Nữ nhà văn, dịch giả Pháp- Elsa Triole sinh ngày 24-9-1896. Thời con gái tên bà là Ella Cagan. Bà kém chị gái của mình-Lilia Brik năm tuổi. Ngay từ thuở ấu thơ hai chị em đã hay chành chọe, ghen tỵ với nhau. Vì sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ, hoặc thầy cô mà người này cảm thấy thua kém người kia. Lớn thành thiếu nữ, hai chị em ghen tị nhau vì sự quan tâm của các “đấng mày râu”. Trong cuộc tranh chấp “chủ yếu” này, cuối cùng Elsa Triole đã thua. Nhà thơ Nga nổi tiếng Maiakovsky đã dành sự say đắm đối với bà chị Lilia Brik. Còn Elsa về sau sánh duyên cùng thi sĩ Pháp lừng danh Luis Aragon!



            Về Lila Brik, người ta đã viết nhiều, đã gọi bà là “Nàng thơ của trường phái Tiền phong”. Bà là chủ nhân của một trong số các salon văn học rất nổi tiếng ở thế kỷ 20, được nhiều người lui tới. Về Elsa, thì ở nước Nga của chúng ta cũng không phải nhiều người đã biết tới, dù về nhiều phương diện Elsa không hề thua kém bà chị. Cha mẹ hai cô gái tin rằng cô em có tài hơn cô chị, còn thày cô giáo thì nói cô em học giỏi hơn cô chị.  Elsa tốt nghiệp trường kiến trúc, say mê thơ văn, học thuộc lòng nhiều nhà thơ Nga nổi tiếng. Và ngay khi còn ít tuổi, Elsa đã nổi trội bởi những trang viết của mình trong “Thế kỷ Bạc”.

    Tại một trong những đêm thơ Elsa làm quen với Vladimir Maiakovsky- một cây bút mới xuất hiện trên văn đàn. Ngay lập tức Elsa nhận ra tài năng của nhà thơ trẻ này. “Tài năng trời phú cho anh ta khiến tôi sửng sốt” - sau này Elsa thú nhận như vậy. Dần dà tình bạn giữa hai người chuyển qua những giây phút ngập ngừng, cuốn theo những cảm xúc khó diễn tả bằng lời. ( Nhiều năm sau Elsa viết về Maiakovsky: “Anh ấy đã giúp tôi nhận ra đầy đủ thế nào là tình yêu; kể cả về phương diện chung đụng khác giới” ). Elsa quyết định giới thiệu ý trung nhân với chị gái mình và chồng của Lilia là Oxip Brik.
            Elsa nghĩ rằng Lilia và Oxip Brik sẽ giúp đỡ cô gái thuyết phục cha mẹ đừng ngăn cản cuộc hôn nhân giữa cô và Maiakovsky (Cha mẹ của hai chị em thường cho rằng chàng trai trẻ tính tình có phần ngông cuồng ấy, không xứng đáng với cô con gái thứ trong gia đình). Nhưng thật khó ai ngờ, Maiakovsky chỉ cần bước qua ngưỡng của căn nhà của cô chị, thì cuộc sống của cả bốn người đã bị đảo lộn.
            Chàng thi sỹ trẻ chỉ vừa nhìn thấy cặp mắt, mớ tóc màu hạt dẻ của Lilia, lập tức đã bị hút hồn. Ở thời điểm ấy Maiakovsky vừa viết xong “Đám mây mặc quần” - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, thi sỹ liền đề nghị cho phép ông tặng nó cho bà chủ nhà.
            Elsa hiểu tất cả mọi chuyện, không cần nói tới nửa lời. Với sự thông minh, bà giữ nguyên mối quan hệ vui vẻ, thường ngày với người bạn tình không thủy chung. Thậm chí cả khi người chị nói: “Elsa, đừng nhìn chị với ánh mắt lạ lùng như thế! Chị đã nói với anh Brik rằng tình cảm giữa chị và Maiakovsky đã được kiểm tra. Bây giờ chị nhất thiết sẽ là vợ của anh ấy. Và anh Brik đã đồng ý như vậy!”.

            Vào năm 1918, Maiakovsky, Lilia và Oxip Brik đã cùng sống trong một căn hộ. Ít lâu sau khi chuyển về Moskva, ba người không hề che dấu mối quan hệ quá “cấp tiến”  của họ.
            Không một ai có thể hiểu hết Elsa đã phải chịu đựng những thử thách nặng nề như thế nào sự thay lòng đổi dạ của Maiakovsky, mà lại không hề gây gổ, to tiếng với người chị ruột của mình. Rơi vào hoàn cảnh ấy nhưng Elsa vẫn là đích ngắm của nhiều người đàn ông khác. Vây quanh cô gái tóc bạch kim, mắt biếc xanh này là một loạt những nhà văn, nhà thơ tên tuổi nhất vào thời gian đó: Nhà thơ vị lai Vassili Camensky, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Roman Iakobson, nhà phê bình văn học Viktor Skolovsky… Nhưng không một ai trong số họ có thể sánh với người tình Maiakovsky. Elsa đành nhận lời cầu hôn của viên sỹ quan Pháp- Andrey Triole như để trốn chạy khỏi nước Nga. Nhưng chỉ hai năm sau cuộc hôn nhân này cũng đổ vỡ. Elsa chỉ giữ lại cái họ của chồng và trở thành bà Elsa Triole.
Dường như sự tinh tường, nhạy cảm vốn nằm sẵn trong căn chất của Elsa, để tháng 12- 1928  bà kết bạn với một nhà thơ, nhà văn lúc đó còn ít người biết tới, nhưng trong tương lai sẽ sắm vai trò không kém phần nghiêng ngửa với Maiakovsky- đó là Luis Aragon. Một trong những người viết tiểu sử của Luis Aragon đã có những lời lẽ như sau: “Tôi luôn muốn nhấn mạnh đến vai trò cực kỳ lớn lao của Elsa trong việc cứu rỗi và hóa giải cuộc đời của thiên tài Aragon. Kể cả về phương diện cuộc sống hàng ngày lẫn đời sống tinh thần. Nói giản dị, Elsa đã cứu sống Aragon. Bạn bè của Aragon đã nói với tôi, nếu không có Elsa, Aragon đã tự vẫn từ lâu rồi!”.

                                               
Elsa Triole và Luiz Aragon khi đã về già.



Elsa và Aragon không đơn giản là vợ và chồng mà còn là bạn bè, là những người đồng chí hướng. Bản trường ca có tiếng vang toàn thế giới, với tên gọi “Đôi mắt Elsa” được Aragon viết vào năm 1942 có những dòng sau đây:
“Nếu một cơn bão máu quét qua thế gian này
Và con người ta lại nhóm lên những đốm lửa trong đêm đen
Sẽ có một ngọn hải đăng rọi chiếu cho tôi vượt qua những lớp sóng mịt mùng
Ngọn hải đăng đó là em, Elsa, người bạn của tôi. Ngọn hải đăng đó là đôi mắt em…"

Nhưng Elsa Triole không chỉ là một nàng thơ truyền cảm hứng cho những người đàn ông tài năng, bản thân bà còn sáng tác và gặt hái rất nhiều thành công. Nắm vững tiếng Pháp đến mức hoàn thiên, Elsa đã dịch kịch của Sekhov, thơ Maiakovsky, đã biên soạn những tổng tập thơ Nga từ Puskin đến Voznhesensky và bản thân bà sáng tác. Vì một tác phẩm trong loạt tiểu thuyết dưới tên gọi chung “Những người tình vô danh”, bà đã được trao Giải Goncourt- một giải thưởng văn chương danh giá nhất của nước Pháp. Chính trong ngày hạnh phúc này, Elsa đã viết cho bà chị Lilia: “Hôm nay, trên khắp các tờ báo, không loại trừ báo nào, tên tuổi của em đều xuất hiện trên trang nhất. Xung quanh em toàn hoa, em không thể đứng mà cũng thể ngồi được…”

Elsa Triole mất ngày 16 tháng 6 năm 1970, ở tuổi 73. Vào năm 1994, tại Pháp đẵ cắt băng khánh thành Bảo tàng Elsa Triole và Luis Aragon. Trong buổi lễ trọng thị đó có sự hiện diện của các quan chức nhà nước, đông đảo các nhà văn, họa sỹ, nhà điện ảnh, nhà báo…

                    TÔ HOÀNG