Nhà thơ Kiên Giang là ký giả kịch trường cho một số tờ báo với
bút hiệu Hà Huy Hà, nên thường xuyên được các gánh hát mời đi xem tuồng mới
khai diễn. Vì thế Đặng Ngươn Chúc và Lương Kế Nghiệp thường được Kiên Giang đưa
cho vé mời cùng đi xem hát. Một hôm, Kiên Giang hỏi hai người bạn là “Có viết
được tuồng không?”. Đặng Ngươn Chúc mặc dầu lúc ấy đã có chút tiếng tăm qua việc
viết những bài ca lẻ cải lương nhưng vẫn chần chừ chưa dám trả lời, thì Lương Kế
Nghiệp nói ngay một cách tự tin “Được, mà có thể hay hơn”. Và hai người bạn bắt
đầu cùng nhau viết vở tuồng đầu tay “Vì Quê Hương”, với bút hiệu liên danh Hà
Triều – Hoa Phượng!
KIÊN GIANG -HÀ TRIỀU - HOA PHƯỢNG:
MỐI GIAO TÌNH GIỮA BA SOẠN GIẢ CẢI LƯƠNG SÀI GÒN
LÊ VĂN NGHĨA
CĂN NHÀ KHỞI NGHIỆP...
Đó là căn nhà nhỏ ở xóm đề pô Chợ Quán, gần cầu chữ Y (nay
là đường Phan Văn Trị, quận 5, TPHCM). Đây là nơi của nhà thơ, soạn giả kiêm ký
giả kịch trường Kiên Giang- Hà Huy Hà tá túc khi lên Sài gòn năm 1956. Kiên
Giang tên thật là Trương Khương Trinh sinh năm 1929 tại Rạch Giá. Năm 17 tuổi,
khi còn là học sinh trung học chàng trai Trương Khương Trinh đã hạnh ngộ với nhà
thơ Nguyễn Bính khi nhà thơ nầy “hành phương Nam”. Có tập tễnh làm thơ nên
Trương Khương Trinh đã theo Nguyễn Bính- một người thầy và cũng là người bạn để
“nâng cao tay nghề làm thơ”. Vì vậy thơ của Kiên Giang vẫn có ảnh hưởng nhất định
từ thơ của Nguyễn Bính từ lúc “Soi gương nước giếng chải đầu ngón tay”. Một thời
gian ngắn sau Nguyễn Bính và Kiên Giang chia tay nhau, mỗi người một nẻo đường
vào. Cuộc chống Pháp nổ ra, Kiên Giang vào Khu 8, có lúc làm trưởng đoàn
văn nghệ thiếu nhi. Sau khi hòa bình lập lại, Kiên Giang lên Sài Gòn lập nghiệp
từ một người sửa morat cho báo Tiếng Chuông và trở thành ký giả kịch trường cho
một số tờ báo, soạn giả cải lương với những vở đầu tay như “Người đẹp bán tơ”
(1956), “Con Đò Thủ Thiêm” (1957)... từ căn nhà ở xóm Đề Pô Chợ Quán. Tôi đã có
dịp hân hạnh đến ngôi nhà nầy trước năm 1975 và luôn nhớ hình ảnh hai câu thơ
dán trước cửa nhà “Những phường bạc nghĩa xin đừng đến/ Hãy để thềm ta xanh sắc
rêu” mà nhà thơ Kiên Giang cho biết là của thi sĩ Nguyễn Bính- người thầy của
ông.
TÌNH NGƯỜI KHÁNG CHIẾN
Sau hiệp định 1954, một số cán bộ ngành văn hóa trong kháng
chiến trở về thành để tiếp tục con đường đi của mình. Những người kháng chiến
như Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyên Hùng…phải tự lực cánh sinh tiếp tục chiến đấu bằng
con đường văn nghệ “Chính trị văn nghệ đan quyện vào nhau chặt chẽ mỗi người
tùy năng khiếu, thế đứng trong lòng địch
mà phấn đấu,góp phần thống nhất đất nước, đòi hiệp thương, quan hệ bình thường
Bắc Nam” ( Sơn Nam, “Một mảnh tình riêng”, NXB Trẻ, trang 25)”.
Năm 1955, chàng trai Đặng Ngươn Chúc (sinh năm 1931), đồng
hương với Kiên Giang lên Sài Gòn tìm và tá túc ở nhà của nhà thơ Kiên Giang. Nhà
thơ Kiên Giang biết Đặng Ngươn Chúc khi ông làm trưởng đoàn văn nghệ thiếu nhi
trong vùng kháng chiến, mà lúc đó Đặng Ngươn Chúc là nhạc công chơi băng gô và
măngđôlin đệm đàn cho các nghệ sĩ tí hon ca tân nhạc.
Thấy Đặng Ngươn Chúc có tuồng chữ đẹp, rõ ràng nên nhà thơ Kiên
Giang tìm cho bạn công việc là chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương. Với sự
hiểu biết văn nghệ nhất định, Đặng Ngươn Chúc tập viết bài bản ca lẻ gồm ban
nam, sáu bắc với đề tài lịch sử cho nhạc sĩ Bảy Quới ở Đài Phát Thanh Sài Gòn.
Cuộc sống của Đặng Ngươn Chúc tương đối ổn định vì có chút ít tiếng tăm.
Riêng chàng trai Lương Kế Nghiệp (sinh năm 1933, quê Thoại
Sơn, Châu Đốc- An Giang) cũng chân ướt, chân ráo lên Sài Gòn vào thời gian ấy
và tìm được việc làm của một chân thơ ký trong Viện Hối Đoái, cuộc sống cũng
chìm nổi ba cọc ba đồng. Số phận run rủi, Lương Kế Nghiệp gặp lại người bạn
thân trong kháng chiến là Đặng Ngươn Chúc- đang tá túc tại nhà thi sĩ Kiên
Giang. Lương Kế Nghiệp được Đặng Ngươn Chúc giới thiệu với Kiên Giang, và cả
hai đều được nhà thơ Kiên Giang cho tá túc tại căn nhà xóm Đề Pô-Chợ Quán. Với
những người bạn kháng chiến ngày xưa, nhà thơ Kiên Giang đã mở hết lòng mình tạo
cho họ ổn định chỗ ở và cuộc sống trên vùng đất mới mà tương lai là một cuộc
chiến “đơn tuyến” chưa biết khi nào thắng lợi. Nhà văn Sơn Nam cũng cho biết
ông cũng ở chung nhà với Đặng Ngươn Chúc và Lương Kế Nghiệp vào năm 1958.
TỪ ĐÂU CÓ LIÊN DANH HÀ TRIỀU- HOA PHƯỢNG?
Lúc nầy, nhà thơ Kiên Giang đang là ký giả kịch trường cho một
số tờ báo với bút hiệu là Hà Huy Hà, nên thường xuyên được các gánh hát mời đi
xem tuồng mới khai diễn. Vì thế Đặng Ngươn Chúc và Lương Kế Nghiệp thường được
Kiên Giang đưa cho vé mời cùng đi xem hát. Một hôm, Kiên Giang hỏi hai người bạn
là “Có viết được tuồng không?”. Đặng Ngươn Chúc mặc dầu lúc ấy đã có chút tiếng
tăm qua việc viết những bài ca lẻ cải lương nhưng vẫn chần chừ chưa dám trả lời,
thì Lương Kế Nghiệp nói ngay một cách tự tin “Được, mà có thể hay hơn”. Và hai
người bạn bắt đầu cùng nhau viết vở tuồng đầu tay “Vì Quê Hương”.
Lương Kế Nghiệp lấy bút hiệu là Hoa Phượng để nhớ tuổi học
trò. Có lẽ bút hiệu này do Lương Kế Nghiệp thấy tướng tá mình vẫn còn giống học
trò hay bút hiệu đã vận vào Lương Kế Nghiệp vì lúc nào ông cũng mang dáng dấp một
chàng thư sinh gầy gò, yếu ớt. Còn Đặng Ngươn Chúc lấy bút hiệu là Hà Triều
(Theo tên của hai người thân. Hà là tên của một người bạn gái cùng lớp, Triều
là tên của em trai của Hà- chơi rất thân với Đặng Ngươn Chúc. Hà và Triều đi suốt
quãng đời tuổi thơ của Đặng Ngươn Chúc cho đến khi ông từ giã cõi đời).
Vở tuồng “Vì Quê Hương” được đoàn Việt Hùng - Minh Chí dựng
tại rạp Phú Nhuận vào năm 1956. Theo lời kể của Kiên Giang: “Liên danh Hà Triều-
Hoa Phượng lần đầu tiên xuất hiện như đèn le lói. Vốn dị ứng với dân trên bờ (không
phải là dân nghệ sĩ sân khấu) nên bầu đoàn Việt Hùng –Minh Chí đã cho tập dượt
qua loa và hát vào xuất ban ngày. Lần đầu tiên xuất hiện, xem như thất bại ê chề.
Hà Triều thua buồn, Hoa Phượng thì hơi tức nhưng vẫn quyết tâm động viên bạn viết
tiếp vở thứ hai mang tên “Sau Cơn Lốc”. Vở nầy cũng đi vào bánh xe đổ của vở
trước, chỉ diễn một vài lần rồi thôi, mà còn bị dân sân khấu gọi nhạo là “Sáu
con cá lóc”. Phải biết là hai tác giả trẻ thất vọng cỡ nào.
Trong khoảng thời gian nầy, nhà thơ Kiên Giang là người phụ
trách tìm kiếm tuồng tích cho đoàn cải lương Thúy Nga- Phước Trọng. Dù Hà Triều và Hoa Phượng đã hai lần thất bại,
nhưng soạn giả Kiên Giang vẫn tin tưởng tài năng của hai bạn mình nên đã đặt
hàng Hà Triều- Hoa Phượng viết tuồng cho đoàn nầy. Được Kiên Giang khích lệ và
tin tưởng, Hà Triều- Hoa Phượng đã viết vở “Lối Vào Cung Cấm”. Kiên Giang đọc kịch
bản thấy nội dung và văn chương rất tốt, nên đề nghị hai soạn giả chuyển sang
hình thức tình cảm kiếm hiệp Phù Tang với tên mới “Khi Hoa Anh Đào Nở”, vai
chánh Tô Điền Sơn giao cho kép trẻ Thành Được. Vì vậy, sau vở khai trương “Ngưu
Lang Chức Nữ” của soạn giả Kiên Giang, đoàn Thúy Nga- Phước Trọng dựng vở hương
xa “Khi Hoa Anh Đào Nở” với màu sắc Nhật Bản. Theo soạn giả Kiên Giang, vở được
tái diễn liên tục bốn tuần đã gây chấn độn kịch trường. “Hồi đó, trong sinh hoạt
cải lương, giới báo chí kịch trường mệnh danh sự thành công của đoàn cải lương
Thúy Nga - Phước Trọng là một "hiện tượng" đặc biệt đáng ghi nhớ”. (đánh
giá của soạn giả Nguyễn Phương)
Vở “Khi Hoa Anh Đào Nở” đã chắp đôi cánh cho Hà Triều- Hoa
Phượng bay vào nghệ thuật cải lương, rồi sau đó là “Nửa Đời Hương Phấn”, “Tấm
Lòng Của Biển”… Qua 10 năm (từ 1955 đến 1965), "liên danh" Hà Triều -
Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 kịch bản: "Con gái chị Hằng", "Mưa
rừng", "Sông dài", "Mùa xuân trên non cao", "Tần
nương thất", "Cô gái Đồ Long"… Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ
sĩ đã thành danh, đoạt giải Thanh Tâm - một giải thưởng cao quý thời đó: Tấn
Tài, Thành Được, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt, Phượng
Liên, Mộng Tuyền, Bảo Quốc, Hùng Minh, Phương Bình, Bo Bo Hoàng…
Riêng soạn giả Kiên Giang sau một loạt vở thành công như “Người
vợ không bao giờ cưới” (1958 – viết chung với Phúc - Nguyên) đã đưa Thanh
Nga đến giải Thanh Tâm, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Phấn lá men rừng” cũng như
bài thơ tình nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”… Ông chuyên làm thơ, viết
báo Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,...
và phụ trách chương trình Mây Tần trên
Đài phát thanh Sài Gòn để phát triển dòng thơ yêu dân tộc, yêu đất nước. Ông
tham gia vào ngày “Ký Giả Ăn Mày”, sau đó bị bắt cùng với Sơn Nam và một số nhà
báo khác.
Những ngày kỷ niệm 100 năm cải lương không thể không nhắc đến
ba soạn giả từ chiến khu đi ra tiến về Sài Gòn, đã đóng góp cho sân khấu những
vở diễn kinh điển. Và trong ba soạn giả nầy, người anh cả chính là nhà thơ soạn
giả Kiên Giang- người đã có công góp phần tạo nên liên danh Hà Triều- Hoa Phượng
bẳng tấm lòng “tình người kháng chiến” của mình.