Theo chủ trương
được Hội đồng Nhân dân TPHCM thông qua, đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam sẽ xây
dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM với kinh phí 1508 tỷ đồng tại
Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM sẽ
gồm hai khán phòng, một khán phòng có sức chứa 1200 người và một khán phòng có
sức chứa 500 người. Quy mô ấy thực sự rất lớn, so với những nhà hát đang hiện
diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn không ít thử
thách như bây giờ, một nhà hát được mệnh danh “công trình thế kỷ” liệu có ích
gì cho sự phát triển?
NHÀ HÁT NGHÌN TỶ
Ở THỦ THIÊM CÓ GIÁ TRỊ GÌ?
TUY HÒA
Tại kỳ họp bất
thường của Hội đồng Nhân dân TPHCM ngày 8-10, khi thảo luận để thông qua chủ
trương đầu tư dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM, nhiều ý kiến đã
được nêu ra khá sôi nổi. Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM – Lê Thanh Liêm
cho rằng: “Việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần
thiết và cấp bách. Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn
về kiến trúc, nghệ thuật của TP HCM. Công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc
và Vũ kịch còn nhằm đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ
thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi
năm. Dự án cũng góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân
trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn
hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc
trưng của nhân dân thành phố”. Còn với tư cách một người làm nghề, nhạc trưởng
Trần Vương Thạch- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM phân tích thực
tế đang thiếu nhà hát, từ trung tâm đến các quận huyện. Các nhà hát hiện có đã
cũ, quy mô nhỏ hoặc xuống cấp, không đủ phục vụ chương trình nghệ thuật tầm
cỡ. Nhà hát là điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa và thiết
chế văn hóa thành phố. Nếu có nhà hát đúng chuẩn, Việt Nam có thể thu hút các
đoàn nghệ thuật giao hưởng lớn trên thế giới.
Ngoài ra có hai
nghệ sĩ đang là đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM là Nghệ sĩ Ưu tú Quế Trân và
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thuý đều bày tỏ sự vui mừng với dự án, vì luôn chờ mong có
nơi xứng tầm để thỏa mãn sự sáng tạo, cống hiến của nghệ sĩ. Ngược lại, một đại
biểu khác thẳng thắn đánh giá, với quy mô Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch
TPHCM, nếu xét mục tiêu tổ chức liên hoan quốc tế thì chưa đủ đẳng cấp, đồng thời
đặt câu hỏi: "Thành phố đã khảo sát thị trường để biết được nhu cầu nhạc
giao hưởng, vũ kịch của khán giả ra sao? Nhà hát sử dụng đa năng hay chỉ dành
cho giao hưởng, vũ kịch? Nếu đa năng thì chỗ ngồi trên liệu có thể đáp ứng?".
Đành rằng, xây dựng
bất cứ nhà hát nào cũng đáng hoan nghênh. Thế nhưng, phải trông giỏ mà bỏ thóc,
phải liệu cơm mà gắp mắm. Không thể hào hứng chạy theo hình thức bên ngoài để
vươn tới những kỷ lục diêm dúa và lạc lõng. Dù vị lãnh đạo cao nhất của Hội đồng
Nhân dân TPHCM cho rằng, đây là công trình thế kỷ mà nhân dân chờ đợi lâu rồi,
thì vẫn còn nhiều băn khoăn chưa thể hóa giải trong đời sống xã hội.
Thứ nhất, khu đô
thị mới Thủ Thiêm vừa được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm trong
quá trình thực hiện. Công tác đền bù, giải toả cho người dân Thủ Thiêm vẫn tồn
tại không ít bất cập, và chưa có phương án cụ thể. Liệu vị trí dự kiến dành cho
Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM có nằm trong khu vực mở rộng ranh giới
4,3 ha đầy khuất tất so với quy hoạch Chính phủ phê duyệt không? Người dân Thủ
Thiêm đang cần cuộc sống yên ổn, mà những âm thanh của các thiên tài như
Mozart, Beethoven, Chopin… chưa chắc có tác dụng gì!
Thứ hai, kinh
phí xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM được lấy từ nguồn bán đấu
gia lô đất 23 Lê Duẩn, nên cũng là tiền của ngân sách chứ không phải tiền huy động
các nguồn lực kinh tế khác. Hiện tại TPHCM có Nhà hát TP, Nhà hát Bến Thành và
Nhà hát Hoà Bình đều hoạt động cầm chừng, vì không có chương trình biểu diễn.
Ngược lại, hệ thống bệnh viện và trường học luôn trong tình trạng quá tải. Tại
sao không dùng 1508 tỷ đồng để có một bệnh viên nhi cho khu vực Thủ Thiêm, mà
góp phần giảm áp lực cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2?
Thứ ba, giá trị
của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM được định lượng như thế nào?
Đừng lạc quan tếu
cho rằng, cứ bề thế và hoành tráng, cứ dòng nhạc kinh điển du dương trầm bổng
thì có thể nhanh chóng thay đổi diện mạo văn hoá cho một vùng đất. Hãy nhớ rằng,
văn hoá không có chuẩn mực sang hèn hoặc cao thấp. Trong hội nhập, xứ sở nào
phát huy được đặc trưng văn hoá thì sẽ chinh phục được thiên hạ. Tùy theo nền tảng
của mỗi nơi mà hình thành tinh túy riêng biệt, một dàn hợp xướng trăm người
trong khán phòng lộng lẫy mà nhốn nháo nghiệp dư thì còn thua xa một tiếng đờn
kìm lặng lẽ bên sông!
Việt Nam chưa
bao giờ là một quốc gia có ưu điểm về giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Đó là loại
hình nghệ thuật đỉnh cao của phương Tây, mà lâu nay chúng ta gắng gượng theo đuổi
cũng chỉ nằm ở dạng “méo mó có còn hơn không”. Kiến thiết một Nhà hát Giao hưởng,
Nhạc và vũ kịch quy mô để cạnh tranh với thế giới ư? Không nên ảo tưởng, khi những
cá nhân đang nuôi dưỡng tình yêu với dòng nhạc hàn lâm đều phải mưu sinh rất chật
vật, và việc tuyển sinh dòng nhạc hàn lâm cũng rất khó khăn. Mặt khác, những
nhà hát đang có tại TPHCM rất ít hoạt động, thậm chí những chương trình nghệ
thuật còn thưa vắng hơn các sự kiện kỷ niệm do các đơn vị kinh tế thuê địa điểm
để tổ chức. Vậy thì Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch hình thành sẽ hoạt động
ra sao? Nếu để ngắm nghía như một tác phẩm kiến trúc thì trớ trêu quá. Còn biểu
diễn ư? Ai sẽ mua vé vào xem opera hay kịch múa? Tìm đâu ra tác phẩm khí nhạc để
công bố, với trình độ nhạc sĩ nước ta chỉ hăm hở với thể loại ca khúc? Xây dựng
một nhà hát cũng giống như làm một cái nhà, phải tiên liệu bao nhiêu người sử dụng
và sử dụng ra sao rồi mới làm nhà vừa vặn, chứ không thể làm nhà xong rồi mới
đi kêu gọi người trú ngụ cho đông đúc sum vầy!
Cách đây không
lâu, TPHCM từng đầu tư xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với kinh phí
132 tỷ đồng. Cải lương là hồn vía của TPHCM và phương Nam đấy. Tuy nhiên, Nhà
hát cải lương Trần Hữu Trang khánh thành xong rồi tắt đèn thường xuyên vì công
năng không phù hợp. Kinh nghiệm đau thương từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang
làm sao là bệ phóng cho Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch TPHCM? Kiến trúc sư
Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ: “Thành phố đang thiếu hụt ngân sách thì việc dùng
1.500 tỷ phải đầu tư vào mục đích gì rất quan trọng. Có nên dùng để xây dựng
nhà hát liền hay không? Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng của
thành phố hiện nay, thì nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí hàng đầu
không? Nhà hát chỉ có 1700 chỗ trên một miếng đất nhỏ, thì theo tôi đây là tư
duy quy hoạch chưa đúng tầm với khu trung tâm đô thị mới của TP.HCM. Tỷ như
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center của New York - Mỹ, gồm khoảng ba
chục nhà hát lớn nhỏ, trong nhà lẫn ngoài trời, quy mô từ 30 chỗ đến 3.000 chỗ.
Nhóm công trình văn hóa nghệ thuật tại trung tâm Thủ Thiêm có thể nhỏ hơn nhiều,
nhưng phải quy hoạch tại vị trí đẹp ven sông hồ để làm điểm nhấn đô thị. Đã xây
dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ
xây, chứ không nên vội vàng. Trong giai đoạn hiện nay thì Nhà hát Giao hưởng,
Nhạc và Vũ kịch TPHCM chưa phải là việc cần làm ngay!”./.