Sau 4 tháng tích
cực triển khai rà soát những vướng mắc tại Khu đô thị Thủ Thiêm, Thanh tra
Chính phủ đã kết luận chính quyền TPHCM và Bộ Xây dựng đã có nhiều sai phạm
trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt,
cũng như buông lỏng việc quản lý, sử dụng đất… dẫn đến những khuất tất gây bất
bình cho một bộ phận cư dân khu vực chịu ảnh hưởng. Trắng đen đã rõ, nhưng giải
quyết sao cho ổn thỏa lại là một thách thức không đơn giản!
SAI PHẠM Ở KHU
ĐÔ THỊ THỦ THIÊM SẼ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
TÂM HUYỀN
Khi còn nằm
trong địa phận phận Thủ Đức, vùng đất Thủ Thiêm chỉ bạt ngàn đầm lầy và lau sậy.
Khi được tách ra để trở thành một phần quận 2, thì vùng đất Thủ Thiêm lọt vào tầm
ngắm của nhiều nhà đầu tư. Bởi lẽ, Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Quận 1 có một
đoạn sông Sài Gòn khoảng 200 mét. Hai dự án mở rộng cầu Sài Gòn và hầm vượt
sông Sài Gòn được triển khai, lập tức biến vùng đất Thủ Thiêm đáng giá ngàn
vàng. Nằm trong chiến lược chung xây dựng một khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông
Nam Á, vùng đất Thủ Thiêm được quy hoạch khá bài bản. Thế nhưng, món lợi khủng
khiếp từ thị trường địa ốc Thủ Thiêm đã kích hoạt lòng tham của không ít quan
chức và doanh nghiệp. Ranh giới quy hoạch được mở rộng thêm, và quy trình giải
toả, đền bù cũng bị bóp méo. Cuộc sống của những người dân lầm lũi ở nơi hoang
sơ và thanh bình như rạch Bần Cụt, cầu Ông Cậy, mương Bà Bằng… bắt đầu dậy
sóng. Họ ủng hộ chủ trương phát triển đô thị của Chính phủ, nhưng họ không chấp
nhận bị đối xử oan uổng và bất công. Khiếu kiện kéo dài, tiếng kêu thống thiết
của những người dân Thủ Thiêm bị mất nhà, mất đất làm nhức nhối tâm can những vị
lãnh đạo cao nhất. Phải chấn chỉnh Thủ Thiêm, không thể để Thủ Thiêm tồn tại
như một vết thương cộng đồng trong thời đại văn minh. Chính phủ xác định như vậy,
và Chính phủ quyết liệt thực hiện, đúng nguyện vọng của đông đảo người dân
không chỉ ở Thủ Thiêm.
Vì sao một khu
đô thị được dự đoán là kiểu mẫu như Thủ Thiêm lại trở nên bát nháo? Không thể
nói khác, đó là hậu quả của lợi ích nhóm. Ban đầu Chính phủ quy hoạch Khu đô thị
Thủ Thiêm có diện tích 930 ha, bao gồm gồm khu đô thị mới 770 ha
và Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An
Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh…Nếu làm đúng quy hoạch, thì lãnh đạo
TPHCM cũng thể hiện đầy đủ cam kết "người dân có chỗ ở bằng hoặc hơn nơi
cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống". Thực tế không phải vậy.
Khu tái định cư 160ha được giao cho doanh nghiệp làm 51 dự án, và giới hạn hành
chính càng ngày càng xa khu vực được giao ban đầu. Dù Chính phủ nhanh chóng nhận
ra sự “nở nồi” lộn xộn này, và có văn bản chỉ đạo cấp bách, nhưng những người
dân thuộc diện giải toả vẫn bị đẩy dần về phía phà Cát Lái, nghĩa là cách vị
trí quy hoạch đến 15 km. Dĩ nhiên, phần đất màu mỡ có giá trị kinh tế cao đã
thuộc về tay những gian thương biết thủ đoạn ngọt ngào và man trá với chính quyền.
Bằng chứng ngay trên khu vực tái định cư Thủ Thiêm xuất hiện những doanh nghiệp
khôn khéo như Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam, Công ty trách
nhiệm hữu hạn Liên doanh Hoàng Kim, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Phước, Công
ty trách nhiệm thương mại dịch vụ Mỹ Mỹ, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ
Đức, Công ty cổ phần Tân Tạo…. Và đỉnh điểm cạnh tranh nóng bỏng ở Thủ Thiêm được
đánh dấu bằng việc đổ vốn khủng khiếp của những đại gia như Đại Quang Minh, Trường
Hải, Vingroup…
Một trong những
văn bản dẫn đến sai phạm hàng loạt ở Thủ Thiêm là Quyết định ban hành ngày
6-3-2002 của UBND TPHCM, nêu rõ "nếu thiếu đất, cho phép điều chỉnh diện tích
các dự án trên địa bàn quận 2, để đảm bảo đủ diện tích theo phê duyệt của Chính
phủ". Đã được “cho phép điều chỉnh diện tích” thì chẳng doanh nghiệp
nào ngu dại lấy thêm 50 mét hoặc 100 mét, mà họ lấy thêm vài ba hecta. Chưa hết,
tháng 4-2001, Chủ tịch UBND TPHCM lấy bấy giờ là ông Lê Thanh Hải yêu cầu điều
chỉnh diện tích Khu đô thị mới bằng cách “giao Kiến trúc sư trưởng thành
phố, Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất cắm mốc đủ 770 ha đất, theo giải pháp bổ
sung hơn 40 ha của Khu tái định cư Bình Khánh. Để có đủ đất bù
vào Khu tái định cư, rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2, thu hồi đất
của các dự án chậm triển khai, không nhất thiết tại một địa điểm”. Được lời như
cởi… hầu bao, hàng chục hecta đấy giáp ranh Khu quy hoạch lại lên cơn giành giật
nghiệt ngã. Bất ngờ hơn, tháng 12/2005, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua
lại ký quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị
mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 với một nội dung khác hẳn quy hoạch của Chính phủ “diện
tích quy mô khu trung tâm là 737 ha, trong đó Khu đô thị phát triển mới là 657
ha, Khu đô thị chỉnh trang là 80 ha, tổng số dân định cư là 130.000 người...”.
Cái gọi là “khu đô thị chỉnh trang” ấy, mới đây Thanh tra Chính phủ đã xác định
lên đến 144,6 hecta với những sai phạm giao đất không qua đấu giá, giao đất
không đúng với giấy phép kinh doanh; không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch
chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng. Các
dự án thuộc “khu đô thị chỉnh trang” khi triển khai rất nhộn nhạo, có dự án thì
lấn sông, có dự án thì lấp rạch, có dự án thì xây dựng công trình sai quy hoạch,
có dự án thì vượt số tầng, có dự án thì tính toán sai số tiền sử dụng đất…
Hầu hết những
người có trách nhiệm ở chính quyền TPHCM có dính líu đến hành trình biến hoá
khôn lường của Khu đô thị Thủ Thiêm đều đã nghỉ hưu. Thế nhưng, hậu quả của việc
ban hành các văn bản chưa đúng đắn, thực sự còn di hoạ đến hôm nay. Ông Lê Sỹ Bảy-
Vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Về cơ bản thì kết luận của Thanh
tra Chính phủ đã nêu đúng nguyện vọng và nội dung khiếu nại của người dân. Tuy
nhiên, nếu người dân chưa thỏa mãn với các nội dung này có thể khiếu nại, đoàn
thanh tra sẽ báo cáo cấp trên, trình Thủ tướng để chỉ đạo, xử lý theo quy định.
Còn trước mắt, TP HCM phải xử lý cá nhân, tổ chức liên quan các sai phạm. Nếu hết
thời gian quy định thành phố không có động thái gì, chúng tôi sẽ kiểm tra và ra
kết luận sau thanh tra để báo cáo Thủ tướng có các bước xử lý tiếp theo".
Dù muốn dù không
cũng phải thừa nhận, rắc rối ở Khu đô thị Thủ Thiêm là bài học cay đắng cho
công cuộc hiện đại hoá đất nước. Khi một chủ trương tốt đẹp không được giám sát
thường xuyên thì những kẻ cơ hội sẽ lợi dụng cho những mục đích khác nhau. Và
người dân bao giờ cũng phải gánh chịu những hệ luỵ ê chề. Đất đai chưa bao giờ
là lĩnh vực luôn luôn thuận buồm xuôi gió. Một vùng đất được quy hoạch, sẽ kéo
theo nhiều mô hình kinh doanh hội tụ và chia sẻ. Cơ sở hạ tầng được kiện toàn
giúp khung giá bất động sản tăng vùn vụt, cho nên thị trường giao dịch phải được
kiểm soát chặt chẽ. Trước quy hoạch thì mỗi mét đất chỉ 30 ngàn đồng nhưng sau
quy hoạch thì mỗi mét đất lên đến 300 triệu đồng. Khoảng cách thặng dư khủng
khiếp luôn khiến nhiều người mờ mắt trong chuyến tàu giằng cho vật chất đầy nước
mắt. Người dân lương thiện bị gạt ra không thương tiếc, thì đô thị mới không thể
đảm bảo tiêu chí “nghĩa tình”, “hào hiệp” và “đáng sống”.
Từ xưa đến nay,
đất đai vẫn là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhất. Giải quyết rốt ráo những
bất cập của khu đô thị Thủ Thiêm sẽ tạo tiền đề lấy lại sự bình yên cho những
tranh chấp và khiếu nại khác đang xảy ra trên cả nước. Trong cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0, một Chính phủ kiến tạo khi quy hoạch đô thị thì phải quản lý đất
đai dựa trên hai yếu tố cần quan tâm hàng đầu là an dân và an sinh!