Bài thơ tình “Điệu lý qua cầu” được Bế Kiến Quốc viết
trong chuyến đi công tác ở phía Nam năm 1984 tặng một người bạn gái ở Cao Lãnh,
Đồng Tháp. Thế nhưng, khi phổ nhạc thành ca khúc “Tùy hứng lý qua cầu” thì người
ta chỉ biết nhạc và lời của Trần Tiến. Nhà thơ Bế Kiến Quốc cho biết:
“Khi làm bài thơ này, tôi có đọc cho nhạc sĩ Trần Tiến nghe, anh ấy rất
thích, bảo tôi chép cho một bản và nói sẽ từ gợi ý của bài thơ để viết một bài
hát. Nhưng nay mai, nếu tôi in bài thơ đó, rất có thể sẽ có ai đấy nghi ngờ tôi
lấy ý bài hát của Trần Tiến. Chính vì ngại phải giải thích dài dòng mà cho tới
nay tôi cũng chẳng muốn in bài thơ ấy nữa”.
Xung
quanh hai bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Bế Kiến Quốc
NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Cách đây 26 năm, thời tôi còn làm việc ở Báo Văn nghệ,
Hội Nhà văn Việt Nam, tôi chơi khá thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ
Thành Chương. Nhóm anh em chúng tôi được nhà thơ Hữu Thỉnh (lúc ấy là Tổng biên
tập) giao cho làm tờ Đặc san Văn nghệ số ra hàng tháng. Có lẽ trong cuộc đời
làm báo của tôi, đấy là những tháng ngày vô tư, thanh thản và nên thơ nhất. Giờ
Bế Kiến Quốc đã ở cách chúng ta một thế giới. Và tôi kể lại câu chuyện dưới đây
như một sự tưởng nhớ đến người bạn thơ thân thiết đã đi xa nhưng những bài thơ
tình nổi tiếng của anh vẫn còn mãi với thời gian.
Ngày ấy, khi chuẩn bị cho mỗi số Đặc san Văn nghệ
hàng tháng, sau chuyến đi ngoại tỉnh lấy tư liệu viết bài, chúng tôi thường tụ
tập nhiều đêm ở ngôi nhà “dưới hộp, trên sàn” (dưới là nhà bê tông mái bằng,
trên là nhà sàn) của họa sĩ Thành Chương tận dưới Ngõ Quỳnh, Bạch Mai để cùng
nhau biên tập, lên trang số báo sắp in. Thật ra, chuyện làm báo chỉ là phụ,
chúng tôi lấy cớ để đàn đúm, chuyện trò về văn thơ, sáng tạo nghệ thuật và chơi
bời với nhau là chính. Trong nhóm bạn tri kỷ ngày ấy, có hai người làm thơ là Bế
Kiến Quốc và tôi; họa sĩ Thành Chương và Thọ “muối” (nhà văn Nguyễn Văn Thọ) vừa
ở Đức về. Những đêm chúng tôi thức bên nhau, đủ chuyện trên giời dưới bể, chuyện
cuộc đời, chuyện văn chương, chuyện ái tình… rồi chúng tôi thức xem Thành
Chương vẽ tranh.
Có thể nói, trong số bạn bè chúng tôi ngày ấy, về
chuyện đào hoa tình ái thì Thành Chương là số một, là vô địch vì có rất nhiều
em xinh tươi, trẻ trung say mê chàng họa sĩ tài hoa đầu trọc này. Vừa châm điếu
thuốc, vừa cười nụ, Bế Kiến Quốc thân mật bảo tôi: “Nếu mình là con gái, mình
cũng mê thằng Chương vì thằng này nó vừa vẽ đẹp, vừa hót hay, vừa tài giỏi lại
vừa nhiều tiền, vừa biết chiều gái… Hôm trước, bọn mình vừa chứng kiến cảnh
Thành Chương móc túi lấy ra 2 chiếc đồng hồ cực “xịn” tặng luôn 2 người đẹp vừa
quen biết, làm hai em này xúc động trong suốt bữa ăn tại một khách sạn sang trọng
nhất nhì Hà Nội, đúng không! Hôm sau, mình lại tận mắt thấy Thành Chương tặng
hai em này mỗi em một đôi giày da cao cổ bóng loáng của Italia đang là mốt thời
trang, làm cho hai nàng người mẫu này chỉ muốn tranh nhau về “góp gạo thổi cơm
chung” với họa sĩ trọc thôi! Còn anh em mình, móc túi cả ngày không thấy đồng cắc
nào thì suốt đời chỉ là những “nhà lão thành thất bại” trong tình yêu thôi, chú
hiểu không?”.
Đang cắm cúi vẽ, nghe Quốc nói vậy, Thành Chương ngẩng
đầu lên, giương đôi mục kỉnh đít chai tròn xoe, nhìn chòng chọc vào chúng tôi,
giọng đanh đá: “Này, tôi nói cho cánh làm thơ các cậu biết nhá! Tôi có vẽ đẹp đến
cỡ danh họa Lêôna đờ Vanhxy hay Picátxô thì cũng thua mấy thằng thi sĩ các cậu
cả thôi, tôi lấy đâu ra thơ tình để tán gái như các cậu. Không tin cứ hỏi thằng
Quốc này, bài thơ “Bóng đen” nó viết để tán một cô bé cùng trường từ hồi còn học
Đại học Tổng hợp Văn năm 1967 sơ tán ở Bắc Thái, sau này được đưa vào tuyển tập
thơ tình hay nhất thế giới với bút danh của nhà thơ thiên tài người Đức Henrích
Hainơ, thì thử hỏi thằng nào tài năng hơn thằng nào? Tôi có vẽ suốt đời thì người
ta cũng không thể nhầm tranh của tôi với tranh của Picátxô được, còn thằng Bế
Kiến Quốc này viết một bài thơ tán gái thời sinh viên mà họ nhầm ngay là của
thiên tài thi ca Henrich Hainơ ở Đức quốc thì mới đáng tôn vinh chớ!”. Nói
xong, Thành Chương cười hề hề, và Bế Kiến Quốc cũng cười hề hề.
Đầu đuôi nghi án văn chương từ “Bóng đêm” đến “Hoa
huệ” bắt đầu từ bài thơ “Hoa huệ” của Bế Kiến Quốc in trên Báo Người Hà Nội số
ra ngày 1-7-1990 với những câu thơ:
Huệ trắng, bức tường trắng
Sao bóng hoa lại đen
Em đừng nhìn đi đâu nữa em
Anh không biết vì sao, ai có lỗi
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen
Bế Kiến Quốc cho biết, bài thơ tình này anh viết tặng
một người bạn gái cùng học năm thứ hai Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội
khi trường sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên năm 1967. Mối tình trắc trở giữa hai
người và hình ảnh ngọn đèn dầu hắt bóng hoa lên tường thành màu đen đã giúp anh
viết nên bài thơ tình độc đáo trên.
Câu chuyện về bài thơ trên không chỉ dừng ở đó. Sau
khi bài thơ “Hoa huệ” được công bố, tháng 9-1992, tôi tình cờ có trong tay cuốn
Almanach “Người mẹ và phái đẹp” (một cuốn bách khoa thư về phụ nữ) do Nhà xuất
bản Văn hóa ấn hành (nộp lưu chiểu tháng 12-1990). Khi đọc phần tuyển chọn những
bài thơ tình hay của thế giới và Việt Nam, tôi giật mình đọc thấy tên nhà thơ nổi
tiếng thế giới Henrich Hainơ (Đức) ở bài thơ “Bóng đen” với 10 câu thơ sau :
Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen
Em nhìn đi đâu thế em
Ừ, anh biết chúng mình không có lỗi
Nhưng lòng em băn khoăn tự hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen
Có thể nào anh lại không tin
Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Ai hiểu được cuộc đời kỳ lạ lắm
Mà bóng em buồn ngả xuống giữa lòng anh
Phía dưới bài thơ ghi rõ “Rút từ tập Thơ Hainơ - NXB
Văn học 1970”. Tôi giật mình vì sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai bài thơ có
cùng một tứ thơ. Nhưng nhà thơ vĩ đại người Đức Henrich Hainơ đã mất từ lâu rồi,
nên chắc chắn “cụ” ấy không bao giờ đọc thơ Bế Kiến Quốc để có thể bị ảnh hưởng
từ bài thơ của người đã sinh sau cụ, lại đang ở một phương trời khác.
Tôi mang cuốn “Người mẹ và phái đẹp” đến cho Quốc đọc
và chất vấn: “Anh giải thích như thế nào về “Hoa huệ” và “Bóng đen” khi có ý kiến
cho rằng anh đã “thuổng” thơ của Henrich Hainơ?”. Bế Kiến Quốc ngơ ngác, thất
thần nhưng anh cũng đã chỉ rõ bài thơ “Bóng đen” 10 câu in trên cuốn Almanach
“Người mẹ và phái đẹp” mang tên Henrich Hainơ chính là bản thảo đầu tiên gồm 10
câu của bài thơ “Bóng đen” anh viết năm 1967. Chính vì bài thơ có tựa đề u ám
như thế nên không thể nào in được vào thời điểm đó. “Sau này thấy bài thơ “Bóng
đen” có vẻ hơi dàn trải, một vài câu hơi thừa, một vài chỗ chưa ưng ý lắm, nên
tôi đã sửa lại cho cô đọng hơn và đổi tên bài thơ thành “Hoa huệ”. Còn, vì sao
bài thơ “Bóng đen” lại được đưa vào sách và nhầm thành của Henrich Hainơ thì
tôi hoàn toàn không hiểu”, Bế Kiến Quốc băn khoăn.
Để tìm lời giải đáp, người viết bài này đã đến gặp
nhà thơ Lữ Huy Nguyên (lúc ấy là Giám đốc NXB Văn học) để tìm hiểu tập “Thơ
Hainơ” được xuất bản năm 1970. Ông Nguyên và tôi đọc toàn bộ tuyển thơ này, thấy
không có bài thơ “Bóng đen” và hoàn toàn không có một ý thơ, một tứ thơ, một
hình ảnh thơ nào tương tự như thế. Để làm rõ hơn, nhà thơ Bế Kiến Quốc và tôi đến
gặp nhà thơ Quang Huy (lúc đó là Giám đốc NXB Văn hóa - nơi in cuốn “Người mẹ
và phái đẹp”). Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra con đường “sai sót” đưa bài thơ
vào tập sách, vì ở cuối phần chọn thơ có ghi rõ những người tham gia tuyển chọn
có cả “Tập thể sinh viên năm thứ ba, thứ tư Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Như
vậy, bài thơ “Bóng đen” chép tay, lưu truyền trong giới sinh viên đến mức “tam
sao thất bản” nhầm lẫn cả tên tác giả đã được đưa vào một cuốn sách khá nổi tiếng.
Về việc trên, năm 1992, nhà thơ Quang Huy thay mặt
NXB Văn hóa đã xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc, trả nhuận bút bài thơ “Bóng đen”
và hứa khi tái bản lần sau sẽ sửa chữa lại cho đúng. Khi ấy, tôi hỏi vui Bế Kiến
Quốc: “Có nên chúc mừng anh vì bị nhầm thành Hainơ không nhỉ?”, nhà thơ
cười cho rằng: “Nhầm thành ai cũng không thích thú gì! Tôi chỉ cần là chính
mình mà thôi. Nhân tiện xin kể thêm: Hồi trước 1975, một tờ báo tiến bộ trong
đô thị miền Nam đã in bài thơ “Những dòng sông” của tôi để cổ động phong trào
sinh viên yêu nước (bài thơ được trao giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm
1969) dưới tên tác giả Hồng Hà để tránh sự kiểm duyệt. Và, một chuyện khác, bài
thơ “Điệu Lý qua cầu” của tôi (cho tới nay vẫn chưa in sách báo lần nào) đã được
nhạc sĩ Trần Tiến phỏng lời câu thơ để phổ nhạc thành bài hát “Ngẫu hứng Lý qua
cầu”.
Bài thơ tình này Bế Kiến Quốc viết trong chuyến đi
công tác ở phía Nam năm 1984 tặng một người bạn gái ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, có nội
dung sau:
Bằng lòng đi em…
Nhưng má anh đã mất
Mịt mù xa Nam - Bắc khó đưa dâu
Bằng lòng đi em…
Nửa mai rồi cách mặt
Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu
Bằng lòng đi em…
Dẫu chỉ nhờ câu hát
Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau…
Bằng lòng đi em…
Mỗi khi buồn muốn khóc
Một mình anh ca điệu lý qua cầu…
Còn ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến có nội
dung sau: “Bằng lòng đi em về với quê anh/ Một cù lao xanh một dòng sông xanh/
Bằng lòng đi em về với quê anh/ Mình ngồi bên nhau tình tự quê hương/ Bằng lòng
đi em về với quê anh/ Mùa mưa, cầu tre dẫu khó đưa dâu/ Bằng lòng bên anh dưới
mái tranh nghèo/ Về đây người quê chỉ có tấm lòng /Có chiếc xuồng ba lá để đưa
em/ Ôi đóa hoa tím trôi liu riu /Dòng sông nước chảy liu riu /Anh thấy em nhỏ
xíu, nhỏ xíu anh thương/ Ôi những đêm ngắm sông, nhớ em buồn muốn khóc/ Mình
anh ca điệu lý qua cầu…”.
Nhà thơ Bế Kiến Quốc cho biết thêm: “Khi làm
bài thơ này, tôi có đọc cho nhạc sĩ Trần Tiến nghe, anh ấy rất thích, bảo tôi
chép cho một bản và nói sẽ từ gợi ý của bài thơ để viết một bài hát. Nhưng nay
mai, nếu tôi in bài thơ đó, rất có thể sẽ có ai đấy nghi ngờ tôi lấy ý bài hát
của Trần Tiến. Chính vì ngại phải giải thích dài dòng mà cho tới nay tôi cũng
chẳng muốn in bài thơ ấy nữa”.
Bế Kiến Quốc giữ đúng lời nói ấy, trước lúc qua đời
năm 2002, nhà thơ không đưa bài thơ ấy vào trong các tập thơ của mình.