Nhiều lúc tôi tự
hỏi: điều gì xảy ra nếu lúc ấy Tất Đạt Đa ở lại hoàng cung rồi lên ngôi như
hàng chục, hàng trăm những ông vua khác? Chắc chắn là ngài vẫn sẽ có một thứ
quyền lực chính trị mà hàng triệu người khác trong vương quốc của mình từng
khao khát, nhưng lại không thể có được tầm ảnh hưởng và sự kính trọng ở phạm vi
nhân loại như bây giờ. Nói một cách thô thiển thì đây là trường hợp một người từ
chối quyền lực chính trị để chạm vào một thứ quyền lực khác: quyền lực tôn
giáo, dù chúng ta tin chắc rằng hai chữ "quyền lực" không hề tồn tại
trong bất cứ một miền tư duy nào của ngài, vì còn nghĩ tới "quyền lực"
nghĩa là còn sân si, mà bản chất của đạo Phật là giúp con người lấy chánh niệm
mà thoát khỏi vòng sân si.
Tại sao lại có người chối từ quyền lực?
PHAN MỸ CHÍ
Chuyện xưa kể rằng,
vua Nghiêu làm vua gần trăm năm liền tìm đến Hứa Do - một người đức độ, hiền
tài nức tiếng, để truyền ngôi báu. Nhưng thay vì nhận lời vua Nghiêu, Hứa Do lại
bảo: Tại sao tôi phải làm vua? Tôi cần ngôi vua của ông để làm gì! Thế rồi Hứa
Do ra suối vừa tai, vì sợ những gì vừa nghe được từ vua Nghiêu làm bẩn tai, bẩn
đầu, bẩn tâm hồn thanh khiết của mình. Cùng lúc đó, Hứa Do bắt gặp Sào Phủ đang
dắt trâu tới đúng đoạn suối đó uống nước, nên kể lại toàn bộ câu chuyện cho Sào
Phủ. Nghe xong, Sào Phủ quyết định không cho trâu uống nước ở đoạn suối đó nữa,
vì sợ rằng nước suối - cái thứ mà Hứa Do vừa dùng để "tẩy uế" sẽ làm
bẩn mồm con trâu của mình.
Lần đầu biết đến
câu chuyện này, cỡ năm 20 tuổi thì phải, tôi từng giãy nảy lên: không nhận ngôi
báu, không thích quyền lực thì thôi, cớ gì mà phải đẩy vấn đề tới mức "sợ
bẩn tai" (người), "sợ bẩn mồm" (trâu) như thế chứ! Và những suy
nghĩ này vĩnh viễn nằm lại ở đó cho đến những năm bắt đầu đi làm, chứng kiến những
cuộc chạy đua quyền lực ở một cơ quan nọ. Phải từ cái trực quan sinh động mà
mình chứng kiến từ A đến Z, tôi mới sực nhớ lại Hứa Do - Sào Phủ, và đặt ra một
câu hỏi: rốt cuộc thì tại sao hai nhân vật huyền thoại này lại khinh miệt quyền
lực đến mức cay nghiệt vậy?
Theo Trang Tử
thì cụ thể, Hứa Do nói với vua Nghiêu rằng: "Ngài trị vì thiên hạ thì
thiên hạ đã thái bình rồi. Nếu tôi thay chỗ ngài, chẳng phải vì tôi háo danh
sao? Danh chỉ là cái bề ngoài của những điều chân thực, sao tôi có thể bị lung
lạc bởi cái vẻ bề ngoài đó được. Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều
hơn một cành. Chuột chũi uống nước ở sông không cần đầy hơn một bụng. Thôi,
ngài hãy về đi, tôi chẳng biết dùng thiên hạ để làm gì..". Cứ theo những
câu nói này mà luận thì lý do những người như Hứa Do, Sào Phủ từ chối ngôi vua
là vì họ nhận thức một cách chân xác rằng, ngôi báu không phù hợp với con người
họ. Lý do "không phù hợp" xét cho cùng là một lý do bất hủ, một lý do
dễ đưa ra nhất khi con người ta muốn khước từ một điều gì đó. Vậy nên khi thấy
ai đó đưa ra lý do "không phù hợp" người ta lập tức dễ đưa ra ngay phản
đề: tại sao không chịu thay đổi để phù hợp, nhất là trong những trường hợp sự
thay đổi đó không chỉ có lợi cho cá nhân mình, mà còn có lợi cho cả cộng đồng
mình? Chẳng phải, trong lịch sử Đông Tây, từng có những người mà thoạt tiên tự
thấy mình không phù hợp để làm lãnh đạo, nhưng vì lợi ích của cộng đồng, quốc
gia, mà cuối cùng vẫn thay đổi bản thân để có thể làm lãnh đạo một cách vững
vàng đó sao? Thế nên, dù vẫn biết câu chuyện Sào Phủ - Hứa Do là một điển tích
mẫu mực cho tinh thần cao đẹp và đời sống ẩn dật của những nho sĩ phương Đông,
nhưng vẫn có nhiều góc cạnh trong câu chuyện này khiến chúng ta phải "lăn
tăn".
Với riêng cá
nhân tôi, những "lăn tăn" này được giải quyết kha khá trong một lần đàm
đạo với Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá tư tưởng phương Đông - Trần Ngọc Vương.
Ông Vương có một cách lý giải thuyết phục tôi hơn: "Trong các thư tịch cổ
thì các ông vua Nghiêu, vua Thuấn được mô tả là những người rất tuyệt diệu. Chẳng
hạn như vua Thuấn, khi dân còn chưa tỉnh giấc thì ông ấy phải sắp xếp kế hoạch,
công việc, rồi khi dân lao động thì ông ấy phải cùng làm, mà khi lao động, nếu
người dân chọn khiêng đầu ngọn thì người lãnh đạo phải khiêng đầu gốc, vì họ phải
“gương mẫu”, người dân nghỉ làm thì vua Thuấn phải chơi đàn, biểu diễn văn nghệ
cho dân xem. Rồi lời bài hát cũng phải thánh thiện, vì dân: “Gió Nam mát mẻ chừ,
mang lại tài lực cho dân ta, gió Nam mát mẻ chừ, mang lại sức khỏe cho dân ta”!
Trong lý luận này, người cai trị tử tế phải là người mà dân ăn bát bằng đất thì
người ấy cũng chỉ được ăn bát bằng sành, dân ở nhà cỏ thì người ấy cũng chỉ được
ở nhà gianh, nghĩa là chỉ được cao hơn dân tí ti, chẳng đáng kể gì". Theo
ý ông Trần Ngọc Vương thì ở một xã hội mà người có quyền lực tối thượng như vua
cũng không có những quyền lợi vật chất nhiều hơn dân là mấy thì cái tư tưởng
"Tôi cần ngôi vua của ông để làm gì?" là đúng quá, và thuận lý quá rồi.
Nghịch lý chỉ diễn
ra trong trường hợp, làm vua là có hằng hà sa số những đặc quyền đặc lợi, thế
mà người ta vẫn nhất nhất từ chối ngôi vua. Trong lịch sử, từng có nghịch lý
như vậy hay chưa? Có! Đấy chính là trường hợp thái tử Tất Đạt Đa ở kinh thành
Ca Tỳ La Vệ, trong thế giới Ấn Độ cổ xưa. Cuộc sống của Tất Đạt Đa là ở trong
hoàng cung. Nhiệm vụ của Tất Đạt Đa là sau này phải nối ngôi vua cha Tịnh Phạn,
trị vì vương quốc. Ấy thế mà vị thái tử - ông vua tương lai lại từ bỏ tất cả để
đi tìm một con đường của riêng mình. Tại sao vậy? Tại vì trong quan điểm của vị
thái tử lúc ấy, ngôi báu không giúp giải quyết triệt để những phiền não cuộc đời.
Nhiều lúc tôi tự
hỏi: điều gì xảy ra nếu lúc ấy Tất Đạt Đa ở lại hoàng cung rồi lên ngôi như
hàng chục, hàng trăm những ông vua khác? Chắc chắn là ngài vẫn sẽ có một thứ
quyền lực chính trị mà hàng triệu người khác trong vương quốc của mình từng
khao khát, nhưng lại không thể có được tầm ảnh hưởng và sự kính trọng ở phạm vi
nhân loại như bây giờ. Nói một cách thô thiển thì đây là trường hợp một người từ
chối quyền lực chính trị để chạm vào một thứ quyền lực khác: quyền lực tôn
giáo, dù chúng ta tin chắc rằng hai chữ "quyền lực" không hề tồn tại
trong bất cứ một miền tư duy nào của ngài, vì còn nghĩ tới "quyền lực"
nghĩa là còn sân si, mà bản chất của đạo Phật là giúp con người lấy chánh niệm
mà thoát khỏi vòng sân si.
Nếu chuyện từ chối
ngôi báu của Hứa Do gợi ra nhiều cách lý giải khác nhau thì chuyện từ chối ngôi
báu của Thái tử Tất Đạt Đa trước sau đều được quy đồng ở một điểm: với những
người có năng lực tỉnh thức thì xét cho cùng, khát vọng thực thi tư tưởng lớn
hơn khát vọng thực thi quyền lực.
Nhưng nếu chúng
ta không có tư tưởng ở mức độ của một vĩ nhân thì sao? Lúc đó, liệu chúng ta có
thể khước từ quyền lực hay không? Một câu chuyện nóng hổi vừa diễn ra ở nước
nga (trong những ngày cuối tháng 9 năm 2018 này): Thứ trưởng Bộ Giao thông vận
tải Alan Lushnikov sẽ từ chức để...đi hát. Làm đến thứ trưởng của một Bộ lớn, lại
trực tiếp phụ trách giám sát hệ thống đường sắt - một công việc thèm muốn của
không ít người trong hệ thống công quyền, hà cớ gì ông Lushnikov lại từ chức đột
ngột như vậy? Rất có thể, có những bí ẩn nào đó mà những người quan sát như
chúng ta không và không bao giờ biết được. Nhưng cũng rất có thể, đơn giản
thôi, sau một thời gian tại nhiệm, ông Lushnikov - một người đam mê Rock, một
người rất nhiều lần say đắm hát Rock, một người chuẩn bị gia nhập một ban nhạc
Rock, hiểu rằng mình thực sự hợp với âm nhạc hơn là quan chức. Và sống đúng với
con người mình, sở thích của mình, chứ không sống bởi những hư danh mà người
ngoài nhìn vào mình, tô vẽ cho mình vốn là một tâm thế sống phổ biến tại châu
Âu. Dĩ nhiên, nếu không thoát khỏi hoặc được tạo điều kiện để thoát khỏi cái
vòng kim cô "một người làm quan - cả họ được nhờ", con người ta không
bao giờ sống như thế được.
Biết mình thực sự
muốn gì? Với câu hỏi ấy, rất nhiều người đã nhẹ nhàng thoát khỏi sức cám dỗ quyền
lực, để đạt đến một trạng thái sống bình an, và ngược lại, rất nhiều người sa lầy
vào những "cuộc chiến" quyền lực để rồi đến khi nhận ra sự vô nghĩa của
những "cuộc chiến", thì trong rất nhiều trường hợp, cái giá phải trả
lại quá lớn, quá nghiệt ngã với mình.
Ai cũng hiểu,
đam mê quyền lực là một thuộc tính tự nhiên, bản thể của con người. Khi người
nguyên thuỷ chuyển từ đời sống săn bắn sang canh tác, xuất hiện nhu cầu về phân
chia lao động thì cũng đồng thời xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của quyền lực.
Và nhờ một hệ thông quyền lực được thiết kế một cách hợp lý thì một thị tộc này
mới đứng vững trước thị tộc khác, bộ lạc này mới đứng vững trước bộ lạc khác,
nhà nước này mới đứng vững trước nhà nước khác, để hình thành nên một thế giới
như bây giờ. Một thế giới phi quyền lực là một thế giới phi tổ chức, và chắc chắn
sẽ nhanh chóng trở thành một thế giới hỗn hoang. Thế nên sự phát triển chỉ được
duy trì khi số người khước từ quyền lực luôn ít hơn rất nhiều số người chấp nhận,
thậm chí tranh giành nó.
Chỉ có điều, quyền
lực giống một con ngựa bất kham, và không phải bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng có
đủ nội lực để cầm cương con ngựa. Thế mới có chuyện người ta sẵn sàng tàn sát
nhau để có quyền lực, sẵn sàng chuyển hoá từ cầm quyền sang lạm quyền, thậm chí
là độc quyền, và đến khi phải tất yếu nhường quyền lực cho người khác thì lại
quằn quại trong những huyệt mộ tâm tưởng do chính mình tạo nên.
Nhà thơ Nguyễn
Quang Thiều kể rằng, một lần sang Na Uy, ông rất sốc khi thấy một nhà báo hỏi
ông Thủ tướng: Nếu không làm Thủ tướng, ngài có làm nghề lái taxi không? Còn cá
nhân tôi thì nhớ mãi câu chuyện, một ngày tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Anh
Cameron chủ trì cuộc họp nội các lần cuối tại số 10, phố Downing (London) - nơi
ở chính thức của các Thủ tướng Anh từ thế kỷ 18 đến nay, rồi ngay sau đó đã
cùng các nhân viên bê từng hộp các tông dọn nhà. Khi đó, ông bỏ áo vest, mặc áo
phông, bê từng hòm đồ ra khỏi thủ phủ của một Thủ tướng với một tâm trạng cực kỳ
thanh thoát.
Có bao nhiêu
quan chức có thể dễ dàng cởi chiếc áo quyền lực, trở lại đời thường mà sắc sắc
- không không, như thế?
Nguồn: An Ninh
Thế Giới giữa tháng 10-2018