Trứng cá, gà tây rán trộn măng tây, cá hồi
hầm rượu và rượu sâm banh.. – đó chỉ là những gì không đáng kể mà chủ nhà đã
chiêu đãi tác giả của thiên tiểu thuyết huyền thoại “Sông Đông êm đềm” tại
Stockhom. Mới đây phóng viên báo “Sự thật thanh niên“ (Nga) còn biết thêm nhiều
điều về chuyến đi của nhà văn sang Thụy Điển năm 1965 để lĩnh giải Nobel. Còn ít
ai biết rằng, chuẩn bị cho chuyến đi nhà văn phải vay trước 3000 dollar để mua
trang phục cho các thành viên gia đình ông khi tham dự lễ trao giải. Và hẳn cũng chưa ai biết,
Mikhail Solokhov là nhà văn Xô Viết đầu tiên được ôm hôn Hoa hậu Thụy Điển.
KHÔNG ĐỦ TIỀN ĐỂ MUA MẤY BỘ LỄ PHỤC CHO HAI
CẬU CON TRAI.
Trong
cuộc đời mình Mikhail Solokhov đã nhiều lần được lĩnh các giải thưởng, các huân
huy chương trong số đó có giải Noben văn học. Về giai đoạn này trong cuộc đời
nhà văn, hiện nay tại Viện “Trung
tâm Solokhov”
ở Rostov trên sông Đông, người ta đã thiết kế những gian phòng như
giúp khách tham quan được sống lại đúng vào thời kỳ của tháng 11 năm 1965 đã trở
nên xa xôi. Trong các tủ kính là những bộ đầm dạ hội của các quý bà, những chiếc
áo lông khoác ngoài, những đôi găng, những chiếc ví đầm ; những bộ lễ phục
màu đen kèm theo những chiếc cổ cồn trắng, thậm chí cả những đôi giày da mua của
Phần Lan cỡ 39, 40 được đánh si đến sáng bóng dành cho các quý ông. Đó là những
trang phục mà các thanh viên trong gia đình nhà văn đã sử dụng trong buổi lễ
trao giải diễn ra trong Gian phòng vàng của của Tòa thị chính thủ đô Stockhoml.
Đích thân nhà vua Thụy điển Gustav VI Adolf đã trao tấm bằng công nhận giải thưởng
với lời khẳng định “Tác
phẩm đã miêu tả những giai đoạn lịch sử trong cuộc sống của người dân Xô Viết
vào những năm Nội chiến”
Bà
Elena Eremenskaya-hướng dẫn viên của Viện bảo tàng “Trung tâm Solokhov” kể lại:
-Mikhail Solokhov được lựa chọn từ 89 ứng
cử viên của thể loại văn học- Theo biên bản của buổi lễ còn ghi lại, tất cả đàn
ông tham dự buổi lễ trang trọng ấy đều phải vận lễ phục màu đen, sơ mi trắng,
ao gile có cài bướm. Còn đàn bà thì mặc đầm dạ hội dài chấm sàn nhà. Bà Maria
Petrovna, vợ nhà văn khoác thêm bên ngoài chiếc áo lông màu trắng; cô con gái lớn của nhà
văn thì là áo khoác màu hồng, cô con gái thứ khoác áo ngoài màu xanh lá cây.
Cũng
còn ít ai biết rằng, để giới thiệu văn học Xô Viết ra thế giới Mkhail Solokhov
… phải
đi vay nợ.
Trong
những hồ sơ lưu trữ người ta còn giữ được những tài liệu ghi lại rằng đi tới Thụy
Điển còn có nhà phê bình văn học Lukin và một phiên dịch viên. Chuyến đi ấy thực
hiện bởi chiếc tầu thủy “Svea
Iarl” kéo dài cả tháng
trời. Và để không ngượng mắt trước đám khách phương Bắc nhà văn phải hỏi vay tiền
của tổ chức Đảng tại quê hương ông để mua sắm trang phục cho bản thân và các
thành viên trong gia đình.
Trong
một tài liệu có chữ ký của Cunhisin-khi đó là Phó Cơ quan văn hóa trực thuộc Đảng
Cộng sản Liên Xô còn lưu giữ những dòng này: “Tuân thủ những nghi thức trong buổi trao
giải, đồng chí Solokhov cần mặc một bộ đồ lễ hội màu đen đúng lễ tiết. Nhưng trong hoàn cảnh của
nước ta may một bộ đồ như vậy trong khoảng thời gian có hạn định là không thể
thực hiện được. Đồng chí Solokhov đề đạt để tự mua bộ đồ ấy cùng những phụ kiện
đi kèm ở Hensinsky với giá tiền xin được ứng trước là 3000 dollar Mỹ. Đồng chí ấy
sẽ trả lại số tiền này trích từ tiền thưởng kèm theo giải Nobel sẽ được trao tặng”.
Xin nói ngay với 3000 dollar nhà văn
không đủ tiền mua hai bộ comple đen khánh tiết khác cho 2 người con trai. Nhà
văn đành thuê cho con hai bộ đồ ấy tại Stockhoml.
Mikhial Solokhov, vợ ông, con trai và con gái trước ngày sang Thụy Điển.
TIỀN THƯỞNG GIẢI NOBEL ĐÃ CHI VÀO VIỆC
GÌ ?
Nguyên
gốc bài phát biểu của Mikhail Solokhov tại lễ trao giải dài khoảng hai trang
đánh máy. Và cũng như tất cả bản thảo các tác phẩm khác của nhà văn, bài phát
biểu này do vợ ông- bà
Maria Petrovna ghi bằng máy chữ.
Ý chính của bài phát biểu ấy như sau: “Tôi rất mong các cuốn
sách của tôi làm cho con người ta sống tốt hơn, lành mạnh hơn ; đánh thức
được ở mọi người tình thương yêu đối với đồng loại ; phát triển được tinh
thần ái quốc. Và nếu đạt được những điều như vậy- tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc vô
bờ” - Nữ hướng dẫn viên du
lịch ở Viện “Trung
tâm Solokhov”
Elena Eremenskaya nói với chúng tôi.
Ngày
hôm sau, theo như đã ghi trong biên bản còn lưu giữ, nhà văn cùng những thành
viên trong gia đình sẽ tới thăm ngôi nhà của nhà bác học Alfred Nobel- tác giả
của giải thưởng mang tên ông. Chính ở nơi đây Mikhail Solokhov được trao huân
chương vàng danh dự và giải thưởng bằng tiền áng chứng 50 ngàn dollar Mỹ.
Tiện
thể nói luôn, không như dư luận lâu nay lan truyền, Mikhail Solokhov không chi
số tiền số tiền 50 ngàn dollar ấy cho việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng
sông Đông (ví như sau này ông đã xử sự như vậy với số tiền thưởng kèm theo Giải
LeNin cho tác phẩm “Đất
vỡ hoang”) mà chi dùng hết số tiền thưởng của giải Nobel cho những cuộc du ngoạn
đây đó. Ví như ông cùng với gia đình đã đi du lịch tới Mỹ, tới Nhật cũng như
nhiều nước vùng Bắc Âu.
MIKHAIL SOLOKHOV BẦU CHỌN HOA HẬU THỤY
ĐIỂN.
Hàng
năm, cũng đồng thời với lễ trao giải Nobel, tại Thụy Điển còn diễn ra lễ đăng
quang cho Hoa hậu được bình chọn. Tên Hoa hậu năm ấy là Liuchia. Cũng là một điều
đặc biệt chính nhà văn Nga- Xô Viết Mikhail Solokhov là người đã chọn Liuchia
làm Hoa hậu từ danh sách các cô gái được ứng cử. Rồi chính nhà văn cũng đeo lên
cổ Liuchia vòng trang sức vàng.
Biên
bản của chương trình này hiện còn lưu giữ tại Viện “ Trung tâm Solokhov ” trong
đó có những điểm nói rõ vai trò của Mikhail Solokhov trong buổi lễ trao vương miện
đó như sau: “Sau
lễ đăng quang của Liuchia, cô bé Erian Malmstren 12 tuổi sẽ bước ra sân khấu và
hát.Tiếp theo nhà văn Nga Mikhail Solokhov sẽ đọc một bài phát biểu chào mừng
ngắn. Rồi một người mang tới giải băng hoa hậu đặt trên chiếc gối nhung đỏ bước
vào. Ngài Solokhov sẽ choàng lên đầu Liuchia
băng Hoa hậu đó. Tiếp nối chương trình, một người nữa sẽ mang một bao diêm đã mở
sẵn tới. Cô Crina Yungnheluis- Hoa hậu Thụy Điển năm 1964 sẽ quẹt diêm thắp lên
những ngọn nến. Một người thứ ba mang tới chiếc đồng hồ vàng đặt trên gối nhung
để ngài Solokhov đeo vào tay Hoa hậu. Luichia sẽ bắt tay nhà văn và cúi thấp đầu
chào ông và phát biểu vài lời cám ơn nhà văn. Solokhov sẽ ôm và hôn lên má Hoa
hậu Thụy Điển 1965”.
Những trang bản thảo viết tay của tiểu thuyết “ Sông Đông êm đềm”.
CHUYỆN KỂ THÊM…
Tại
Viện “Trung tâm Solokhov” cũng trưng bày bản thảo tập Một và tập Hai tiểu thuyết
“Sông Đông êm đềm”.
Mười năm trước đây hai tập bản thảo này không được trình bày rộng rãi cho công
chúng thấy. Điều đặc biệt là trong hai tập bản thảo ấy thấy rõ những dòng
Mikhail Solokhov sửa chữa hoặc bổ xung thêm ở đoạn này đoạn khác trong quá
trình sách được hoàn thiện. Trước đây hai tập bản thảo ấy được cất giữ tại Viện
Văn học quốc tế ở Moskva. Dĩ nhiên trong hai tập bản thảo ấy tuyệt nhiên không
có sự tham gia sửa chữa, cắt bỏ của những nhà phê bình hay giới kiểm duyệt.
Còn
bây giờ chúng ta được nhìn thấy những dòng chữ nhỏ đan xen nhau, tạo nên cuốn
sách khổng lồ “Sông Đông êm đềm”
do chính tay nhà văn viết ra…
-Bản thảo này chỉ mới mua lại được vào
năm 1999 từ những người bà con xa một người bạn của Mikhail Solokhov tên là
Vassili Cudasov, trong thời kỳ nhà văn sống ở Moskva - nữ hướng dẫn viên của Viện
“Trung tâm Solokov”, kể cho chúng tôi nghe- Vào năm 1928, lần đầu tiên Mikhail
Solokhov bị vu tội đạo văn, với lý do mới 21 tuổi ông không thể nào viết ra cuốn
“Sông Đông êm đềm”
được. Nhà văn liền mang theo hai tập bản thảo này ( gần 420 trang viết cả hai mặt
) trốn khỏi trấn Vesenskaya lên Moskva. Tại Moskva một hội đồng đặc biệt được
thành lập để tiến hành phương pháp đối chiếu chữ nghĩa và văn phong giữa “Sông
Đông êm đềm” và
“Những chuyện kể về sông Đông”. Cuộc khảo sát đã đi tới kết luận tác giả của “
Sông Đông êm đềm” là Mikhail Solokhov! Tháng 5 năm 1929 công bố bức thư khẳng định
này với chữ ký của hàng loạt nhà văn. Ấy vậy nhưng vấn đề bản quyến tác giả vẫn
theo bám nhà văn hầu như suốt cả cuộc đời.
Trong
thời gian xẩy ra những chuyện rắc rối như đã kể, bản thảo 2 tập đầu của “ Sông
Đông êm đềm “ được người bạn của Solokhov tên là Vasiili Cudasov cất giữ. Rồi người
ta cũng như quên phắt chúng. Căn hộ của Cudasov chuyển sang thuộc sở hữu của một
người bà con. Vào cuối những năm 1990 căn hộ này chuyển nhượng cho một người thứ
3 với giá 50 ngàn dollar. Cũng là lạ, số tiền ấy ngang bằng số tiền Mikhail
Solokhov nhận được từ giải thưởng Nobel văn chương. Dĩ nhiên là 50 ngàn dollar
vào những năm 1960 và 1990!
TÔ HOÀNG chọn dịch
( theo “Sự thật thanh niên” LB Nga tháng 8 năm 2018
)