Với mục tiêu vì “ông chủ" phục vụ, vì “đồng tiền” dốc sức, không biết từ lúc nào cán bộ, công chức đã trở thành “cái bóng" của tiền tài, danh vọng. Hiện tượng “quan thương câu kết" không một nơi nào là không có. “Quan" nhờ “Thương" mà có của cải vật chất, tiền bạc. “Thương" nhờ “Quan” mà được ưu ái, hưởng những chính sách ưu đãi, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, từ đó mà làm ăn phát đạt, phất lên như diều gặp gió… Khi “quan - thương câu kết” không chỉ gây mất mát tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân mà nghiêm trọng hơn nó sẽ hình thành liên minh “quyền - tiền”, lợi ích nhóm tác động vào quá trình xây dựng pháp luật, chi phối chính sách và quản lý điều hành của Nhà nước, thao túng chính trường, bảo kê cho những thương vụ làm ăn phi pháp.



Tham nhũng trong văn hóa kinh doanh

CÙ TẤT DŨNG

Người dân bức xúc khi chỉ cần sửa chữa nhà cửa với quy mô nhỏ đã thấy ngay các lực lượng chức năng xuống kiểm tra, nhưng nhiều dự án lớn, sai phạm đầy rẫy, chỉ đến khi đưa vào sử dụng mới bị phát hiện và việc xử lý “dây dưa” từ năm này qua năm khác. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, điểm qua cũng thấy vài chục công trình sai phạm mà chính quyền sở tại cũng như các cơ quan chức năng đang “bó tay”. Nhà hàng Hải sản phố nằm đối diện quận ủy Ba Đình vẫn chưa bị tháo dỡ sau buổi ra quân cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm tại dự án cống hóa mương thoát nước. Dự án đất công này bị “xẻ thịt”, cho thuê lại giá rẻ…

Ngân sách Nhà nước mỗi năm thu về từ việc cho thuê một số tiền cực kỳ nhỏ, số chênh lệch từ việc kinh doanh này, ai sẽ là người được hưởng lợi? Còn công trình nhà 8B Lê Trực tự ý phình to, vừa vươn cao để có thêm 6.000m2 sàn sử dụng so với giấy phép, giá 1m2 sàn ở đây có giá cả trăm triệu đồng, vì thế đã không biết bao cuộc họp, rồi thông báo, chỉ đạo từ quận, thành phố lên tới tận Chính phủ mà mấy năm nay công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm… Câu chuyện doanh nghiệp làm liều, “tiền trảm, hậu tấu” là căn bệnh trầm kha cho đến nay vẫn chưa có những liều thuốc đặc trị.
Đất nước mở cửa hội nhập, kinh tế và xã hội phát triển không ngừng, đặc biệt là các hoạt động đầu tư của các ngành nghề, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty ra đời kéo theo sự “qua lại mật thiết" giữa cán bộ, công chức với những ông chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn để sau đó nhận lại sự cảm ơn, lại quả hình thành những nhóm lợi ích. Với mục tiêu vì “ông chủ" phục vụ, vì “đồng tiền” dốc sức, không biết từ lúc nào cán bộ, công chức đã trở thành “cái bóng" của tiền tài, danh vọng. Hiện tượng “quan thương câu kết" không một nơi nào là không có. “Quan" nhờ “Thương" mà có của cải vật chất, tiền bạc. “Thương" nhờ “Quan” mà được ưu ái, hưởng những chính sách ưu đãi, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, từ đó mà làm ăn phát đạt, phất lên như diều gặp gió.
Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi là pháp luật của chúng ta nói chung và pháp luật về đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều sơ hở, bất cập đã tạo điều kiện cho những người thực hiện dễ dàng điều chỉnh quy hoạch, do vậy mới có chuyện cho thuê đất công bừa bãi để trục lợi, quy hoạch bẻ theo dự án, chủ đích của chủ đầu tư xây dựng sai phép, không phép mới đưa đến lợi nhuận tối đa, rồi trích một phần của lợi nhuận đủ để “sửa sai” cho việc làm liều là mọi chuyện sẽ êm xuôi. Khi bị phát hiện sai phạm thì các cơ quan chức năng xử lý theo kiểu “đánh chó, ngó mặt chủ”.
Mặt khác, việc xử phạt vi phạm về đất đai, xây dựng mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính rồi cho tồn tại, hoặc yêu cầu điều chỉnh, uốn nắn, bổ sung cho phù hợp quy trình, cho nên không có tính răn đe, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt nếu phần vi phạm đem lại lợi ích nhiều hơn phần xử phạt.
Thực tế cho thấy, lực lượng thanh tra, kiểm tra làm việc chưa thật hiệu quả và như vậy chúng ta không thể xóa được tham nhũng trong một nền văn hóa kinh doanh dựa vào mối quan hệ. Điều đó có nghĩa là các công ty, doanh nghiệp có thể đã học được cách chung sống với tham nhũng đến độ họ không còn cảm thấy tham nhũng là một điều bất cập lớn đối với hoạt động kinh doanh của họ mà ngược lại còn đem lại ưu thế và lợi nhuận cao hơn.
Khi “quan - thương câu kết” không chỉ gây mất mát tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân mà nghiêm trọng hơn nó sẽ hình thành liên minh “quyền - tiền”, lợi ích nhóm tác động vào quá trình xây dựng pháp luật, chi phối chính sách và quản lý điều hành của Nhà nước, thao túng chính trường, bảo kê cho những thương vụ làm ăn phi pháp. Những việc làm này càng ngày, càng gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội, gây mất lòng tin vào đường lối chính sách của Đảng cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền và hoạt động của nền kinh tế quốc dân.
Phải giải quyết bài toán lợi ích nhóm ngay từ khi làm chính sách và trong suốt quá trình quản lý, điều hành nền kinh tế. Phải kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức đã ra quyết định hay trực tiếp thực hiện những chủ trương, biện pháp sai lầm, tạo ra tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Những sai phạm khó có thể tiếp tục nếu những phản ánh của công luận, của báo chí và nhân dân được công khai xử lý nghiêm minh, với phương châm "Quân pháp bất vị thân" chắc chắn sẽ có tác dụng tăng cường lòng tin và có tác dụng răn đe mạnh mẽ... Những vụ án lớn liên quan đến những cán bộ cấp cao thời gian qua đã cho thấy cái giá phải trả là không nhỏ cho việc thiếu tính minh bạch và công khai trong xã hội.

Nguồn: Văn Nghệ Công An