Chính công văn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đã làm cho Cánh đồng bất tận bật lên như một tai nạn chưa từng có trong văn giới đầu thế kỷ 21. Trong rủi có may là vậy. Cánh đồng bất tận là một truyện vừa mỹ mãn xét về dung lượng, về phát hiện nhân sinh bên trong sự phức tạp của con người và lấp lánh văn phong mới rợi. Báo Tuổi Trẻ khi ấy còn nhiều những nhà báo giỏi giang kỳ cựu lập tức phơi-dơ-tông Cánh đồng bất tận trên báo ngày, một việc làm chưa từng có trong làng báo Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



Cánh đồng bất tận - chuyện bây giờ mới kể

DẠ NGÂN

Buổi chiều tháng 4.2006, cập rập, se lạnh. Thường lệ mỗi ngày Ban Văn chỗ tôi nhận rất nhiều bài vở, không ít phong bao dày cộm, vì tuần báo đang có Cuộc thi truyện ngắn 2006 – 2007. Hôm ấy tôi chú ý một phong bì mỏng không có tên người gửi, logo cơ quan với dòng chữ đậm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, bên dưới là chữ viết tay mềm mại nữ tính: Kính gởi chị Dạ Ngân, Báo Văn Nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội.
Buổi chiều buồn ứa
Nhớ rõ rằng tôi đã ngồi lại, một mình trong phòng với phong thư. Thì ra là công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, số 35- BC/TG  “Báo cáo nội dung làm việc với lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh”. Trên cùng là mấy chữ viết tay của người đã gửi phong thư đi: Chị ơi! Đọc chơi nghen, ký tên Nguyễn Ngọc Tư. Công văn do phó Ban TVH (tôi viết tắt) ký, đề cập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 11/2005 đã bị “số đông không đồng tình, phản ứng gay gắt… không có tính tư tưởng giáo dục, bôi đen xã hội nông thôn… đề nghị Hội Văn học - Nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc...” 
Ngót 2 trang, rất ư bài bản và giọng điệu quan tòa cũng rất ư quen thuộc. Tôi nhìn mãi vào mấy chữ của Tư Chị ơi! Đọc chơi nghen. Nhẹ hều mà ngàn cân tâm tư. Với gọng kềm cuối đất cùng trời ấy chỉ có hai cách: nhảy xuống biển hoặc tháo thân lên Sài Gòn! Chị ơi! Đọc chơi nghen. Không có chơi gì cả, cảm giác khủng bố, cảm giác vành móng ngựa, cảm giác đấu tố. Phẩm chất văn xuôi ấy, miền sáng tác ấy, chắc chắn em sẽ trì lại với bần đước nếu bị túm lên xe khi họ muốn đẩy bật em đi. Thật giống nhau ở cách hành xử với văn tài, ngày xưa người ta đã từng chở Solzhennitsyn đến biên giới nước Nga để mặc ông ấy đi đâu thì đi.
Có quá không nếu tôi so ví như vậy? Tôi không lạ gì không khí áp bức và ghẻ lạnh tỉnh lẻ hồi tôi viết Con chó và vụ ly hôn. Nguyễn Ngọc Tư thanh tân với Ngọn đèn không tắt nhưng Cánh đồng bất tận báo hiệu một tài năng vượt khung. Không dưng mà em gửi cho tôi công văn này. Tôi ứa nước mắt và cũng khi ấy, tôi chợt nhớ đại khái một câu của nhà phê bình N. Bukharin về M.A.Solokhov: “Một con đại bàng non vừa cất lên đôi cánh mênh mông trên bình nguyên bao la của chúng ta!”
Sau đó thì đúng như tôi hình dung, có hẳn một chủ trương “cho phép tác giả rời Cà Mau”. Và sau đó nữa, rộ lên dư luận em ấy có ai đó, có những ai đó viết cho, ký tên Nguyễn Ngọc Tư chứ học vấn ấy, con người ấy có mà viết nổi! Đúng số phận của một nhà văn sốc, khi chưa được công nhận lớn, người ấy sẽ bị bôi cho đủ kiểu, nhất là với nhà văn nữ. Cũng như tôi, Con chó và vụ ly hôn in 1985 ở báo Văn Nghệ, năm 1987 trước khi kết nạp tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam, một ủy viên Ban chấp hành đã cất công xuống Hải Phòng điều tra xem anh Thân, nhà văn Nguyễn Quang Thân có viết thay tôi không?
Tôi nhận ra, rồi những thứ này sẽ đi vào lịch sử, cái công văn ra đòn này. Riêng mấy chữ viết tay nhỏ nhẹ của Ngọc Tư thật đáng quý với tôi và tôi đã đúng khi giữ kỹ nó, cả cái phong bì hai tem với dấu bưu chính ngày gửi là 31.3.2006. Khi người ta hành xử với văn hóa văn nghệ nói chung và nhà văn nói riêng, người ta đâu có biết mình sẽ bị lưu dấu và phán xét. Họ cũng không lường được sức mạnh của một nhà văn dù là trẻ, dù là nữ, dù là thiệt thòi học vấn, rằng một khi họ đã xác tín với văn chương thì, như Akhmatova đã viết:                
Không, tôi chẳng nương dưới bầu trời nào
Chẳng mong đôi cánh xa lạ nào che chở
Thời đó tôi đã cùng nhân dân tôi, bất hạnh sao
Ở nơi mà nhân dân tôi phải ở.
Một năm trước - 2005
Tôi “biết” Nguyễn Ngọc Tư lần đầu từ Ngọn đèn không tắt in tháng 8.2000 do tôi mua và hào hứng đọc một tác giả nữ, cùng dân sông nước, cùng tuổi Bính Thìn với trai út của tôi. Sau thì năm 2002 hoặc 2003 gì đó, tôi gặp được Tư ở Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ mấy không nhớ nữa. 20 năm trước cũng Hội nghị như thế này, một cô nhà văn trẻ ở miền Tây là tôi được săm soi vì nổi tiếng bởi ái tình. Nguyễn Ngọc Tư khác, Nguyễn Ngọc Tư với Ngọn đèn không tắt đằm thắm mà tinh khôi, hứa hẹn một ngòi bút sang trọng về những nỗi buồn. Nguyễn Ngọc Tư là khôi nguyên của một cuộc thi lớn của một tờ báo lớn, ở một thành phố lớn, vì vậy Nguyễn Ngọc Tư được ngồi chủ tịch đoàn, được báo chí vồ vập, hình như khi đó cũng đã xuất hiện ở chương trình Người đương thời của VTV. Nguyễn Ngọc Tư có vẻ ngượng ngập ở chốn lao xao nhưng vẫn cho thấy bản lĩnh, kiêu ngầm. 
Vậy thôi. Chúng tôi không có thời giờ cho nhau, vì Nguyễn Ngọc Tư "hot", luôn bị chèo kéo, săn đón. Hai năm 2003 - 2004, Tuần báo Văn Nghệ đang có cuộc thi truyện ngắn, tôi làm sơ khảo, Nguyễn Ngọc Tư gửi ra truyện Đau gì như thể. Thực sự những truyện ngắn ngắn kiểu trong tập Ngọn đèn không tắt không thuộc dạng báo Văn Nghệ mặn mà, vì nó mảnh và ngắn. Cuộc thi trước đó, năm 2001- 2002, người sơ khảo là nhà văn Phạm Thị Minh Thư kể rằng, có in một truyện của Nguyễn Ngọc Tư nhưng không ấn tượng lắm vì cũng ngắn và mảnh. Cuối cùng năm 2004 ấy, Đau gì không thể được giải Ba. Tuần báo Văn Nghệ tìm kiếm những truyện bùng nổ, gây hấn, rậm rạp.
Chừng như tạng viết của Nguyễn Ngọc Tư là vậy, như tản văn, nhẹ nhàng, ý nhị, nhấm nháp một chùm mới ngấm. Vậy rồi, khoảng gần cuối năm 2005, Tư gửi thẳng cho tôi truyện Cánh đồng bất tận, tôi còn nhớ Nguyễn Ngọc Tư chỉ để truyện, nhưng cầm độ dày của bản thảo vi tính trên xấp giấy A4, cũng biết ấy không phải truyện ngắn. Tôi đọc nhanh, bàng hoàng, thán phục. Khi ấy có một nhà văn mới chân ướt chân ráo về cơ quan, người được Tổng biên tập Hữu Thỉnh giới thiệu: “Đây là phó tổng biên tập phụ trách luôn Ban Văn, từ nay Dạ Ngân chuyên tâm làm trưởng ban Sơ khảo Cuộc thi truyện ngắn 2006 - 2007 trước khi Ngân nghỉ hưu, nhé!”. Tôi bàn giao ngay Cánh đồng bất tận cho vị phó tổng tương lai, chỉ nói: “Ngân nghĩ, in hai kỳ, không cần biên tập một dấu chấm dấu phẩy nào”.
Cuộc thi truyện ngắn bắt đầu ngay đầu năm 2006, vì Cánh đồng bất tận là truyện vừa nên không dự thi được và cũng không in dưới dạng Hưởng ứng cuộc thi được. Nó bỗng bị chìm đi trên Văn Nghệ, chìm đi trên truyền thông thủ đô vì chủ trương của ban biên tập với cuộc thi lần này là in cùng lúc 2 truyện ngắn dự thi của một tác giả để kích thích không khí. Quả nhiên Y Ban mở màn với I am đàn bà và một truyện nữa về một nhà văn bị chết nghẹt ở một nhà xuất bản bởi hệ thống kiểm duyệt (chúng tôi buộc đã xén nhiều đoạn của truyện ấy để lọt lưới của tổng biên tập). Dư luận sôi lên với I am đàn bàCánh đồng bất tận càng bị chìm thêm. Khi Y Ban đưa hai truyện dự thi vào đầu sách riêng thì sự phạm quy ấy với cuộc thi khiến Y Ban phải làm tường trình, sự việc thành xì-căng-đan. Kỳ thực, truyện một biên tập viên chết chẹt bởi kiểm duyệt mới đích thị sốc với chính giới thủ đô. Báo Văn Nghệ phải lo ứng phó và rồi, chủ trương in cùng lúc 2 truyện cho một tác giả đã bị sượng đi.
Chính công văn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đã làm cho Cánh đồng bất tận bật lên như một tai nạn chưa từng có trong văn giới đầu thế kỷ 21. Trong rủi có may là vậy. Cánh đồng bất tận là một truyện vừa mỹ mãn xét về dung lượng, về phát hiện nhân sinh bên trong sự phức tạp của con người và lấp lánh văn phong mới rợi. Báo Tuổi Trẻ khi ấy còn nhiều những nhà báo giỏi giang kỳ cựu lập tức phơi-dơ-tông Cánh đồng bất tận trên báo ngày, một việc làm chưa từng có trong làng báo Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một bệ phóng, nhưng trước hết Cánh đồng bất tận đã mang trong mình nó một ngòi nổ, một sức công phá, một dấu son. Một cống hiến đích thực.
Dư luận – cuộc lên đồng tập thể
Lại nhớ, nhớ như in ngày 13.4.2006, vợ chồng tôi đang trên đường từ Nội Bài về Sài Gòn để dự tang cô tôi, cô Ràng trong Miệt vườn xa lắm và Gia đình bé mọn của tôi. Nguyễn Trọng Chức khi đó là Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ điện cho tôi: “Viết bài bênh Ngọc Tư đi chị Ngân, họ đánh quá trời rồi, viết nghen”. Tôi hứa ngay dù chưa biết sẽ viết lúc nào, ở đâu trong những ngày tang tế vô cùng quan trọng như vậy. Cô tôi sống ở Long Xuyên với con gái và con rể nhưng gia tộc sẽ đưa cô về vườn nhà tận Hậu Giang, tôi phải viết điếu văn cho người cô trời biển ấy nữa.
Ngay tối đó tôi viết bài bênh Nguyễn Ngọc Tư trên vi tính của một đứa cháu, suốt đêm. Hồi ấy laptop còn là giấc mơ xa xỉ của đa số. Quá mệt, khi gửi bài đi thì máy lạ, kiểu gõ của hai miền khác nhau, tôi đã không tìm thấy bài viết của mình ở đâu nữa. Chỉ còn nước khóc rống lên, trời ơi, tang tế, lời hứa, Nguyễn Ngọc Tư ơi, bạn bè ơi chúng ta đang cần một cuộc đồng thanh để từ rày chấm dứt cảnh đấu tố nhà văn thời Nhân văn giai phẩm, không thể nào để nó tái diễn ở thế kỷ 21 này, không thể nào!
Nguyễn Quang Thân nổi tiếng giỏi vi tính đã lần ra được cái file bài. Mọi việc như bạn đọc đã chứng kiến, rất nhiều bài tới tấp trên Tuổi Trẻ và trên rất nhiều báo khác, Cánh đồng bất tận chiến thắng giòn dã. Cuối năm 2006 ấy, Cánh đồng bất tận nhận giải chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Và cứ thế, danh tiếng bất tận, phần thưởng bất tận và vui buồn bất tận của một ngôi sao.
Wikipedia tiếng Việt đã có hẳn một thư mục cho Cánh đồng bất tận. Trong vòng 5 năm, nó đã được ấn hành cả thảy 108.000 bản.
* * *
Vinh quang và cay đắng. Ngôi sao nào cũng phải đi qua hành trình ấy, bởi đó là số phận không nhỏ của họ. Mùa đông năm 2006 ấy, chị em tôi gặp nhau ở Lễ phát giải của Hội nhà văn Việt Nam (Gia đình bé mọn của tôi được giải Tặng thưởng cùng với Paris ngày 1 tháng 8 của Thuận). Mới có mấy năm mà Nguyễn Ngọc Tư già hơn tuổi, buồn hơn tuổi nhưng cũng không giảm đi bản lĩnh với kiêu ngầm. Nguyễn Ngọc Tư chỉ nói với tôi: “Em mà viết cỡ Gia đình bé mọn của chị, chắc người ta tông xe cho em chết rồi”.

Nguồn: Người Đô Thị