Đã và sẽ có nhiều người đặt câu hỏi về tính sáng giá, đặc sắc, đột biến, phức tạp của toàn bộ đời sống văn học trước 1945 một khi họ thấy người soạn sách phần nhiều chỉ dựa vào vai trò xã hội và ý thức hệ tư tưởng mà nhà văn can dự, đảm nhiệm lấy. Đành rằng văn học sử đôi khi chỉ dừng lại ở "diện" mà không thể đi sâu vào "điểm", nhưng như một qui luật, sự xuất hiện của thực thể này sẽ tiết lộ sự vắng mặt thực thể khác. Tại sao vắng và sự vắng mặt này đã gây hệ quả gì hẳn sẽ là câu hỏi không dễ trả lời tức thì.



NGƯỜI XƯA TRỞ LẠI TƯƠI TẮN, HIỆN ĐẠI KHÔNG NGỜ

MAI ANH TUẤN

Chừng gần chục năm trở lại đây, trong khi đời sống văn học đương đại bình lặng như lệ thường, thì độc giả không khỏi ngạc nhiên vì sự tái xuất hiện cùng lúc của nhiều tên tuổi lớn trước 1945 mà, đáng suy ngẫm thay, vẫn tươi tắn, lạ lẫm và rất mực hiện đại. Không chỉ làm dày thêm tư liệu văn học sử, sự trở lại đầy hấp dẫn của người xưa giữa bề bộn sách vở thời nay, xét trên khía cạnh tiếp nhận, còn cho thấy nhu cầu nội tâm của độc giả hiện giờ khi muốn quan sát, hiểu và chia sẻ một cách thấu đáo các giá trị văn hóa, tư tưởng tưởng đã thuộc về quá vãng.

Cập nhật và hoàn thiện
Trước hết là những yếu nhân thuộc thế hệ gây dựng và phát triển nền móng vững chắc của văn chương, báo chí quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Chúng ta đã có thể hình dung phần nào sự nghiệp báo chí khổng lồ của Phan Khôi (1887-1959) thông qua 10 tuyển tập Tác phẩm đăng báo do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và công bố suốt từ 2003 đến 2017. Trải dài trên dưới mười lăm năm (1928 - 1942), với khoảng 2500 bài báo, viết về hàng trăm vấn đề, dựa trên nền kiến thức rộng và thái độ báo chí thẳng thắn, quyết liệt, Phan Khôi chắc chắn thuộc số ít tác giả gây cảm hứng đọc lại, đọc sâu bậc nhất, nhưng dĩ nhiên cũng không dễ dàng thâu gọn trong vài đánh giá.
Ở Phan Khôi, viết báo không chỉ để mưu sinh và bứt khỏi tình thế đồ nho thủ cựu, mà còn để xác lập tư cách nhà bình luận, phản biện, khai mở hiểu biết đối với thời cuộc nên từ đó, chúng ta có thể hồi cố rõ ràng hơn về chân dung xã hội Việt Nam lúc mới bước vào công cuộc hiện đại hóa mau chóng và khắc nghiệt. Không mở đầu thì cũng là tâm điểm của những tranh luận lớn thời đó, về thơ cũ-thơ mới, Nho giáo, về học phong-học phiệt, về vấn đề phụ nữ…, Phan Khôi sẽ còn gai góc, phức tạp cho bất kì sự lĩnh hội căn bản nào.
Một nhà báo khác, Đào Trinh Nhất (1900-1951) cũng được biết đến nhiều hơn ngoài Tuyển tập tác phẩm (2011). Hai trong số nhiều trước tác quan trọng của ông là Nhật Bản duy tân 30 năm và Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ đã được giới thiệu trở lại(2015, 2016) và ngay lập tức, cho thấy tầm nhìn viễn kiến chưa hề mất tính thời sự của ông. Ông là người sớm đặt vấn đề “Nhật Bản duy tân”, phân tích tương đối cặn kẽ và thuyết phục các căn nguyên, điều kiện làm nên hiện tượng Nhật Bản thần kì. Mạch ngầm của những khảo cứu đó, rõ ràng, là muốn đánh động ý thức canh tân của Việt Nam trong bối cảnh Pháp thuộc nhưng ít nhiều có sự tương đồng về mặt văn hóa, chủng tộc. Ít ai nghĩ nỗi lòng canh cánh ấy được phát biểu một cách chín chắn, thông thái là của chàng thanh niên mới 24 tuổi.
Vẫn liên quan đến Đào Trinh Nhất, vào năm 2015, cuốn tiểu thuyết Cô Tư Hồng của ông được phục dựng dựa trên bản in lần đầu năm 1941. Cô Tư Hồng, tác phẩm được hoan nghênh ngay lúc ra đời, sẽ là mảnh ghép để hiểu thêm tư tưởng Đào Trinh Nhất: luôn đề cao và cố gắng chỉ ra những nội lực đủ mạnh đặng khơi dậy niềm tin, bao gồm cả lòng bao dung và cởi mở, để xây dựng xã hội tân tiến, văn minh.
Hai tên tuổi từng là trọng tâm một thời, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, theo nhiều cách thức khác nhau, trở lại cùng lúc. Phạm Quỳnh (1893-1945) phần nào đã xác thực toàn bộ trước tác khi những Luận giải văn học và triết học (2003), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007), Hoa Đường tùy bút (2011), Tuyển tập du kí (2013), và mới đây nhất, Thượng Chi văn tập (2018, đầy đủ hơn so với bản 2006) được sưu tầm, giới thiệu. Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), muộn và nhọc nhằn hơn, đã có 2 trong dự kiến 15 tập bộ sách Lời người Man di hiện đại, được xuất bản: Phong tục và thiết chế của người An-nam (2013), Nhời đàn bà (2018). Đây là hai trường hợp đã và thậm chí đang phân rẽ nhận định về tư tưởng, vị thế của họ nhưng điều quan trọng không thể phủ nhận là họ có nhiều đóng góp lớn về mặt văn hóa, văn chương.
Đọc Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, nhất là những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, thấy rõ chủ đích đối thoại văn hóa rất mạch lạc khi họ muốn điều chỉnh cái nhìn của các trí thức thực dân có phần miệt thị xứ An Nam.Phạm Quỳnh có lòng yêu và khá tinh thông văn hóa bình dân trong khi Nguyễn Văn Vĩnh, nhờ trải nghiệm và sự dấn thân xã hội của mình, lại có khả năng mô tả dân tộc chí đời sống làng xã khá chi tiết và sắc sảo. Chỉ riêng kết quả này, thiết nghĩ, đã đủ cơ sở để xem lại vai trò diễn ngôn bản địa của họ trong hoàn cảnh không thật thuận lợi khi cất tiếng nói cá nhân.
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua những ấn phẩm văn chương, những khảo cứu phê bình văn học-xã hội được nhiều nhà sách dày công phục dựng. Tưởng như đã có một Nguyễn Bính (1918-1966) đầy đủ nhưng vẫn còn đó Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội (tái bản năm 2015, in lần đầu năm 1940); một Thâm Tâm (1917-1950) nức danh thi sĩ nhưng vẫn lộ ra tiểu thuyết Thuốc mê (xuất bản lần đầu 1943, tái bản 2016); một Trọng Lang (1906-1986) hầu như bị phớt lờ trong sách giáo khoa về các cây bút phóng sự thành danh trước 1945, đã tạo sức hút lớn với Hà Nội lầm than (2015). Đặc biệt Nhượng Tống (1906-1949) tài hoa và uyên bác hiện diện trở lại với Nguyễn Thái Học (2014), Lan Hữu (2015). Đặc biệt hơn nữa, Lương Đức Thiệp (?-?), một tác giả hầu như chỉ mới biết qua vài giới thiệu sơ lược, đã lập tức gây chú ý khi được tái bản Việt Nam thi ca luận và Văn chương xã hội (2016), Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại (2016).
Một trường hợp tương tự là công trình Dưới mắt tôi của Trương Chính (1916-2004) phải đợi đến năm 2016 mới được tái bản ở dạng đầy đủ, chính xác nhất. Cũng không thể quên Trương Tửu (1913-1999) vừa mới xong Tuyển tập nghiên cứu văn hóa (2013) sau Tuyển tập nghiên cứu phê bình (2007) và Tuyển tập văn xuôi(2009).
Như vậy, về mặt trước tác, các tác giả trên đã dần được bổ khuyết và hoàn thiện, tránh tình trạng phong thanh vô sở cứ kéo dài. Hơn nữa, với nỗ lực chính xác hóa văn bản của người làm sách, việc ôn cố, đánh giá trở nên thuận tiện và sát thực hơn rất nhiều. Nhưng cũng phải công bằng: những cái tên trên không dễ biến mất, cho dẫu thời gian và người đời lãng quên, là bởi chính giá trị tự thân của nó, những vỉa tầng ngữ nghĩa còn nguyên năng lượng vỡ lẽ nhận thức trong hôm nay.

Thách thức những mặc định chung
Một thời gian dài, sách giáo khoa và giáo trình là những công cụ duy nhất mặc định khung hiểu biết văn học sử trước 1945 cho số đông. Chính bởi tham vọng thư khố hóa cách đánh giá, nhận định của mình mà các bộ văn học sử, kể cả những bộ được cho là lí tưởng như Văn học Việt Nam (1900-1945); Việt Nam văn học sử giản ước tân biên hay Bảng lược đồ văn học Việt Nam, đã vấp phải nhược điểm lớn: không đủ sức bao quát tư liệu, thiếu sự cởi mở với hiện tượng phức tạp hoặc quá vi mô, thiếu bản lĩnh để giới thiệu tác giả, tác phẩm đi chệch quan điểm tiếp cận.
Đã và sẽ có nhiều người đặt câu hỏi về tính sáng giá, đặc sắc, đột biến, phức tạp của toàn bộ đời sống văn học trước 1945 một khi họ thấy người soạn sách phần nhiều chỉ dựa vào vai trò xã hội và ý thức hệ tư tưởng mà nhà văn can dự, đảm nhiệm lấy. Đành rằng văn học sử đôi khi chỉ dừng lại ở "diện" mà không thể đi sâu vào "điểm", nhưng như một qui luật, sự xuất hiện của thực thể này sẽ tiết lộ sự vắng mặt thực thể khác. Tại sao vắng và sự vắng mặt này đã gây hệ quả gì hẳn sẽ là câu hỏi không dễ trả lời tức thì.
Việc thiết lập văn học sử dựa trên xây dựng điển phạm (canonization), trái với mong muốn tạo khuôn định lâu dài, lại đặt người đọc vào thế nhìn ra các điểm khuyết thiếu, những khoảng trống. Chẳng hạn, khi nhìn lại hành trạng văn chương của các tác giả nhắc trên, chúng ta sẽ thấy rằng canh tân đất nước là nỗi đau đáu thường trực nhưng không thể dứt điểm một lần cho tất cả, càng không thể thỏa mãn mọi đòi hỏi về kết quả sau cuối. Cùng với họ, cho dù dở dang, nhiều trí thức khác cũng góp phần tạo nên lực đẩy cần thiết để xã hội Việt Nam tiến từng bước vào quỹ đạo hiện đại. Giới văn học sử có lẽ đã quá chú trọng thao tác tổng kết, đánh giá thành tựu mà bỏ qua quá trình, cách thức đa dạng đi đến mục đích canh tân, hiện đại hóa đất nước. Khi đã đủ độ lùi thời gian, chúng ta dễ cảm thông và thể tất những gì bất thành của họ và đồng thời, sẽ lí giải, phân tích chính xác hơn những sự nghiệp đã bị diễn dịch phiến diện, sơ sài.
Lâu nay, mô hình tiếp cận văn học trước 1945 vẫn là đi từ khái quát (bối cảnh văn hóa – xã hội; trào lưu, xu hướng) đến cụ thể (tác giả, tác phẩm). Mô hình này đem lại bức tranh tổng thể và nhờ đó, nêu bật diện mạo, đặc trưng. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc sẽ bỏ rơi "những lịch sử" nhỏ hơn, những tiểu tiết đích đáng về thể loại, về phê bình, về báo chí văn chương, xuất bản/in ấn… Bằng cách nào để có nhiều góc tiếp nhận, thưởng thức văn học giai đoạn này, có lẽ, là quan trọng hơn thay vì chỉ quan tâm đến những gì đã tựu thành.
Do đó, khi các tác giả, tác phẩm từng bị lãng quên được phục dựng thì khung giá trị cũng được mở rộng hơn, vượt qua các ngăn trở dai dẳng về nhân thân tác giả, vùng miền… Nhưng điều tốt đẹp này sẽ khó nhân rộng nếu các hoạt động bổ trợ, từ giảng dạy, nghiên cứu đến xuất bản hiện nay đều thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc. Sẽ quá vội nếu khẳng định người đọc chủ tâm ôn cố tri tân. Song quy luật phát triển của văn chương lẫn xã hội không loại trừ đòi hỏi thông hiểu quá khứ và ngược lại, cái đang là của hôm nay chỉ trở nên bền vững nếu biết tham khảo, phát quang các giá trị hữu ích của tiền nhân.

Nguồn: An Ninh Thế Giới