Trời Hà Nội lạnh buốt. Gió từ Hồ Tây thổi thốc từng cơn mang atheo mưa phùn. Bạn bè đến dự đám cưới của Phùng Quán – Bội Trâm vẻn vẹn có bốn người: Xuân Trung, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều và tôi. Không có đại diện đòan thể bên họ nhà trai đã đành (Phùng Quán có công tác ở cơ quan nào đâu). Phía cô dâu cũng không có đại diện của trường Trưng Vương, nơi Bội Trâm đang dạy học. Chắc chị không muốn hệ lụy đến trường nên không mời. Mời sẽ có các thầy cô giáo tới, họ vốn thủy chung và rất thương Quán – Trâm. Thấy tôi ngơ ngác, Quán bảo: Chỉ mời có bốn người này, thế là đã đến đông đủ. Phùng Quán cười cười, nói đùa: “Nếu nói về đại diện ban ngành đòan thể thì đâu có thiếu, cậu là phóng viên báo Đảng coi như đại diện cho Đảng, Xuân Trung tức Tỏan con, biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, coi như đại diện cho ngành xuất bản, Tạ Vũ – Hội viên Hội Nhà văn coi như đại diện cho Hội. Tạ Vũ lại từng là thợ kích kéo cầu đường, bây giờ là thợ quét vôi, coi như đại diện luôn cho giai cấp công nhân”. Vẫn cười cười tếu táo, Quán nói tiếp: “Đừng tưởng ngành giáo dục của cô giáo Trâm không có đại diện nha”. Quán chỉ vào Nguyễn Thị Điều: “Đây là cô giáo vỡ lòng dạy tại gia, đại diện cho ngành giáo dục…”
Tôi biết Phùng Quán cố giấu nỗi buồn sâu thẳm trong lòng để đùa cợt cho anh em bạn bè vui.
Mấy thằng con trai chúng tôi, đứa giữ chân, giữ cánh, để chú rể Phùng Quán cắt tiết gà. Không có gì làm thì giữ chân, giữ cánh con gà cho có việc, chứ thực ra, một mình “xử con gà” với Quán là việc vặt. Con gà mái mơ này một mình Phùng Quán thừa sức làm gọn. Cạnh đó một con gà chết, mồng tái xám, nằm lăn lóc ở góc thềm. Bội Trâm cho biết: Hôm qua mua được hai con gà, nhốt chung vào cái lồng quá chật, chết mất một con. Xong việc cắt tiết, vặt lông, Quán bảo tôi cầm chai đi mua rượu, dặn:
- Tớ biết hôm nay cậu có tiền nhưng là ngày cưới của tớ thì để tớ chiêu đãi, cậu cứ sang bà Hai Hanh, gạch một gạch.
Bà Hai Hanh bán rượu lậu ở làng Nghi Tàm. Dân Hà Nội thời đó gọi là “Cuốc lủi” để phân biệt với rượu Nhà nước là quốc doanh. Bà Hai Hanh đều quen mặt lũ chúng tôi, những đứa bạn từ thuở thiếu thời của Phùng Quán nên mua trả tiền ngay hoặc ghi sổ cũng được. Bà Hai Hanh không biết chữ nên “sổ nợ” của bà là cái cột nhà. Mua một lít gạch một cái, gạch ô vuông bốn cái, thêm một cái chéo ở giữa, vị chi là năm lít. Bà Hai Hanh bán rượu chịu cho người trong làng Nghi Tàm, chịu hôm trước vài hôm sau họ trả, không được dây dưa kéo dài. Còn Phùng Quán là đặc cách, có thể nợ lâu dài, trả từ từ bằng chút tiền nhuận bút “văn chui” và tiền bán cá… câu trộm. Đến nhà bà Hai, nhìn lên cột nợ của Phùng Quán, tôi thấy hơn hai cái ô vuông gạch chéo, nghĩa là đã mười hai lít, tôi bảo bà Hai Hanh hôm nay cháu sẽ trả tất cả nợ nần của Phùng Quán ghi trên cột.
Bà Hai Hanh ngước mắt lên “Sổ nợ” tính rất nhanh, cả lít hôm nay nữa là mười ba, mỗi lít bốn đồng, vị chi là năm mươi hai đồng. Hôm nay, cậu chơi sang quá nhỉ, vừa trúng quả gì phải không?
- Cháu có buôn bán gì đâu mà trúng quả hả bà, đầu tháng vừa lãnh lương... Đám cưới anh Quán, coi như đây là tiền mừng của cháu với bạn, bà ạ. Cháu nói bà nghe, anh Quán đã từng chia cho cháu nửa gia tài khi cuộc sống của cháu quá bức bách. Hôm nay cháu chỉ chi ngần này đã ăn thua gì so với tấm lòng của anh Quán đối với cháu.
- Thế hả? Chia cho nửa gia tài cơ ạ, chắc bộn tiền.
Không cần nghe tôi nói nửa gia tài là bao nhiêu, bà đã trách cứ:
- Đám cưới mà không nghe bà Trưởng Giơi (1) và anh Quán mời mọc xóm làng gì cả.
Tôi đưa đẩy:
- Đám cưới giản đơn, anh chị ấy chỉ mời mấy mgười bạn tới dự, coi như có mâm rượu trình với tổ tiên ông bà.
Bà Hai Hanh năm đó cũng đã ngòai sáu mươi, (1962)bạn hàng của bà Trưởng Giơi, mùa nào buôn bán thứ đó, hết chợ Bắc Qua, Châu Long, lại chạy về chợ Yên Phụ… rượu lậu mà giấu giấu giếm giếm bán tại nhà. Bỗng bà bảo tôi ngồi lại rồi tất tả chạy vào buồng. Lóang một cái, bà mang một gói quà bọc trong giấy báo (thời đó Hà Nội chưa có bịch nilông). Giọng bà buồn buồn:
- Tội nghiệp anh Quán, mặt mũi khôi ngô hiền lành. Sống với bà con láng giềng, đối xử có trên có dưới. Bà già, trẻ con ai cũng yêu mến anh. Thế mà số phận lận đận quá. Cậu cầm lấy gói lạc rang này về bảo với bà Trưởng Giơi cùng vợ chồng anh Quán là quà mừng đám cưới của tôi.
Tôi đặt chai rượu lên bàn, đưa hai tay nhận gói quà, giơ cao lên như nhận một tấm huân chương. Phía sau gói lạc rang lọt thỏm giữa hai bàn tay tôi, là tấm lòng của một bà mẹ Việt Nam đôn hậu.
Khi tôi xách rượu về, Phùng Quán – Bội Trâm và các bạn đã làm xong mâm cỗ cưới. Trong số các bạn tôi, Phùng Quán là người chế biến món ăn tài tình bậc nhất. Chỉ một con gà mái tơ và một con cá chép trên dưới một cân mà Quán chế biến được rất nhiều món như: Gà luộc, gà rán, gà xé phay trộn gỏi, cá luộc, cá rán và nồi cháo gia vị thơm lừng, dậy mùi thì là… Sáu người chúng tôi kể cả cô dâu, chú rể trải chiếu ra đất ngồi nhâm nhi trò chuyện với nhau. Phùng Quán kể chuyện, đọc thơ. Quán là người kể chyện có duyên. Cũng câu chuyện ấy, nếu tôi kể thì nhạt thếch. Vậy mà vào tay Quán nó ra môn ra khoai, hấp dẫn từ đầu đến cuối, mọi người phải há hốc mồm ra nghe. Đọc thơ, Quán cũng có biệt tài. Người nghe bị cuốn hút là do anh truyền được cái thần của thơ mình trong giọng đọc vừa bi tráng, vừa lãng mạn. Tôi là thính giả trung thành với thơ Quán. Theo cách nói bây giờ của các báo, tôi là “fan” của anh. Nếu đọc thơ của anh ở trên báo, trên sách có thể bạn thấy hay hay được được thôi, không xao động bạn lắm. Song nếu nghe chính Phùng Quán đọc thơ mình thì bài thơ làm cho bạn xao xuyến rất nhiều lần, nếu không nói là trăm lần…
Đám cưới Quán – Trâm vào đầu xuân 1962, nếu như tôi không nhớ nhầm. Ấn tượng để lại trong tôi là sự đạm bạc của một nhà thơ sống đạm bạc, nhân ái, đau khổ nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Hình ảnh đám cưới chỉ đủ tiền mua hai con gà, lại chết mất một con, và một con cá, tất nhiên là cá của Phùng Quán câu trộm ở Hồ Tây, cứ đeo đuổi tôi suốt mấy chục năm nay. Hôm đó, Quán kể rất nhiều chuyện, đọc rất nhiều thơ. Tôi nhớ rất nhiều thơ anh, nhưng đọng lại trong tôi sâu sắc nhất là câu:
Thượng đế ơi!
Tôi đã làm gì?
Mà ly rượu đời Người ban cho tôi đắng thế?
Tôi không phải là người cả nghĩ, không phải là người sâu sắc, lại không có tài thẩm định thơ ca, văn chương, nhưng câu thơ ấy cứ như chì đun sôi rót vào cổ họng tôi. Đám cưới vui trong đượm buồn. Buồn cho thân phận một nhà thơ. Nó là một giọt đắng trong ly rượu đời đắng ngắt mà Thượng đế ban cho anh. Phùng Quán ơi, anh đã về với đất, với tổ tiên ông bà đã trên 30 năm. Tôi vẫn chưa quên bài thơ “Huyệt” mà anh hay đọc cho bạn bè nghe những năm cuối đời:
“Tết không vào nhà tôi
Tết đi qua trước ngõ
Tim tôi tan nát rồi
Không còn lành được nữa!…
Thi sĩ tôi cô đơn
Giữa đời tôi lạc lõng
Giữa chông gai cuộc sống
Trần trụi không hành trang…
Bạc đầu vẫn trẻ con
Dại khờ cho đến chết
Giữa nghiệt ngã trần gian
Trái tim thơ thấm mệt…
Tôi sẽ đào nắm huyệt
Cạnh mộ mẹ cha tôi
Tôi sẽ lăn xuống đó
Thế là xong một đời!…
Đàn mối của quê hương
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ dăm ngày vùi hết!…
Căn hộ mới đáy huyệt
Rượu đất tôi uống tràn
Cụng ly cùng dòi bọ
Mừng trắng nợ trần gian!”
Lời di chúc “Huyệt” của Phùng Quán, anh nói về sự kết thúc giản dị của đời mình. Anh vốn là người giản dị. Còn di chúc trách nhiệm nhà thơ, anh cũng chỉ dặn với lòng mình. Phùng Quán ơi, anh cho phép tôi coi đó là thông điệp của anh gửi đến các bạn thơ cả nước. Thông điệp đó là:
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ tuôn trào
Thơ chết áo đắp mặt
Anh về với đất, thóat nợ, để lại thương nhớ cho mọi người. Chúng tôi ở lại, không phải tiếp tục uống ly rượu đời thượng đế ban cho đắng ngắt mà uống ly rượu ngọt của nhân dân ban tặng, từ khi đất nước đổi mới đến nay. Chúng tôi vẫn đi với nhân dân, chứ không bao giờ cam tâm làm con hát (Ca nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang khởi xướng hận đình hoa).
Hôm nay, ly rượu ngọt Thượng-Đế-Nhân-Dân đã rót ra mời anh, anh lại nhường hết cho chúng tôi, những đứa bạn một thời…
Thôi nâng ly, cạn ly rượu ngọt với bè bạn đi, Phùng Quán!