Được tin nhà thơ Võ Văn Trực vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tôi vội đến thăm. Năm ngoái, ông phải vào nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Bệnh tình của ông khi ấy đã nặng. Nằm bất động trên giường bệnh, ông không nói được. Đến thăm, chả dám hỏi han, chuyện trò nhiều, sợ ông mệt và chả biết ông có nghe được không. Nhưng trên thần sắc khuôn mặt ông vẫn ánh lên niềm hy vọng sớm được ra viện, vẫn khao khát sống, vẫn khao khát làm việc. Bây giờ, ông lại yếu hơn. Mọi cái như bất lực. Nhìn tấm thân gầy khô, thương ông biết bao nhiêu.




Nhà thơ Võ Văn Trực trong "buổi chiều của đời người"

VŨ TỪ TRANG

Nói về buổi chiều của đời người, dường như ai cũng ngần ngại, vì nó thường nặng nề và phiền toái. Vậy mà không ai tránh khỏi. Được tin nhà thơ Võ Văn Trực vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tôi vội đến thăm. Mấy năm nay, ông đau ốm liên miên. Lúc điều trị ở nhà, lúc vào bệnh viện, lúc vào Trung tâm dưỡng bệnh. Ở nước ta, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đã từng bước chuyên môn hóa. Nhiều trung tâm chăm sóc người cao tuổi ra đời, đáp ứng và giải quyết được một thực trạng thiết yếu của xã hội.
Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome, nơi nhà thơ Võ Văn Trực nằm trong một không gian yên tĩnh. Thái độ phục vụ của các điều dưỡng viên nhiệt tình, chu đáo. Ấy vậy, đến thăm ông, tôi không khỏi trạng thái bùi ngùi. Con người khi bước vào buổi chiều của đời mình, quả là ái ngại. Người khỏe mạnh thì ít. Đa phần phải đương đầu với bệnh tật, ốm đau. Năm ngoái, ông phải vào nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Bệnh tình của ông khi ấy đã nặng. Nằm bất động trên giường bệnh, ông không nói được. Đến thăm, chả dám hỏi han, chuyện trò nhiều, sợ ông mệt và chả biết ông có nghe được không. Nhưng trên thần sắc khuôn mặt ông vẫn ánh lên niềm hy vọng sớm được ra viện, vẫn khao khát sống, vẫn khao khát làm việc. Bây giờ, ông lại yếu hơn. Mọi cái như bất lực. Nhìn tấm thân gầy khô, thương ông biết bao nhiêu.
Tôi nhớ mới ngày nào cùng ông đi ngang dọc các ngả đường. Đấy là thời ông khỏe mạnh. Với vẻ ngoài lầm lì ít nói, tưởng như người khó tính, nhưng trong con người ông lại luôn cởi mở, chân thành với bạn bè. Ngày ấy, hai anh em còn đáp tàu hỏa về Diễn Châu, rồi lấy xe đạp kẽo kẹt đạp chở nhau về làng Hậu Luật. Quê ông vốn là làng trù phú của xứ Nghệ. Nhưng trải qua bao cuộc binh biến, thôn xóm mất hết cả đình chùa. Ông từng đau xót kể cho tôi nghe cái thuở ấu trĩ và quá tả, người ta phá sạch đình chùa để xây sân kho hợp tác xã. Bao hoành phi câu đối chạm khắc bao điều tự hào về công lao cha ông tổ tiên, bao lời khuyên dạy con cháu cố gắng tu thân tích đức làm con người lương thiện, bao tượng phật sơn son thếp vàng tích tụ bao tâm linh của người dân xóm làng họ đem chặt, phá đi tất cả. Làng có hơn chục cây đa, cây đề cổ thụ vài trăm tuổi rồi họ cũng đem đốn hạ, lấy gỗ pha làm cổng chuồng trâu, nhà kho. Những cây cổ thụ từng tỏa bóng mát cho bao lớp trẻ làng, cho bao lão nông về nghỉ giữa buổi cày đồng, nay không còn nữa. Rồi họ trồng lên những cây bạch đàn gầy guộc thay thế. Cổng làng xây gạch cuốn rất cầu kỳ, nơi hẹn hò của bao lớp người ra đi cứu nước, họ dỡ bỏ, để mở đường cho những chiếc xe cải tiến chất phân tro chạy nhồng nhồng. Đau đớn hơn, họ còn dồn hết các nấm mồ tổ tiên, ông bà, cha mẹ lên một khu nghĩa trang công cộng. Như bao người xa làng, khi trở về, không còn nhận biết mộ ông bà, bố mẹ của mình ở đâu giữa bãi nghĩa trang tập thể hoang toàng, ông đành gằn lòng thắp bó hương vái bốn phương tám hướng...
Những câu chuyện quê thấm đẫm vui buồn, ông đã dồn vào trang viết trong tập “Chuyện làng ngày ấy”, in 1993, đã gây chấn động bạn đọc.
Lại nhớ ngày nào, mấy anh em đạp xe về quê tôi bên Bắc Ninh. Làng tôi ngày đó còn giữ nguyên nét đẹp nền nếp của một làng cổ trù phú vùng Kinh Bắc. Đặc biệt, làng có đặc sản khế ngọt, mà người dân quanh vùng vẫn quen gọi “khế ngọt Sặt Đồng”. Ngày ấy, làng chưa trải qua cơn lốc đô thị hóa. Con đường làng lát gạch nghiêng đỏ au, những mái nhà ngói thâm rêu, những vườn khế xanh rờn tán lá và những chùm khế chín vàng mọng năm múi. Bữa ấy, ba nhà thơ Võ Văn Trực, Chử Văn Long, Vũ Xuân Hoát và tôi đi loanh quanh thăm làng, rồi về cặm cụi mỗi người một góc nhà, thi nhau viết thơ về khế ngọt. Đấy là thời ông và chúng tôi còn trẻ, dễ xốc nổi, đam mê.
Về sau này, cơn lốc đô thị hóa ồ ạt cuốn về làng tôi, những ngôi nhà gỗ cổ mái ngói nâu rêu bị dỡ đi, những mảnh vườn khế ngọt bị đốn hạ. Những ngôi nhà bê tông mái bằng chóp nhọn đua nhau mọc lên. Con đường làng lát gạch nghiêng đỏ au sau mỗi trận mưa, nay là con đường bê tông bỏng rát chân trưa hè. Thi thoảng hỏi thăm về làng quê tôi, ông lại tiếc những mảnh vườn trồng khế ngọt quê tôi biến mất. Nhưng biết làm sao được, trước cơn lốc đô thị  hóa của thời buổi tấc đất tấc vàng!
Ông từng là tấm gương cho tôi về sự quyết chí học tập. Thời ấy, gia đình ông còn ở cái lán cơi nới phía sân sau của khu Nhà xuất bản Thanh Niên. Điều kiện sống khó khăn, nhà hẹp dăm mét vuông, ông biết lợi dụng cánh cửa bằng mấy tấm ván ghép tạm, biến thành cái bảng học ngoại ngữ. Hằng ngày, ông viết dăm chữ tiếng Pháp, dăm chữ tiếng Trung Quốc lên tấm ván cửa, đặt ra chỉ tiêu học thuộc, học hiểu nghĩa và viết cho đúng. Có lần, nhà thơ Đào Cảng từ Hải Phòng lên, rủ tôi đến thăm ông, đã chứng kiến cảnh ông lom khom viết viết xóa xóa để học ngoại ngữ trên tấm ván ghép tạm cánh cửa ấy. Qua dăm năm, với lòng quyết tâm học, ông đã có vốn liếng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc đáng kể, để dịch và phục vụ cho nghiệp sáng tác của mình. Có lần nhắc lại, ông chẹp môi, nói rằng thương Đào Cảng mất sớm quá. Nhà thơ Đào Cảng, người Hải Phòng, với câu thơ bảng lảng về bông hoa lay-ơn trên sườn núi Sa Pa, như “nụ cười ai bỏ quên” ra đi đã ba mốt năm rồi. Ngày gia đình Đào Cảng tổ chức bốc mộ thay áo cho anh, nhà thơ Võ Văn Trực và tôi đáp tàu đêm xuống Hải Phòng cho kịp. Tờ mờ sáng, nghĩa trang còn ngập ngụa sương mù, nhìn  người bạn chỉ còn là dúm xương xếp gọn trong tiểu sành, lòng chúng tôi buồn không nói được. Con người, sự sống và cái chết chả có gì xa lạ và quan trọng quá đâu. Xem ra chỉ có chút tình còn lại. Ấy nên khi sống thì cố gắng sống tử tế, cố làm điều hữu ích. Sao đến thăm ông, tôi lại nhớ ngày ông cặm cụi đánh vồng, bó buộc những gốc đa mà ông gây trồng trên sân thượng, để đem về quê, trồng bên con đường quanh làng. Không biết những cây đa dạo ấy, nay đã tỏa bóng mát cho lũ trẻ chăn trâu, cho lão nông nghỉ ngơi giữa độ buổi cày đồng? Có phải ông muốn gây trồng, để bù lại những cây cổ thụ của làng bị đốn hạ thuở nào?!
Nhà thơ Võ Văn Trực là người quen sống lặng lẽ. Ngay thời trẻ, giữa đám bạn bè văn chương vốn lắm lời, ông thường chỉ ngồi yên lặng. Nhưng ông là người không xa cách với mọi người. Ông vốn là người sống nghiêm túc, nhưng lại là người chịu được mọi tính cách của bạn. Sinh thời, nhà thơ Tạ Vũ là người quen sống ồn ào, đôi khi còn thái quá về tật uống rượu, ấy thế mà nhà thơ Võ Văn Trực chịu được tất. Nhà thơ Tạ Vũ từng tuyên bố với bạn bè, nhà thơ Võ Văn Trực là người bạn thân nhất của ông. Cho dù, nhìn về diện mạo bên ngoài và tính cách của hai người như hoàn toàn  đối lập. Ông là người dám  đứng ra bảo vệ bạn.
Tập thơ “Những cánh chim trời" của Tạ Vũ trước khi xuất bản (1974), nhiều ý kiến về tính cách sinh hoạt của tác giả phản ánh tới Ban giám đốc, nhà thơ Võ Văn Trực, khi ấy là cán bộ biên tập liền đứng ra trình bày và bảo lãnh về tư cách tác giả để Ban giám đốc Nhà xuất bản ký lệnh in. Tập thơ in ra, đã khẳng định vị thế thi ca của Tạ Vũ. Sau đó, tập thơ được giải thưởng văn học của Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Ông là người lao động sáng tạo văn học miệt mài, bền bỉ. Sự nghiệp văn học của ông để lại cho đời là khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Ngoài hơn chục tập thơ và trường ca, ông còn có hơn chục tập bút ký, tiểu thuyết và hơn chục tập sách sưu tầm, khảo cứu văn hóa dân gian. Thời kỳ đổi mới, bút ký “Tiếng kêu cứu của một vùng quê văn hóa” của ông in trên Báo Văn Nghệ gây tiếng vang với dư luận. Tiểu thuyết “Cọng rơm dưới đáy ao” của ông như tiếng chuông cảnh tỉnh của một thời xã hội quá tả, ấu trĩ. Trên trang viết, ông là người yêu ghét có thái độ rõ rệt. Nhiều bài thơ viết về quê hương, về người ruột thịt của ông đã đi vào lòng bạn đọc. Tôi có may mắn được tiếp xúc trực tiếp với bà mẹ, người chị gái của ông tại quê Hậu Luật. Vì thế, khi đọc những bài thơ ông viết về mẹ, về chị gái, càng thêm thấy xúc động. Bữa về làng quê ông chơi, ông có đưa tôi đến thăm ông Bá, người bạn làng thuở chăn trâu cắt cỏ. Ông Bá ngày đó còn khỏe, đun nước chè xanh và luộc khoai lang đãi chúng tôi. Vị chè xanh đậm chát và hương vị khoai lang tơi bở, tạo dư vị xứ Nghệ khó quên. Ông Bá còn đọc nhiều bài vè về quê hương làng xóm rất cảm động. Sau này, hình ảnh người bạn quê thuở thiếu thời, từng đi vào nhiều trang viết của nhà thơ Võ Văn Trực. Sao tôi lại chợt nhớ bài thơ của ông viết khi về quê chịu tang mẹ: 
Vĩnh viễn từ nay con không thấy mẹ nữa rồi
Đau đớn thế làm sao con nén khóc!
Một đời mẹ tám mươi năm khó nhọc
Mẹ chính là máu thịt của quê hương:
Là gốc khế tuổi thơ trĩu quả sau vườn
Cho con biết vị chua tê đầu lưỡi,
Là mát rợi bờ ao xanh rặng chuối
Cho lòng con được nếm vị ngọt ngào,
Là ngọn núi Hai Vai chót vót trời cao...
 (Vĩnh viễn từ nay - Võ Văn Trực) 
Bài thơ ra đời đã bốn mươi năm, vẫn gây ám ảnh người đọc, bởi những câu chữ giản dị, chân thành. Ông kể, bài thơ viết ngay tại quê  Hậu Luật, ngày về chịu tang mẹ. Một buổi chiều, ngồi bên ngưỡng cửa, nhớ mẹ, tứ thơ vụt đến. Bài thơ ông viết một mạch. Những cảm xúc chân thành cứ ào ạt chảy tràn trên trang giấy.