Và dường như chúng ta nghe được đâu đây giọng ca trầm đục của Bob Dylan, người từng đoạt giải Nobel Văn chương: “Ôi tiền hỡi, mi đã không còn thủ thỉ, giờ mi đã học cách hét lên chói tai”. Chúng ta nghe ông và chợt thấy nhói đau khi sức mạnh của đồng tiền vượt quá những giá trị tinh thần truyền thống. Người ta nói chuyện có cầu, có cung; nói chuyện lập phố đèn đỏ để kiểm soát bệnh tật… và thu được thuế; nói chuyện phải công khai hóa tên tuổi các đại gia mua dâm… Tất cả có vẻ đúng nhưng chưa đủ đúng một khi chúng ta còn mặc định rằng nhan sắc là hàng hóa. Đây là kẽ hở khá kín kẽ khi hàng trăm cuộc thi nhan sắc được tổ chức với sự tung hô “tôn vinh vẻ đẹp Việt”.
Năm ngoái Việt Nam tự hào là một trong số ít nước tham gia đủ các cuộc thi nhan sắc danh giá thế giới như Đỗ Mỹ Linh, Miss World 2017 (Hoa hậu Thế giới); Huyền My, Miss Grand International 2017 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế); Thùy Dung, Miss International 2017 (Hoa hậu Quốc tế)… và tất cả đều không thể mon men đến gần các giải thưởng, đành nói như ngôn ngữ bóng đá U.23 “quan trọng là họ đã chiến thắng trong lòng người hâm mộ”. Thật ra, thời gian gần đây, uy tín các cuộc thi sắc đẹp thế giới đã sụt giảm, không còn gây sốt như trước đây. Một vấn đề nữa được nêu ra là liệu các cuộc thi sắc đẹp có mang lại lợi lộc về kinh tế? Đây là câu hỏi được bỏ ngỏ khi nhiều cuộc thi nhan sắc được bày ra chỉ với… mục đích bán vé, chưa tính đến việc một số cuộc thi tầm thế giới đòi hỏi phải đóng tiền tham gia như cuộc thi Miss Supranational của Ba Lan (mới xuất hiện mấy năm gần đây) đòi mỗi thí sinh tham dự phải nộp trước 2.000 eur, hay như cuộc thi được coi là uy tín nhất - Miss World (Hoa hậu Thế giới) thí sinh cũng phải có số tiền lận lưng là 5.500 USD mới có quyền được tham gia. Từ đó có thể thấy cả ta lẫn tây, đồng tiền và nhan sắc gắn chặt với nhau như hình với bóng, có nhan sắc nhưng không có sự hỗ trợ của kim tiền thì cũng không còn chút giá trị “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” và ngược lại. Bởi vậy, mới có chuyện lạ chỉ xảy ra ở Việt Nam: chung kết cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân Việt Nam” diễn ra vào năm 2016 tụ tập được 50 thí sinh tham dự nhưng có tới 33 nữ doanh nhân “ẵm” 33 danh hiệu hoa khôi, á khôi. Đúng là không có việc gì khó… chỉ sợ tiền không nhiều, khi không còn sự công tâm từ ban giám khảo, khi nén bạc đâm toạc tờ giấy. Và cũng dễ hiểu khi cô Ngọc Bích được trao giải “Người đẹp hình thể” trong cuộc thi Nữ hoàng Sắc đẹp Việt Nam năm 2014 đã ngay lập tức vứt ngay vương miện vào sọt rác.
Đó là loạn danh hiệu ao làng khi các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tràn lan, nhiều khi chỉ do các công ty truyền thông tự đứng ra tổ chức để thu phí của thí sinh. Nhiều trường hợp khác chỉ là chuyện trả tiền cho danh hiệu không cần tới nhan sắc “vì có vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn”. Có 2 chuyện muốn kể với các bạn: chuyện thứ nhất là một người bạn từ hãng thông tấn Nga Itar-Tass nhờ xác minh ở Cam Ranh có tổ chức cuộc thi Miss Universe không vì hãng này mới loan tin cô Sanhia Shakira, người đoạt vương miện cuộc thi, mới tử nạn khi chiếc xe chở cô mất lái đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc. Đáng nói cô Shakira, 30 tuổi, có 3 con, đã ly dị. 3 con mà là Hoa hậu Hoàn vũ? Và hỏi kỹ mới rõ đây chỉ là một cuộc thi hoa hậu quý bà do hãng P. tài trợ, chứ không phải tầm cỡ như danh xưng Miss Universe. Chuyện thứ hai gần nhất là một người bạn được mời tham gia hội đồng giám khảo báo chí một cuộc thi hoa hậu về đại dương gì đó, có tới hơn 20 nhà tài trợ. Bạn chỉ phân vân nó có phải là Hoa hậu Đại dương được tổ chức năm ngoái với xì căng đan là hoa hậu giải phẫu từ trong ra ngoài “mất đi vẻ đẹp tự nhiên” như quy định chung của các cuộc thi hoa hậu. Đành an ủi, bạn cứ ngồi ghế nóng vừa có thêm thu nhập vừa được chiêm ngưỡng tạo tác mà ở nhà không thể có được. Bạn sụt sùi cảm ơn và nói chắc cuộc thi này khác vì có thêm sự tham gia của cảnh sát biển “thế là yên tâm”.
Và có phải vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp mà có tình trạng mua bán dâm với cái giá không tưởng với người thu nhập trung bình? Cũng không chắc. Thôi thì cứ 50/50.