cũng phải, thời bao cấp thiếu thốn là thế, khổ sở là thế, thiếu từ gạo mì mắm muối đến quần áo giày dép, lúc nào cũng phải lo lắng từ bữa ăn hàng ngày đến các loại tem phiếu sổ gạo sổ hộ khẩu... Cái đói cái nghèo thì ai mà không ngán không sợ! Nhưng có quên được không? Và vì sao nhiều người vẫn vừa thương vừa nhớ?
Thời bao cấp – gọi chung là như thế nhưng thực ra có hai giai đoạn là trước và sau năm 1975. Hai giai đoạn này khác nhau về bối cảnh xã hội, về quy mô, mức độ và cả “đối tượng” chịu đựng sự bao cấp. Bởi vậy, thương nhớ hay không có lẽ cũng từ hoàn cảnh và điều kiện sống của từng người, từng gia đình trong thời kỳ ấy.
1.
Trước 1975 là thời bao cấp ở miền Bắc, mọi thứ đều được sản xuất theo kế hoạch hóa và phân phối qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh từ cửa hàng “bách hóa tổng hợp” đến cửa hàng trung và cao cấp như Vân Hồ, Nhà Thờ, Tôn Đản ở Hà Nội... Hàng hóa quy theo tiêu chuẩn “mức lương” tưởng như công bằng nhưng... luôn phải “phân phối lại” qua các chợ và đội ngũ “con phe”, bọn buôn gian bán lận”.
Tính chất bao cấp tác động và thể hiện rõ nhất trong đời sống đô thị, nơi tập trung cán bộ công chức ăn lương nhà nước, tất cả đời sống phụ thuộc vào tem phiếu, đến số phận con người cũng phụ thuộc vào sổ hộ khẩu! Nhưng ở nông thôn thì đỡ hơn vì dù sao cũng còn mảnh vườn, chuồng gia súc, thức ăn tự cung tự cấp trong phạm vi gia đình hay làng xóm.

Tuy vậy, lúc ấy sự phân hóa giàu nghèo không quá lớn, phần lớn trong xã hội “ai cũng như ai” vì của cải sức lực từ nông thôn đến thành phố đều tập trung cho chiến tranh. Nhớ thời bao cấp là nhớ những ký ức ấm áp tình người vì nhìn quanh, mình chẳng bằng ai nhưng còn hơn nhiều người. Những khu phố hay nhà tập thể có khi chung bếp chung nhà tắm đến nhà vệ sinh cũng chung thì tránh sao khỏi sự dòm ngó thóc mách, nhưng trên hết vẫn là sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau, coi nhau như “người nhà” khi hữu sự.
Má tôi giữ mãi chục bát sứ Hải Dương men trắng ngà lại còn hơi méo, là “tiêu chuẩn” lao động tiên tiến năm nào đó của bà. Bà giữ lại không chỉ vì những cái bát ấy còn tốt, mà vì được thưởng có 5 cái, một người bạn đã nhường phần của cô cho má tôi để có đủ chục bát “phòng khi nhà có khách”. Hơn 50 năm rồi nhưng má tôi vẫn nhắc nhớ chuyện này. Còn tôi, cứ mỗi mùa trung thu là tôi lại nhớ cảm giác hồi nhỏ thèm bánh trung thu như thế nào. Chỉ là chiếc bánh dẻo nhân hạt sen bột khô cứng hay chiếc bánh nướng nhân thập cẩm thoáng mùi vị lạp xưởng... Mỗi nhà được mua 1,2 cái theo phiếu nhưng bao giờ má tôi cũng để dành gửi về nơi quê biếu các gia đình chúng tôi ở nhờ hồi sơ tán, vì “mình ở Hà Nội thỉnh thoảng còn mua được chứ ở nông thôn không có đâu con ạ”.
Ngày chủ nhật trong khu tập thể nhà nào cũng rộn rịp bếp núc “ăn tươi”, có gì đâu, thường là bữa bún riêu hay bún chả. Thế là từ sáng sớm đã í ới gọi nhau đi xếp hàng đổi bún, mua thịt. Ra đến cửa hàng mậu dịch đặt cục gạch giữ chỗ mua thịt, chạy qua cửa hàng bún đặt cái chổi cùn “gửi chỗ” cho người đứng sau đứng trước, hay chạy ra chợ mua xóc cua mớ rau... Cục gạch và cái chổi cùn ấy cứ lần lượt được nhích lên theo hàng người, chẳng ai vứt đi đâu. Chạy qua chạy lại đến hơn nửa buổi mới mua được bún được thịt hớn hở mang về. Có lần thấy chị kia xếp hàng mà hai ngực áo ướt đẫm sữa, biết là đang nuôi con nhỏ, cô mậu dịch bán luôn mấy cho lạng thịt nạc “về làm ruốc mà ăn dần” dù phiếu của chị kia chỉ mua được mỡ.
Những năm sơ tán, nhà ai đi vắng cứ khóa lại rồi viết lên cửa “chìa khóa gửi nhà bác tổ trưởng” (hay gửi bác bán nước sôi, cô quét dọn...). Hồi cuối năm 1972 nhà tôi bị sức ép của trận bom làm tung hết cánh cửa, đồ đạc trong nhà đổ vỡ ngổn ngang... Hai hôm sau má tôi mới biết và chạy về nhà nhưng chẳng mất cái gì, đồ đạc đã được ai đó xếp gọn vào một chỗ kể cả những mảnh vỡ.
Đời sống tinh thần thời bao cấp chủ yếu là đọc sách, báo và họa báo Liên Xô là của hiếm! Cửa hàng sách có đến tận phố huyện, không nhiều sách nhưng mỗi cuốn sách mới được mọi người náo nức tìm đọc. Nhà có tủ sách nhỏ, ba tôi cần mẫn mua bao nhiêu năm từ đồng tiền ông phải nhịn uống bia để mua sách. Đủ loại nhưng nhiều nhất là sách sân khấu và văn học. Đấy là thế giới tinh thần của tôi, cho đến bây giờ cũng vậy! Thỉnh thoảng được xem phim chiếu ở hội trường cơ quan hay sân kho hợp tác... Ngay ở thành phố nhiều người cũng ít có dịp đến rạp xem phim xem kịch.
Ngày ấy tôi chỉ mong cậu tôi ở Vĩnh Phú về Hà Nội công tác và mang theo con bé em họ, khi ấy thế nào má tôi cũng cho mấy hào để đưa em đi xem phim và ăn kem. Khổ thân con bé, ăn kem xong vào rạp là ngủ tít mít chỉ có tôi sung sướng ngồi xem. May mắn là tôi sống trong khu tập thể của đoàn nghệ thuật nên thường xem tập kịch, cải lương, thỉnh thoảng được xem “chiêu đãi” vở mới cho gia đình nghệ sĩ, diễn viên... Vì vậy “sinh hoạt tinh thần” của tôi so với chúng bạn cũng đa dạng hơn.
Thiếu thốn là thế nhưng lúc nào và chuyện gì cũng có thể làm người ta cười vui vẻ. Chẳng hạn, có những mối tình tan vỡ chỉ vì mỗi ngày anh chị đều gặp nhau ở... nhà vệ sinh tập thể bẩn thỉu kinh hoàng, làm tuột hết cả lãng mạn mơ màng... Như cái thông báo “khủng khiếp” ở cửa hàng mậu dịch “hôm nay bán thịt trẻ em” – là bán thịt cho phiếu của trẻ em có ký hiệu chữ TR. Hay, có nhà ăn thịt gà bằng... kéo, cắt từng miếng để khỏi động dao thớt “hàng xóm người ta biết lại lắm chuyện”, ăn xong gói xương vào giấy báo rồi đạp xe ra tận bãi rác ngoài chợ để vứt...  Còn bao chuyện cười ra nước mắt nữa... Nhưng khi nhớ thời bao cấp ở miền Bắc là lại thương chính vì những chuyện như thế.

                                            


2.
Sau 1975 tình trạng bao cấp “phủ sóng” trên phạm vi cả nước nên mức độ cũng “tàn khốc” hơn! Miền Bắc tiếp tục “đắm chìm” trong nền kinh tế bao cấp còn miền Nam bắt đầu “làm quen” với nó và lập tức “choáng váng”!
Gia đình tôi trở về Sài Gòn ngay tháng 5.1975, dù là về quê nhưng vẫn nếp sống như ở Hà Nội vì chỉ dựa vào đồng lương nhà nước. Lúc đó má tôi cố dành dụm mua cho mỗi người một chiếc xe đạp – ước mơ bao nhiêu năm ở miền Bắc! Chỉ sau một thời gian ngắn thì má tôi – người phụ nữ giỏi chịu đựng và xoay xở - đã phải kêu lên “Trời ơi, ai mà nghĩ Sài Gòn thiếu gạo, thiếu đủ thứ như bây giờ!”.
Vâng, chẳng ai có thể hình dung dân Sài Gòn mà phải xếp hàng mua gạo dầu mắm muối, cả rau muống nữa, phải nhận hàng “phân phối” từ cây kim sợi chỉ ít người cần đến ống kem đánh răng cứng như vôi nhưng ai cũng phải dùng! Chẳng ai có thể tượng tượng được có ngày dân Sài Gòn phải ăn bo bo, ăn độn khoai mì...
Thế mà tất cả lại là “hiện thực”!
Sau các “chiến dịch” đánh tư sản – cũng như sau 1954 ở miền Bắc, nhưng ở Sài Gòn thì mức độ ảnh hưởng lớn hơn và hậu quả để lại lâu dài hơn nhiều, cùng với việc “ngăn sông cấm chợ” giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ đã làm cho thành phố kiệt quệ. Một lần nhà tôi có đám giỗ, dì tôi từ quê đi xe đò lên thành phố, chỉ mang theo ký gạo nếp và hai trái dừa vườn nhà để nấu xôi cúng. Tới trạm Cai Lậy (vâng, chỗ trạm B.O.T Cai Lậy nổi tiếng bây giờ) bị mấy ông “cách mạng 30.4” khám xét và đòi tịch thu. Năn nỉ không được, dì tôi liệng cả nếp và dừa xuống ruộng ngập nước “xuống đó mà tịch thu”!
Đến lúc người người nuôi heo, sân vườn biệt thự thành chuồng heo, thành vườn trồng rau cho người và cho heo. Tôi đi học về đói lả người chưa kịp ăn nhưng phải cho heo ăn trước, nếu không nó phá chuồng kêu la cả xóm nghe. Heo bịnh má tôi muốn bịnh theo vì thức đêm nấu cháo heo, canh chừng cho heo uống thuốc... Thấy cực quá ba tôi giao hẹn: bán lứa heo này thôi không nuôi nữa! Má tôi nói, không nuôi heo lấy gì ăn? Ý là lấy tiền đâu đi chợ? Đổi tiền mấy lần nên để dành bao nhiêu thành ra “vô giá” hết!
Rồi nhà nhà lại đổ qua nuôi cá trê phi, ở chung cư thì xây bể dưới gầm giường, dùng cả bồn tắm để nuôi trê phi. Anh bạn tôi thả mấy ký cá giống, nuôi mấy tháng trời, tới hồi vớt lên chỉ được “hai vợ chồng con cá”, vì cá lớn đã ăn cá nhỏ do không đủ thức ăn. Anh mang đến cho tôi mấy con cá nhỏ bằng nửa cổ tay, buồn rầu nói, thế là lỗ hết tiền thức ăn tiền cá giống cậu ạ, chưa kể mấy tháng mất ngủ vì... nằm trên bể cá.
Thôi thì không thiếu việc gì để kiếm bữa ăn hàng ngày... Cho nên trong Nam ngoài Bắc mới truyền nhau câu hát về bó rau muống “cho ngày nay cho ngày mai cho hai ngày sau” hay giai thoại cười ra nước mắt: một ông giáo sư nhà ở trên lầu lại nuôi heo nên bị lập biên bản. Ông bắt phải ghi đúng là “heo nuôi giáo sư!”
Nhưng ngay cả thời kỳ khó nhăn nhất ấy thì Sài Gòn vẫn không thiếu thứ gì từ “ăn” đến “chơi”, cứ vô Chợ Lớn là có tất cả, dĩ nhiên rất nhiều hàng dỏm hàng giả “Hồng Kong bên hông Chợ Lớn”. Người có tiền “bển gửi về” thì ra Chợ Cũ tuy phải bán lén lút nhưng đầy đủ hàng xa xỉ, rượu mỹ phẩm quần áo máy móc... Nhiều gia đình bán dần “đồ nhà” trong khi tìm cơ hội vượt biên hoặc chờ được bảo lãnh. Người nơi khác vô Sài Gòn những năm 1980 – 1990 vẫn choáng ngợp vì sức sống và diện mạo “đô thành” của nó. Sài Gòn vẫn là một thành phố năng động và linh hoạt trong làm ăn kinh tế, vẫn là nơi thu hút người nhập cư đổ về.
Và tất nhiên, chuyện xé rào, vượt rào phải đến. Từ Nam bộ, từ Sài Gòn cánh cửa bao cấp cũ kỹ của nền kinh tế “kế hoạch hóa” già nua đã bị đóng chặt hàng chục năm dần dần cũng phải hé mở, mang lại luồng không khí mới bớt ngột ngạt hơn, dễ thở hơn, nhưng cũng gây cho xã hội nhiều cơn choáng váng.
Đó lại là chuyện của thời kỳ sau, thời “mở cửa”.
***
Đối với thế hệ tuổi 50 trở lên cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” gợi nhớ một thời mà mỗi người đều sống như thế. Còn nhiều lắm những câu thành ngữ, ca dao, những “dị bản” khác nhau về từ ngữ nhưng cùng nội dung phản ánh mọi mặt đời sống thời bao cấp... Đây là dòng văn học dân gian phản ánh hiện thực xã hội qua cái nhìn, góc nhìn tinh tế, hài hước mà không kém phần sâu sắc, thậm chí châm biếm và đả phá mạnh mẽ... Hiện thực cuộc sống trong cuốn sách như “dòng lịch sử bình dân” bổ sung cho “chính sử” phản ánh cuộc chiến tranh và những sự kiện chính trị. Cũng phải nói rằng, phần lớn nội dung cuốn sách là cuộc sống thời bao cấp ở miền Bắc.
Nhưng đối với thế hệ 8x, 9x và cả thế hệ sinh từ những năm 2000 Thương nhớ thời bao cấp sẽ giúp người trẻ hiểu biết về cuộc sống và tâm thức của thế hệ ông bà cha mẹ vào nửa sau thế kỷ 20 qua từng trang sách. Một thời kỳ đầy khó khăn với những nỗi lo lắng nhọc nhằn của từng người, của cả nước... nhưng xem cuốn sách này ta vẫn thấy vượt hẳn lên là cái nhìn lạc quan, vui tươi cùng thái độ tự trào, phản biện nhưng điềm tĩnh.

Chính vì vậy mà thời bao cấp trở lại với chúng ta như là một phần đời chịu thương chịu khó, “khổ lắm nhưng mà thương lắm”, chẳng dễ mà quên! Nhưng chắc chắn không ai muốn cuộc sống đó lặp lại để con cháu phải chịu đựng như chúng ta thời ấy!